Bạch Mã Hoàng Tử, Chàng Ở Đâu?

Chương 18


Chương trước

Tôi vẫn nhìn anh ta, tôi mỉm cười ngờ nghệch và miệng không thốt lên bất cứ lời nào.

- Ariane này, anh phải nói với em, anh vẫn thường xuyên nghĩ về em. Anh muốn gọi cho em, nhưng anh biết em đã lấy chồng nên anh lại không dám nữa... Tối nay đi ăn với anh nhé.

Tôi thấy rất, rất, rất đau bụng.

- Em không nghĩ đó là ý hay đâu.

- Anh biết em nghĩ gì. Chỉ là một bữa tối thôi. Lúc thấy em sáng nay, anh biết ngay rằng đó không phải do...

- Sáng nay á?

Anh ta ngừng lời, có vẻ hơi bối rối một chút rồi lại bình tĩnh ngay được.

- Ừ, sáng nay. Em bước vào một quán Starbucks uống cà phê, anh ngồi trong góc phòng và dõi theo em.

- Anh dõi theo em từ sáng nay á?

- Ừ.

- Nhưng vì lẽ gì chứ?

- Lúc đầu thì anh không biết. Anh thấy em đi một mình nên dõi theo em. Rồi em gặp bạn gái em, anh vẫn tiếp tục dõi theo. Anh cũng đến quán Pastis, vẫn không thấy chồng em đâu, nên anh vào quán ngồi ở quầy bar và quyết định chờ đến lúc chỉ còn mình em.

- Chồng em đang ở Paris.

- Anh cũng nghĩ vậy.

Vẫn nụ cười mỉm phóng khoáng ấy.

Vài giờ trước đây, trong bữa sáng kiêm bữa trưa, Nasreen còn phàn nàn là chưa bao giờ biết nên chờ đợi điều gì từ gã bạn trai cuối cùng của mình và tôi còn trả lời cậu ấy: “Khi ta không biết sẽ đi về đâu trong một mối quan hệ, thì chỉ cần hỏi người kia xem anh ta muốn gì là đủ. Quan trọng là không được sợ câu trả lời.”

- Thomas, anh muốn gì?

- Chỉ muốn ăn tối với em.

Tôi đã quên mất rằng “người kia” luôn trả lời thiếu thẳng thắn. Nên trước câu trả lời này, tôi vẫn đắn đo: tôi không sẵn sàng cho một lời tỏ tình nồng cháy nhưng cũng chưa sẵn sàng cho một lời thề thốt bạn bè.

Anh ta thấy tôi ngần ngừ nên quyết định thay tôi.

- Tám giờ nhé, tại quán Velvet Bistro. Trên phố 67, gần đại lộ 3.

Anh ta quay gót và đi xa, không đợi tôi lên tiếng trả lời.

Mất bốn tiếng để tìm lại những cảm xúc của mình, thứ hạnh phúc trứ danh tiên đoán được mọi việc rất quý giá đối với Justine, mất bốn tiếng để cảm thấy mình đang sống.

Và cảm giác tội lỗi đè nặng.

Bốn tiếng địa ngục.

Bốn tiếng tính cả một tiếng nói chuyện điện thoại với Justine, đầu tiên rất hăng hái, rồi nhanh chóng nhàm chán dần.

- Velvet Bistro ấy hả? Ừ, dĩ nhiên là tớ biết rồi. Chỗ đó rất... chà chà chà! Ánh sáng dịu nhẹ, tràng kỷ lớn bọc nhung, cực kỳ dễ chịu, cực kỳ riêng tư... Anh ta biết mình đang làm gì. Có một quầy bar rộng, người ta chơi world music trong góc phòng và khi buổi tối kết thúc tất cả sẽ cùng khiêu vũ. Cậu nghe này, tớ phải nói với cậu: tớ phản đối chuyện ngoại tình.

- Nhưng tớ cũng thế mà Justine!

- Thế nhưng tớ cũng chưa có dịp thử bao giờ. Nên nói nghiêm túc thì cậu cứ làm những gì cậu muốn.

Tiếc thật, nếu ai đó quyết định được thay tôi thì dễ biết mấy. Mà Vincent lại không gọi điện nữa chứ. May thay, hẳn tôi vẫn còn chút gì đó quyến rũ. Thật đau lòng.

19h45.

Tôi hỏi bác Elena:

- Cháu phải làm gì đây, cháu có nên đi không?

- Nhìn cách cháu diện đồ thì rõ ràng là cháu sẽ đi, bác vừa nói vừa mỉm cười.

Năm phút sau, tôi lên đường đi xuống đại lộ 3 với vẻ dứt khoát. Tôi thích đi bộ, đó là thứ tự do duy nhất còn ở lại với tôi. Tôi cần phải đến đó, nếu không tôi sẽ chẳng bao giờ biết được.

Phố 85, còn mười lăm phút nữa là tôi sẽ có mặt.

Rồi sao chứ?

Phố 79, tôi tự hỏi liệu anh ta có đến đúng giờ hẹn không.

Ồ vâng, dĩ nhiên là hôm nay anh ta sẽ đúng giờ.

Hôm nay thì vậy. Nhưng còn ngày mai?

Phố 72, những khối nhà dần hiện ra, tôi mỗi lúc một nóng lòng.

Đúng ra thì tôi tìm kiếm gì nào?

Kỷ niệm về những ngày tháng đã qua lần lượt hiện về, hòa quyện vào những con phố nơi tôi đang bước vội qua, khiến cảm giác đang ngồi trên một chuyến tàu lượn siêu tốc của tôi càng thêm mãnh liệt. Tôi như hụt hơi.

Tôi lại nghĩ đến những gì bác Elena mới nói, lúc nhìn tôi ra khỏi nhà:

- Cháu yêu ạ, với bác, điều quan trọng hơn cả là cháu được hạnh phúc.

Tôi bước chậm lại, cảm giác chắc chắn mình đang bước về quá khứ bỗng nảy sinh trong tôi.

Phố 67.

Tôi quay trở lại.

Khi tôi về đến nhà bác Elena, có vẻ như bác đang đợi tôi và không hỏi bất cứ câu nào liên quan tới chuyện tôi về sớm.

- Cháu phải gọi lại cho Vincent đi, chuyện gấp đấy.

Chuông điện thoại mới đổ một hồi mà anh ấy đã nhấc máy.

- Chuyện gì vậy anh?

- Ambre, cô ấy đã uống thuốc ngủ tự vẫn, giờ cô ấy đang ở bệnh viện, bác sĩ không biết liệu cô ấy có qua cơn hiểm nghèo không.

Tôi đứng chết lặng, rồi nhận ra mình chỉ còn một việc duy nhất cần làm.

Còn một chỗ trống trên chuyến bay lúc 22h, cơ hội cho tôi về nhà kịp lúc, bác Elena giúp tôi chuẩn bị hành lý.

- Bò hay gà ạ?

- ... Gà.

Tôi cũng không biết tại sao mình lại trả lời, bởi tôi đâu có đói.

Tôi nhìn những chiếc cốc nhỏ bằng nhựa được xếp khéo léo trên chiếc khay nhỏ. Cuộc sống của tôi cũng hệt như chiếc khay này. Mỗi cái cốc tượng trưng cho một mặt của cuộc sống ấy: Vincent, gia đình, bạn bè, công việc...

Trong lúc thờ ơ quan sát những món ăn đang chờ tôi xơi, tôi tự hỏi mình còn phải chịu đựng bữa ăn hàng ngày mà mình tự áp đặt cho mình bao lâu nữa.

Tất cả những người tôi yêu mến ấy, và cảm giác đã không lựa chọn gì.

Tôi trả lại cái khay cho cô tiếp viên hàng không.

Sân bay Roissy sáng thứ Hai thật náo nhiệt.

Một phụ nữ nẫng tay trên cái xe chở đồ tôi đã lấy trong lúc tôi mải kéo va li ra khỏi băng chuyền, rõ là chị ta rất hung hăng nên tôi thà im lặng mà tìm một cái xe chở đồ khác còn hơn. Miễn là không có quá nhiều người đứng đợi taxi.

Dù sao trước khi ra khỏi sảnh sân bay, tôi cũng đoán rằng thời tiết hẳn là mát mẻ còn mọi người chắc rất sốt ruột bực bội; tôi đã về tới nhà.

Rồi tôi nhìn thấy anh ấy, ở tít phía cuối.

Vincent đang đợi tôi, Vincent đã không đến văn phòng ở Luân Đôn, Vincent nhìn thấy tôi và mở rộng vòng tay đón tôi. Tôi đã ở nhà mình.

Vincent, người thật dễ khiển trách vì sự thiếu tham vọng của tôi.

Các bạn gái thân mến,

Tôi đề tặng bức thư này cho cô bạn Ariane của tôi, người mà trong tưởng tượng đã giành được vị trí đặc biệt đối với những phụ nữ luôn sầu não vì có đôi bàn chân xấu xí nhưng lại dám trưng chúng ra cho cả thế giới chiêm ngưỡng.

Xin nhắc các bạn điều nho nhỏ này, mùa hè sắp đến rồi đấy...

Justine

Các bạn hãy nhấc chân phải lên và nhắc lại theo tôi:

“Với tư cách là thành viên của hiệp hội các cô gái xinh đẹp, tôi mong muốn tuân thủ các quy tắc sau đây mỗi lần đi xăng đan:

Tôi sẽ luôn đi xăng đan đúng cỡ chân mình. Các ngón chân tôi sẽ không thò ra tới mức chạm đất còn gót chân tôi sẽ không chờm về phía sau. Sẽ không có chút thịt thừa nào cộm lên giữa hai quai.

Tôi sẽ không đi xăng đan bóng, hoặc nếu đi thì hứa sẽ giữ cho chúng vẹn nguyên không một vết trầy xước dù là nhỏ nhất.

Tôi sẽ không gian lận bằng cách chỉ sơn sửa đúng ngón cái.

Tôi sẽ mài nhẵn từng đám da nhỏ để chúng khỏi trở nên vàng ệch và cứng đờ.

Nếu cần thiết, tôi sẽ nhổ lông ngón chân cái của tôi.

Tôi sẽ không đi tất da chân ngay cả khi cô bạn gái thân nhất (kém cập nhật thông tin) của tôi động viên tôi rằng đường may sẽ không bị lộ nếu tôi kẹp chặt nó dưới các ngón chân.

Nếu một quai bị đứt, tôi sẽ không dán lại kể cả là bằng keo siêu dính. Tôi sẽ mang chiếc xăng đan đó đi sửa hoặc tôi sẽ vứt cả đôi đi.

Tôi sẽ không mua những chiếc xăng đan “con cua” hay những chiếc xăng đan bằng nhựa khác, dù chân tôi có nhỏ tới mức đi vừa các mẫu dành cho trẻ em, dù giá những chiếc xăng đan ấy chưa đến mười đô la.

Tôi phải cân nhắc kỹ sự an toàn cho mình và cho người khác. Chẳng ai thoải mái đi bộ nổi trong một cái thùng nhầy nhụa mồ hôi, mà nếu làm vậy, tôi có nguy cơ kéo người khác ngã theo mình.

Tôi sẽ tháo chiếc nhẫn đeo ở ngón chân nếu cuối ngày cái nóng khiến các ngón chân tôi phồng lên tới mức nom giống những cái xúc xích nhỏ.

Tôi sẽ cực kỳ trung thực với đồng nghiệp của tôi khi cô ấy hỏi tôi liệu chân cô ấy có quá xấu để không đi nổi xăng đan không. Phải có ai đó nói với cô ấy rằng ngón chân cô ấy dài chẳng kém gì ngón tay và hình ảnh đó thực sự rất đáng sợ.

Tôi sẽ không quên rằng anh bạn tôi, Tiến sĩ Scholl cùng các sản phẩm của anh ấy, có mặt ở đây là để đôi chân tôi được nghỉ ngơi và thoát khỏi cái đón gót dùng tại nhà.”

Tôi cảm ơn Justine vì cô luôn biết cách làm tôi mỉm cười, rồi tôi nhìn xuống bó thư mà chúng tôi tìm được ở nhà Ambre.

“Đây đúng là một lời kêu cứu”, bác sĩ bảo tôi. “Phải trông chừng cô ấy cẩn thận!”.

Dĩ nhiên chúng tôi sẽ trông chừng cô ấy; tôi có cảm giác ông bác sĩ đang phát xét tôi, tôi muốn nói với ông ta rằng tôi vẫn luôn ở đó...

Bằng chứng là không phải vậy.

Tôi lấy lá thư cuối cùng ra, tôi đã đọc nó ít nhất là một trăm lần, nhưng tôi không thể ngăn nổi mình đọc thêm lần nữa, như thể tôi bị nỗi đau đớn bàng hoàng mà cô ấy mang lại hớp hồn. Cảm giác tệ hại về lãng phí và vô dụng khiến tôi mơ hồ nhớ lại những hình ảnh hỗn độn về những kỳ nghỉ dưới mưa, những buổi lễ bị mẹ tôi làm hỏng, và cái biển chỉ đường chưa viết xong này, cái biển được đặt trên một con đường nơi tôi từng lạc lối.

Ariane,

Đang là tối thứ Sáu.

Trời rất đẹp, tớ vừa đi uống cà phê với Julien bên sân hiên nhà hát lớn. Đang lặng thinh ngồi nghe cậu ấy kể về những chuyến du lịch của cậu ấy thì đột nhiên tớ trông thấy cô ta. Một cô gái bước ra từ cửa hàng một giá. Trong chiếc túi nhựa trong suốt cô ta mang có chiếc pizza suất một người ăn, một gói bánh ga tô, một lon coca không đường.

Thật ngốc phải không, chỉ là một cái túi đi chợ, nhưng cảnh tượng cô đơn của cô ta khiến tớ trầm uất. Tớ từng rất sợ bị giống như cô ta, rồi tớ nhận ra rằng tớ đã giống cô ta từ lâu rồi.

Tớ chẳng có gì để nói với Julien cả, cậu ấy có hẹn đi ăn tối, tớ mua đồ ăn cho hai người rồi về nhà. Tớ gọi điện cho nhiều bạn bè nhưng không ai rảnh cả.

Tớ lại nghĩ đến Igor, gã trai duy nhất mà khi ở bên cạnh tớ tin mình được là chính mình. Tớ vẫn luôn nói rằng bọn tớ thật hạnh phúc, và tớ không hiểu vì sao bọn tớ chia tay; nhưng rốt cuộc tớ chỉ toàn nói câu “em yêu anh” hòng ngụy trang cho nỗi cô đơn trong tớ. Thật ghê sợ khi phải chạm vào nhau mà nhận ra là ngay bàn tay mình cũng chẳng còn chút thân tình nào nữa. Lẽ ra tớ phải bất chấp sự thật ấy, nhưng tớ cũng không biết nữa. Tớ bám chặt lấy ân huệ của anh ta, rồi ân huệ của những người khác, và tớ ghét con người mà tớ đã trở thành.

Hồi còn nhỏ, có lần tớ nghe thấy người ta nói rằng sống là nhận và cho, nhưng tớ chẳng cho mà cũng chẳng nhận.

Tháng ngày đời tớ càng lúc càng giống những khoảnh khắc nhận thức nặng nề giữa những đêm bất ổn.

Rõ ràng tất cả thật lộn xộn, tớ tìm cách diễn đạt với cậu điều mà tớ cảm thấy nhưng tớ không thể. Ngôn từ còn có thời gian chứ tớ thì không. Không có thời gian chờ xem điều gì sắp xảy ra nữa.

Rốt cuộc ngày mai mọi chuyện sẽ ổn hơn, và tớ sẽ quên đi tất cả.

Ambre



Tôi ngồi lặng thinh.

Cần phải có điều gì đó xảy ra.

Tôi cần phải hành động.



Sau Căn phòng Tra tấn và Căn phòng Quên lãng là Căn phòng Tri ân:

Dành tặng Olivier: vì đã tặng cho tôi tự do.

Dành tặng Jérôme: vì tất cả. Và vân vân.

Dành tặng Jacqueline: vì luôn là chính mình.

Dành tặng tất cả những ai, bất kể thế nào,

cũng đã xuất hiện trong cuốn sách này.



Bình luận
Sắp xếp
    Loading...