Alexis Zorba - Con Người Hoan Lạc

Chương 8


Chương trước Chương tiếp

Hôm sau, lại mưa. Trời, đất hòa quyện vào nhau vô cùng âu yếm. Tôi nhớ đến một bức phù điêu Hinđu trên đá màu xám đậm. Người đàn ông quàng tay ôm người đàn bà và gắn với nàng một cách dịu dàng và cam chịu đến nỗi ta có cảm giác - do mưa nắng, sương gió đã tác động và gần như ăn ruỗng vào đôi thân thể - như thấy hai con côn trùng lẹo nhau trên đó cơn mưa bụi đã bắt đầu rơi và làm ướt cánh chúng. Quấn quýt chặt chẽ với nhau như vậy, chúng đã bị mút trở vào cái miệng phàm ăn của đất.

Tôi ngồi ở cửa lều nhìn mặt đất đen sẫm lại và biển anh ánh một màu xanh lân quang. Từ đầu ghềnh đến cuối bãi, không thấy một bóng người, một dáng buồm, một cánh chim. Chỉ có mùi đất phả vào qua cửa sổ.

Tôi đứng dậy và đưa tay ra hứng mưa như một kẻ ăn xin. Đột nhiên, tôi thấy muốn khóc. Một nỗi buồn đau nào đó, không phải của riêng tôi mà sâu sắc hơn, u tối hơn, đang dâng lên từ đất ẩm: cái nỗi kinh hoàng xâm chiếm một con vật đang bình yên gặm cỏ, bất chợt, ngẩng đầu lên, không trông thấy gì, nhưng đánh hơi trong không khí bao quanh, biết rằng mình đang mắc bẫy, không đường thoát.

Tôi muốn kêu lên một tiếng, biết rằng như vậy sẽ nhẹ bớt nỗi niềm, nhưng tôi ngượng không dám.

Mây mỗi lúc một sà xuống thấp. Tôi nhìn qua cửa sổ , tim tôi phập phồng nhè nhẹ .

Những giờ mưa nhẹ có thể cho ta tận hưởng nỗi đau buồn với một khoái cảm lạ lùng biết bao! Tất cả những hồi ức cay đắng náu kín tận đáy tâm thức bỗng nổi lên: bạn bè chia xa, những nụ cười đàn bà đã tàn phai, những hy vọng đã gãy cánh như những con bướm đêm, chỉ còn lại một con sâu - và con sâu đó đã bò vào cánh lá tim tôi và đang ăn ruỗng nó.

Hình ảnh bạn tôi lưu vong ở vùng Caucasus từ từ hiện ra qua màn mưa và đất sũng nước. Tôi lấy bút, cúi trên mảnh giấy và bắt đầu trò chuyện với anh nhằm xé toạc tấm lưới mảnh của mưa để có thể thở được.

"Bạn thân yêu,

"Mình đang viết cho cậu từ một bờ biển hiu quạnh trên đảo Crete, nơi mà Định Mệnh và mình đã nhất trí với nhau là mình sẽ ở lại chơi mấy tháng - đóng vai một nhà tư bản. Nếu trò chơi của mình thành công, mình sẽ nói đó không phải là một trò chơi mà sẽ tuyên bố rằng mình đã làm một quyết định lớn và thay đổi lối sống.

"Chắc cậu còn nhớ khi ra đi, cậu đã gọi minh là mọt sách. Điều đó làm mình bực đến nỗi mình đã quyết định từ bỏ việc viết lách trong một thời gian - hay mãi mãi? - và dán mình vào một cuộc đời hành động. Mình đã thuê một sườn núi có chứa quặng than bùn; mình đã thuê thợ, mua cuốc xẻng, đèn đất, thúng giỏ, xe tải. Mình đã mở những đường hầm và chui vào đó. Làm thế cốt để chọc tức cậu đó. Bằng cách đào và tạo những hành lang trong lòng đất, con mọt sách đã trở thành con chuột chũi. Mình hy vọng cậu tán thành cuộc chuyển hóa này.

"Những niềm vui của mình ở đây thật lớn lao vì chúng rất đơn giản và xuất phát từ những yếu tố vĩnh cữu: không khí trong lành, ánh nắng, biển cả và bánh mì.

Tối đến, một tay Sinbad nhà Hàng Hải tuyệt diệu ngồi xếp bằng trước mặt mình và nói chuyện. Hễ lão cất tiếng nói là thế giới to rộng ra. Thi thoảng khi ngôn từ không đủ diễn tả, lão chồm dậy và nhảy múa. Và khi nhảy múa cũng không đủ nữa, lão đặt câv santuri lên lòng và bắt đầu chơi.

"Có lúc lão chơi một điệu man rợ thế là ta cảm thấy tức thở vì chợt nhận ra đời mình thật vô vị, khốn khổ, không xứng đáng với kẻ nam nhi. Có lúc lão chơi một điệu đau đớn và ta cảm thấy đời mình mau qua như cát chuội qua kẽ ngón tay, không bề cứu chuộc.

"Tim mình cứ chao qua chao lại trong lồng ngực như con thoi của người dệt cửi. Nó dệt nên mấy tháng mình đang sống ở Crete đây và, lạy Chúa, mình tin rằng mình hạnh phúc.

"Đức Khổng Tử nói: nhiều kẻ tìm kiếm hạnh phúc cao hơn con người, kẻ khác nhằm thấp hơn. Nhưng hạnh phúc là cùng tầm cao với cho người. " Đúng là thế. Cho nên phải có thứ hạnh phúc hợp với tầm vóc của mọi người. Đó là hạnh phúc của mình hôm nay, học trò và thầy thân mến của tôi ạ. Mình cứ băn khoăn đo đi đo lại hạnh phúc ấy để xem tầm vóc mình lúc này ra sao. Bởi lẽ điều này cậu thừa biết tầm vóc con người không phải bao giờ cũng thế.

"Tâm hồn con người biến hóa biết bao theo khí hậu, sự tịch lặng, cô liêu hoặc đám bạn bầu trong đó nó sống!

"Nhìn từ cái tâm trạng cô đơn của mình, con người hiện ra trước mắt mình không như bầy kiến, mà trái lại, tựa những con quái vật khổng lồ - những con khủng long, những con thằn lằn ngón cánh sống trong một khí quyển bão hòa a xít cacbônic và dày đặc cây cỏ mục nát từ đó hình thành tạo vật. Một mớ hỗn độn phi lý không sao hiểu nổi. Những khái niệm "quốc gia " và "chủng tộc" mà cậu ưa thích, những khái niệm "siêu quốc gia" và "nhân loại" từng quyến rũ mình; ở đây cùng có giá trị như nhau dưới hơi thở toàn lực của hủy diệt. Chúng ta cảm thấy mình đã ngồi lên để thốt ra mấy âm tiết, đôi khi thậm chí không thành âm tiết mà chỉ là những tiếng ú ớ. Một tiếng "ôi", một tiếng "ừ!" sau đó, chúng ta bị tiêu diệt. Và ngay cả những ý niệm cao cả nhất, nếu mổ xẻ, cũng lộ rõ là không hơn gì những con búp bê nhồi cám và giấu trong cám là một cái lò-xo sắt.

"Cậu thừa hiểu mình để thấu rõ rằng những suy tưởng dữ dội ấy không hề làm mình trốn chạy, mà trái lại chúng còn là thứ bùi nhùi không thể thiếu để nhen nhóm ngọn lửa bên trong tâm hồn mình. Bởi vì, như sư phụ mình là Đức Phật truyền giảng: "Ta đã thấy ". Và vì mình đã thấy cũng như, trong nháy mắt, đã giao hảo với người đạo diễn vô hình vui vẻ và đồng bóng, từ nay trở đi mình có thể sắm vai của mình trên trái đất cho trọn vẹn, nghĩa là mạch lạc và không nản chí. Vì một khi đã thấy, mình cũng cộng tác trong tác phẩm mà mình đang diễn trên sân khấu của Thượng đế.

"Chính như thế mà khi bớt nhìn qua sân khấu vũ trụ, mình có thể thấy cậu ở nơi kia, trong những thành lũy huyền thoại của dãy núi Caucasus, cũng sắm vai của cậu; mình có thể thấy cậu đang chiến đấu để cứu hàng nghìn người thuộc giòng giống chúng ta đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Một Prometheus giả, thế nhưng lại phải chịu đựng những cực hình rất thực trong khi đấu tranh chống những lực lượng đen tối của đói rét bệnh tật và chết chóc. Nhưng, bản tính vốn kiêu hãnh, đôi khi cậu phải hoan hỉ vì những lực lượng đen tối của hủy diệt nhiều đến thế và không thể đánh bại; bởi như vậy, chủ đích của cậu: sống hầu như vô vọng, sẽ trở nên anh hùng hơn và tâm hồn cậu sẽ đạt được một tầm vĩ đại bi tráng hơn.

"Chắc chắn cậu phải coi cuộc đời cậu đang sống là một cuộc đời hạnh phúc. Và bởi cậu coi nó là thế, nó ắt là thế. Cậu cũng đã khớp hạnh phúc của cậu cho vừa tầm vóc cậu; và tầm vóc cậu bây giờ, đội ơn Chúa, lớn hơn tầm vóc mình. Người thầy tốt không mong muốn phần thưởng nào hơn điều này: đào tạo được một học trò vượt lên mình .

"Còn về phần mình, mình thường hay quên, mình tự gièm pha, mình lạc lối, lòng tin của mình là một mớ bất tín cặp lẫn vào nhau. Đôi khi mình cảm thấy muốn làm một cuộc đổi chác, đổi cả cuộc đời lấy một phút sống ngắn ngủi. Nhưng cậu thì luôn nắm chắc tay lái. Cậu không bao giờ quên, cả trong những giờ phút ngọt ngào nhất của kiếp nhân sinh này. Cậu cũng không bao giờ lãng mất cái đích cậu đã nhằm vươn với.

"Cậu còn nhớ cái ngày chúng mình xuyên qua Italia trên đường về Hy Lạp không? Hai chúng mình đã quyết định đi về vùng Pontus bấy giờ đang lâm nguy. Chúng mình vội vã xuống tàu ở một thị xã nhỏ - chúng mình chỉ có một giờ để đáp chuyến tàu khác. Chúng mình đi vào một khu vườn lớn rậm rạp ở gần ga . Tại đó có những cây lá to bản, chuối mới trồng, tre màu kim khí thẫm, từng bầy ong sà đến một cành nở rộ hoa, những bông hoa run rẩy đón chúng hút nhụy mình .

"Chúng mình dạo bước, ngây ngất lặng rẽ như trong một giấc mơ. Bỗng nhiên, ở một góc quanh của con đường hoa, hiện ra hai cô gái vừa đi vừa đọc sách.

Mình không còn nhớ là các cô đẹp hay xấu. Mình chỉ nhớ một cô tóc vàng, cô kia tóc đen và cả hai đều vận xiêm mùa xuân.

"Với sự mạnh bạo thường có trong mơ, chúng mình sán lại và cậu nói: "Bất kể các cô đang đọc sách gì, chúng tôi cũng xin tranh luận với các cô về cuốn đó ". Hai cô đang đọc Gorki. Thế rồi hối hả vì quá ít thì giờ, chúng ta trò chuyện về cuộc đời, về nghèo đói, về sự nổi loạn của tâm hồn, về tình yêu. . .

"Mình sẽ không bao giờ quên nỗi hân hoan và sầu muộn của chúng ta. Tụi mình và hai thiếu nữ không quen đó đã thành bạn cố tri, thành người tình cũ; tụi mình đã mang trách nhiệm đối với tâm hồn và thể xác họ và tụi mình vội vội vàng vàng vì chỉ mấy phút sau, tụi mình sẽ lìa xa họ mãi mãi. Trong không khí, tụi mình nom thấy sự say đắm và cái chết.

" Tàu đến và huýt còi . Chúng ta giật mình như tỉnh mộng. Chúng ta bắt tay nhau. Làm sao mình có thể quên được cái riết chặt tuyệt vọng của những ngón tay không muốn rời nhau. Hai cô em, một cô mặt tái nhợt, cô kia gượng cười, run rẩy.

"Và mình nhớ là bấy giờ mình bảo cậu : "Hy Lạp, Tổ Quốc, Bổn Phận, những cái ấy nghĩa là gì nhỉ? Chân lý đây này. Và cậu trả lời: " Hy Lạp, Tổ Quốc, Bổn Phận chẳng có nghĩa gì hết. Tuy nhiên, vì cái vô nghĩa ấy, chúng ta sẵn sàng chuốc lấy hủy diệt.

"Nhưng tại sao mình lại viết những điều này cho cậu nhỉ? Để cho cậu thấy mình không quên một giây phút nào chúng ta đã sống với nhau. Và cũng để có dịp phát biểu cái điều mà vì thói quen tốt (hay xấu?) một mực kìm nén tình cảm của chúng ta, mình chưa bao giờ bộc lộ với cậu khi còn ở bên nhau.

"Giờ đây khi cậu không còn ở trước mặt mình, do đó không thế nhìn thấy mặt mình, khi mình không sợ tỏ ra ủy mị hay lố bịch, mình có thể nói với cậu rằng mình yêu cậu vô cùng."

Tôi đã viết xong thư. Tôi đã trò chuyện với bạn tôi và tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi gọi Zorba. Núp dưới một tảng đá cho khỏi bị ướt, lão đang thử mô hình tuyến chuyên chở của lão.

- Lại đây, Zorba, tôi gọi. Đứng dậy nào, chúng mình vào làng dạo chơi một cái.

- Sếp đang phấn hứng nhỉ. Trời đang mưa đấy. Sếp đi một mình không được sao?

- Tôi không muốn mất hứng. Nếu ta cùng đi thì không có nguy cơ đó. Đi với tôi đi.

Lão cười.

- Tôi rất mừng thấy sếp cần tôi, lão nói. Nào thì đi.

Lão mặc cái áo choàng len kiểu Crete có mũ chụp nhọn tôi đã cho lão và chúng tôi lõm bõm lội bùn tiến ra đường cái.

Trời đang mưa. Những đỉnh núi bị che kín. Không một hơi gió. Sỏi lấp lánh. Đồi than bùn chìm trong sương mù. Tựa hồ gương mặt phụ nữ của trái đồi bị liệm trong u sầu tựa hồ nàng đã ngất xỉu trong mưa.

- Trái tim con người đau đớn khi trời mưa, Zorba nói. Sếp không nên hận thù nó làm gì. Tội nghiệp, nó cũng có một linh hồn.

Lão cúi xuống bên một hàng giậu và hái những bông hoa thủy tiên dại đầu mùa. Lão nhìn chúng hồi lâu tựa hồ không biết chán, như thể mới được thấy hoa thủy tiên lần đầu. Lão nhắm mắt, ghé mũi ngửi, thở dài rồi đưa hoa cho tôi.

- Sếp à, giá chúng ta biết được đá và mưa hoa nói gì Có thể chúng gọi... gọi ta... mà ta không nghe thấy.

Bao giờ tai con người mới chịu mở rộng để lắng nghe hở sếp? Bao giờ chúng ta mở to mắt mà nhìn? Bao giờ chúng ta mới dang rộng tay ôm lấy tất cả - đất đá, mưa móc, hoa lá và con người? Sếp nghĩ thế nào về chuyện ấy, sếp? Và những cuốn sách của sếp nói sao về chuyện ấy?

- Ma quỷ bắt chúng đi! Tôi nói, lặp lại cái thành ngữ ưa thích của Zorba. Ma quỷ bắt chúng đi! Sách vở chỉ nói có thế, không hơn.

Zorba nắm lấy cánh tay tôi.

- Sếp này, tôi xin nói với sếp một ý này của tôi, nhưng sếp đừng có nổi giận mới được. Hãy chất đống tất cả sách vở của sếp, cho nó một mồi lửa. Sau đó, biết đâu sếp lại chả hết khờ, sếp thành người hay ho... sếp có thể trở thành một cái gì!

"Lão có lý!" tôi thầm kêu. "Lão có lý, nhưng mình không thể làm thế".

Zorba lưỡng lự và ngẫm ngợi. Rồi lão nói:

- Có một điều tôi thấy được.

- Điều gì? Nói ra đi!

- Tôi không biết, nhưng tôi nghĩ tôi có thể thấy điều ấy, thế thôi. Song nếu tôi cố nói ra với sếp, tôi sẽ làm rối tinh rối mù lên mất thôi. Để hôm nào phấn hứng, tôi sẽ nhảy múa để diễn tả điều đó sếp coi.

Mưa bắt đầu xối xả hơn. Chúng tôi tới làng. Những bé gái lùa cừu từ bãi cỏ về; những thợ cày tháo ách khói cổ bò và rời bỏ cánh đồng cày dở dang ; những thiếu phụ chạy theo con trên đường làng nhỏ hẹp. Một cơn nháo nhác vui vẻ òa ra trong làng khi trận mưa rào ập xuống.

Phụ nữ kêu the thé, mắt cười lấp lánh, những hạt mưa lớn rung rinh trên những bộ râu cứng, những hàng ria vểnh của cánh đàn ông. Một mùi hăng hắc bốc lên từ đất đá và cây cỏ.

Chúng tôi nhào vào tiệm Cà phê và Hàng thịt Khiêm tốn , ướt như chuột lột. Tiệm đông nghịt. Mấy gã đàn ông đang chơi bài bơlốt , một số khác oang oang tranh luận, mở hết cỡ giọng như gọi nhau từ núi nọ qua núi kia.

Quanh một cái bàn nhỏ ở đầu đàng kia, các bô lão trong làng đang ngồi uy nghi: bác Anagnosti với chiếc sơ-mi trắng ống rộng. Mavradoni nghiêm nghị và lặng lẽ, hút chiếc ống điếu, mắt dán xuống sàn; ông giáo làng đứng tuổi gày gò và khá bệ vệ, tì trên chiếc can gộc và mỉm một nụ cười kẻ cả lắng nghe một gã hộ pháp tóc tai râu ria bù xù ở Candia về đang mô tả những điều kỳ diệu của thành phố lớn đó. Chủ tiệm đứng sau quầy vừa nghe chuyện vừa cười, trong khi vẫn để mắt trông những bình đun cà phê đặt thành một dãy trên lò.

Vừa trông thấy chúng tôi, bác Anagnosti liền đứng dậy.

- Đồng bào, lại đây ngồi với chúng tôi, ông già nói. Sfakianonikoli đang kể cho chúng tôi nghe mọi điều mắt thấy tai nghe ở Candia. Anh chàng đến là ngộ. Lại đây nào.

Ông quay lại chủ tiệm.

- Cho hai ly raki, Manolaki, ông nói.

Chúng tôi ngồi xuống. Gã chăn cừu hoang dã thấy có người lạ, rút vào vỏ ốc và nín lặng.

- Này, sếp Nikoli, anh cũng đến cả nhà hát nữa ư? Ông giáo nói để gợi chuyện. Anh thấy thế nào?

Sfakianonikoli vươn bàn tay hộ pháp ra vớ lấy ly rượu vang, nốc một hơi để lấy can đảm.

- Sao lại không đến nhà hát? Gã la lên. Dĩ nhiên là có chứ lị! Ai cũng nói Kotopouli thế này, Kotopouli thế kia. Cho nên, một buổi tối, tôi mới làm dấu thánh giá và biểu: "Được rồi, tại sao mình không đến coi tận mắt cho biết? Xem cô ta là cái quái quỷ gì mà họ cứ nhặng xị lên về Kotopouli ( [29] )."

- Thế chú thấy gì, chú nhiêu? Bác già Anagnosti hỏi. Như thế nào? Vì lòng kính Chúa, kể bọn ta nghe nào.

- Chà, thề trên linh hồn tôi, chả có gì ghê gớm cả. Cứ nghe họ nói về cái "nhà hát" í, đâm sốt ruột, bụng bảo dạ: "Mình phải đến xem có cái gì mới được". Cơ mà, tôi xin nói, chỉ phí tiền. Nó là một chỗ giống như cái quán rượu lớn, cơ mà tròn xoay như cái sân đập lúa, đầy những ghế, những người và đèn. Tôi không còn biết là người ở đâu, đèn đóm làm tôi lóa mắt không trông thấy gì. "Ma quỷ", tôi tự nhủ, "họ sắp sửa bỏ bùa cho mình đây. Phải chuồn thôi". Nhưng vừa lúc ấy, một cô ả, ngúng nga ngúng nguẩy như con chim chìa vôi, nắm lấy tay tôi. "Kìa, cô đưa tôi đi đâu thế này?" Tôi kêu lên nhưng ả cứ kéo tôi đi, cuối cùng, ả quay lại và bảo tôi ngồi xuống. Thế là tôi ngồi xuống. Chư vị thử nghĩ coi, toàn người là người, trước mặt sau lưng tôi, bên trái bên phải và lên tận trần nhà. "Mình sắp chết ngạt mất thôi," tôi tự bảo. "Mình toi đến nơi rồi. Chẳng có tí không khí nào cả". Rồi tôi quay sang người ngồi bên cạnh, hỏi: "Ông bạn có thể cho tôi biết những "đảo chính"( [30] ) đi từ đâu ra không?" - "À, từ trong kia," y nói, tay chỉ tấm màn. Và y nói đúng, vì tiếp đó có tiếng chuông rung, màn mở ra và kìa, cái cô ả Kotopouli, như họ gọi, đã đứng trước mặt mọi người, trên sân khấu. Cơ mà chư vị đừng có hỏi tôi tại sao họ lại gọi cô ả là gà tơ: cô ta là đàn bà rành rành, đủ cả các bộ phận từ đầu đến chân. Thế, cô ả cứ quay tròn và vẫy đuôi lia lịa và khi mọi người phát chán, họ bắt đầu vỗ tay và cô ả chạy mất.

Dân làng cười ngặt nghẽo. Sfakianonikoli phật ý và có vẻ ngượng. Gã ngoảnh ra phía cửa.

- Nhìn kìa, trời đang mưa, gã nói lảng.

Mọi người nhìn theo. Đúng lúc ấy, một người đàn bà chạy qua, tóc xõa xuống vai, váy đen xắn lên tận đầu gối. Chị ta có vóc dáng đẹp, tròn trặn, quần áo dán vào người để lộ một thân hình rắn chắc, hấp dẫn.

Tôi giật mình. Loài thú săn mồi nào đây? Tôi nghĩ thầm. Tôi thấy chị ta có vẻ mềm mại và nguy hiểm, một con thú có thể ăn tươi nuốt sống đàn ông.

Người đàn bà quay đầu lại một thoáng và ném nhanh một tia nhìn chói lòa vào trong tiệm cà phê.

- Lạy Đức Mẹ Đồng Trinh! Một cậu choai choai, râu lún phún như lông tơ, ngồi bên cửa sổ, lẩm bẩm.

- Trời đánh con mụ mồi chài đàn ông, lão trương tuần Manolakas gầm gừ. Trời đánh mi, mi châm lửa thiêu cháy đàn ông!

Cậu chàng ngồi bên cửa sổ bắt đầu âm ư hát, mới đầu nhỏ nhẹ và do dự. Dần dần, giọng cậu khàn đi:

Chiếc gối sương phụ ngát thơm hương mộc qua

Từ độ bén mùi chẳng đêm nào tôi ngủ được.

- Câm mồm! Mavrandoni quát, tay vung cái ống điếu. Cậu thanh niên im bặt. Một ông già cúi xuống nói với trương tuần Manolakas:

- Này, ông chú anh đang nổi giận đấy, ông thì thầm. Nếu mụ ta rơi vào tay lão, hẳn lão sẽ băm mụ ra làm trăm mảnh. Cầu Chúa rủ lòng thương mụ!

- A, già Androulio, Manolakas nói, tôi chắc bác cũng bám theo váy mụ góa ấy. Bác, một người cai quản giáo đường, bác không xấu hổ sao?

- Này, nghe đây. Cầu Chúa rủ lòng thương mụ! Lẽ nào anh không nhận thấy những trẻ mới sinh gần đây ở làng ta đẹp như thế nào?... Cầu Chúa ban phước cho mụ góa, chính là nhờ mụ đấy! Có thể nói mụ là người tình của cả làng: anh tắt đèn, anh tưởng tượng là đang ôm mụ góa trong tay chứ không phải vợ mình. Và chính vì thế, xin anh nhớ cho, mà ngày nay làng ta cho ra đời nhũng đứa bé kháu khỉnh như vậy!

Sau một lát im lặng, già Androulio lẩm bẩm:

- Chúc những cặp đùi ôm ấp mụ nhiều may mắn! Ôi anh bạn, giá tôi mới hai mươi như thằng Pavli, con trai Mavrandoni!

- Thì chúng ta sẽ thấy mụ cặp đôi về nhà! Một người nào đó vừa cười vừa nói.

Tất cả mọi người quay về phía cửa. Mưa trút xuống như thác. Nước chạy ùng ục trên những phiến đá. Thỉnh thoảng, chớp lóe trên bầu trời. Từ lúc nàng góa đi qua, Zorba cứ hào hển. Không thể kìm mình lâu hơn nữa, lão thở dài với tôi :

- Tạnh mưa rồi, sếp ạ, lão nói. Ta đi thôi.

Một thiếu niên đi đất, đầu bù tóc rối, mắt to man rợ, hiện ra ở cửa. Y hệt như các họa sĩ vẽ tượng thánh thường thể hiện St. John the Baptist - mắt mở to tướng vì đói và không ngừng cầu nguyện.

Hello, Mimiko! Mấy người vừa cười vừa gọi to.

Làng nào cũng có thằng ngây của mình và nếu không có thì phải tạo ra đề tiêu khiển. Mimiko là thằng ngây của làng này.

- Các bạn, Mimiko lắp bắp bằng cái giọng the thé như giọng nữ. Các bạn, mụ góa Sourmelina mất con cừu cái. Ai tìm thấy sẽ được thưởng một galông rượu vang!

- Cút ra! ông già Mavrandoni quát. Cút xéo!

Khiếp hãi, Mimiko co rúm vào một góc gần cửa ra vào.

Ngồi xuống, Mimiko, làm một ly raki cho khỏi cảm lạnh, bác Anagnosti thương hại bảo. Làng ta sẽ ra sao nếu không có một thằng ngây?

Một thanh niên vẻ ốm yếu, mắt xanh lợt, hiện ra ở bậc cửa. Gã thở không ra hơi và mớ tóc bết trên trán ròng ròng nước.

Chào Pavli! Manolakas kêu to. Chào người bà con. Mời ngồi.

Mavrandoni quay lại nhìn con trai, cau mày.

"Chẳng lẽ đó lại là con trai ta?" Lão lẩm bẩm một mình. "Cái thằng không ra hồn người ấy! Ma quỷ, không biết nó giống ai nhỉ? Ta những muốn túm gáy nó lên mà quật xuống đất như một con tuộc non!"

Zorba như ngồi trên trên đống than hồng. Người đàn bà góa đã khiến các giác quan lão cháy lên rừng rực, lão hết chịu nổi cái nước phải ngồi yên trong bốn bức tường này.

- Ta đi thôi, sếp, đi thôi, chốc chốc lão lại rỉ tai tôi. Ở trong này, chúng ta sẽ nổ tung ra mất!

Dường như đối với lão, mây đã tan và mặt trời đã ló ra.

Lão quay sang chủ tiệm cà phê.

- Mụ góa ấy là ai vậy? Lão hỏi, giả bộ dửng dưng.

- Một con ngựa cái chính nòi đấy, Kondomanolio đáp. Y đưa ngón tay lên môi và liếc nhìn Mavrandoni một cái đầy ý nghĩa. Lão này, một lần nữa, lại cắm mắt xuống sàn.

- Một con ngựa cái, y nhắc lại. Thôi ta đừng nhắc đến mụ nữa, kẻo lại mắc tội xuống địa ngục.

Mavrandoni đứng dậy và quấn xe điếu quanh cổ cái điếu ống:

- Xin lỗi, lão nói, tôi về đây. Pavli, theo tao.

Hai cha con dẫn nhau đi qua trước mặt chúng tôi và lập tức biến vào trong mưa.

Manolakas cũng đứng dậy đi theo họ.

Kondomanolio ngồi vào ghế của Mavrandoni.

- Tội nghiệp ông già Mavrandoni! Y nói khẽ đến nỗi những bàn ngay cạnh cũng không nghe thấy. Ông ta sẽ tức uất mà chết. Thật là một bất hạnh lớn giáng xuống nhà ông. Mới hôm qua thôi, chính tai tôi nghe thấy Pavli nói với bố: "Nếu con không lấy được cô ấy, con sẽ tự tử!" Nhưng ả kia đâu có thèm gã. Ả bảo gã vắt mũi chưa sạch.

- Ta đi thôi, Zorba nhắc lại. Mỗi một lời nói về người đàn bà góa lại khơi lửa lòng lão lên ngùn ngụt.

Gà bắt đầu gáy; mưa không dữ lắm nữa.

- Vậy thì đi, tôi đứng đậy nói.

Mimiko từ trong góc vọt ra, chuồn theo sau chúng tôi.

Sỏi lấp lánh, những cánh cửa ròng ròng nước, nom đen nhánh, những bà già nhỏ bé xách giỏ ra bắt ốc sên.

Mimiko đuổi theo, khẽ chạm tay tôi.

- Cho điếu thuốc, thầy, gã nói. Thầy sẽ may mắn trong tình yêu.

Tôi cho gã điếu thuốc. Gã chìa ra một bàn tay gày guộc rám nắng.

- Cho tí lửa nữa !

Tôi bật lửa cho gã, gã hít khói sâu vào phổi và lim dim mắt, thở ra đằng mũi.

- Sướng như vua! Gã lẩm bẩm.

- Chú đi đâu?

Đến vườn nhà mụ góa. Mụ hứa sẽ cho ít thức ăn nếu tôi loan tin mụ mất cừu.

Chúng tôi rảo bước. Mây đã hé sáng nhiều chỗ. Cả làng vừa được tắm mát, tươi rờ rỡ.

- Chú có thích mụ góa không, Mimiko? Zorba thở dài hỏi.

Mimiko khúc khích.

- Ông bạn, làm sao tôi lại không thích mụ? Dễ thường tôi không từ trong cống chui ra như mọi người khác sao?

- Từ trong cống? Tôi kinh ngạc hỏi lại. Chú nói vậy nghĩa là thế nào, Mimiko?

- A, là từ trong lòng mẹ.

Tôi sững sờ. Chỉ có Shakespeare, vào những khoảnh khắc sáng tạo nhất, tôi nghĩ, mới có thể tìm ra được một cụm từ mang tính hiện thực thô mộc đến thế để mô tả cái bí ẩn tối tăm và nhớp nhúa của sự sinh nở.

Tôi nhìn Mimiko. Mắt gã mở to, ngây ngất và hơi lác.

- Ngày ngày, chú làm gì, Mimiko?

- Ông cho là thế nào? tôi sống như lãnh chúa! Buổi sáng, tôi thức dậy, tôi ăn một mẩu bánh mì khô. Rồi tôi làm linh tinh giúp mọi người bất kỳ ở đâu, bất kỳ việc gì, tôi chạy việc vặt, xe phân bón, đánh đống phân ngựa, ngoài ra, tôi còn có cái cần câu. Tôi ở với bà cô, mẹ Lanio, chuyên nghề khóc mướn. Các thầy thể tất phải biết bà, ai cũng biết bà. Thậm chí, người ta còn chụp ảnh bà nữa. Chiều đến, tôi về nhà, ăn một bát xúp, và uống một chút rượu, nếu có. Nếu không, tôi uống đẫy nước của Chúa Trời cho bụng căng như cái trống, rồi ngủ một mạch!

- Vậy chú không lấy vợ chứ, Mimiko?

- Sao, tôi ấy à? Tôi đâu có điên! Ông bạn đòi hỏi tôi cái gì vậy? Rằng tôi phải mang nợ vào thân sao? Đàn bà thì cần phải có giày dép. Tôi kiếm đâu ra? Nhìn xem, tôi đi chân đất đây này!

- Chú không có ủng à?

- Ông bạn coi tôi là gì vậy? Dĩ nhiên là tôi có chứ! Năm ngoái, có một người chết, bà cô Lenio lột ủng của hắn cho tôi. Ngày lễ Phục Sinh, tôi diện ủng đi đến nhà thờ, nhìn thẳng vào thầy tư tế. Đoạn tôi cởi ra, đeo lên cổ và về nhà.

- Chú thích cái gì nhất, Mimiko?

- Trước hết là bánh mì. Ôi, sao mà tôi thích cái món đó! Nóng giòn, nhất là nếu làm bằng bột mì trắng. Rồi đến rượu. Sau nữa là ngủ.

- Còn đàn bà thì sao?

- Xì! ăn, uống và ngủ, thế thôi. Còn mọi cái khác chỉ là phiền nhiễu.

- Thế còn mụ góa?

- Ô, để mụ cho ma quỷ, xin nói với ông thế, nếu ông biết thế nào là có lợi cho ông. Lùi lại đằng sau ta, Xa tăng!

Gã nhổ ba lần và làm dấu thánh giá.

- Chú có biết đọc không?

- Này , tôi đâu có ngu dại đến thế ! Dạo bé , tôi bị lôi sềnh sệch đến trường, nhưng may sao, tôi bị sốt phát ban và trở thành thằng ngây. Ấy, tôi thoát khỏi vòng như thế đó !

Zorba đã chán ngấy nhưng câu hỏi của tôi. Lão không thể nghĩ đến điều gì khác ngoài người đàn bà góa.

- Sếp này, lão nắm lấy cánh tay tôi nói. Rồi lão quay sang ra lệnh cho Mimiko đi lên trước. Chúng ta có chuyện cần bàn riêng.

- Sếp lão nói, đây chính là điều tôi chờ đợi ở sếp đấy. Này, đừng có làm ô danh giống nam nhi! Trời đất quỷ thần ban cho sếp miếng ngon lành này. Sếp có răng, tốt lắm, hãy cắn ngập vào đi. Vươn tay ra mà nắm lấy nàng! Tạo hóa cho chúng ta hai bàn tay để làm gì! Để nắm bắt! Vậy thì hãy nắm lấy. Đời tôi đã thấy biết bao nhiêu đàn bà. Nhưng cái mụ gái góa trời đánh này quả là loại làm đổ quán siêu đình!

- Tôi không muốn rắc rối! Tôi cáu kỉnh đáp.

Tôi bực bội vì trong thâm tâm chính tôi cũng khao khát tấm thân đầy ma lực vừa đi qua bên tôi như một con thú rừng động đực, ngát mùi xạ.

- Sếp không muốn rắc rối? Zorba sửng sốt kêu lên. Vậy xin cho biết, sếp muốn gì?

Tôi không trả lời.

- Cuộc sống là rắc rối, Zorba nói tiếp. Chỉ có chết mới hết rắc rối. Sống - sếp có hiểu nghĩa là gì không? Là cởi thắt lưng và tìm kiếm chuyện rắc rối!

Tôi vẫn không nói gì. Tôi biết Zorba có lý, tôi biết vậy, nhưng tôi không dám. Cuộc đời tôi đã đi chệch đường và sự giao tiếp của tôi với mọi người giờ đây đã trở thành một cuộc độc thoại đơn thuần. Tôi đã xuống cấp đến mức nếu phải chọn giữa việc phải lòng một người đàn bà và đọc một cuốn sách về tình yêu, chắc tôi sẽ chọn cuốn sách.

- Đừng có tính toán, sếp, Zorba nói tiếp. Mặc xác những con số, đập những cái bàn cân thổ tả đi, đóng cửa hiệu tạp hóa lại, tôi xin sếp. Bây giờ là lúc sếp sắp cứu rỗi hoặc để mất linh hồn mình. Nghe tôi đây, sếp, hãy lấy một cái mùi soa gói hai bảng Anh vào trong - tiền vàng ấy nhé, vì tiền giấy không làm lóa mắt - và nhờ Mimiko chuyển đến cho nàng góa. Dạy nó học thuộc điều cần nói: "Ông chủ mỏ gửi đến bà những lới chúc mừng tốt đẹp nhất và chiếc khăn tay này. Ông ấy nói vật mọn nhưng tình sâu. Ông cũng nói bà khỏi phải lo vì chuyện con cừu; dù nó có mất, bà cũng đừng phiền lòng, có tôi đây, bà đừng sợ! Ông nói từ lúc thấy bà đi qua tiệm cà phê, ông đâm ốm tương tư và chỉ có bà mới chữa được cho ông". Thế đó! Và ngay buổi tối, sếp đến gõ cửa. Phải làm ngay sốt sột kẻo lỡ cơ hội. Bảo nàng là sếp bị lạc đường, trời tối mù mịt, sếp muốn mượn mụ chiếc đèn lồng. Hoặc giả sếp bất thần bị chóng mặt, cần một cốc nước. Hoặc tốt hơn nữa, sếp mua một con cừu khác mang đến cho nàng mà rằng: "Bà nhìn xem, đây là con cừu bà đã mất. Chính tôi đã tìm thấy cho bà!" Và nàng góa - nghe đây, sếp - nàng góa sẽ thưởng sếp và sếp sẽ đi vào... lạy Chúa Toàn năng, giá tôi có thể ngồi sau lưng sếp trên con ngựa cái - cam đoan với sếp, sếp sẽ đi vào Thiên đàng trên lưng ngựa. Nếu sếp tìm một Thiên đàng khác ngoài cái đó thì chẳng có đâu, người đồng loại tội nghiệp của tôi ạ. Đừng có nghe lời đám thầy tu nói, chẳng có Thiên đàng nào khác đâu!

Hẳn chúng tôi đang đến gần vườn nhà sương phụ vì Mimiko thở dài và bắt đầu cất giọng hát lên nỗi u sầu của gã:

Hạt dẻ nhắm rượu, hồ đào ăn với mật ong

Trai cần có gái, gái cần có trai!

Zorba xoạc đôi cẳng dài rảo bước, đôi cánh mũi phập phồng. Lão đột ngột dừng lại, hít một hơi dài. Lão nhìn thẳng vào mắt tôi.

- Thế nào? Lão hỏi.

Và khắc khoải chờ.

- Chừng nấy đủ rồi! Tôi gay gắt đáp.

Và rảo bước thật nhanh.

Zorba lắc đầu và lầm bầm điều chi tôi không nghe. Khi chúng tôi về đến lều, lão ngồi khoanh chân, đặt cây santuri lên lòng và cúi đầu, trầm ngâm suy tưởng.

Như thế, đầu gục trên ngực, lão đang lắng nghe vô số bài ca và cố lựa lấy một bài đẹp nhất và tuyệt vọng nhất trong tất cả. Cuối cùng, lão chọn xong và bắt đầu chơi một điệu xé lòng, thỉnh thoảng, lão lại liếc mắt nhìn tôi.

Tôi cảm thấy những gì lão không thể hoặc không dám phát biểu bằng lời với tôi, lão đang nói lên bằng cây đàn santuri . Rằng tôi đang phí hoài đời tôi, rằng nàng sương phụ và tôi là hai con côn trùng chỉ sống một giây dưới ánh mặt trời để rồi chết đi vĩnh viễn. Không bao giờ nữa! Không bao giờ nữa!

Zorba đứng bật dậy. Lão chợt hiểu ra rằng lão chỉ nhọc công vô ích. Lão dựa người vào vách, châm một điếu thuốc và sau một lát, lão nói:

- Sếp à tôi sẽ cho sếp biết một điều bí mật mà có lần, một hodja ( [31] ) đã nói với tôi ở Salonica... Tôi sẽ thổ lộ với sếp, cho dù nó chẳng ích lợi gì. Hồi đó, tôi bán hàng rong ở Macedonia. Tôi vào các làng bán kim chỉ, truyện các thánh, cánh kiến trắng và hồ tiêu. Dạo ấy, tôi có một giọng ca hiếm, đích thực là một con họa mi. Sếp nên biết rằng một giọng ca cũng có thể chinh phục đàn bà. Mà các mợ ấy, có cái gì mà không đánh đổ họ! Có trời biết lòng dạ họ ra sao! Anh có thể xấu ma chê quỷ hờn, gù lưng hay khập khiễng, nhưng nếu anh có giọng hát êm ái, đàn bà sẽ mê tít. Tôi cũng bán hàng rong ở Salonica, thậm chí đi cả vào những khu Thổ Nhĩ Kỳ. Và loanh quanh thế nào một phụ nữ Hồi giáo giàu có, con gái một pasa ( [32] ) , lại mê giọng tôi đến nỗi mất ăn mất ngủ. Nàng kêu một lão trượng hodja đến, biếu lão hai nắm tiền Thổ và nói: " Aman !( [33] ) Già hãy đến bảo tên Giaour ( [34] )bán hàng rong lại đây. Aman! Tôi cần gặp hắn, tôi không chịu nổi nữa!" Lão hodja đến tìm tôi: "Này, chàng trai Roumi", lão bảo tôi "Đi với ta". "Không", tôi trả lời. "Lão muốn đưa tôi đến đâu?", "Có người con gái một viên pasa trong như nước suối đang chờ con trong khuê phòng. Đi thôi, chú bé Roumi!"

Nhưng tôi biết ban đêm, ở những khu Thổ, có những cuộc tàn sát dân dị giáo Cơ Đốc. "Không, tôi không đi", tôi nói - "Con không sợ Thượng đế sao, Giaour? – "Tại sao tôi phải sợ?" - "Bởi vì, chú bé Roumi ơi, kẻ nào có điều kiện ngủ với một người đàn bà mà không làm thế, là phạm trọng tội. Con ạ, nếu một người đàn bà gọi con đến chung chăn sẻ gối mà con không đến; thì linh hồn con sẽ bị hủy diệt đó! Đến ngày phán xử cuối cùng, người đàn bà ấy sẽ thở dài trước mặt Thượng đế và tiếng thở dài ấy sẽ ném con xuống Địa Ngục, bất kể con là ai và bất kể mọi việc tốt con đã làm.

Zorba thở dài:

- Nếu Địa Ngục có thật, lão nói, tôi sẽ bị đầy xuống Địa Ngục chính vì lý do ấy. Không phải vì tôi đã trộm cướp, giết người hay phạm tội ngoại tình, không! Mọi cái đó chả là gì hết. Nhưng tôi sẽ bị đầy xuống Địa Ngục bởi lẽ một đêm ở Salonica, một người đàn bà chờ đợi tôi trên giường nàng mà tôi không đến. .

Lão đứng dậy, nhóm lửa và bắt đầu nấu nướng, chuẩn bị bữa ăn của chúng tôi. Lão liếc nhìn tôi và mỉm cười khinh bỉ.

- Gõ cửa một anh điếc thì muôn năm gã cũng không nghe thấy, lão lẩm bẩm.

Và cúi xuống, lão giận dữ thổi mớ củi ẩm.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...