Anh Hùng Tiêu Sơn
Chương 27
Chợt mùi trầm hương nhè nhẹ từ trong phòng lão hòa thượng mập đưa ra, Thiệu-Thái hít một hơi, cảm thấy trong người dễ chịu, khoan khoái. Chàng ngạc nhiên rằng tại sao lão bị giam, mà trong phòng còn có trầm hương. Mùi này hơi giống mùi từ người Bảo-Hòa. Chàng tự nghĩ:
- Không lẽ người lão sinh ra đã có mùi hương như em Bảo-Hòa của mình?
Nhà sư mập cười:
- Này con lợn. Con lợn mau ra đem cô em họ vào đây, lão chỉ cho cách cứu cô ta. Chậm trễ e khó qua khỏi.
Nghe nhà sư gọi mình là con lợn, Thiệu-Thái trợn trừng mắt nhìn lão. Chàng nghi nhà sư này đồng đảng với Nguyên-Hạnh, hỏi:
- Sao đại sư biết tại hạ có cô em họ bị thương?
- Lão biết vì lão là hòa-thượng.
Thiệu-Thái không chịu:
- Dĩ nhiên đại sư là hòa thượng rồi. Nhưng tại sao đại sư lại biết rõ ràng cô em tai hạ bị nạn?
Nhà sư lộn ngược trở lại, ngồi xuống:
- Người là một con lợn không hiểu Phật-pháp, lại chưa qui y Tam-bảo, ta không giải nghĩa cho người được. Vì có giải nghĩa thì cũng giống đàn gảy tai trâu.
Thiệu-Thái hỏi:
- Tại sao đại sư biết tại hạ chưa qui y?
Nhà sư cười khành khạch:
- Ta biết vì ta biết. Ta còn biết rõ người có vợ chưa cưới ở Bắc biên. Thế mà người lại mê cô em họ. Thôi mau đưa cô em vào đây.
Thiệu-Thái thấy nhà sư huyền bí quá, nhưng vấn đề trước mắt, Mỹ-Linh trúng chưởng của Nguyên-Hạnh, bị thương nặng đang mê man. Chàng bỏ nhà sư chạy ra ngoài. Mỹ-Linh hơi tỉnh. Nàng bảo Thiệu-Thái:
- Anh ơi, anh đưa em vào gặp vị hòa thượng bụng bự mau. Nếu chậm trễ e nguy mất.
Thiệu-Thái lại ngạc nhiên nữa:
- Mỹ-Linh, sao em biết trong kia có vị hòa thượng bụng bự? Anh thấy ông này có vẻ tà môn quá. Lỡ ông làm gì em thì sao?
Mỹ-Linh nhăn mặt:
- Trong lúc em mê man, thấy rõ ông đứng bên cạnh. Ông bảo em với ông có duyên từ vô vàn kiếp trước, rồi ông vẫy em đi theo. Anh ơi dù gì thì cũng chẳng sao. Đằng nào em cũng chết. Nếu ông cứu được em càng hay. Còn như ông giết em, em chết sớm càng đỡ đau đớn.
Thiệu-Thái tăng thêm kinh ngạc. Rõ ràng từ lúc vào đây, Mỹ-Linh nằm im một chỗ. Còn lão hòa thượng bụng bự vẫn bị giam trong phòng, làm sao lão đứng cạnh nàng được?
Tới đó Mỹ-Linh mửa ra một búng máu. Thiệu-Thái không dám đem Mỹ-Linh vào, chàng ngồi thoa bóp cho nàng. Mỹ-Linh chập chờn tỉnh dậy, nàng nói:
- Mau, đem em vào mau, nếu trễ e không kịp.
Thiệu-Thái vốn chậm chạp, chàng còn ngần ngừ. Có tiếng nhà sư từ trong vọng ra:
- Con bé không được động đậy. Thằng con lợn nó không hiểu được ta thì thôi. Ngu hơn lợn! Con bé xinh đẹp nghe đây. Người hãy dùng bàn tay phải chà lên huyệt Đản-trung, rồi hấp khí cho đầy ngực, mửa máu bầm ra. Như vậy độc chất mới không nhập tâm.
Mỹ-Linh để tay lên huyệt Đản-trung chà mạnh, rồi hít một hơi. Khí tức tràn ngập, nàng ọe một tiếng, mửa ra hai ngụm máu đen.
Nhà sư bụng phệ lại nói tiếp:
- Hấp khí, dẫn khí vào trung đơn điền, rồi thổ khí, trong khi thổ phân tán khí ra chân tay. Làm liền ba mươi sáu thức.
Thiệu-Thái kinh ngạc, vì từ phòng nhà sư bụng phệ bị giam đến chỗ Mỹ-Linh nằm có đến ba khúc quẹo, làm sao nhà sư nhìn thấy nàng, mà ra lệnh như vậy?
Chàng nhìn Mỹ-Linh thổ nạp, sau đúng ba mươi sáu thức. Nàng cảm thấy chân tay bớt tê dại. Nhà sư tiếp:
- Con lợn. Bây giờ người có đưa cô em vào đây không?
Thiệu-Thái đã tin nhà sư bụng phệ phần nào. Chàng bế bổng Mỹ-Linh đem đến chỗ ông bị giam. Nhà sư bảo Mỹ-Linh:
- Con nhí ngồi gần vào đây, ta xem mạch cho.
Mỹ-Linh ngồi sát vào cửa sổ. Nhà sư cầm lấy bàn tay nàng bắt mạch, rồi nói:
- Con nhí này bị trúng Kim-cương chưởng của phái Thiếu-lâm. Nội công Thiếu-lâm phát xuất từ Thiền-công nhà Phật. Trong khi con nhí luyện Vô ngã tướng thần công cũng đặt trên căn bản kinh Kim-cương. Đáng lẽ khi bị trúng Kim-cương chưởng, người có thể hút nội lực của đối thủ làm nội lực mình. Ngặt vì Vô-ngã tướng thần công của người lại pha trộn với nội công Long-biên .Trong khi nội lực đối thủ qúa thâm hậu. Tuy vậy có trúng chưởng cũng không hề gì. Sau đó con nhí lại đấu chưởng với Nguyên-Hạnh, bị trúng Chu-sa độc chưởng của bang Nhật-Hồ. Vô-ngã-tướng thần công hút độc chất vào người, mới nên nỗi.
Bốn tiếng Chu-sa độc chưởng làm Mỹ-Linh nhớ lại thảm kịch cách đây mấy năm. Hồi ấy vương-mẫu của nàng bị một người nào đó trong bóng tối dùng độc chưởng này đánh bà. Người đó ép bà phải làm một việc gì đó cho y. Nhưng bà không chịu, vì vậy bà đau đớn đến điên dại trong bốn mươi chín ngày, rồi chết. Bấy giờ trong triều không ai biết bệnh gì. Mãi cho đến khi viếng Vạn-thảo sơn trang, nghe Lê Văn thuật chính Hồng-Sơn phu nhân cũng bị đau đớn như vậy. Cho đến ngày sắp chết, bà mới thổ lộ ra bị người ta dùng Chu-sa độc chưởng đánh bà, bắt bà tuân theo mạng lệnh mới được thuốc giải. Bằng không sẽ đau đớn trong bốn mươi chín ngày rồi chết. Bà đành chịu chết, chứ không chịu phản chồng. Bấy giờ Mỹ-Linh mới biết mẹ mình cũng bị chết về chưởng này. Song bà cắn răng hy sinh cho chồng, mà không chịu thố lộ nguyên do.
Hôm ấy nàng với Lê Văn thảo luận, rồi cùng tin rằng cả hai bà cùng bị một ác nhân hại, mà chưa tìm ra ác nhân đó là ai. Bây giờ nghe nhà sư nói nàng bị Chu-sa độc chưởng của Nguyên-Hạnh đánh trúng, tâm tư nàng rung động mạnh. Người nàng run run, vì đã tìm ra được ánh sáng soi vào mặt ác nhân.
Lão hòa thượng bắt mạch lần nữa, rồi tiếp:
- Người còn tham lam, luyện cả nội công phái Tản-viên, thời Lĩnh-Nam, rồi nội công phái Cửu-chân nữa. Thế là thế nào?
Mỹ-Linh tường thuật từ đầu đến cuối việc luyện võ của nàng khởi đầu bằng phái Tiêu-sơn của chú với Huệ-Sinh. Sau có cơ duyên luyện Vô ngã tướng thần công của Trần Năng thời Lĩnh-Nam. Mà Vô-ngã-tướng thần công của Trần Năng đã bị pha lẫn nội công Tản-Viên. Còn nội công Long-biên, thì hoàn toàn đo Tịnh-Huyền dạy, và nàng bổ khuyết bằng nội công trong bộ Lĩnh-Nam vũ kinh.
Lão hòa thượng bảo Mỹ-Linh:
- Con nhí có muốn thoát khỏi đau đớn chăng?
Mỹ-Linh quỳ xuống hành lễ:
- Đệ tử kính xin đại sư làm phúc, cứu khổ cứu nạn cho đệ tử.
Nói hết câu đó, nàng cảm thấy chóng mặt, vội ngồi đựa vào cửa sổ hồn phách bay phơi phới, tam tiêu đảo lộn.
Nhà sư cười toe tóet:
- Dễ lắm. Ta nói gì con lợn kia nó cũng không nghe. Nếu con bé có thể nói cho nó nghe thì mới mong chữa bệnh.
Thiệu-Thái đến trước nhà sư quỳ gối:
- Bạch đại-sư, không phải tiểu bối vô phép với đại sư, mà chỉ vì tiểu bối ngu đần, chậm chạp mà thôi. Mong đại sư cứu em cháu. Bất cứ đại-sư dạy gì cháu cũng tuân theo.
Nhà sư cười khềnh khệch:
- Dễ lắm. Ta có thể lệ khi cứu một người cần có người chết thay. Vậy sau khi ta cứu con bé này, người phải đi giết một người thế mạng.
Thiệu-Thái vốn tính nhân từ, giết con chuột, con dán, chàng còn không dám, huống hồ giết người. Chàng lắc đầu:
- Đại sư ơi, có cách nào khác không? Chứ giết người thực cháu không giám đâu. Đức thượng đế hiếu sinh, cho mỗi sinh vật một cuộc sống, nay giết người ta, như vậy không nên.
Nhà sư cười:
- À, mi không nghe ta, ta không chữa cho cô em họ của người.
Thiệu-Thái đứng dậy:
- Nếu đại sư cứu được em cháu. Cháu xin tự tử để thế mạng.
- Ừ, nhớ lấy lời nhé!
- Cháu cam đoan giữ lời hứa. Sau khi em cháu khỏi bệnh, cháu tự tử lập tức.
Mỹ-Linh đang nằm thiêm thiếp. Nhà sư chìa ngón tay ra điểm vào huyệt Bách-hội của nàng. Người Mỹ-Linh rung động lên một cái, rồi nằm im. Khỏang nhai dập miếng trầu, người nàng vã mồ hôi ra như tắm. Nhà sư truyền lệnh:
- Ngồi dậy, theo tư thức Kiết-già. Hấp khí. Trong khi dẫn khí từ sáu kinh dương về đơn điền. Rồi, thổ khí ra. Bây giờ dẫn khí vòng quanh rốn theo hình trôn ốc. Từ vòng nhỏ dần dần thành vòng lớn. Đúng 36 vòng, lại dẫn khí theo vòng tròn từ lớn vào nhỏ 36 vòng nữa.
Ông nói đến đâu, Mỹ-Linh làm theo đến đó. Khi dẫn khí vào tới vòng nhỏ nhất, nàng mở mắt ra. Bao nhiêu cái đau đớn bứt rứt biến mất. Biết tai nạn đã qua, Mỹ-Linh quỳ xuống hành đại lễ:
- Đa tạ đại-sư cứu mạng.
Nhà sư cười khềnh khệch:
- Con nhí ơi, chưa thoát khỏi đâu. Phải luyện trong ba mươi sáu ngày mới khỏi hẳn.
Nhà sư vẫy tay gọi Thiệu-Thái:
- Con lợn. Ta cứu em người rồi. Người phải thực hiện lời hứa tự tử đi chứ?
Thiệu-Thái rút kiếm sau lưng, đưa lên cổ tự tử.
Khi Thiệu-Thái ước hẹn với nhà sư, thì Mỹ-Linh đang chập chờn, nửa mê, nửa tỉnh, không nghe rõ. Bây giờ thấy Thiệu-Thái đưa kiếm lên cổ tự tử, nàng kinh ngạc vô cùng. Với võ công của nàng, nàng thừa bản lĩnh đọat kiếm cứu Thiệu-Thái. Nhưng nàng vốn thiếu kinh nghiệm ứng phó. Hơn nữa diễn biến xẩy ra đột ngột. Nàng kêu lên:
- Anh Thiệu-Thái, đừng.
Nhà sư nhặt viên sỏi nhỏ búng đến véo một cái. Thanh kiếm của Thiệu-Thái vuột khỏi tay rơi xuống đất. Mỹ-Linh hoàn hồn, nàng nắm lấy tay anh, nước mắt đầm đìa:
- Cái gì vậy? Tại sao anh lại tự tử?
Nhà sư cười khềnh khệch, miệng toe toét:
- Con lợn tự tử thực à? Đúng là con lợn. Người phải biết nếu người tự tử ắt con bé này nó sống làm sao được. Thôi ta không bắt mi giết người nữa, đổi lại từ nay ta sai gì người cũng phải tuân.
Mỹ-Linh cảm thấy nhà sư thực vui vẻ, dễ thương. Trên đời nàng đã gặp không biết bao nhiêu tăng ni. Đa số họ đều lễ phép, kính cẩn với nàng. Chỉ duy có sư phụ Huệ-Sinh tỏ ra thương yêu nàng vô hạn. Bây giờ gặp nhà sư này, chỉ thấy ông cười. Nàng chắp tay:
- Bạch đại hòa thượng, xin hòa thượng cho đệ tử biết pháp danh?
Nhà sư ngửa mặt lên trời cười:
- Pháp danh à, ta quên mất rồi. Biết làm quái gì cái pháp đanh với tục danh. Này con bé, người đang vui vẻ tự nhiên, tại sao lại lễ nghi rắc rối như thế này. Nếu ta cũng quỳ gối gọi người bằng công chúa e thối hoắc, ngửi sao được. Ta gọi người là con nhí, gọi thằng anh người là con lợn người gọi ta là thầy chùa bụng bự nghe hay hơn.
Mỹ-Linh ngẩn người ra, không hiểu sao nhà sư biết nàng là công-chúa. Nàng nhìn căn phòng bằng đá của ông: không giừơng, không chiếu, không chăn, không có chỗ đi cầu, không có nước tắm. Thế mà tại sao trong phòng ông có mùi trầm hương xông ra. Mỹ-Linh thắc mắc:
- Sư phụ, người sống trong hang đá này từ mấy năm rồi?
- Quên sạch. Nhớ thế chó nào được.
Thiệu-Thái nhìn nhà sư:
- Đại-sư, tiểu bối nghe người đi tu, cấm không nói tục. Đây, đại sư một điều gọi tiểu bối bằng lợn, hai điều bằng lợn, rồi văng tục chó e phạm giới chăng?
- Giới à? Tam quy, ngũ giới, thất bát giới ta vất mẹ nó vào thùng rác từ lâu rồi. Tại sao cứ phải buộc chặt mình vào giới này, giới nọ cho nó khổ.
- Đại sư nói lạ. Đi tu phải trì giới chứ!
Nhà sư vẫn cười toe toét, tay vỗ bụng lộp bộp:
- Người chưa qui y Tam-bảo, cũng chưa có sư phụ, thì hiểu đạo Phật thế đếch nào được. Ta hỏi người, người tự thị vào cái gì mà bảo rằng sạch sẽ hơn con lợn, con chó? Đầu óc người có bao giờ không nghĩ bậy chăng? Miệng người có bao giờ không nói bậy chăng? Con lợn, con chó chẳng bao giờ nói bây, nghĩ bậy cả. Huống hồ sau đây mấy năm, người cũng như chó, lợn, hóa ra tro bụi cả.
Mỹ-Linh hỏi:
- Đại sư thử nghĩ xem, có cách nào thoát khỏi nơi đây không?
Nhà sư chưa kịp trả lời, có tiếng nói đâu đó vọng lại, giọng the thé, rõ ra của đàn bà:
- Ốc chưa mang nổi vỏ ốc thì còn mong gì. Y cũng bị giam biết bao nhiêu năm, không thoát ra được. Hỏi y cũng vô ích mà thôi. Vừa rồi y cứu cô bé kia, mà hóa ra hại cô. Nếu cô trúng độc thông thường tất lão cứu được. Còn đây con bé trúng Chu-sa độc-chưởng của bang Nhật-Hồ, thì phương pháp trên chỉ ngừng đau trong bẩy ngày rồi tái phát.
Mỹ-Linh kinh hãi hỏi:
- Tại sao tiền bối biết?
Người đàn bà đó cười the thé:
- Mi không tin ư? Mi thử sờ vào huyệt Thái-uyên xem, có phải mi thấy hơi ngứa không? Thái-uyên là nguyên huyệt của Thủ thái âm phế-kinh, như thế là phế bị thương rồi. Mi thử sờ vào huyệt Nội-quan xem, có phải trong lồng ngực thấy đau ngâm ngẩm không? Nội quan là Lạc-huyệt của Thủ khuyết âm tâm bào kinh. Như vậy tâm bị trúng độc rồi.
Thiệu-Thái tới trước người đàn bà lạy phục xuống đất:
- Xin tiền bối cứu em cháu với.
Lần theo giọng nói của đàn bà. Mỹ-Linh quay về phía có tiếng nói, chỗ đó lại một căm phòng giam nữa. Nàng chạy lại trước cửa phòng. Trong cửa sổ có một người đàn bà, thân hình thon đẹp, đầu bù tóc rối. Mỹ-Linh dương mắt nhìn kỹ, người đàn bà tuổi khoảng bốn mươi, nhan sắc tươi tỉnh. Có điều bị giam lâu, nên da xanh mướt.
Người đàn bà hỏi:
- Cô cậu kia làm sao mà bị giam vào đây? Ta nói cho mà biết khi đã vào chốn này, dù có bản lĩnh nghiêng trời lệch đất cũng vô ích. Cái lão Bố Đại hòa thượng kia mà còn chịu bó tay ngồi tù nữa là. Ta biết rồi, chắc cô cậu là vợ chồng phải không? Nguyên-Hạnh sẽ chỉ giết cậu mà thôi. Còn cô nó giữ làm Hồng-hương mỹ nhân để thưởng hoa. Ta nói cho mà biết. Tuy vậy y muốn người, y phải cầu ta. Vì chỉ có ta mới cứu được người. Còn lão Bố Đại hòa thượng kia không làm lên trò gì đâu.
Mỹ-Linh hỏi nhà sư:
- Sư phụ, người là Bố Đại hòa thượng đấy à?
- Ừ. Chính là ta. Mà chẳng phải là ta.
Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cùng bật lên tiếng úi chà. Vì Bố Đại hòa thượng nức danh cao tăng thuộc phái Tiêu-sơn đắc đạo. Lão ở vai sư thúc của quốc-sư Vạn-Hạnh, và Lý Khánh-Vân. Mà Lý Khánh-Vân là nghĩa phụ của Thuận-thiên hoàng đế (Lý-Thái-Tổ). Lão đắc đạo rất sớm, võ công cao thâm không biết đâu mà lường. Song lão chẳng bao giờ đánh ai. Ai đánh, lão chỉ đỡ, rồi bỏ chạy.
Lão có đặc tính, chỉ đóng cái khố, choàng ngoài bằng tấm áo cà-sa. Nơi nào lão cũng ăn được. Chỗ nào lão cũng ngủ được. Lão không bao giờ tắm, mà trên người lão luôn thoang thoảng mùi hương trầm. Lão đi đến đâu, con nít bu xung quanh lão, đứa thì vỗ bụng, đứa thì bẹo tai, đứa thì ngoáy tay vào rốn lão.
Lão thuyết pháp rất giản dị, chỉ vài câu thôi, người ta đã hiểu tinh hoa đạo Phật. Lão đi khắp các sứ Chân-lạp, Chiêm-thành, sang đến Trung-quốc. Người Trung-quốc vẽ hình nặn tượng thờ lão. Có hai tượng khác nhau. Tượng thứ nhất lão đeo tràng hạt, có năm đứa trẻ ngồi trên bụng, trên vai, trên tay lão. Đứa bẹo tai, đứa bẹo mắt, đứa nắm tay, đứa ngoáy rốn, đứa bụm miệng. Còn một tượng nữa trong tư thế ngồi cầm tràng hạt cười.
Sự thực lão cũng có tục danh. Tục danh của lão được lưu truyền là Khiết-Thử. Không rõ họ. Người ta tặng cho lão tên Trường-đinh-tử. Sử Trung-quốc ghi lão xuất hiện thuyết pháp đầu tiên vào đời nhà Lương (909-923). Niên hiệu Trinh-Minh thứ ba đời Lương (917) lão dùng ngón tay viết lên đá ở chùa Nhạc-lâm bài kệ như sau:
Di-lặc chân Di-Lặc,
Phân thân thiên bá ức.
Thời thời thị thế nhân,
Thế nhân tự bất thức.
Dịch:
Di-Lặc đúng Di-Lặc,
Phân thân thành triệu người.
Đời đời dạy nhân thế,
Nhân thế nào có hay.
Sau đó lão gọi đệ tử đến, dạy rằng:
- Ta có nguyện, đầu thai nhiều lần xuống vùng đất thiêng Nam Ngũ-lĩnh, giúp tộc Việt dựng lại thành quốc gia kỷ cương. Đây mới là kiếp thứ nhất. Nay xác ta mục. Ta tìm về phương Nam, nhập vào hài nhi sơ sinh, bắt đầu kiếp thứ nhì. Sau này ta cũng có hình dạng cùng hành trạng như hiện nay.
Nói dứt, viên tịch. Tin đó truyền ra ngoài, dân chúng làm tượng thờ. Rồi ít lâu sau, vùng Cửu-chân lại xuất hiện một chú tiểu về tu ở chùa Tiêu-sơn. Chú nói tiền kiếp chính là Bố-Đại hoà thượng. Không ai tin, có người cho chú điên khùng. Năm hai mươi lăm tuổi chú béo tròn, trán bóng, lúc nào cũng cười toe toét, giống hệt Bố-Đại hoà thượng ngày xưa. Bấy giờ người ta mới tin Bố-Đại tái sinh.
Bố-Đại lại du hành thuyết pháp ở Trung-quốc. Lưng đeo túi vải. Nhân bố là vải, đại là túi. Nên người ta gọi lão là Bố-Đại hoà thượng. Ai cúng dàng cái gì, lão bỏ vào túi, đem phát cho trẻ con. Lão đi đến đâu, trẻ con bu quanh lão đến đấy.
Thiệu-Thái nhìn lão, quả giống hệt tượng mà người ta nặn để thờ. Chàng thắc mắc:
- Đại sư. Tại sao người ta lại nặn hai loại tượng của đại sư để thờ?
Bố Đại hòa thượng lắc đầu:
- Con lợn đã có bao giờ nghe nói đến lục tặc không?
Thiệu-Thái chưa từng nghe thuyết pháp lấy một lần, cũng chẳng đi chùa lễ Phật bao gìơ. Vì vùng Lạng-châu chỉ có một tôn giáo, là thờ 162 anh hùng thời Lĩnh-nam. Chàng lắc đầu.
Bố Đại hòa thượng rung đùi:
- Tượng có năm đứa trẻ ngồi trên bụng ta, biểu tượng thời kỳ ta chưa giác ngộ, bị Lục-tặc quấy phá. Còn tượng ta ngồi cười, biểu tượng thời kỳ ngộ đạo rồi, Lục-tặc không còn nữa.
Ông nói đến đâu, Mỹ-Linh gật đầu, tỏ ý hiểu đến đó. Còn Thiệu-Thái ngơ ngơ ngác ngác hỏi:
- Tiểu bối nghe võ công đại sư cao thâm khôn lường. Sao đại sư không đánh đuổi Lục-tặc là sáu tên giặc đi đi? Chúng bé xíu mà?
Bố Đại lắc đầu:
- Lợn. Lợn. Ngu như lợn. Đánh đuổi thế chó nào được. Nó có hình, có xương, có thịt đâu mà đánh? Nó không hình, không bóng. Nó chính là ta. Trong mi cũng có Lục-tặc. Trong bà cụ kia cũng có Lục-tặc. Trong con nhí cũng có Lục-tặc. Mi hiểu chưa?
Mỹ-Linh gật đầu mỉm cười. Còn Thiệu-Thái càng ngơ ngác. Mỹ-Linh giải thích:
- Để em nói cho anh nghe. Khi đại-sư đây chưa đắc đạo thì sáu thứ giặc nó quấy nhiễu. Sáu thứ giặc đó là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Mắt còn thích nhìn hoa thơm cỏ lạ là một tặc. Tai còn nghe lời thị phi, bị âm thanh lôi kéo là hai tặc. Mũi còn ngửi mùi hương thơm, mùi hôi thối là ba tặc. Miệng còn muốn ăn ngon, còn phân biệt ngũ vị là bốn tặc. Lưỡi còn nói không, nói có cho người là năm tặc.
Thiệu-Thái tính đốt ngón tay:
- Như vậy mới có ngũ tặc. Ừ, đúng ngũ tặc, vì tượng chỉ có năm đứa trẻ, chứ đâu phải sáu.
Mỹ-Linh cũng bật cười về ông anh chân thật của mình:
- Khi bị ngũ tặc quấy phá, trong tâm người không định được, còn giận hờn, còn cáu kỉnh, còn tức tối...thì chính người là một tặc nữa.
Bố Đại giảng:
- Con nhí nghe đây. Trong kinh Bát-nhã cũng như Kim-cương, Lăng-gìa đều không ngớt nói về nhân ngã tứ tướng. Khi luyện Thiền-công, dù Vô-ngã hay Vô nhân hay Vô chúng sinh hay Vô thọ tuy có khác nhau, nhưng đều thu về một mối, làm sao bỏ sáu căn của con người nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý bấy giờ trong người như một nơi chân không, hỏi rằng Lục-tặc làm sao nhập vào được. Đã đến trình độ này, sẽ thành Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ gỉa tướng. Người học loại thần công nào cũng thế thôi.
Mỹ-Linh học đủ mọi kinh điển nhà Phật tới chỗ sâu sa nhất. Nàng đã tụng hàng vạn lần kinh Bát-nhã, kinh Kim-cương, cũng như kinh Lăng-gìa. Thế nhưng chưa một lần nghe nói làm thế nào áp dụng vào việc luyện Thiền-công. Hôm ở dưới hầm đá, vô tình luyện được thần công tổng hợp của nội công Lĩnh-nam với Thiền-công nhà Phật do Trần-Năng để lại. Tuy luyện thành, nhưng nàng thấy uy lực không mạnh làm bao, nàng thắc mắc mãi mà không hiểu.
Hôm nay nhà sư bụng phệ phân biệt ra, nàng mới tỉnh ngộ. Nàng nhắm mắt thử bỏ ra ngoài mắt, tai, mũi, thân, và buông lỏng mọi tư duy trong lòng, rồi phát lực ra bàn tay. Nàng thấy chân khí mạnh không thể tưởng được. Bàn tay nàng tiết ra mùi hôi tanh khủng khiếp.
Mụ già gầy kinh ngạc:
- Lão hòa thượng bụng phệ kia giỏi thực. Người nói ba láp, mà con nhí nó đẩy hết được chất độc ra ngoài rồi. Giỏi.
Hồi còn nhỏ, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái đã nghe nới về Bố Đại hòa thượng, không ngờ hôm nay lại gặp lão trong tù. Mỹ-Linh nhìn kỹ lão:
- Cứ theo như mẹ ta kể, lão là sư thúc của sư tổ Vạn-Hạnh. Như vậy ít ra lão cũng trăm tuổi rồi. Thế mà sao khuôn mặt lão còn trẻ thế? Chết thực, so vai vế lão ở trên mình đến bốn bậc, mà từ nãy đến giờ mình chưa ra mắt.
Mỹ-Linh quì xuống:
- Đệ tử Mỹ-Linh xin tham kiến thái-sư thúc tổ.
Bố Đại hòa thượng vẫy tay:
- Phái Tiêu-sơn nhà ta không nhận nữ đệ tử. Thế mà gã Huệ-Sinh thu nạp người, thực lạ lùng, thực ngoài sự tưởng tượng. Hay thực, thằng cu Huệ-Sinh hay hơn ta nhiều.
Bà lão bị giam nói vọng sang:
- Nhất định Huệ-Sinh hay hơn rồi. Vì người dở nên mới bị Nguyên-Hạnh bắt giam.
Bố Đại nghe bà già châm biếm mình, lão cười toe toét:
- Bà còn hay hơn tiểu tăng nữa.
Mỹ-Linh hỏi bà lão:
- Tiền bối, thân thế người ra sao? Vì cớ gì lại bị giam vào đây?
Lão bà nghiến răng:
- Ta chính là vợ của Nguyên-Hạnh. Ta bị y giam vào đây gần chục năm nay rồi.
Mỹ-Linh kinh khiếp:
- Đại sư Nguyên-Hạnh thuộc phải Tiêu-sơn, từ võ công đến thiền học đều uyên thâm, sao lại tàn ác như vậy?
Lão bà nghiến răng nói:
- Ta với Nguyên-Hạnh nguyên đều là sư huynh sư đệ đồng môn thuộc bang Nhật-hồ.
Bố Đại gật đầu:
- Bang Nhật-Hồ chuyên dùng chất độc luyện Chu-sa chưởng. Võ lâm Trung-nguyên nghe đến tên là kinh tâm động phách.
Lão bà gật đầu tỏ vẻ tự cao:
__ Phụ thân ta làm đại tướng quân cho triều Bắc-Chu. Khi Triệu Khuông-Dẫn cướp ngôi nhà Chu, phụ thân ta cầm binh chống lại. Sau khi phụ thân ta gìa yếu qua đời, lực lựơng bị tan rã. Năm đó ta mười tám, sư huynh Nguyên-Hạnh hai mươi lăm tuổi. Chúng ta bị bắt. Triều Tống định đem mẹ cùng các anh ta đem chém. Chúng ta dâng biểu xin ân xá, hứa làm bất cứ điều gì mà triều đình muốn. Bấy giờ nhà Tống mới bị nhà Lê ở Giao-chỉ đánh bại. Khu-mật-viện triều Tống tính kế lâu dài. Họ bàn tha cho mẹ, các anh ta. Điều kiện ta với sư huynh phải sang Giao-chỉ lập nghiệp, đợi khi nào quân Tống sang, nổi lên làm nội ứng.
Bà lão thở dài:
- Khu-mật-viện dặn chúng ta khi tới Giao-chỉ, lỡ bị bại lộ phải khai như sau : Ta tên thực là Đỗ Lệ-Thanh, vốn ngừơi Hoa, chứ không phải người Việt. Ta sinh ra trong một gia đình giầu có, lại thông minh. Thủa nhỏ ta học văn, học võ đều thành công. Năm mười sáu tuổi kết hôn với một danh sĩ trong làng. Một lần lên chùa lễ Phật, ta gặp tăng sĩ nghèo khó, không có tiền mua vải may áo cà sa. Động lòng trắc ẩn, về nhà ta mua vải may bốn chiếc áo tặng người. Người mừng lắm, cảm ơn ta rối rít. Việc làm của chúng ta sáng như trăng rằm, nhưng người trong làng trông thấy, họ bắt lỗi nhà sư, đuổi khỏi chùa. Nhà sư tìm đến nhà ta xin ta giúp cho ít tiền độ nhật về quê. Ta không có tiền, bèn lấy cái nhẫn cưới cúng dàng. Giữa lùc đó chồng ta về, trông thấy. Người nổi giận đuổi ta đi.
Bà ngơ ngẩn xuất thần:
- Ta ra đi cùng với tăng sĩ. Ta bán hết tư trang, cùng người theo bọn lái buôn bỏ xứ ra đi. Chúng ta đến Đại-Việt. Bấy giờ vào lúc triều Lê kiểm soát người Hoa rất kỹ. Ta phải mở cửa hàng bán thuốc. Chàng mang lớp áo tăng sĩ xin vào chùa Tiêu-sơn ở. Chàng được Bố Đại hòa thượng thu làm đệ tử, ở luôn trong chùa, đêm đêm trốn ra gặp ta.
Mỹ-Linh ngắt lời bà:
- Tăng sĩ đó tức là Nguyên-Hạnh đại sư?
- Chứ còn ai nữa. Sau Bố Đại hòa thượng được cử vào coi chùa Sơn-tĩnh. Nguyên-Hạnh cũng vào theo. Ta âm thầm đến mở cửa hàng ở dưới trấn. Chúng ta ăn ở với nhau, đẻ được hai đứa con trai. Lúc chúng lớn lên, Nguyên-Hạnh đem chúng vào chùa Sơn-tĩnh tu, dối là con bá tính.
Thiệu-Thái a lên một tiếng:
- Tôi biết hai đứa trẻ này rồi. Trong chùa hiện có hai tiểu hòa thượng, dung mạo giống đại-sư Nguyên-Hạnh như đúc. Một người pháp danh Hạnh-Chân, một người pháp danh Hạnh-Như.
- Đúng đó. Võ công, Phật học Nguyên-Hạnh ngày càng sáng chói. Y lập ra đoàn Phật-tử Hồng-hương. Cứ mỗi năm vào tháng 6-7-8 mở hội, cho tất cả nam phụ, lão ấu các nơi tụ về tập Thiền. Những việc như thế, không qua mắt được lão hòa thượng Bố Đại. Lão khuyên chúng ta buông dao mổ heo, sẽ thành Phật. Chúng ta bề ngoài vâng dạ cho qua. Nguyên-Hạnh xui ta chế thuốc kịch độc bỏ vào thức ăn cúng dàng. Y khuyên ta chỉ chế thuốc cho lão mê đi, chứ đừng giết lão. Vì Nguyên-Hạnh còn muốn lão dạy cho tâm pháp của Vô nhân tướng thần công. Lão hòa thượng Bố Đại bị trúng độc, Nguyên-Hạnh đem vào đây giam lại.
Mỹ-Linh thấy câu truyện mỗi ngày một huyền bí. Nàng hỏi:
- Thế rồi tại sao lão bà lại bị giam?
- Ta khám phá Nguyên-Hạnh mở Hồng-hương không phải để dạy Thiền, tu đạo gì cả, mà chỉ để dụ dỗ đàn bà con gái đến chùa. Y để ý, người nào đẹp, y bắt giam ở Vọng-nguyệt-đài phía sau núi này, để tối tối bọn y ra hành lạc.
Mỹ-Linh nhớ lại những cô gái hầu đêm trước, người nào chân cũng bị xiềng. Nàng gật đầu tỏ vẻ hiểu biết. Lão bà tiếp:
- Ta được tin ấy, âm thầm theo dõi đến chỗ này, thì bị con Cao Thạch-Phụng phát hiện tông tích. Y thị bắt Nguyên-Hạnh giam ta vào đây, để hành tội.
Thiệu-Thái tỏ vẻ thương hại lão bà Đỗ Lệ-Thanh:
- Họ hành hạ tiền bối bằng cách nào?
Đỗ Lệ-Thanh nghiến răng kèn kẹt:
__ Thông thường khi hai tiện nhân hành lạc, chúng sai tỳ nữ bắt ta đem đến Vọng-nguyệt-đài, bịt miệng, trói vào cái cột. Sau đó hai đứa vào phòng hành lạc với nhau cho ta nhìn, để uất ức mà chết. Nhưng ta vẫn không chết được. Hành lạc chán, chúng ngồi ăn uống cùng nhau, bắt ta nhịn đói. Mỗi khi uất ức quá, ta nghiến răng rên rỉ, chúng tỏ vẻ sung sướng vô cùng.
Đỗ Lệ-Thanh nhìn Mỹ-Linh thương hại:
- Tiểu cô nương. Tiểu cô nương liệu mà tự tử đi thôi, bằng không con tiện nhân Cao Thạch-Phụng sẽ đem tiểu cô nương cho hàng chục người hành lạc. Nó thích ngồi nhìn cảnh con gái lương gia bị hiếp dâm lắm.
Mỹ-Linh nói với Bố Đại hòa thượng:
- Thái sư thúc tổ. Bằng vào luật nhân quả, phái Tiêu-sơn nhà ta thành lập đã mấy trăm năm nay, chỉ chuyên làm phúc. Không hiểu sao nay lại nảy ra vụ Nguyên-Hạnh?
Bố Đại hòa thượng cười:
- Con bé này chỉ nhìn một mặt. Người không nhìn thấy nhiều mặt khác. Ta hỏi người nhé. Khi vua Đinh thống nhất sơn hà. Phái Tiêu-sơn gửi hàng ngàn cao thủ giúp người. Trong hàng trăm trận đánh đó, biết bao nhiêu người bị giết dưới kiếm đệ tử Tiêu-sơn. Nghiệp báo từ đó sinh ra chứ đâu.
Ông toét miệng cười, hai mắt nhắm lại:
- Lại khi Vạn-Hạnh giúp Lê Hoàn đánh Tống, hai mươi vạn quân, ba mươi vạn dân phu chết ở Chi-lăng, chìm ở Bạch-đằng...Oan khí biết bao nhiêu mà kể. Vả lại cái tâm nguyện của chúng ta là dựng lại nước Việt. Khi có tâm nguyện, ắt phải theo. Mà đã theo ắt có nghiệp quả. Vì thế mới có câu Thầy tăng mở nước.
Mỹ-Linh hỏi:
- Thái sư thúc tổ. Đệ tử thường nghe người đời nói Thầy tăng mở nước. Không biết từ đâu mà có câu này?
Bố Đại không cười nữa, ông ngồi ngay ngắn lại:
- Khi nhập môn, Huệ-Sinh đã nói cho con nghe về cuộc truyền tâm ấn của đức Thích-ca mâu-ni cho ngài Ma-ha ca-diếp rồi phải không?
- Vâng. Từ ngài Ma-ha ca-diếp đến ngài Tăng-giả Nan-đà là chín đời, thầy truyền cho trò, theo lối tâm truyền tâm:
1. Ca-Diếp (Kacyapa).
2. A-Nan (Ananda).
3. Thương-na-hòa-tu .(Canavasa).
4. Ưu-ba-cúc-đa (Upaguta)
5. Đề-ca-đa (Dhritaka).
6. Di-già-ca (Micchaka).
7. Bà-tu-mật (Vasusmitra).
8. Phật-đà-nan-đề ( Bouddhanandi).
9. Tăng-giả-nan-đà (Samghananda) và Phật-đà-mật-đa (Bouddhamitra).
Ngài Tăng-giả Nan-đà đến Lĩnh-Nam đúng vào lúc vua Trưng khởi nghĩa, hoằng dương đạo pháp. Sử sách còn ghi ngài qui y cho Trưng Nhị, Hồ Đề. Ngài truyền giới cho Hoàng Thiều-Hoa, Tiên-Yên nữ hiệp, Phật-Nguyệt, và Nghiêm Tử-Lăng. Ngài dạy Thiền-công cho Trần Năng. Nhưng sử không ghi ngài truyền tâm ấn cho ai. Giòng tâm ấn coi như tuyệt. Nhưng Thiền-công thì vẫn còn.
Bố Đại nghe Mỹ-Linh nói, ông hỏi Thiệu-Thái:
- Con lợn, hiểu không?
- Thưa, đệ tử hiểu.
- Khá đấy. Tại Thiên-Trúc, truyền tâm ấn đến đời thứ 28.
Thiệu-Thái tỏ vẻ hiểu biết, chàng gật gật đầu. Bố Đại hòa thượng hỏi:
- Con lợn, người hiểu gì, nói ta nghe.
- Giai đoạn này tiểu bối biết rồi. Tổ thứ 28 là Bồ-đề Đạt-ma cỡi thuyền qua Trung-nguyên, lập ra chùa Thiếu-lâm. Đạt-Ma truyền cho Huệ-Khả. Huệ-Khả truyền cho Tăng-Sán. Tăng-Sán truyền cho ngài Tỳ-ni Đa-lưu chi. Ngài Tỳ-ni Đà-lưu-chi đến Đại-Việt vào năm Canh-Tý (580). Khi ngài đến chùa Pháp-vân gặp tổ Pháp-Hiền, bèn thu làm đệ tử cùng truyền tâm ấn cho. Đó là nguồn gốc phái Tiêu-sơn.
- Rồi sao nữa?
- Tiểu bối nghe nói ngài Tỳ-ni đà-lưu-chi chỉ truyền Thiền-công cho ngài Pháp-Hiền. Võ công vốn có hai phần. Một phần là sức lực tức nội công. Một phần là chiêu thức. Ngài Tỳ-ni đa-lưu-chi chỉ truyền Thiền-công tức nội công. Vậy các chiêu thức của phái Tiêu-sơn ở đâu mà ra?
Bố Đại hòa thượng hỏi Mỹ-Linh:
- Con có biết không?
- Không. Con nghe nói ngoại công phải Tiêu-sơn xuất từ phái Đông-a. Sự thực ra sao?
- Tổ Pháp-Hiền thu nhận đến 300 đệ tử, ngài dạy Thiền-công, giảng kinh cho tăng, chứ không dạy tục gia đệ tử.
Ông ngưng lại:
- Thế nhưng tổ có duyên với chú bé thợ săn. Thành ra tổ không dạy, rồi cũng phải dạy. Chú bé thợ tên Trần Tự-Viễn mồ côi, nhà gần chùa. Chú thường lên chùa lễ Phật nghe kinh. Chú thấy các tăng ngồi ngoài vườn thở hít, thì muốn vào xem. Chú bị đuổi ra. Tức qúa, đêm đêm chú núp trong vườn trộm nghe tổ giảng Thiền-công. Về nhà chú tự luyện. Chẳng bao lâu Thiền-công chú tăng tiến lạ thường. Một ngày vào rừng săn, chú thấy con ưng bắt con rắn. Con rắn chống lại. Chú kiên nhẫn theo dõi, rồi chế ra Ưng-Xà quyền.
Thiệu-Thái gật đầu:
- À phải rồi, cháu đã được coi người ta biểu diễn Ưng-Xà quyền một lần. Cứ tay phải giống như ưng vồ mồi. Tay trái giống như xà tấn công. Thì ra gốc từ đấy.
- Trần Tự-Viễn thường núp coi hổ đánh nhau. Từ đó ông chế ra Hổ-quyền. Ông trở thành thợ săn thiện nghệ. Ông có thể bắt sổng hổ, báo, voi, trăn đem về dạy dỗ hàng đàn trong vườn. Một ngày kia ông vào rừng thấy con nai con, bèn dương cung bắn trúng chân nó, định bắt. Thì một nhà sư nhảy ra vồ con nai, nhảy sang bên kia suối, nhổ tên, thả cho nó đi. Trần Tự-Viễn nổi giận đuổi theo nhà sư, định bắt để trị tội. Nhưng nội công ông thấp hơn nhà sư, nên đuổi không kịp. Ông nhìn xa xa thấy nhà sư chạy vào chùa Tiêu-sơn. Biết trong chùa đông người. Ông trở về nhà dẫn đội binh hổ, báo, voi, chó sói bao vây chùa. Đệ tử trong chùa náo loạn lên, mang gậy chống cự, nhưng không lại. Tổ Pháp-Hiền ra lệnh không được đánh nhau với thú, lên bảo điện nhập thiền hết.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp