Anne Tóc Đỏ Và Ngôi Nhà Mơ Ước
Chương 22: Cô Cornelia sắp xếp mọi việc
“Cuộc sống ở đây chỉ có hai chúng ta mới thật là ngọt ngào, Gilbert à. Có bất cứ ai khác ở đây sẽ làm hỏng điều đó đi một ít. Susan rất đáng mến, nhưng cô ấy là người ngoài. Em làm việc nhà đâu có hại gì.”
“Em phải nghe bác sĩ của em khuyên chứ,” Gilbert nói. “Có câu ngạn ngữ cổ, đại để là vợ anh đánh giày thì đi chân đất mà vợ bác sĩ thì chết trẻ. Anh không định để chuyện đó xảy ra trong nhà mình đâu. Em sẽ giữ Susan lại đến khi mùa xuân trở về trong bước chân em và mấy cái hốc má kia đầy đặn trở lại.”
“Cô cứ thư thả, cô bác sĩ cưng ạ,” bà Susan nói, đột ngột bước vào. “Cứ vui vẻ và đừng có lo về chuyện bếp núc nữa. Đã có Susan lo liệu rồi. Đã nuôi chó thì không việc gì phải tự đi sủa. Tôi sẽ mang bữa điểm tâm lên cho cô mỗi sáng.”
“Chắc chắn là không được rồi ạ,” Anne cười. “Cháu đồng ý với cô Cornelia rằng một phụ nữ không bị ốm mà ăn sáng tại giường thật đúng là xì căng đan, gần như có thể sánh ngang được với ‘lũ đàn ông’ về khía cạnh khủng khiếp.”
“Ôi, Cornelia!” bà Susan nói, với vẻ khinh bỉ khó tả. “Ta nghĩ cô phải biết nghĩ hơn chứ, cô bác sĩ, cưng, đừng có mà nghe Cornelia Bryant nói. Ta chẳng hiểu tại sao mà cô ta cứ phải chà đạp đàn ông, ngay cả khi cô ta là một gái già. Ta đây là một gái già, nhưng có ai nghe ta la làng. Ta thích họ. Đáng lẽ nếu có thể ta cũng lấy chồng rồi nếu có thể. Chẳng tức cười sao khi chả có ai từng hỏi cưới ta, hả cô bác sĩ thân mến? Ta chẳng đẹp đẽ gì, nhưng mà ta cũng dễ nhìn như hầu hết các bà đã có chồng khác mà cô thấy. Nhưng ta chẳng bao giờ có tay bồ nào. Cô nghĩ là tại làm sao?”
“Chắc tại duyên số ạ,” Anne gợi ý, vẻ trang nghiêm hiếm có.
Bà Susan gật đầu.
“Ta cũng hay nghĩ vậy, cô bác sĩ thân mến à, và cũng may là như vậy. Ta không phiền khi không có ai muốn có ta nếu đấng Tối thượng đã quyết như vậy vì những mục đích riêng thông thái của Ngài. Nhưng nhiều lúc nỗi nghi ngờ cũng trỗi dậy, cô bác sĩ ạ, và ta tự hỏi không biết có phải Quỷ già lại nhúng tay vào chuyện này không. Lúc đó ta lại chẳng thể nào thấy yên phận được. Nhưng có lẽ,” bà Susan nói thêm, mặt tươi lên, “ta vẫn còn cơ hội kết hôn. Ta vẫn nghĩ, nghĩ mãi về cái câu thơ cổ mà bà cô ta vẫn hay đọc đi đọc lại:
Làm gì có con ngỗng nào xám xịt đến nỗi chẳng có lúc nào
Sớm hay muộn một ngỗng đực thật thà sẽ đến kết đôi với nó!
Một phụ nữ không bao giờ có thể chắc chắn sẽ không lấy chồng cho đến khi bà ta được đem chôn, cô bác sĩ ạ, và trong khi đó ta sẽ làm một mẻ bánh anh đào. Ta để ý thấy anh bác sĩ thích chúng, và ta thật sự thích nấu nướng cho một người biết thưởng thức món ngon.”
Chiều hôm ấy cô Cornelia ghé qua, thở hổn hà hổn hển.
“Ta chẳng ngại thiên hạ hay quỷ dữ mấy, nhưng cái khối thịt này đúng là hơi làm phiền ta,” bà thừa nhận. “Cháu lúc nào trông cũng tươi tỉnh như một quả dưa chuột, Anne cưng nhỉ. Ta ngửi thấy mùi bánh anh đào phải không? Nếu đúng, mời ta ở lại uống trà đi. Hè này chưa được miếng bánh anh đào nào hết. Mấy quả anh đào của ta bị bọn nhãi ranh nhà Gilman từ Glen vặt trộm hết rồi.”
“Nào nào, Cornelia,” thuyền trưởng Jim, đang ngồi đọc một cuốn tiểu thuyết về biển ở góc phòng khách, phản đối, “cháu không nên nói vậy về hai đứa nhóc tội nghiệp không mẹ nhà Gilman chứ, trừ phi cháu có bằng chứng rõ ràng. Chỉ vì cha chúng nó không được thật thà đâu có lý gì gọi chúng là ăn trộm được. Chắc đám chim oanh ăn trộm quả của cháu thôi. Năm nay bọn chúng bay dày lắm.”
“Chim oanh!” cô Cornelia nói vẻ khinh bỉ. “Hứ! Có mà chim oanh hai chân!”
“À, thì hầu hết chim oanh Bốn Làn Gió này được thiết kế dựa trên nguyên lý đó mà,” thuyền trưởng Jim nghiêm trang nói.
Cô Cornelia trợn mắt nhìn ông một lúc. Rồi cô dựa lưng vào ghế bập bênh mà cười thật lâu và sảng khoái.
“Ờ, cuối cùng chú cũng ngáng được chân cháu một lần rồi đó, Jim Boyd ạ, cháu thừa nhận. Nhìn ông già hớn hở không kìa, Anne cưng, nhe nhởn cười như một con mèo Ba Tư. Còn về chân của đám chim oanh thì nếu chim oanh có chân to bự, để trần và cháy nắng, quần rách treo ở chân, như cháu đã nhìn thấy trên cây anh đào của cháu lúc sớm tinh mơ tuần trước, thì cháu sẽ xin lỗi mấy thằng nhóc nhà Gilman. Lúc cháu xuống đến nơi thì chúng nó đã chuồn rồi. Hôm đó cháu không hiểu làm sao chúng nó biến nhanh vậy, giờ thì thuyền trưởng Jim đã khai sáng cho cháu. Dĩ nhiên là chúng nó bay đi mất!”
Thuyền trưởng Jim cười và bỏ đi, rất tiếc phải từ chối lời mời ở lại dùng bữa tối và dự phần cái bánh anh đào.
“Ta đang trên đường đến gặp Leslie để hỏi xem con bé có muốn nhận người ở trọ không,” cô Cornelia nói tiếp. “Hôm qua ta nhận được lá thư từ một bà Daly ở Toronto mà hai năm trước có đi chung một chuyến nghỉ hè cùng ta. Bà ấy muốn ta nhận cho một người bạn của mình đến nghỉ hè. Tên hắn là Owen Ford, và hắn là một gã làm báo, và có vẻ như hắn là cháu ngoại của ông giáo xây nên căn nhà này. Con gái cả của John Selwyn cưới một người Ontario tên là Ford, và đây là con trai họ. Hắn muốn thăm lại chốn cũ nơi ông bà hắn sống. Hắn bị một trận sốt thương hàn nặng hồi mùa xuân và chưa hoàn toàn bình phục, nên bác sĩ của hắn lệnh cho hắn ra vùng biển. Hắn không muốn đến ở khách sạn... chỉ muốn một nơi ấm cúng yên tĩnh. Ta không nhận hắn được, vì ta phải đi xa vào tháng Tám. Ta đã được cử làm đại biểu dự một hội thảo ở Kingsport và ta sẽ đi. Chả biết Leslie có muốn vướng với hắn không nữa, nhưng chẳng còn ai khác. Nếu con bé không nhận thì hắn sẽ phải đi qua bên kia cảng.”
“Gặp cô ấy xong cô nhớ quay về giúp chúng cháu ăn bánh anh đào nhé,” Anne nói. “Rủ cả Leslie và Dick nữa, nếu họ đến được. À thế là cô sắp đến Kingsport ạ? Chắc cô sẽ vui lắm. Cháu phải đưa cô một bức thư gửi một người bạn của cháu ở đó... bà Jonas Blake.”
“Ta đã rủ được bà Thomas Holt đi cùng,” cô Cornelia nói vẻ mãn nguyện. “Đã đến lúc bà ấy được đi nghỉ ngơi một tí, tin ta đi. Bà ấy làm việc gần chết rồi. Tom Holt đan móc thì đẹp lắm, nhưng mà không nuôi sống nổi gia đình mình. Vẻ như hắn chẳng khi nào dậy đủ sớm để làm bất cứ việc gì, nhưng ta để ý thấy hắn lúc nào cũng dậy sớm được để đi câu cá. Đúng là đồ đàn ông!”
Anne mỉm cười. Cô đã học được cách bỏ qua phần lớn những ý kiến của cô Cornelia về cánh đàn ông ở Bốn Làn Gió. Bằng không chắc cô phải tin họ là một đám vô lại vô dụng vô vọng nhất trên thế giới, với những bà vợ toàn là nô lệ và những kẻ tử vì đạo thực sự. ông Tom Holt này chẳng hạn, cô biết ông là người chồng tốt, người cha rất được kính yêu, người hàng xóm tuyệt vời. Nếu ông có hơi lười biếng, thích việc câu cá mà ông được sinh ra để làm hơn là việc đồng áng mà ông không được sinh ra để làm, và nếu ông có một cái tính lập dị vô hại là ưa làm những thứ màu mè, thì không một ai trừ cô Cornelia có thể lấy đó để chống lại ông. Vợ ông là một “tất bật viên”, tự hào vì được làm việc tất bật, cả nhà sống thoải mái nhờ vào cái nông trại; và những đứa con trai con gái to cao lực lưỡng của họ, thừa hưởng năng lượng của người mẹ, đều làm ăn khấm khá. Chẳng có nhà nào ở Glen hạnh phúc hơn nhà Holt.
Cô Cornelia quay lại từ căn nhà trên suối với vẻ hài lòng.
“Leslie sẽ nhận,” bà tuyên bố. “Con bé vồ lấy cơ hội đó. Nó muốn kiếm một ít tiền để lợp lại mái nhà vào mùa thu này, và nó đang không biết kiếm đâu ra. Ta nghĩ thuyền trưởng Jim sẽ hết sức thích thú khi biết một người cháu của nhà Selwyn sắp xuống đây. Leslie nói với cháu rằng con bé thèm bánh anh đào kinh khiếp, nhưng không đến dùng bữa trà được vì còn phải đi lùng đám gà tây. Bọn chúng đi lạc. Nhưng nó nói, nếu còn thừa, thì cháu nhớ để vào trong chạn cho nó và nó sẽ chạy qua lúc chạng vạng để xin một miếng. Cháu không biết đâu, Anne cưng ạ, tim ta vui mừng biết chừng nào khi nghe Leslie gửi cho cháu một tin nhắn như thế, vừa nói vừa cười như nó vẫn thường làm từ lâu lắm rồi. Có một thay đổi lớn đã đến với con bé gần đây. Nó cười đùa như đứa con nít, và từ những gì nó nói ta đoán nó qua đây rất thường xuyên.”
“Ngày nào cũng qua ạ... hoặc cháu sẽ qua bên đó,” Anne nói. “Cháu không biết cháu sẽ làm gì nếu không có Leslie, nhất là bây giờ khi Gilbert bận quá. Anh ấy gần như không về nhà trừ vài tiếng đồng hồ lúc nửa đêm. Thật sự anh ấy đang làm việc đến chết. Giờ rất nhiều người bên kia cảng cũng gọi đến anh ấy.”
“Họ nên hài lòng với bác sĩ riêng của họ mới phải,” cô Cornelia nói. “Mặc dù chắc chắn ta chẳng trách được họ, vì ông ta là một tay Giám lý. Từ hồi bác sĩ Blythe cứu sống được bà Allonby dân làng ai cũng đinh ninh nó có thể dựng được cả người chết dậy. Ta tin là bác sĩ Dave đang hơi ghen tị... đúng là đàn ông. Ông ấy nghĩ bác sĩ Blythe có quá nhiều ý niệm mới lạ! ‘À,’ ta nói với ông ấy, ‘chính một ý niệm mới lạ đã cứu được Rhoda Allonby đấy. Nếu chú mà chăm cô ta thì cô ta đã chết rồi, và đã có một cái bia mộ nói Chúa hài lòng được đưa cô ta đi.’ Ôi, ta thích nói thẳng toẹt với ông bác sĩ Dave lắm! Ông ấy đã làm vương làm tướng ở Glen bao nhiêu năm, và ông ấy nghĩ chưa từng có ai bị lãng quên nhiều như mình. Nói tới bác sĩ, ta hy vọng bác sĩ Blythe sẽ chạy qua để xem cái mụn bọc trên cổ Dick Moore. Leslie đã bó tay rồi. Ta thật tình không biết cái thằng Dick Moore đó muốn bắt đầu giở trò có mụn bọc làm gì nữa…như kiểu hắn chưa đủ rắc rối hay sao!”
“Cô có biết không, Dick dạo này bắt đầu thích cháu ra phết,” Anne nói. “Anh ta đi theo cháu như một con chó, và mỉm cười như một đứa trẻ vừa lòng khi cháu để ý tới anh ta.”
“Điều đó có làm cháu thấy rờn rợn không?”
“Không hề ạ. Cháu khá thích Dick Moore tội nghiệp. Anh ấy có vẻ thật đáng thương và dễ làm người ta mủi lòng sao đó.”
“Cháu sẽ không thấy mủi lòng lắm đâu nếu cháu gặp hắn vào mấy cái ngày trái tính, tin ta đi. Nhưng ta mừng là cháu không ngại hắn... vậy tốt hơn nhiều cho Leslie. Nó sẽ có nhiều việc phải làm hơn khi khách ở trọ tới. Ta hy vọng thằng cha kia sẽ là một đứa tử tế. Cháu chắc sẽ thích hắn... hắn là nhà văn.”
“Cháu tự hỏi tại sao mọi người lại hay cho rằng nếu hai cá nhân đều là nhà văn thì sẽ vì thế mà hết sức thân thiện với nhau,” Anne nói, vẻ hơi khinh khỉnh. “Chẳng ai trông chờ hai ông thợ rèn thấy nhau hấp dẫn gớm ghê chỉ vì họ đều là thợ rèn cả.”
Tuy nhiên, cô vẫn trông chờ sự xuất hiện của Owen Ford với một cảm giác hồi hộp dễ chịu. Nếu anh ta trẻ và đáng mến thì đấy sẽ là một sự bổ sung rất dễ chịu vào xã hội ở Bốn Làn Gió. Cánh cửa của căn nhà nhỏ lúc nào cũng rộng mở cho lớp người quen của Joseph.