Anne Tóc Đỏ Và Ngôi Nhà Mơ Ước

Chương 35: Chính trị ở bốn làn gió


Chương trước Chương tiếp

Khi Anne lại xuống được nhà dưới, hòn đảo, cũng như toàn cõi Canada, đang vật lộn với một chiến dịch tiền tổng tuyển cử. Gilbert, vốn là một người theo đảng Bảo thủ nhiệt thành, thấy mình bị cuốn vào cơn lốc, hết sức được mời gọi đến phát biểu ý kiến trong các cuộc hội họp khác nhau cấp hạt. Cô Cornelia không tán thành việc anh dính dáng vào chính trị và nói với Anne như vậy.

“Bác sĩ Dave không bao giờ làm chuyện đó. Bác sĩ Blythe sẽ thấy mình đang phạm sai lầm, tin ta đi. Chính trị là một thứ mà không người đàn ông đàng hoàng nào nên xen vào.”

“Vậy phải chăng việc cầm quyền một quốc gia chỉ nên để lại hoàn toàn cho bọn cặn bã thôi ư?” Anne hỏi.

“Đúng… miễn đấy là một đám cặn bã Bảo thủ,” cô Cornelia nói, bước đi với bộ huân chương chiến trận của mình. “Đàn ông với chính trị gia đều bị dính hắc ín từ cùng một chổi. Đám Cấp tiến dính dày hơn đám Bảo thủ, thế thôi… dày hơn kha khá. Nhưng mà dù là Cấp tiến hay Bảo thủ, lời khuyên của ta đối với bác sĩ Blythe là tránh xa chính trị. Chẳng mấy chốc, anh chàng lại tự mình ra tranh cử cho mà xem, rồi bỏ đi Ottawa suốt nửa năm và để nghề bác sĩ của mình cho chó gặm.”

“À, thôi, chúng ta đừng vay mượn rắc rối làm gì,” Anne nói. “Lãi suất cao quá. Thay vào đó, cứ nhìn bé Jem mà xem. Đáng lẽ phải ghi thành Gem[1] mới đúng. Thằng bé chẳng đáng yêu một cách hoàn hảo sao? Nhìn những cái lúm trên khuỷu tay nó kìa. Chúng ta sẽ nuôi dạy nó trở thành một thành viên Bảo thủ tốt, cháu và cô, cô Cornelia ạ.”

[1] Viên ngọc.

“Hãy nuôi nó thành một người đàn ông tốt ấy,” cô Cornelia nói. “Loại đó hiếm và quý lắm; mặc dù, cháu nên nhớ, ta không muốn thấy nó thành một đứa Cấp tiến đâu. Còn về cuộc bầu cử, cô cháu ta nên lấy làm mừng là mình không sống bên kia cảng. Không khí bên đó mấy bữa nay sặc sụa màu xanh. Mỗi tên Elliott và Crawford và MacAllister đều đang trên đường chinh chiến, nai nịt sẵn sàng. Phía này yên tĩnh và thanh bình, vì có quá ít đàn ông. Thuyền trưởng Jim theo Cấp tiến, nhưng theo ý ta thì ông ấy xấu hổ về chuyện đó, vì ông ấy chẳng bao giờ nói chuyện chính trị. Không có một chút nghi ngờ nào trên đời này rằng đảng Bảo thủ sẽ được đưa lên lại với đại đa số phiếu.”

Cô Cornelia đã lầm. Vào cái ngày sau cuộc bầu cử thuyền trưởng Jim ghé qua thăm căn nhà nhỏ để báo tin. Con vi trùng chính trị đảng phái quá độc địa, ngay cả bên trong một ông già hiền hòa, đến nỗi má thuyền trưởng Jim ửng đỏ và mắt ông rực sáng vì toàn bộ nhiệt huyết thời xưa cũ của mình.

“Cháu Blythe ạ, đảng Tự do đã lên với đại đa số phiếu. Sau mười tám năm trời bị cầm quyền lệch lạc của Đảng Bảo thủ, cái đất nước bị chà đạp này cuối cùng cũng sắp có một cơ hội.”

“Cháu chưa bao giờ nghe ông thốt ra một câu nói mang đậm tính bè phái cay đắng đến thế, thuyền trưởng Jim ạ. Cháu không nghĩ ông có nhiều ‘nọc’ chính trị đến thế trong người đâu,” Anne cười lớn, nhưng chẳng mấy hào hứng về những tin tức kiểu đó. Bé Jem sáng hôm đó vừa nói “Au ga”. Nguyên tắc và quyền lực là gì, sự trỗi dậy và suy tàn của những đế chế là gì, sự sụp đổ của Bảo thủ hay Cấp tiến là gì, so với sự xuất hiện diệu kỳ đó kia chứ?

“Mọi thứ đã tích tụ từ lâu rồi,” thuyền trưởng Jim nói, với một nụ cười phản kháng. “Ta nghĩ ta chỉ là một thành viên Cấp tiến trung bình thôi, nhưng khi nghe tin chúng ta đã lên cầm quyền ta mới nhận ra ta thực sự Cấp tiến đến cỡ nào.”

“Ông biết anh bác sĩ và cháu theo Bảo thủ mà.”

“À, ừ, đấy là điều dở duy nhất ta biết về hai đứa cháu, cháu Blythe ạ. Cornelia cũng Bảo thủ. Ta có ghé qua trên đường từ Glen xuống để báo tin cho cô ấy.”

“Ông có biết ông làm thế là tay không vào hang cọp không?”

“Có, nhưng ta không cưỡng được.”

“Cô ấy đón nhận chuyện đó ra sao ạ?”

“Tương đối bình tĩnh, cháu Blythe ạ, tương đối bình tĩnh. Cô ấy nói, cô ấy nói là, ‘À, Chúa gửi những mùa ô nhục xuống một đất nước, cũng như với từng con người vậy. Đám Cấp tiến các chú đã đói lạnh nhiều năm rồi. Liệu liệu mà ăn no mặc ấm đi, vì các người không ngồi đấy được lâu đâu.’ ‘Nào Cornelia,’ ta nói, ‘có khi Chúa nghĩ Canada cần một đợt ô nhục dài dài đấy.’ A, Susan, cô đã nghe tin chưa? Đảng Tự do lên rồi đấy.”

Bà Susan vừa từ bếp vào, đi kèm mùi thức ăn thơm lừng dường như lúc nào cũng lẩn quất quanh bà.

“À, vậy hả?” bà nói, với vẻ vô tâm đẹp đẽ. “À, cháu chẳng bao giờ thấy gì ngoài chuyện bánh mì cháu nướng vẫn nở dù đảng Tự do lên hay xuống. Và nếu có cái đảng nào, cô bác sĩ thân mến, làm trời mưa trước khi hết tuần, và cứu mảnh vườn bếp của chúng ta khỏi mất trắng, Susan sẽ bầu cho đảng ấy. Trong khi ấy, cô làm ơn bước ra cho tôi ý kiến về món thịt cho bữa tối được không? Tôi đang sợ rằng nó dai quá, và tôi nghĩ chúng ta nên thay cả ông bán thịt lẫn chính quyền.”

Một buổi chiều một tuần sau đó, Anne đi bộ xuống mũi đất, để xem liệu có xin được ít cá tươi từ thuyền trưởng Jim không, đây là lần đầu tiên cô rời bé Jem. Thật là một bi kịch. Lỡ thằng bé khóc thì sao? Lỡ bà Susan không biết chính xác phải làm gì với nó thì sao? Bà Susan thì bình tĩnh và nghiêm trang.

“Tôi cũng có nhiều kinh nghiệm với thằng bé như cô vậy, có đúng không nào cô bác sĩ thân mến?”

“Vâng, với nó… nhưng không phải với những đứa bé khác. Chao ôi, cháu đã chăm sóc ba cặp song sinh hồi cháu còn nhỏ, cô Susan à. Khi chúng khóc, cháu cho chúng ngậm bạc hà với dầu thầu dầu rất tỉnh bơ. Thật lạ lùng khi nhớ lại cách cháu đối xử thật thoải mái với mấy đứa nhỏ đó và những trò mè nheo của bọn nó.”

“Ôi, nếu bé Jem mà khóc, tôi chỉ cần đắp khăn nước nóng lên cái bụng nhỏ xíu của nó là xong,” bà Susan nói.

“Đừng quá nóng nhé, cô biết đấy,” Anne hồi hộp nói. Ôi, có thực sự khôn ngoan khi bỏ đi không đây?

“Cô đừng có lo, cô bác sĩ ơi. Susan không phải loại đàn bà làm bỏng một đứa trẻ con đâu mà. Chúa phù hộ thằng bé, nó chả biết khóc là gì.”

Cuối cùng Anne cũng bứt mình ra đi và vẫn tận hưởng được chuyến đi bộ của mình đến mũi đất, qua những chiếc bóng dài của hoàng hôn. Thuyền trưởng Jim không có trong phòng khách của ngọn hải đăng, nhưng có một người đàn ông khác ở đó… một người đàn ông trung niên, đẹp trai, khuôn cằm nhẵn nhụi, mạnh khỏe, một người Anne không biết mặt. Tuy nhiên, khi cô ngồi xuống, ông ta bắt đầu nói chuyện với cô với tất cả sự thoải mái của một người quen lâu ngày. Chẳng có gì sai trái trong những điều ông nói hay cách nói của ông, nhưng Anne hơi ghét kiểu tự nhiên như ruồi ấy ở một người hoàn toàn xa lạ. Những câu đáp của cô lạnh lùng, và ít ỏi ở mức lịch sự tối thiểu. Chẳng chút ngại ngùng, người bạn đồng hành của cô tiếp tục nói trong vài phút, rồi cáo từ và bỏ đi. Anne dám thề là có một chút tinh nghịch trong mắt ông và điều đó làm cô bực mình. Ông này là ai cơ chứ? Có cái gì đó quen quen nơi ông nhưng cô chắc chắn mình chưa từng gặp ông trước đây.

“Thuyền trưởng Jim, cái ông vừa đi khỏi là ai vậy?” cô hỏi, khi thuyền trưởng Jim đi vào.

“Marshall Elliott,” thuyền trưởng trả lời.

“Marshall Elliott!” Anne kêu lên. “Ôi, thuyền trưởng Jim… không phải chứ… ôi, đúng là giọng chú ấy rồi… ôi, thuyền trưởng Jim, cháu không biết là chú ấy… cháu đối xử với chú ấy khá là thất lễ! Tại sao chú ấy không nói với cháu? Chắc chắn chú ấy phải thấy là cháu không nhận ra chú ấy chứ.”

“Hắn ta không nói lời nào về chuyện đó đâu… hắn chỉ tận hưởng trò đùa thôi. Đừng lo lắng vì đã hắt hủi hắn… hắn sẽ thấy chuyện đó rất tức cười. Đúng, Marshall cuối cùng đã cạo râu cắt tóc. Phe của hắn lên rồi, cháu biết đấy. Lúc mới gặp hắn ta cũng có nhận ra đâu. Hắn ở tiệm của Carter Flagg trên Glen cái đêm sau ngày bầu cử, cùng một đám những người khác, chờ tin tức. Khoảng mười hai giờ thì có điện thoại… đảng Cấp tiến lên. Marshall cứ thế đứng dậy bước ra ngoài… hắn không ăn mừng cũng không hú hét… hắn để những người khác làm việc đó, và đám kia gần như dỡ cả mái tiệm Carter lên ấy chứ. Dĩ nhiên, cả đám Bảo thủ ở bên tiệm nhà Raymond Russell. Bên đó không hú hét gì mấy. Marshall đi thẳng xuống phố đến cửa hông tiệm cắt tóc của Augustus Palmer. Augustus đang ngủ trên giường, nhưng Marshall đập cửa cho tới khi thằng cha phải dậy đi xuống xem cái gì mà ầm ĩ thế.

“ ‘Đi vào tiệm mà trổ hết tài của cậu ra đi, Gus,’ Marshall nói. ‘Đảng Tự do lên rồi và cậu sẽ phải cắt tóc cho một thành viên Tự do chân chính trước khi mặt trời mọc.’

“Gus tức phát rồ… phần vì hắn bị lôi khỏi giường, nhưng tức hơn vì hắn theo Bảo thủ. Hắn thề hắn không có cắt tóc cạo mặt cho ai lúc mười hai giờ đêm hết.

“ ‘Cậu sẽ làm cái tôi muốn cậu làm, con trai ạ,’ Marshall nói, ‘nếu không tôi sẽ vần cậu lên đùi rồi cho mấy cái đét đít mà mẹ cậu quên cho.’

“Hắn đã nói là làm, và Gus biết điều đó, vì Marshall khỏe như một con bò mộng còn Gus thì chỉ là một tên lùn. Thế là hắn đầu hàng và lôi Marshall vào trong tiệm bắt tay vào việc. ‘Nào,’ hắn nói, ‘tôi sẽ cạo cho ông, nhưng nếu ông nói với tôi dù chỉ một lời về vụ đảng Tự do lên nắm quyền trong khi tôi đang làm việc thì tôi sẽ cắt họng ông bằng con dao cạo này,’ hắn nói. Không thể tưởng tượng nổi cậu Gus nhỏ bé hiền lành có thể khát máu đến vậy đâu, phải không nào? Chứng tỏ chính trị đảng phái có thể làm gì với một người. Marshall giữ im lặng và được cắt tóc cạo râu cho rồi về nhà. Khi bà quản gia già của hắn nghe tiếng hắn đi lên cầu thang, bả dòm ra khỏi phòng ngủ để xem là hắn hay thằng nhóc thuê phụ việc. Và khi thấy một người đàn ông lạ mặt tay cầm nến sải bước dọc hành lang thì bả rú lên rùng rợn rồi lăn đùng ra ngất xỉu. Họ phải gọi bác sĩ thì mới vực được bả tỉnh dậy, và phải mấy ngày sau bả mới nhìn được Marshall mà không run bắn lên như cầy sấy.”

Thuyền trưởng Jim không có cá. Mùa hè đó ông ít khi ra biển bằng thuyền, và những chuyến đi bộ kéo dài của ông đã qua. Ông dành phần lớn thời gian ngồi bên cửa sổ hướng biển, nhìn ra bờ vịnh, mái đầu đang bạc đi nhanh chóng tựa lên cánh tay. Tối nay ông ngồi đó trong rất nhiều phút lặng yên, giữ một cuộc hẹn hò nào đó với quá khứ mà Anne không dám quấy động. Một lúc sau ông chỉ tay về cầu vồng phía Tây.

“Đẹp, phải không cháu Blythe? Nhưng ta ước gì cháu được nhìn thấy buổi bình minh sáng nay. Một điều tuyệt vời… tuyệt vời. Ta đã chứng kiến đủ loại bình minh trên cái vịnh kia. Ta đã đi khắp thế giới, cháu Blythe à, nhưng gộp tất cả lại, ta chưa bao giờ thấy một cảnh tượng nào đẹp hơn cảnh bình minh mùa hè trên vịnh. Con người không thể chọn giờ để chết được, cháu Blythe ạ… cứ phải ra đi khi Thuyền trưởng Vĩ đại ra lệnh nhổ neo thôi. Nhưng nếu có thể ta sẽ ra đi khi bình minh đến trên mặt nước kia. Ta đã rất nhiều lần nhìn ngắm nó mà nghĩ thật tuyệt vời biết mấy nếu được ra đi qua cái huy hoàng trắng rực vĩ đại đó đến bất cứ điều gì chờ đợi phía sau, trên một mặt biển chưa từng được vẽ trên bất cứ loại bản đồ nào trên cõi đời này. Ta nghĩ, cháu Blythe à, rằng ta sẽ tìm thấy Margaret ở đó.”

Thuyền trưởng Jim vẫn thường nói với Anne về Margaret quá cố từ khi ông kể cho cô nghe câu chuyện cũ. Tình yêu của ông dành cho cô gái run rẩy trong từng ngữ điệu… tình yêu đó chưa bao giờ phai nhạt hay bị lãng quên.

“Dẫu sao thì, ta hy vọng đến lúc ấy ta sẽ ra đi nhanh chóng và thanh thản. Ta không nghĩ ta là kẻ hèn, Anne ạ… ta đã nhìn thẳng vào mặt những cái chết xấu xí không chỉ một lần mà chẳng thèm nháy mắt. Nhưng ý nghĩ về một cái chết lê thê thật sự mang cho ta một cảm giác sợ hãi kỳ lạ, rùng mình.”

“Đừng nói về chuyện rời xa chúng ta mà, thuyền trưởng Jim vô vàn thương mến,” Anne nài nỉ, bằng một giọng nấc nghẹn, vỗ vỗ bàn tay nâu già cỗi, một thời từng vô cùng mạnh mẽ, nhưng giờ đã trở nên rất yếu. “Chúng cháu biết làm gì khi không có ông?”

Thuyền trưởng Jim mỉm cười tươi tắn.

“Ôi, các cháu sẽ sống tiếp tốt thôi… tốt thôi mà… nhưng cháu sẽ không quên hẳn ông già này, cháu Blythe ạ… không, ta không nghĩ cháu sẽ có bao giờ thực sự quên ông ấy đâu. Dòng dõi Joseph lúc nào cũng nhớ đến nhau. Nhưng đây sẽ là môt ký ức không gây đau thương… ta thích nghĩ rằng ký ức về ta sẽ không làm tổn thương bạn bè ta… nó sẽ khá là dễ chịu đối với họ, ta hy vọng và ta tin vậy. Ta sẽ luôn sẵn sàng đáp lời. Ta chỉ nói về chuyện này vì có một ơn huệ nho nhỏ ta muốn xin cháu. Đây là con Bạn Đầu già tội nghiệp của ta”… thuyền trưởng Jim giơ một tay ra và chọc vào trái banh lớn, ấm áp, mượt mà, vàng óng trên sofa. Con Bạn Đầu duỗi mình như một dòng suối phát ra một thanh âm dễ thương, thoải mái từ cổ họng, nửa gầm gừ, nửa meo meo, duỗi tứ chi trong không khí, quay sang và lại co mình vào. “Nó sẽ nhớ ta khi ta lên đường. Ta không thể chịu đựng ý nghĩ để lại con vật tội nghiệp phải chết đói, như nó từng bị bỏ lại trước kia. Nếu có chuyện gì xảy ra với ta cháu sẽ cho nó miếng ăn và một góc ở chứ, cháu Blythe?”

“Chắc chắn ạ.”

“Thế thì ta không còn phải lo lắng gì nữa. Bé Jem của cháu sẽ sở hữu một vài thứ là lạ ta nhặt nhạnh được… ta đã lo liệu chuyện đó. Nào, ta không thích nhìn thấy nước mắt trong đôi mắt đẹp đó đâu, Anne. Có lẽ ta sẽ còn sống một thời gian kha khá nữa. Ta đã nghe cháu đọc một mẩu thơ một ngày mùa đông năm ngoái… một đoạn thơ của Tennyson. Ta hơi thích nghe lại, nếu cháu có thể đọc lại cho ta nghe.”

Nhẹ nhàng và rõ ràng, khi gió biển thổi lên người họ, Anne ngâm lại những dòng đẹp đẽ trong bài ca thiên nga tuyệt diệu của Tennyson… “Vượt cồn cát.” Vị thuyền trưởng già nhè nhẹ giữ nhịp bằng bàn tay gân guốc của mình.

“Đúng rồi, đúng rồi, Anne à,” ông nói khi cô đọc xong, “chính thế, chính thế đấy. Ông ấy không phải là thủy thủ, cháu nói với ta thế… ta không biết làm thế nào ông ấy có thể biến xúc cảm của một người thủy thủ già thành lời như thế, nếu ông ấy không phải thủy thủ. Ông ấy không muốn có bất cứ ‘nỗi buồn chia biệt’ nào và ta cũng thế, cháu Blythe ạ… vì tất cả sẽ ổn thỏa với ta và những gì là của ta, bên kia cồn cát.”


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...