Bác Sĩ Zhivago
Chương 84
Một bà vợ giáo sư quen biết Tonia có dạy nàng cách hấp bánh mì ở ngăn dưới của lò sưởi. Số bánh dư sẽ đem bán, lấy tiền bù cho khoản chi phí sử dụng lò sưởi, "như ngày xưa" người ta vẫn làm. Việc đó sẽ tránh cho ta khỏi phải dùng loại bếp lò vừa khói mù khói mịt, vừa không tạo đủ hơi ấm để sưởi, vừa chóng nguội.
Tonia hấp bánh rất ngon, nhưng "chương trình thương mại" chẳng ăn thua gì. Rối cuộc đành từ bỏ các kế hoạch viển vông đó và lại quay về với cái bếp lò nhỏ. Đời sống của gia đình Zhivago rất chật vật…
Một buổi sáng, bác sĩ Zhivago đi làm như thường lệ. Nhà chỉ còn có mỗi hai thanh củi, Tonia mặc chiếc áo lông, dạo này nàng yếu đi nhiều, nên tuy mặc áo lông mà nàng vẫn rét run kể cả những ngày ấm trời, và ra phố "tìm nguồn tiếp tế".
Nàng đi lang thang nửa giờ trong các phố lân cận nơi thỉnh thoảng có những người nhà quê ở vùng ngoại ô Moskva mang rau và khoai tây ra bán. Tìm được họ không dễ, vì nông dân đem thực phẩm đi bán sẽ bị bắt giữ.
Cuối cùng nàng cũng tìm được hàng. Một anh chàng lực lưỡng, mặc chiếc áo acmăc đi theo Tonia, đẩy một chiếc xe trượt tuyết trông nhẹ như đồ chơi, cẩn thận ngó trước ngó sau rồi theo nàng quành ra góc phố, vào tận trong sân nhà nàng.
Trong hòm xe bằng gỗ đoạn, có tấm vải gai che kín một đám củi bạch dương. Các thanh củi này không lớn gì hơn những thanh lan có thể ở các trang trại kiểu cổ mà người ta thường thấy trên những tấm hình chụp từ thế kỷ trước. Tonia biết giá trị của các thanh củi ấy: tiếng là gỗ bạch dương thật đấy, nhưng đám củi này thuộc loại tồi nhất, lại còn tươi nguyên, dùng nhóm lò ngay không ổn. Tuy nhiên, chẳng còn gì khác để mà chọn lựa, suy tính thiệt hơn.
Anh chàng nhà quê ấy ôm năm, sáu chuyến thì hết số củi lên tầng trên vào đổi lại anh ta lễ mễ vác chiếc tủ gương nho nhỏ của Tonia, xếp lên xe chở về làm quà cho cô vợ trẻ. Trong lúc thoả thuận về giá cả số khoai anh ta sẽ mang ta kỳ tới, anh ta cứ nhìn chằm chằm vào chiếc dương cầm kê cạnh cửa.
Lúc Zhivago về, chàng không có ý kiến gì về khoản đổi chác của vợ. Giá đem cái tủ gương kia chẻ ra làm củi còn có lợi và hợp lý hơn, nhưng hai vợ chồng không đang tâm làm như thế.
- Có mảnh giấy ở trên bàn, anh đọc chưa? - Tonia hỏi.
- Của ông giám đốc bệnh viện phải không? Anh biết rồi, người ta đã nói với anh. Họ mời anh đi thăm một phụ nữ bị bệnh. Nhất định anh sẽ đi, nhưng để anh nghỉ một lát đã.
- Cũng khá xa kia đấy mãi tận cổng Khải Hoàn. Anh có địa chỉ rồi.
- Họ đề nghị trả công bác sĩ đến là lạ. Anh đọc chưa? Anh cứ đọc thì biết. Họ sẽ trả một chai cônhắc của Đức hoặc một đôi bít- tất phụ nữ, cho việc thăm bệnh. Tưởng báu bở lắm! Họ là hạng người nào nhỉ? Thật là khiếm nhã và chẳng hiểu gì về cuộc sống hiện tại. Chắc là đám buôn lậu mới phất lên.
- Đúng, chắc là dân cung ứng.
Cùng với các chủ xí nghiệp tô nhượng, các đại lý, "nhà cung ứng" là tên gọi những nhà kinh doanh nhỏ theo kiểu tư nhân. Chính phủ đã cấm tư nhân buôn bán, nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn gay gắt, Nhà nước có phần nới lỏng cho họ bằng cách ký hợp đồng để họ cung ứng các mặt hàng khác nhau.
Trong số họ, không có các chủ hãng hoặc chủ nhà máy cỡ lớn đã bị phế truất. Sau cú đòn trời giáng, các vị này đã không còn khả năng ngóc đầu ngóc cổ lên được nữa. Nhà cung ứng bao gồm những nhà kinh doanh làm ăn có tính chất nhất thời, những kẻ từ dưới đáy xã hội phất lên nhờ chiến tranh và cách mạng, những dân mới vào nghề, không rõ nguồn gốc xuất thân.
Zhivago uống một ly nước nóng pha chút sữa với đường hoá học, rồi đi thăm bệnh nhân nọ.
Vỉa hè và đưởng phố ngập dưới một lớp tuyết dày, phủ kín toàn bộ mặt đường từ dãy nhà nọ sang dãy nhà kia. Có chỗ tuyết ngập lên tới ngang cửa sổ các tầng trệt. Trên mặt đất mênh mông ấy, có những bóng người vất vưởng âm thầm đang vác trên vai hoặc kéo trên xe trượt một ít lương thực thực phẩm gì đó. Hầu như không gặp một chiếc xe ngựa nào.
Đây đó trên mặt tiền một vài ngôi nhà vẫn còn treo các biển hàng cũ. Đằng sau các tấm biển ấy, những tấm biển nay không còn phù hợp với nội dung quảng cáo của chúng, là các hợp tác xã,, các hãng tiêu thụ đóng cửa im lìm, với những dãy cửa sổ giăng lưới sắt hoặc bịt kín, bên trong rỗng tuếch.
Các nơi ấy đóng cửa chẳng những vì không có hàng hoá, mà còn vì công cuộc sắp xếp lại mọi mặt đời sống, trong đó việc buôn bán, mới chỉ được thực hiện trên những nét lớn, chứ chưa động chạm tới các đơn vị riêng biệt, nhỏ bé như các thứ hợp tác xã tiêu thụ này.