Anh Hùng Tiêu Sơn

Chương 9: Khải thiên vương phi


Chương trước Chương tiếp

Khải Thiên Vương Phi -

Vi Bản cẩn thận hỏi lại:

- Xin Triệu đại nhân nhìn kỹ xem có đúng không? Bởi tăng ni tiểu quốc từ khi Thuận-thiên hoàng đế lên ngôi đến giờ đều đạo đức. Không thể có người làm đạo tặc.

Triệu Huy quả quyết:

- Đúng hoàn toàn. Ta biết rõ tên của từng đứa một. Mụ ni cô kia có tên Tịnh-Huyền. Đứa con gái kia tên Trần Thanh-Mai. Tên hòa thượng gầy kia tên Lâm Khu pháp danh Huệ-sinh. Lão đạo sĩ kia tên Nùng-Sơn-tử.

Vi Bản hướng vào Thanh-Mai:

- Cô gái kia, Triệu đại nhân nói có đúng không?

Thanh-Mai mỉm cười hỏi Triệu Huy:

- Triệu tiền bối. Tung-sơn tam-kiệt đến Đại-việt ăn trộm, bị bắt qủa tang, rồi bây giờ lại vu hãm cho người ư?

Nàng nói với Vi Bản:

- Vi tướng quân. Không rõ vị tiền bối Triệu Huy này thân thế ra sao, mà lại có quyền ra lệnh cho tướng quân bắt chúng tôi.

Vi Bản đáp:

- Sáng nay ngài Tuyên-vũ-sứ Cửu-chân lộ, Đàm đại tướng quân nhận được lệnh của ngài chánh sứ Thiên-triều rằng liên tiếp hai ngày đòan tùy tùng của ngài bị bọn gian phi, trong đó có Tôn Trung-Luận ăn cướp bảo vật. Đàm đại tướng quân lệnh cho bản nhân đem quân vây đền thờ Tương-Liệt đại vương khám xét. Quả bắt được vàng bạc, tín vật cuả thiên sứ. Vì vậy bổn nhân bắt y về xét hỏi... Còn các người cũng là đồng bọn. Tội không nhỏ.

Y vẫy tay một cái. Đoàn quân vây mọi người vào giữa, rồi nói:

- Hòa thượng, đạo sĩ, ni cô, đều là người dân Đại-việt. Phải tuân theo phép nước. Hãy theo bản nhân về trình diện Đàm tướng quân để ngài xét xử.

Mỹ-Linh vẫy tay gọi Vi Bản:

- Vi tướng quân. Ngườihãy lại đây nghe ta dạy.

Mỹ-Linh dù giả trang làm thường dân song cũng vẫn không mất vẻ quyền quí. Dáng người Mỹ-Linh thanh nhã, tiếng nói trong trẻo mà uy nghiêm, khiến Vi Bản cảm thấy mất hết vẻ hách dịch của viên tướng. Y hỏi lại:

- Cô nương nói sao? Cô có biết ta là ai không mà dám nói lời trịch thượng như vậy?

Mỹ-Linh nhắc lại:

- Ta biết người là Vi Bản. Người ở dưới quyền của Tuyên-vũ sứ lộ Cửu-chân tên Đàm Toái- Trạng. Người không muốn ra mắt ta thì thôi. Vậy người về gọi Đàm Toái-Trạng đến đây nghe ta dạy bảo.

Triệu Huy cười:

- Vi tướng quân có thấy không. Con nha hoàn này đứmg trước một vị tướng quân với đoàn giáp sĩ, mà nó còn dám phách lối như vậy. Thử hỏi với người khác, y thị sẽ hống hách tới đâu?

Y chưa dứt câu, thì chỉ thấy thấp thoáng một cái. Tiếp theo hai tiếng bốp, bốp. Y bị hai cái tát, ngã lăn xuống ngựa. Mọi người nhìn lại, thì ra Tạ Sơn xuất thủ. Tạ Sơn mắng:

- Cho bọn chó Ngô quen miệng hống hách bài học. Mi tưởng đất Đại- Việt ta không người sao? Mi mau đến quì lạy chủ nhân ta. Bằng không ta lấy tính mệnh mi ngay tức khắc.

Kể ra bản lãnh Triệu Huy cũng không đến nỗi chỉ một chiêu đã lạc bại. Song trong khi nói, lòng tràn đầy đắc ý, không đề phòng. Tạ Sơn lại ra tay quá thần tốc. Y mới bị trúng đòn, lộn cổ xuống chân ngựa. Miệng ứa máu.

Vi Bản kinh ngạc đến đờ người ra. Vì trong khi vây bắt Tôn Trung-Luận. Y bị ông phản đối không cho khám đền, rồi đi đến động thủ. Y đấu với Trung-Luận ba mươi chiêu thì lạc bại. Triệu Huy phải nhảy vào tiếp viện. Y chỉ đánh có mười chưởng, Trung-Luận bị ngã liền. Thế mà nay thanh niên trẻ tuổi này xử dụng võ công, chiêu số gì, hoàn toàn y không biết, mà chỉ một chiêu, Triệu Huy bị khống chế. Vi Bản hỏi:

- Vị huynh đệ này là ai? Tại sao dám đánh, rồi nhục mạ tùy tòng của Thiên-sứ?

Tạ Sơn đáp:

- Vi tướng quân về mời Đàm đại tướng quân đến đây ra mắt chủ nhân ta.

Vi Bản thấy dường như trong vụ này còn có nhiều điều bí ẩn. Cứ như con mắt của y, thì Tịnh-Huyền, Lâm Khu, Nùng-Sơn không thể là đạo tặc. Ngược lại Triệu Huy lại sợ hãi bọn người mà y bảo là trộm cướp. Trước mặt y ngoài những vị tu hành ra, còn Tạ Sơn, võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Thế mà Tạ Sơn còn kêu vị hòa thượng bằng sư phụ. Thì địa vị hòa thượng không nhỏ. Còn hai cô gái sắc nước hương trời. Một cô có lời lẽ uy nghiêm, dám gọi tên tục của chủ tướng y ra đã là một điều ghê gớm. Cô còn bảo gọi chủ tướng đến ra mắt . Vậy thì địa vị cô phải cao lắm. Không chừng là tiểu thư con quan tại triều. Họăc quận chúa cũng nên. Tuy vậy y cũng cẩn thận dặn Ta ïSơn:

- Tiểu huynh đệ. Tôi coi huynh đệ cũng còn trẻ. Võ công huynh đệ cao thâm bỏ xa tôi. Song tôi tuân lệnh Tuyên-vũ sứ, tức thi hành luật pháp của đức hoàng đế. Huynh đệ là con dân Đại-Việt ăn cơm, mặc áo của đất Việt, phải tuân phép nước.

Tạ Sơn gật đầu:

- Nếu không tuân phép nước, thì tôi e đến mười lần quân sĩ này cũng không chống nổi vị đạo trưởng kia chứ đừng nói thêm sư phụ tôi. Lại còn sư thái kia nữa.

Vi Bản chỉ Triệu Huy:

- Triệu đại nhân đây là tùy tùng của ngài khâm sứ đại nhân Thiên-triều, sang nước ta kinh lược. Huynh đệ không nên vô lễ với người.

Tạ Sơn cười:

- Y là quân trộm cướp, bị bắt quả tang. Không hiểu bằng cách nào y lại nói đen làm trắng. Y bảo ai trộm cướp thì được. Chứ bảo vị sư thái với chủ nhân của tôi là trộm cướp, thì y là tùy tòng Thiên-sứ. Chứ y là Thiên-sứ cũng bị chặt đầu.

- Thế chủ nhân của huynh đệ thân thế ra sao?

Tạ Sơn chưa kịp nói. Mỹ-Linh đã gạt:

- Không cần biết thân thế ta ra sao. Chỉ một điều y là quân trộm cướp, mà lại tố ngược chúng ta là trộm cướp cũng đủ trừng phạt rồi.

Thuận-Lãm từ trên xe ngựa, bước xuống cạnh Tôn Trung-Luận, hỏi truyện:

- Bác Luận. Việc gì đã đẩy ra?

Trung Luận đáp:

⬔Từ lúc cháu theo sư thái đi rồi. Ta đem Quách Quỳ giải lên quan. Trong khi quan đang hỏi cung thì sứ giả của Tuyên-vũ sứ tới cùng với ba người. Trong đó có vị Triệu đại nhân. Sứ giả nói rằng hôm qua có ba vị đại nhân, cùng một công tử trên đường vân du Cửu-chân, ngủ trọ tại đền thờ Tương-Liệt đại vương, bị một bọn cướp lấy hết vàng bạc, cùng bắt cóc Quách công tử. Ba vị đại nhân đến dinh Tuyên-vũ sứ truyền truy nã bọn cướp. Thế là bác bị sứ giả sai đóng gông, dẫn trở về đền lục soát. Họ lục soát thì được, song họ còn đòi chẻ tượng Đức-ông ra. Ta không cho. Cuối cùng ta với Vi tướng quân động thủ... Rồi Triệu Huy can thiệp. Ta bị bắt.

Dù Trung-Luận không nói hết. Mọi người cũng hiểu rằng Vi Bản bị Trung-Luận đánh bại. Sau Triệu Huy nhập cuộc, Trung-Luận yếu thế nên bị bắt.

Trung-Luận tiếp:

- Đền thờ bị lục lọi không thiếu chỗ nào. Cuối cùng họ chỉ vào cái trống đồng trên bàn thờ bảo rằng đó là bảo vật của họ. Bao nhiêu nữ trang của vợ ta, họ bảo của họ hết.

Sư thái Tịnh-Huyền bảo Mỹ-Linh:

- Con nhớ nhé. Trên toàn đất Đại-Việt này, kể cả hoàng đế cũng không được phạm đến đền thờ các vị anh hùng thời Lĩnh-nam. Ai phạm đến đều phải trị tội thực nặng.

Mỹ-Linh kính cẩn:

- Hài nhi tuân chỉ dụ của thái cô.

Vi Bản nghe đến chữ chỉ dụ y phát hoảng. Bởi chử chỉ dụ dành cho lời nói của hòang đế, hoàng hậu, thái tử, công chúa mà thôi. Bất giác y liếc mắt nhìn Mỹ-Linh rồi nói:

- Bất cứ các vị là ai. Phải về trình diện Tuyên-vũ sứ đã.

Y vẫy tay. Đoàn giáp sĩ siết chặt vòng vây lại. Tịnh-Huyền bảo Mỹ-Linh:

- Linh nhi. Dầu sao chúng ta cũng không nên dụng võ với giáp sĩ Đại-Việt. Nào, chúng ta hãy về gặp Tuyên-vũ sứ.

Bà ra lệnh cho xe ngựa đi theo đoàn giáp sĩ. Bà hỏi Mỹ-Linh:

- Tuyên-vũ sứ là người xuất thân thế nào?

Mỹ-Linh đáp:

- Y là em ruột của Đàm quí phi. Năm nay tuổi khoảng hai mươi ba. Y xuất thân trong gia đình trung lương, văn võ toàn tài. Lúc đầu lĩnh chức võ quan trong đội túc vệ. Sau đổi ra cầm quân. Năm trứơc đây qúi phi sinh con trai. Phụ vương gia phong chức tước cho cả giòng họ qúi phi. Y chính là Đàm Toái-Trạng con trai Đàm Can mới được thăng lên chức Tuyên-vũ sứ lộ Cửu-chân, Trấn-tây đại tướng quân.

Vi Bản nghe đến chữ phụ vương . Trong lòng y phát run. Y than thầm:

- Thôi, chắc đây là công chúa rồi. Y đưa mắt nhìn sư thái Tịnh-Huyền trong lòng nghĩ rất nhanh:

- Ta nghe nói đức kim thượng sai Khai-quốc vương Bồ cùng công chúa Bình-dương đến trấn Thanh-hóa tế Lệ-hải Bà-vương. Vị cô nương này chắc là công chúa Lý Mỹ-Linh đây. Ta tuân lệnh Tuyên-vũ sứ tháp tùng Triệu Huy khám xét đền thờ Tương-Liệt đại vương. Không ngờ Triệu Huy làm bậy, phá phách đền thờ. Đừng nói đức Kim-Thựơng truy tội ta, mà chỉ nguyên anh hùng võ lâm tính tội, ta cũng không còn đất sống. Ta phải làm sao bây giờ? Ta có nên hỏi lại thiếu nữ này thực sự là công chúa Bình-dương không?

Y định lên tiếng hỏi, thì một thiếu niên mặt phì nộn, da sần xùi, trong y phục võ quan phi ngựa ngược lại. Vi Bản nhận ra người đó là quốc cữu Đàm An-Hòa, em trai của Tuyên-vũ sứ Đàm Toái-Trạng cũng là em trai qúi phi Đàm Thụy-Châu. Y nghĩ thầm:

- Ta lờ đi như không biết những người này, để đổ lỗi lên đầu họ Đàm. Dù sao y cũng có chị làm quí phi che chở.

Y phi ngựa lên trước đón đường:

- Quốc cữu. Tiểu nhân Vi Bản xin ra mắt quốc cữu.

Tạ Sơn dùng lăng không truyền ngữ nói với mọi người:

- Tên này là Đàm An-Hòa, định hỏi công chúa Bình-dương đây. Cũng may y không biết mặt công chúa cùng chúng ta.

Đàm An-Hòa hất hàm hỏi:

- Đám trộm cướp đây phải không? Tại sao không đóng gông?

Vi Bản định lên tiếng phân trần. Đàm An-Hòa hô lớn:

- Quân bay đâu. Trói bọn trộm cướp này lại.

Tạ Sơn rút kiếm đứng bên Mỹ-Linh:

- Các người không được vô phép. Bắt trộm phải có chứng cớ. Các người động vào chủ nhân của ta, thì cả ba họ sẽ bị phanh thây.

Huệ-Sinh ra hiệu cho Tạ Sơn:

- Không được dụng võ với quan, quân. Chuyện đâu còn đó.

Quân sĩ tiến đến trói tất cả mọi người lại. Sư thái Tịnh-Huyền mỉm cười:

- Khi nghiệp quả đã diễn ra. Ta cần trấn tĩnh đón nhận. Nếu ta chống trả, không biết bao giờ mới hết.

Bà đưa tay cho quan binh trói lại. Đàm An-Hòa nhìn Thanh-Mai, Mỹ-Linh mỉm cười:

- Trời ơi! Tại sao lại có người đẹp đến thế này?

Gã đưa tay bẹo má Mỹ-Linh. Mỹ-Linh co chân định đá y. Thì sư thái Tịnh-Huyền lắc đầu:

- Không được dùng võ.

Bà bảo Đàm An-Hòa:

- Tiểu tướng quân. Dường như tiểu tướng quân là quốc cữu thì phải. Quốc cữu không được phép đụng đến con gái lương gia.

Lời nói uy nghiêm của bà khiến khuôn mặt khả ố tắt ngay nụ cười. Gã nhìn qua mọi người rồi ruổi ngựa dẫn đầu.

Đoàn quân lên đường, đi được quãng nữa thì gặp một đoàn người ngựa, cờ xí rợp trời đang tiến ngược chiều. Dẫn đầu, một lá cờ lớn bay phất phới, có hàng chữ Cửu-chân Tuyên-vũ sứ . Một lá khác đề Bình-Tây đại tướng quân Đàm .

Tạ Sơn nói với Huệ-Sinh:

- Sư phụ. Người đi đầu là Đàm Toái-Trạng. Năm trước đây y ở dưới trướng của đệ tử. Cuối năm ngoái được thăng lên chức Tuyên-vũ sứ lộ Cửu-chân. Nếu y thấy đệ tử, hẳn mọi truyện hết rắc rối.

Đàm An-Hòa phi ngựa lên trước đón đừơng, nói vói Đàm Toái-Trạng mấy câu. Hai bên truyện trò một lát. Đàm Toái-Trạng thủy chung không nhìn tới đám người bị bắt. Y nói nhỏ vào tai Đàm An-Hòa. Đàm An-Hòa trở lại truyền lệnh:

- Vi tướng quân. Tuyên-vũ sứ truyền tướng quân giam bọn này vào ngục. Hôm nay sứ gia phải đến núi Sơn-trang chuẩn bị đón Khai-quốc vương, công chúa, thay mặt đức vua cùng hoàng hậu, tế Bà-Vương.

Gã quay lại nói với Triệu Huy:

- Triệu đại nhân. Huynh trưởng tôi kính thỉnh đại nhân cùng lên đường dự lễ cho vui. Mong đại nhân không từ chối.

Gã cùng Triệu Huy đi rồi. Vi Bản nói:

- Nào, chúng ta về thành.

Vào thành, Vi Bản gọi quan giữ ngục tới. Y nói:

- Đây là một số tội nhân, đại tướng quân truyền giam lại. Chờ ngài về lấy cung. Người tên gì. Hãy báo danh đi.

Gã giữ ngục, có khuôn mặt tròn trĩnh như trái dưa. Mắt lồi ra ngoài như mắt cá quả. Gã cung kính nói:

- Tiểu nhân họ Vương tên Dương.

Gã vẫy tay một cái, đám cai ngục ào ra dẫn mọi người vào ngục, đẩy ngồi xuống trước cái bàn Vương Dương. Vương Dương đập bàn một cái:

- Bọn bay nghe ta hỏi. Đứa nào nói láo, ta sẽ đập vào xác.

Gã chỉ Tạ Sơn:

- Người khai họ tên đi.

- Tôi họ Tạ tên Sơn, hai mươi ba tuổi.

- Tại sao lại đi ăn cướp?

Tạ Sơn cười nhạt:

- Này Vương chủ ngục. Người chỉ có bổn phận giữ bọn ta. Chứ không có quyền hỏi cung. Ta khai tên họ là đủ. Người không có quyền hỏi gì khác.

Gã họ Vương đưa mắt cho tên cai ngục. Tên này co chân đá Tạ Sơn một cái. Chỉ nghe đến vù một tiếng. Gã bị bay bổng ra sân, rơi xuống đất, nằm ngửa như con chó phơi nắng. Vương Dương kinh hoàng hỏi:

- Cái gì vậy?

Gã cai ngục lồm cồm bò dậy, mặt nhăn nhó:

- Không hiểu nữa.

Vương Dương trở vào. Hắn vung tay tát Tạ Sơn một cái. Tạ Sơn không tránh, cũng không đỡ. Chàng vận công chịu đòn. Bốp một tiếng. Gã kêu lên:

- Úi chà.

Tay hắn sưng đỏ. Mặt nhăn nhó, hắn nhìn Tạ Sơn để tìm hiểu. Tạ Sơn không kiềm chế được nữa. Chàng quát lên một tiếng chuyển động chân tay mấy cái dây trói đứt hết. Nhanh tay, chàng túm tóc gã cai ngục liệng xuống đất. Tay kia chụp Vương Dương ném đè lên trên. Chàng quát:

- Ta vì tuân phép nước đến đây để quan điều tra. Dù biết mình không tội. Các người ỷ làm lại giữ ngục, đánh đập ta ư?

Bọn cai ngục hơn mười đứa ào vào. Tạ Sơn chụp từng đứa một liệng xuống đất. Lạ thay chàng chỉ liệng nhẹ nhàng, mà không đứa nào ngồi dậy được.

Chàng dậm châm lên lưng chúa ngục, và một tên cai ngục:

- Nếu ta đạp mạnh một cái. Hai đứa chúng bay dập ngực chết ngay. Chúng bay có biết không???

Vương Dương rên rỉ:

- Trăm lạy đại vương, nghìn lạy đại vương. Xin đại vương sinh phúc tha cho tiểu nhân. Tiểu nhân có năm vợ, mười tám đứa con. Nếu đại vương tha cho tiểu nhân. Tiểu nhân xin tuân lệnh đại vương. Hàng ngày tiểu nhân dâng cơm gà cá gỏi đại vương xơi. Xin đại vương đừng bỏ đi. Tuyên-vũ sứ sẽ giết tiểu nhân.

Tạ Sơn nói:

- Người mau đem nước trà lên dâng cho các vị tu hành, cùng chủ nhân ta. Cơm nước, phải dâng cơm chay. Bằng không ta giết cả nhà mi.

Nói xong chàng vận thiền công phóng vào cái bàn đánh vù một cái. Chiếc bàn bị chặt đứt một góc. Vương Dương kinh hòang, dẫn mọi người vào ngục. Y không giám đóng gông, cũng không giám cùm.

Huệ-Sinh lắc đầu:

- Sơn con. Con làm như vậy thì sao giải nghiệp của chúng ta được?

Tạ Sơn chắp tay:

- Sư phụ. Đệ tử chưa đủ ngộ tính để tự chế. Mong sư phụ tha tội.

Nói rồi chàng cởi trói cho mọi người, tháo gông cho Tôn Trung-Luận. Nùng-Sơn tử nói:

- Chúng ta chịu khó ở trong ngục này mấy gìơ. Giỏi lắm chiều nay tế Bà-vương xong, thế nào Đàm Toái-Trạng cũng gặp vương gia. Bấy gìơ y phải xử lý vụ bọn Tống sang Đại Việt ăn cắp di thư. Tôi chỉ xin một điều, là mong công chúa đại xá cho bọn quan, quân, vì họ không biết.

Lý Mỹ-Linh nói:

- Tha thì dĩ nhiên muội tha cho họ. Song không thể tha tội cho tên Đàm An-Hòa được. Muội phải trừng trị y ngay. Bằng không y còn dở thói man rợ với phụ nữ lương gia.

Nàng nói với Tạ Sơn:

- Xin nhị-ca thử thám thính xem bọn chúa ngục có thực tình hay chăng? Không chừng chúng dở trò ma, trò qủi gì cũng nên.

Lê Thuận-Tông cười:

- Chị Mỹ Linh này. Chị đã ở lầu son gác tía, ăn không biết bao nhiêu miếng ngon vật lạ. Bây giờ nhờ bọn Triệu Anh, chị mới biết nhà ngục như thế nào. Chị phải cảm ơn bọn hắn mới đúng.

Nó hỏi:

- Này anh hai. Tại sao chị tư gọi anh là Điện -súy?

Tạ Sơn đáp:

- Vì anh lĩnh chức Điện -tiền chỉ huy sứ của triều đình.

- Điện-tiền chỉ huy sứ là chức gì? Lớn không?

Mỹ-Linh đáp thay:

- Không lớn bằng Thượng-thư, Tam-công, Tể- tướng. Nhưng là chức vụ tín cẩn. Anh hai chỉ huy hết tất cả vệ sĩ cùng ngự lâm quân, bảo vệ an ninh hoàng cung. Như khi phụ hoàng cần bắt một chức quan triều đình phạm tội, thì sai anh hai.

Thuận-Tông nghĩ một lát rồi nói:

- Bây giờ anh hai xuất hiện, nói rằng có chiếu chỉ hoàng đế truyền bắt bọn Triệu Anh. Như vậy có giản dị không.

Thanh-Mai tát yêu Thuận-Tông:

- Không được. Nếu anh hai lạm xưng giả chiếu chỉ, sẽ bị tội chặt đầu. Không cần đức kim thượng, chỉ cần anh cả hay cô tư cũng có quyền ra lệnh bắt giam chúng. Song giang sơn nào anh hùng đó. Anh hai chỉ có quyền điều động vệ sĩ, cùng Ngự-lâm-quân. Còn đây thuộc thẩm quyền của trấn Thanh-hóa, lộ Cửu-chân. Chỉ có Tuyên-vũ sứ đủ thẩm quyền sai phái binh lính mà thôi.

Hà Thiện-Lãm hỏi Mỹ-Linh:

- Em hỏi một câu, chị có hứa nói thực với em không?

Mỹ-Linh vuốt tóc Lãm:

- Chúng ta không cùng cha mẹ. Cũng không cùng làng, cùng xóm, chẳng cùng thầy. Giữa đường gặp gỡ, kết làm anh chị em. Chúng ta có tin nhau, mới kết nghĩa. Tại sao em hỏi câu đó? Em nghi ngờ à?

Thiện-Lãm lắc đầu:

- Không hẳn thế. Em hơi thắc mắc mà thôi. Chúng em là những đứa trẻ nhà quê, không tài, chẳng đức. Được sư bà cho đi cùng, chúng em không thắc mắc tý nào. Vì trứơc mặt các vi tăng ni đắc đạo, thì không còn vua chúa, quyền qúi nữa. Chỉ có tâm bồ đề thôi. Như vậy còn có lý. Chứ chị là công chúa, cành vàng lá ngọc, thay mặt đức vua tế Lệ-hải Bà-vương. Giữa đường gặp bọn em, mà hạ thể kết chị em. Vì vậy em thắc mắc.

Huệ-Sinh hỏi Lãm:

- Tiểu thí chủ mới gần sư thái có mấy ngày mà đã đến ngưỡng cửa Bồ-đề rồi. Lời nói của thí chủ vừa qua, chứng tỏ thí chủ nghe ít mà giác ngộ nhiều. Để bần tăng trả lời thay cho công chúa Bình-dương.

Thiện-Lãm đang nằm, ngồi nhổm dậy:

- Thưa thầy. Thầy dậy sao? Chị Mỹ-Linh còn có tên là Bình-dương nữa sao?

- Đúng. Lý là họ. Khuê danh Mỹ-Linh. Lý Mỹ-Linh chỉ là một cộ gái thôi, chứ không có công chúa Mỹ-Linh. Lý Mỹ-Linh được phong làm Bình-dương công chúa. Như sư phụ của thí chủ tục danh là Phạm Văn-Viết. Đi tu đạo hiệu là Nùng-Sơn tử. Vì vậy chỉ có đạo sư Nùng-Sơn tử chứ không có đạo sư Phạm Văn-Viết... À còn việc kết anh em, như thế này. Nguyên trong phái Tiêu- sơn, đến đời thứ mười nảy sinh ra bốn vị tổ, từ đạo hạnh cho đến võ công đều siêu việt. Đó là các vị La Qúy-An, Pháp-Thuận, Vô-Ngại và Ma-Ha-Kỳ-Vực. Bốn vị đều thông kinh Tượng-đầu, và Tổng-trì. Các ngài thường xuất hồn đi cứu độ chúng sinh. Phàm khi luyện Thiền-công để xuất hồn, phải qua giai đọan thần thức phiêu tưởng. Tức nửa tỉnh, nửa mơ.

Lê Thuận-Tông gật đầu.

- Bạch thầy, tuy con chỉ mới quy y tam bảo. Chưa từng ngồi thiền. Mà đôi khi cũng ở trong hoàn cảnh đó. Hồn bay đi khắp nơi, thấy nào cảnh, nào người như ngòai đời. Như vậy có phải con có hạnh Bồ-đề không?

- Đúng như thế. Bốn vị tổ nghiên cứu rộng ra dạy đệ tử. Song ít người đạt được tới xuất hồn. Ngược lại, mọi người đều có thể tập để nhập mộng. Trong giấc mộng, người ta biết tất cả những biến cố sắp xẩy ra xung quanh mình. Từ đấy, các đệ tử Tiêu-sơn đều có thể luyện tập, rồi tối đến, muốn biết những gì sắp xẩy ra, chỉ việc vận thức Thiền-công nhập mộng là biết ngay.

Ông ngừng một lúc rồi nói:

- Một số người, có hạnh Bồ-tát từ các kiếp trước. Tuy không tập Thiền-công Tiêu-sơn, cũng như tụng kinh Tượng-đầu, Tổng-trì mà khi ngủ vẫn nhập mộng, biết trước sự kiện xẩy ra.

Thanh-Mai hỏi:

- Bạch thầy. Ngược lại người thường trong khi ngủ, cũng mộng. Tục ngữ Việt mình nói Đố ai nằm ngủ không mơ. Song mộng chẳng qua là mộng, chứ không báo trước một điềm gì. Có phải thế không?

- Phải. Trần thí chủ nhận xét đúng. Một vài trường hợp ngọai lệ. Trong quyến thuộc mình có người linh thiêng lại không chịu đi đầu thai. Khi mình gặp hung hiểm, họ nhập mộng báo cho biết trứơc.

Thiện-Lãm ngồi ngay ngắn lại:

- Vậy chắc hôm trước anh cả ngồi Thiền nhập mộng, đã thấy bọn chúng con sau này có thể giúp anh phất cờ đánh Tống, đòi lại đất tổ thời Âu- lạc, thời Lĩnh-nam. Vì vậy anh cả mới kết bạn với bọn con.

Ai cũng tưởng Lãm đùa. Không ngờ Huệ-Sinh gật đầu:

- Hôm ấy bần tăng cũng như anh cả đều mộng giống nhau.

Lê Thuận-Tông hỏi:

- Thầy thấy gì? Anh cả thấy gì?

Huệ-Sinh trầm tư như nhập vào cõi mộng. Ông nói:

- Hôm đó bần tăng cùng mọi người qua đêm ở chùa Báo-ân. Trước khi đi ngủ, bần tăng hành Thiền khoảng nửa giờ thì xuất hồn. Hồn đi ra ngoài, gặp một vị quan nhân xưng là Đô Dương trước đây làm Cửu-chân vương thời Lĩnh-nam. Ông hành lễ với bần tăng.

Thanh-Mai tỏ vẻ hiểu biết:

- Như vậy thầy gặp ma rồi.

- Sao cô nương biết?

- Vì Đô Dương, trước đây theo Nghiêm Tử-Lăng, đầu quân cho vua Quang-Vũ nhà Đông-Hán. Đô lập nhiều công lớn, được phong tước Đô-Đình hầu, lĩnh chức thái-thú Phù-phong. Khi anh hùng Lĩnh-nam nổi dậy đánh đuổi giặc Hán, Đô bỏ quan tước, trở về phục quốc. Đại nghiệp thành, được vua Trưng giao cho trấn nhậm vùng Cửu-chân, tước phong Cửu-chân vương. Khi vua Bà tuẫn quốc, Đô đại vương còn kháng chiến mấy năm, đánh cho Mã Viện nhiều trận nghiêng ngửa. Niên hiệu Thuận-Thiên thứ 10 (1011), đức kim thượng cầm quân đánh giặc Cử-long, có làm bia ghi lại chiến công oanh liệt của Đô đại vương.

Huệ-Sinh gật đầu:

- Không ngờ người bạn cũ của bần tăng đạy con giỏi thực. Đến bản văn bia ở trấn Thanh-hóa này mà cô nương cũng biết gốc tích... Trở lại truyện Đô đại vương, người cho bần tăng biết, người được chỉ dụ của vua Trưng dạy phải trợ giúp, phò tá Khai-quốc vương.

Huệ-Sinh ngừng một lát rồi tiếp:

- Sau đó bần tăng tiếp tục xuất hồn bay lơ lửng đến đền thờ Tương-Liệt đại vương. Bần tăng nhìn thấy trong đền rất đông người. Giữa những người đó, một người có luồng hào quang ngũ sắc sáng chói, thì biết đây là vị Bồ-tát đắc đạo. Xung quanh luồng hào quang ngũ sắc, có mấy luồng hồng khí, thì biết đây là những thiếu niên phước khí vô cùng.

Thanh-Mai hỏi:

- Bạch đại sư. Tiểu nữ có một thắc mắc. Khi hồn đại sư bay lơ lửng như vậy, đại sư có biết rằng hồn mình đã rời xác, đang bay đây đó. Hay đại sư trong giấc mơ, tưởng sự vật trong giấc mơ như mình đang tỉnh?

- Cô nương hỏi thực phải. Thiền công xuất phát từ kinh Tương-đầu và Tổng-trì nguyên chỉ có một. Khi hành Thiền đến trình độ cao, bỏ ra ngoài Nhân, ngã tứ tứơng, trong lòng sạch trơn như không khí ban mai, bấy giờ xuất hồn được. Trạng thái đó là đắc pháp, đắc qủa, thoát khỏi xác phàm, đi vào Niết Bàn, không chịu vòng luân hồi sinh tử nữa. Nguồn gốc xuất hồn này tromg Mật-tông nhà Phật. Khi Bồ-tát Tỳ-ni-đà Lưu-chi sang Đại-Việt (560 sau tây lịch) truyền cho tổ Pháp-Hiền cũng chỉ có thế. Các tổ về sau hợp Thiền-tông, Mật-tông làm một. Thành ra đệ tử bản phái tập Thiền-công, không đắc qủa cũng đến hai trình độ. Một là xuất hồn trong giấc mơ, thấy cảnh, thấy sự vật như ngoài đời. Hai là khi mơ, thấy cảnh, thấy sự vật. Song cảnh, sự vật không giống thực tế, phải giải đoán.

Lê Thuận-Tông mừng quá:

- Bạch thầy như vậy thầy đắc qủa thành Phật rồi phải không? Xin thầy xuất hồn tìm anh cả xem anh ấy ở đâu?

Huệ-Sinh nở nụ cười từ ái:

- Ngay khi vương gia cùng Tự-Mai, Tôn Đản ra đi, bần tăng đã xuất hồn theo. Hiện tất cả đều ở trong một nơi thanh tĩnh vô cùng. Phải sáu tháng nữa, chúng ta mới gặp người. Tuy bần tăng xuất hồn được, nhưng không muốn nhập diệt. Bàn tăng muốn ở lại thế, giúp dân Việt dựng lại quốc thể như hồi vua Hùng, vua Trưng.

Thiện-Lãm hỏi:

- Bạch thầy. Thế anh cả và chị tư đã tập Thiền-công Tiêu-sơn đến trình độ nào?

- Vương gia đang ở giữa trình độ xuất hồn trong giấc mơ. Còn công chúa chỉ mới ở trình độ Ăn chay nằm mộng. Trong giấc mộng thấy gì, phải giải đoán mới biết được.

Thanh-Nguyên ghé tai Mỹ-Linh hỏi:

- Trước đêm gặp bọn em. Chị mộng thấy gì?

- Chị ngủ sớm. Trong giấc mộng thấy thái thượng hoàng. Người vui cười cho chị một tượng Phật bằng vàng. Đi theo người còn có hai con phượng và bốn con chó. Bốn con chó cứ quấn lấy chị mà mừng. Chị ôm lấy chúng không muốn rời. Giữa lúc đó có một đàn rắn cắn chị. Mấy con chó xủa ầm lên, đuổi đàn rắn đi mất.

Tạ Sơn giải thích:

- Khi công chúa ra đời thì thái thượng hoàng đã băng hà. Thế mà mộng thấy, hẳn phải có nguyên do. Trong Thiền-công Tiêu-sơn, khi mộng thấy ông bà, cha mẹ, anh chị. Đó là điềm được che chở, được hưởng phúc ấm tổ tiên. Công chúa mơ thấy thái thượng hoàng cho tượng Phật, ứng vào gặp một vị chân tu đắc đạo. Vị chân tu đó trong huyết tộc. Tức sư thái đây.

Lê Thuận-Tông hỏi:

- Thế con phượng, con chó, con rắn tượng trưng cho cái gì?

Tạ-Sơn cười:

__ Con phượng tượng trưng cho nữ nhân quyền qúy, tài hoa. Hai con phượng ứng vào Thanh-Mai, Thanh-Nguyên. Như vậy tương lai tiến trình Thanh-Mai, Thanh-Nguyên không nhỏ. Trong giấc mơ thấy chó là điềm tốt, cũng là điềm xấu. Thấy chó xủa, cắn mình, họăc gầm gừ là bị phản bội, bị hại . Còn thấy chó mừng, vẫy đuôi là gặp bạn hữu, ngừơi dưới trung thành. Bốn con chó ứng vào Tự-Mai, Thuận-Tông, Thiện-Lãm, Tôn Đản. Còn trong giấc mơ thấy rắn, thường là gặp kẻ thù. Nếu bị rắn cắn là bị kẻ thù hãm hại. Còn giết rắn, là thắng kẻ thù. Trong giấc mộng công chúa gặp đàn rắn, tức bọn người Tống. Rồi mấy con chó đánh đuổi rắn, ý chỉ những người trung thành đánh đuổi bọn Tống.

Thiện-Lãm, Thuận-Tông đưa mắt nhìn nhau, rồi bất thần mỗi đứa nắm một tay Mỹ-Linh cắn mạnh. Mỹ-Linh nhăn mặt kêu lên tiếng ái:

- Đồ chó. Hai đứa cắn chị hả?

- Thì anh hai giải đoán bọn em là chó. Chó thì phải cắn chứ?

Mỹ-Linh sinh trưởng trong cung. Từ bé, nàng được phụ vương cưng chiều rất mực. Muốn gì cũng được. Xung quanh nàng lúc nào cũng đầy cung nga, thái giám hầu hạ. Vì vậy nàng không có bạn. Từ hôm theo sư phụ với anh ra ngòa, hôm nay nàng mới được mấy người bạn thực tình. Thiện-Lãm đã dạy nàng mua khoai, dạy nướng khoai. Được ăn khoai nướng, mà nàng cảm thấy ngon hơn sơn hào hải vị nhiều. Hôm nay hai đứa em kết nghĩa cắn nàng, biểu lộ chân tình. Nàng cảm thấy hạnh phúc tràn đầy, dù đang ngồi trong lao. Nàng đưa tay bẹo má chúng.

Huệ-Sinh tiếp:

- Sau đêm mộng. Nùng đạo huynh giải đoán rằng trên đường đi thế nào cũng gặp một chân tu, hai thiếu nữ và bốn thiếu niên. Những người này sau đều là rường cột quốc gia, giúp thái tử tạo sự nghiệp vua Hùng vua An-dương, vua Trưng. Vì vậy khi gặp sư thái, cùng các thí chủ. Bần tăng đề nghị thái tử, công chúa kết anh em với các thí chủ.

Tịnh-Huyền nói với Huệ-Sinh:

- Đại-sư, đêm qua bần ni mạn phép dạy Mỹ-Linh mấy chiêu kiếm mong đại-sư lượng thứ.

Huệ-Sinh chắp tay:

- Mỹ-Linh được sư thái dạy Long-biên kiếm pháp, ắt sau này có nhiều chỗ dùng đến.

Tịnh-Huyền bảo Mỹ-Linh:

- Con mau lấy cây gậy kia làm kiếm, diễn lại những chiêu kiếm bà dạy xem, có thuộc chưa nào.

Mỹ-Linh tuân lệnh đứng dậy, nàng cầm gậy bái tổ hành lễ rồi diễn lại những gì đã học. Nàng diễn không sai một chiêu nào. Tịnh-Huyền mừng lắm:

- Như vậy con chỉ việc luyện tập mấy tháng nữa thì thuần thục. Bây giờ con lại đây ta giảng cho con một số yếu quyết nữa là xong.

Theo qui củ võ lâm, khi sư phụ dạy võ cho đệ tử, thì người ngoài phải tránh xa. Nhưng trong ngục chật hẹp, bà dẫn Mỹ-Linh lại góc ngục, nói nhỏ vào tai nàng:

- Long-biên kiếm pháp hiện còn có phần căn bản. Còn bẩy mươi hai thức biến hóa trấn môn bị thất lạc. Cứ như diễn biến của những gì xẩy ra tại đền thờ Tương-Liệt đại vương thi thì còn có hy vọng tìm lại được. Bộ Lĩnh-nam vũ kinh chắc chắn ở trong tay ông Tôn Trung-Luận. Nhưng võ kinh chép bằng thuật ngữ đặc biệt, ông tuy có trong tay mà luyện không có kết quả là thế. Pho Long-biên kiếm pháp có ba trăm sáu chục thuật ngữ, ta dạy cho con. Hầu sau này có cơ duyên tìm được bộ võ kinh, con có thể luyện Long-biên kiếm pháp.

Thế rồi bà dùng thần công Lăng-không truyền ngữ nói như rót vào tai Mỹ-Linh. Sau mấy giờ nàng đã thuộc hết. Tịnh-Huyền cẩn thận bắt nàng nhắc đi, nhắc lại mấy lần rồi mời thôi.

Thấy Tịnh-Huyền ngừng dạy Mỹ-Linh, Thanh-Mai hỏi:

- Mỹ-Linh này, em đang là công-chúa, tại sao không ở Thăng-long, lại theo thúc phụ ra ngoài thế này?

Mỹ-Linh nghe hỏi, gương mặt đang tươi, bỗng xịu lại, nước mắt chảy quanh. Tịnh-Huyền ngạc nhiên:

- Tại sao con không trả lời chị, mà lại khóc.

Mỹ-Linh gục mặt vào ngực Tịnh-Huyền, nức nở:

- Tại vì vương mẩu con qua đời rồi.

- Qua đời rồi? Mẹ con chết bao giờ. Tại sao bà không biết?

Nguyên vua Lý Thái-tổ kén vợ cho các con trên ba điều kiện. Một là phải thuộc giòng dõi danh gia, con các trung thần có huân công với xã tắc. Hai là phải xinh đẹp, nết na, có văn học. Ba là phải qua một cuộc tuyển lựa hết sức khó khăn, như tiếng nói có thanh tao không? Người có tiếng nói ồ ồ thì là lọai thô tục. Tiếng nói nhỏ quá, nghe không rõ thì là lọai bần tiện, hay cắn ngầm. Người phải cao ráo, chân dài, ngón tay thon. Lọai người mình dài chân ngắn là thứ thô tục đê tiện. Tóc phải óng mượt, chảy như tóc mây. Chứ tóc khô, vàng úa là thứ người khô kiệt tinh huyết, khó có con. Nếu sinh con cũng là hạng bệnh họan, ngu xuẩn. Lưng phải tròn như lưng ong. Lưng bề bề như cánh phản, là lọai người lười biếng, dâm đãng. Khuôn mặt, da mặt phải tươi hồng, nhưng hồng sẫm, lại hơi ướt là hồng diện đa d*m thủy. Sau đó là tướng đi. Tướng đi phải khoan thai, chững chạc. Tướng đi như úp sấp mặt xuống là tướng bần tiện. Ngược lại tướng đi như ngửa mặt lên là người nóng nảy thô tục. Cuối cùng, người phải tiết hương thơm của trinh nữ. Chứ người hôi hám là thứ chồn cáo.

Thân phụ Mỹ-Linh tên thực là Đức-Chính, còn có tên là Phật-Mã, con trưởng của Lý Thái-tổ. ông sinh ra đời trong thời gian phụ hoàng còn làm tướng cho triều Lê. Vua Lý Thái-tổ xuất thân từ chùa Tiêu-sơn. Vì vậy ngài đem con lên chùa xin sư phụ là Vạn-Hạnh thiền-sư dạy dỗ. Vạn-Hạnh thiền sư giao Đức-Chính cho đệ tử mình là Minh-Không dạy. Cho đến khi vua Lý Thái-tổ lên ngôi vua, mới đem con từ chùa Tiêu-sơn về Thăng-long, giao cho các Nho-thần dạy văn. Năm đó (1009) Đức-Chính được phong làm thái-tử. Mãi ba năm sau (1012) thái-tử Phật-mã được phong làm Khai-thiên vương, cho mở phủ đệ riêng. Vua Lý Thái-tổ kén vợ cho con. Nhà vua tuyển một lúc năm thiếu nữ trong 127 thiếu nữ con các quan, làm phi tần cho Khai-thiên vương. Nhưng vẫn không chịu chọn người nào làm chính-phi. Gia đình năm vị phi bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh, tranh dành ảnh hưởng, làm thế nào cho con em mình được làm chính phi, tương lai sẽ là hoàng-hậu, mẫu-nghi thiên hạ. Người thì cầu cúng để con gái mình được sủng ái. Người thì lấy lòng thái giám, tỳ nữ hầu vua, hoàng hậu, để họ nói tốt cho con mình.

Trong khi đó, hồi nhỏ, thái tử sống cạnh cô ruột là công chúa Hồng-Châu. Một thiếu nữ luyện tập võ công từ bé, dáng người thanh nhã mà tươi hồng khỏe mạnh, quyết đoán mau lẹ, giám phát biểu ý nghĩ, sáng kiến của mình. Lại nữa, Thái-tử cực kỳ kính yêu hai người chị gái. Một là công-chúa An-quốc, được gả cho Trung-nghĩa hầu Đào Cam-Mộc. Hai là Lĩnh-Nam bảo quốc hòa dân công chúa được gả cho lạc hầu Lạng-châu Thân Thừa-Quý. Nói rằng gả chứ thực ra được vua Lý Thái-tổ phong cho làm vua quản trị 207 khê động vùng biên giới Tống-Việt. Hai bà chị đã cùng thái-tử bàn việc quốc sự, từng cùng nhau phi ngựa trên cánh đồng trăng sáng, đấu kiếm. Khi bàn quốc sự, thấy ý kiến không đúng, dù là ý kiến của vua cha, hai công chúa cũng thẳng thắn bác bỏ. Thái-tử mơ có người vợ như vậy. Mà ông chỉ được cưới cho những thiếu nữ xinh đẹp, cúi đầu hầu hạ, vâng dạ.

Thế rồi vào ngày rằm, Thái-tử lên chùa Tiêu-sơn viếng thăm sư-phụ. Giữa lúc đó, một phái đoàn phái Mê-linh cũng đến Tiêu-sơn. Một buổi chiều Thái-tử dạo chơi trong rừng, thấy một thiếu nữ mảnh mai, đẹp tuyệt trần, đẹp hơn tất cả năm phi tần của mình. Thái-tử đứng ngây người ra nhìn. Thiếu nữ thấy đàn ông lạ mặt nhìn, không những không sợ hãi, mà còn thản nhiên hái hoa rừng chơi. Thái-tử không đừng được, đến gần làm quen. Thiếu nữ nghiêm mặt hỏi:

- Người là ai, hãy tránh xa. Bằng không xin đừng trách.

Thái-tử vẫn đứng im. Thiếu nữ bực mình, cầm bông hoa trà ném vào Thái-tử. Thái-tử nghe tiếng bông hoa bay đến kêu lên tiếng vi vu, thì biết thiếu nữ công lực không tầm thường. Ông vận sức vào tay bắt bông hoa. Không ngờ bông hoa bay sắp đến tay ông thì ngừng lại rợi xuống. Nhanh như chớp thiếu nữ vọt người tới tát ông hai cái. Đúng ra với bản lĩnh của ông, thì ông tránh dễ dàng. Tự nhiên ông có ý tưởng muốn để nàng tát mình. Bốp, bốp hai cái, ông mỉm cười:

- Đa tạ cô nương nhẹ tay.

Thái-tử biết thiếu nữ này công lực không tầm thường, nhưng nàng không vận sức, nên hai cái tát nhẹ nhàng. Thiếu nữ tỏ vẻ thương hại:

- Tại sao người không tránh. Người có đau lắm không?

Thái-tử thấy nàng ngây thơ, ông muốn trêu:

- Đau chứ sao lại không đau. Nhưng được cô nương tát thì còn gì sung sướng bằng.

Thiếu nữ bực mình:

- Ta không có thời giờ đùa với người. Ta đi đây.

Thế rồi nàng dùng khinh công chạy về chùa.

Chiều hôm đó, trong khi sư thái Tịnh-Tuệ thảo luận với quốc-sư Minh-Không, bà cho gọi hai nữ đệ tử bái kiến quốc sư. Bấy giờ Thái-tử mới biết nàng có tên Liên-Phương, là đệ tử phái Mê-linh. Còn Liên-Phương biết người bị mình đánh đòn là thái-tử.

Sau buổi hội, thái tử bị tiếng sét ái tình, ra ngẩn vào ngơ, đau yếu đến hơn tháng, thuốc thang gì cũng không khỏi. Tin này đến tai thiền-sư Minh-Không. Ngài từ Tiêu-sơn về Thăng-long thăm đệ tử . Minh-Không là bồ tát đắc đạo. Chỉ nhìn sắc diện đệ tử, ngài đã hiểu nguyên do. Thế nhưng, ngài biết sư đệ mình là Thuận-Thiên hoàng đế rất khó khăn với mối tình như vậy. Ngài chỉ thở dài không nói gì. Nhà vua tưởng con mình lâm nguy, ngài xin với Minh-Không bằng mọi giá cứu đệ tử. Minh-Không cười:

- Sư đệ ơi, trên thế gian này chỉ có mình sư đệ trị được bệnh cho Phật-Mã được mà thôi.

- Sư huynh dạy rõ hơn chút nữa.

- Chỉ cần sư đệ hứa cho Phật-Mã vượt ra ngoài một luật lệ, thì ta chữa được.

Vua Lý Thái-tổ nghe sư huynh dạy, ngài mừng lắm, nói:

- Tiểu đệ xin hứa.

Minh-Không vỗ vai sư đệ, cười:

- Thái-tử vốn có tiền duyên với một người. Vì nay đến hạn gặp nhau, mà hai người bị xa cách, nên bị đau yếu mà thôi.

Nhà vua kinh hãi:

- Nếu sư huynh biết là ai, xin làm cách nào cho đôi trẻ gặp nhau. Đệ xin đa tạ. Đệ xin để huynh lo liệu dùm việc này.

Thế rồi quốc-sư Minh-Không nhân danh hoàng đế đứng ra hỏi Liên-Phương cho thái-tử Phật-Mã. Lễ cưới thực linh đình chưa từng có. Một bên là đệ tử của quốc sư Minh-Không. Một bên là đệ tử của chưởng môn phái Mê-Linh. Cuộc hôn nhân thực là đẹp đẽ. Liên-Phương được phong là chính phi ngay từ khi về Thăng-Long. Năm sau nàng sinh Mỹ-Linh nay được phong công chúa Bình-dương. Tiếp theo, hai quận chúa Kim-Thành, Trường-Ninh và một hoàng nam. Từ khi có Liên-Phương, Khai-thiên vương không còn biết đến các phi tần khác. Ông cùng Liên-Phương như đôi chim liền cánh. Cuộc đời thực em đẹp biết bao.

Cách đây ba năm, trong lúc Khai-thiên vương được lệnh cầm quân chinh tiễu giặc vắng nhà, thích khách đột nhập cung Long-đức của vương. Võ công thích khách rất cao. Hơn chục vệ sĩ bị đánh ngã. Vương-phi Liên-Phương bị bốn thích khách bịt mặt vây đánh. Bà hết sức chống cự, chờ đạo quân Ngự-long tiếp viện. Song quân chưa đến, bà đã bị trúng một chưởng vào lưng thương thế cực nặng. Theo đúng luật, người chỉ huy thị vệ đêm đó bị xử tử, nhưng y chính là Đàm Toái-Trạng, em trai qúi phi Đàm Thụy-Châu, người phi được nhà vua cực kỳ sủng ái. Y đã không bị tội, còn được bổ làm Tuyên- vũ sứ trấn Cửu-chân.

Thế rồi từ đấy, Liên-Phương bị bệnh nặng. Cứ mỗi ngày vào giờ Thân thì lên cơn, đau đớn cực kỳ. Mọi người đều biết vương phi bị trúng Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng.

Vương biết rằng việc này do đệ tử Hồng-thiết giáo ra tay. Khi đệ tử giáo phái này muốn thu dụng ai vào trong giáo, trước tiên họ khống chế bằng cách đánh một chưởng Chu-sa Nhật-Hồ vào người. Người bị đánh phải khuất phục tuân theo mệnh lệnh của họ, thì họ cho thuốc giải. Rồi mỗi năm đến ngày Đông-chí lại được cho thuốc giải. Nếu không tuân mạng lệnh họ, thì đau đớn khủng khiếp trong bốn mươi chín ngày, rồi chết. Vương gạn hỏi ai ra điều kiện, ra điều kiện gì, vương phi lắc đầu từ chối, chỉ nói vắn tắt họ muốn hại vương. Vì vậy vương phi thà chịu chết chứ không muốn hại vương. Sau bốn mươi chín ngày, vương phi chết.

Vụ án vừa yên, thì một đêm kia, đến lượt em trai Mỹ-Linh bị thích khách ám toán hụt. May giữa lúc đó chú nàng là Khai-quốc vương có mặt ở Thăng-long. Ông đích thân điều tra. Cuộc điều tra ra manh mối, có liên quan tới Đàm quý phi, thì Thuận-Thiên hoàng đế truyền ngừng. Để an ủi Khai-thiên vương, ngài phong cho Mỹ-Linh làm công chúa Bình-dương, ngụ ý sẻ truyền ngôi cho vương. Cuối cùng Khai-quốc vương đề nghị gửi em trai Mỹ-Linh vào cho Thuận-Thiên hoàng đế nuôi. Còn Mỹ-Linh, vương xin anh cho mang về Thiên-trường để dạy dỗ .

...

Có tiếng gõ cửa. Chúa ngục cùng đám cai ngục vào. Chúng bưng theo hai mâm cơm chay thịnh soạn. Chúa ngục nói:

- Thưa các vị Phật gia, các vị đại vương, luật lệ đức hoàng đế cấm đem miếng ngon vật lạ cho tù ăn. Song hôm nay tiểu nhân đành phá lệ. Tiểu nhân xin lui, để các vị xơi cơm.

Nói rồi y đóng cửa, cài then đi ra. Thiện-Lãm, Thuận-Tông xới cơm ra mời Huệ-Sinh, Nùng-Sơn tử, Tịnh-Huyền, rồi nó hô:

- Nào anh chị em mình đớp.

Tuy hô vậy, nó cũng xới cơm cho Tạ Sơn, Thanh-Mai, Mỹ-Linh. Thiện-Lãm không úy kị, nó ăn uống xụp xoạp. Ăn được hai bát cơm. Bỗng Thiện-Lãm, Thuận- Tông ôm bụng bụng kêu lớn:

- Ối đau quá.

Huệ-Sinh hô lên:

- Ngừng lại. Cơm có thuốc độc.

Ông nói:

- Phải ngồi tĩnh tọa vận công mửa thực phẩm ra.

Tất cả mọi người làm theo. Riêng Tông, Lãm chưa học võ. Hai đứa ngã vật ra, mắt trợn ngược, chân tay co giật. Huệ-Sinh túm áo hai đứa đặt chúng ngồi dựa vào vách tường. Ông móc trong túi ra cái hộp bằng bạc, mở hộp lấy kim. Ông châm vào huyệt Nhân-Trung, Trung-Xung. Châm xong rút kim ngay. Hai đứa từ từ mở mắt ra, chân tay ngừng co giật. Ông lại châm vào huyệt Kiên-tĩnh trên vai, dặn chúng:

- Hai cháu ngoan, ngồi im. Nếu thấy buồn mửa thì phải hít hơi vào rồi mửa hết đồ ăn ra.

Khoảng ba chục tiếng tập tim, mặt hai đứa tái xanh, rồi mửa ra. Mửa ba lần thì hết. Huệ-Sinh bảo chúng:

- Các cháu nằm xuống.

Ông lại dùng kim châm vào các huyệt Công-tôn, Nội-quan, Túc-tam-lý.

Trong bằng ấy người. Chỉ có Tạ Sơn, Thanh-Mai là kinh lịch giang hồ. Nàng nói sẽ:

- Hiện không biết ai đánh thuốc độc. Bây giờ tất cả giả vờ ôm bụng mê man. Tự nhiên địch thủ xuất hiện.

Mọi người làm theo. Một lát sau cánh cửa mở rộng. Đàm An-Hòa cùng Triệu Huy xuất hiện. Triệu Huy nói:

- Lấy dây trói chúng lại, rồi đem ra xe cho ta.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...