Alexis Zorba - Con Người Hoan Lạc
Chương 2
Lạc thú trên cõi đời này kể cũng lắm - nào đàn bà, nào hoa trái, nào ý tưởng. Nhưng theo tôi, rẽ sóng lướt trên vùng biển này trong mùa thu dịu êm, miệng thầm thì gọi tên từng cù lao nhỏ, đích thị là niềm vui màu nhiệm nhất khả dĩ đưa tâm hồn người vào cõi Thiên đàng. Không ở nơi nào khác, người ta có thể chuyển từ thực tế vào mộng mơ dễ dàng và yên ả như thế. Những đường biên co lại và từ những cột buồm của những con tàu cổ xưa nhất, nẩy ra cành lá hoa trái. Y như thể tại đây, ở Hy Lạp, sự cần thiết là mẹ đẻ của những phép màu.
Vào khoảng trưa, mưa tạnh. Mặt trời rẽ mây hiện ra, dịu dàng, nõn nà, sạch bong và tươi mát, gửi những tia nắng xuống mơn man sóng nước cùng những dải đất thân yêu. Tôi đứng ở đằng mũi, thả mình say sưa ngây ngất với phép lạ được phơi bày đến tận cuối tầm mắt.
Trên tàu có những gã Hy Lạp yêu ma quỷ quái, mắt cú vọ, đầu óc như thứ hàng rởm hào nhoáng của các chủ hiệu tạp hóa, giật dây người khác và gây lộn; một cái piano sai dây; những phụ nữ nanh nọc mà trung thực.
Tựu trung, người ta cảm thấy thôi thúc muốn nắm lấy hai đầu con tàu, dìm nó xuống biển, lắc đến kỳ cùng để trút hết mọi sinh vật làm ô nhiễm nó - người, chuột, rệp - rồi lại thả nó nổi trên mặt nước, gột rửa tinh tươm, không còn gì trong ruột.
Nhưng đôi khi, tôi bỗng thấy thương cảm. Một nỗi thương cảm của nhà Phật, lạnh lùng như kết luận của một tam đoạn luận siêu hình. Một nỗi thương cảm không những đối với con người, mà đối với toàn bộ cuộc sống đang vật lộn, kêu khóc, hy vọng, mà không thấy rằng mọi sự chỉ là ảo cảnh của hư không. Thương những người Hy Lạp, thương mỏ than bùn, thương bản thảo dở dang của tôi về Đức Phật, thương tất cả những kết hợp hão huyền của ánh sáng và bóng tối nọ đột nhiên làm xáo động và ô nhiễm bầu không khí trong lành.
Tôi nhìn bộ mặt dài thượt và vàng như sáp của Zorba. Lão đang ngồi trên một cuộn dây thừng ở đằng mũi vừa hít hít một quả chanh, vừa dỏng đôi tai to tướng nghe một số hành khách cãi nhau, người tranh luận về đức vua, kẻ về Venizelos( [9] ). Lão lắc đầu và nhổ nước bọt.
- Chuyện tào lao? Lão lẩm bẩm, miệt thị. Họ không biết xấu hổ !
- Bác bảo cái gì là chuyện tào lao, Zorba?
- À, tất cả những cái đó, vua chúa, dân chủ, trưng cầu dân ý, dân biểu, ba láp hết.
Zorba đã bỏ xa những sự kiện đương đại tới mức chúng chỉ còn là những chuyện nhảm nhí lỗi thời. Chắc chắn đối với lão, điện tín, tàu thủy và đầu máy xe lửa, đạo đức và tôn giáo hiện hành, hẳn cũng tương tự như những cây súng trường han gỉ. Tâm trí lão tiến bộ nhanh hơn thế giới nhiều.
Những dây chão kèn kẹt trên cột buồm, những bờ biển như nhảy múa và đám phụ nữ trên tàu đâm nhợt nhạt, mặt vàng vọt hơn vỏ chanh. Họ đã buông vũ khí: son phấn, áo lót, cặp tóc, lược. Môi tái đi, móng tay xanh lét. Những mụ mồm loa mép giải như những con chim ác là rơi rụng mất bộ lông mượn: ruy-băng, lông mi giả, nốt ruồi giả, xu-chiêng - và nom thấy họ sắp sửa nôn ọe thật vừa tởm vừa rất đáng thương.
Zorba cũng mặt xanh nanh vàng. Đôi mắt long lanh của lão đờ đẫn đi. Mãi đến chiều, mắt lão mới sáng trở lại. Lão chỉ hai con cá heo nhảy vọt lên khỏi mặt nước, dọc theo sườn tàu.
- Cá heo! Lão vui vẻ reo lên.
Lần đầu tiên tôi nhận thấy bàn tay trái của lão mất gần nửa ngón trỏ. Tôi giật mình và cảm thấy nôn nao.
- Ngón tay bác làm sao thế, Zorba? Tôi kêu lên.
- Chả sao cả, lão đáp, phật ý thấy tôi không tỏ ra thích thú hơn với đối với cá heo.
- Có phải bị máy nghiến không? Tôi gặng hỏi.
- Máy với móc quái gì! Tự tôi chặt nó đi đấy.
- Tự bác ư? Tại sao thế?
- Sếp không thể hiểu được đâu, sếp ạ! Lão nhún vai nói. Tôi đã nói với sếp là tôi đã làm đủ mọi nghề mà. Có dạo tôi làm thợ gốm. Tôi mê nghề này như điên. Sếp có hiểu nổi ý nghĩa của việc lấy một cục bùn nặn thành bất kỳ cái gì mình thích, là thế nào không? Chà, anh quay cái bàn xoay và cục bùn đảo tròn như bị ma làm trong khi anh đứng cúi mình trên nó và nói: ta sẽ làm một cái bình, ta sẽ làm một cái đĩa, ta sẽ làm một cây đèn và những gì nữa có quỷ biết! Đó chính là điều mà ta có thể gọi là cái sự làm một con người: tự do.
Lão đã quên phắt cả biển, lão không nhai chanh nữa, mắt lão trở lại trong sáng.
- Thế à? Tôi hỏi. Còn ngón tay bác thì sao?
- Ồ, nó làm vướng tôi trong khi sử dụng bàn xoay. Nó luôn luôn ngay đuồn đuỗn giữa lúc đang làm việc và làm đảo lộn các dự định của tôi. Cho nên một hôm, tôi vớ lấy cái rìu. . .
- Bác có đau không?
- Sếp nói gì vậy? Tôi đâu phải gỗ đá, tôi là một con người. Cố nhiên là đau chứ. Nhưng nó làm tôi vướng víu khi sử dụng bàn xoay cho nên tôi chặt nó đi.
Mặt trời xuống và biển lặng dần, mây tan, sao hôm lấp lánh. Tôi nhìn biển, nhìn trời và bắt đầu suy nghĩ...Say mê đến mức ấy, vớ lấy rìu mà chặt ngón tay mình, chịu đau... Nhưng tôi không để lộ cảm xúc của mình.
- Biện pháp ấy thật tệ hại. Zorba. Tôi mỉm cười nói. Nó làm tôi nhớ đến ông thầy tu khổ hạnh trong Thánh Tích, có lần thấy một phụ nữ làm ông động xuân tình, bèn lấy rìu...
- Cho ông ta đi với quỷ! Zorba cắt ngang, đoán trước tôi sắp nói gì. Ai lại chặt cái của ấy đi bao giờ. Quỷ bắt cái đồ ngu ấy! Đồ ngây thơ u mê đáng thương, cái ấy không bao giờ là trở ngại cả!
- Nhưng nó có thể là một trở ngại rất lớn, tôi cãi cố.
- Trở ngại cho cái gì?
- Cho việc nhập Thiên đàng.
Zorba liếc nhìn tôi, vẻ giễu cột và nói:
- Nhưng sếp thật ngốc, đó chính là thìa khóa mở cửa Thiên đàng.
Lão ngẩng đầu lên, nhìn tôi thật kỹ như muốn thấy những ý nghĩ đang triển diễn trong óc tôi: kiếp sau, Thiên đàng, đàn bà, thầy tu. Nhưng xem chừng lão không nắm được mấy. Lão kín đáo lắc cái đầu nhuốm bạc to tướng :
- Những kẻ khuyết tật không vào được Thiên đàng, lão nói rồi im bặt.
Tôi vào ca-bin nằm và lấy một quyển sách ra đọc.
Đức Phật vẫn còn chiếm lĩnh tâm trí tôi. Tôi đọc Đối thoại giữa Đức Phật và người mục đồng , câu chuyện đã làm cho lòng tôi yên ổn và thanh thản trong mấy năm nay.
MỤC ĐỒNG: Bữa ăn đã dọn, tôi đã vắt sữa bày cừu. Cửa lầu tôi đã cài then, lửa đang cháy bùng bùng. Tha hồ cho trời muốn mưa bao nhiêu tùy thích !
ĐÚC PHẬT: Ta không còn cần đến lương thực hoặc sữa nữa. Gió là chốn nương náu của ta, lửa ta đã tắt. Tha hồ cho trời muốn mưa bao nhiêu tùy thích!
MỤC ĐỒNG: Tôi có cả bò đực lẫn bò cái. Tôi có những đồng cỏ của cha tôi, có một con bò mộng đế phủ lũ bò cái. Tha hồ cho trời muốn mưa bao nhiêu cây thích!
ĐỨC PHẬT: Ta không có bò đực cũng chẳng có bò cái. Ta không có đồng cỏ. Ta chẳng có gì. Ta chẳng sợ gì. Tha hồ cho trời muốn mưa bao nhiêu tùy thích!
MỤC ĐỒNG: Tôi có một nữ đồng mục ngoan ngoãn và trung thành. Hàng bao năm nay, nàng là vợ tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc những khi vui chơi với nàng ban đêm. Tha hồ cho trời muốn mưa bao nhiêu tùy thích!
ĐỨC PHẬT: Ta có một linh hồn tự do và ngoan ngoãn. Bao năm nay ta đã rèn luyện nó và dạy nó vui chơi với ta. Tha hồ cho trời muốn mưa bao nhiêu tùy thích!
Hai tiếng nói đó vẫn còn vang lên khi giấc ngủ chụp xuống tôi. Gió lại nổi và sóng xô vào khuôn cửa kính dày ở thành tàu. Tôi bồng bềnh như một làn khói giữa ngủ và thức. Một trận bão lớn nổ ra, những cánh đồng cỏ biến mất giữa làn nước, bò cái và cả con bò mộng nọ chìm nghỉm. Gió cuốn đi mái lều, lửa tắt ngấm, người đàn bà thét lên và chết gục trong bùn, và người mục đồng bắt đầu than khóc. Tôi không nghe thấy gã nói gì những gã kêu rõ to và tôi chìm sâu thêm vào giấc ngủ, truội đi như con cá lăn xuống đáy nước.
Rạng sáng, tôi tỉnh dậy và kia, bên phải chúng tôi, trải dài hòn đảo kiêu sang và hoang dã. Rặng núi hồng nhạt đang mỉm cười qua màn sương dưới mặt trời mùa thu. Quanh con tàu của chúng tôi, biển xanh một màu xanh chàm vẫn còn sôi sục chưa nguôi.
Ủ mình trong tấm mền nâu, Zorba hau háu nhìn đảo Crete. Luồng mắt lão nhanh chóng chuyển từ núi sang đồng bằng, lướt theo thám sát bờ biển như thể toàn bộ vùng duyên hải và đất này vốn quen thuộc với lão và lão sung sướng lại được lang thang ở đó trong trí tưởng tượng của mình.
Tôi tới bên lão, đặt tay lên vai và nói:
- Zorba, chắc chắn đây không phải lần đầu bác đến Crete! Bác nhìn nó đăm đăm như nhìn một người bạn cũ vậy.
Zorba ngáp như chán ngấy. Tôi cảm thấy lão không muốn nói chuyện tí nào.
Tôi mỉm cười:
- Bác ớn trò chuyện rồi, phải không, Zorba?
- Không hẳn thế sếp ạ, lão đáp. Có điều là trò chuyện lúc này thật khó.
- Khó ư? Tại sao?
Lão không trả lời ngay. Mắt lão lại liêu phiêu dọc theo bờ biển. Lão đã ngủ ngay trên boong: mái tóc hoa râm loăn xoăn của lão đẫm sương đêm. Mặt trời vừa mọc chiếu thẳng vào những vệt nhăn sâu hằn trên má, cằm và cổ lão. Cuối cùng lão mấp máy môi, đôi môi dày và trễ xuống như môi dê.
- Buổi sáng, tôi thấy khó mở miệng. Rất khó. Xin lỗi. Lão lại ngụp vào im lặng và một lần nữa lại dán cặp mắt tròn nhỏ vào đảo Crete.
Chuông rung, báo giờ điểm tâm. Những bộ mặt vàng ợt, rúm ró bắt đầu ló ra khỏi các ca-bin. Những phụ nữ đầu tóc xõa xược, lảo đảo lết từ bàn này sang bàn kia, họ sực mùi ói mửa lẫn mùi nước thơm Cologne và mắt họ u ám, sợ hãi và đờ dại.
Ngồi trước mặt tôi, Zorba hít hít tách cà phê của mình với vẻ hưởng lạc rất Đông phương. Lão phết bơ với mật ong lên lát bánh mì và ăn ngon lành. Mặt lão dần dà trở nên sáng hơn, bình thản hơn, nét miệng dịu hơn. Tôi bí mật quan sát lão từ từ thoát ra khỏi cơn ngái ngủ và thấy mắt lão mỗi lúc một thêm long lanh.
Lão châm một điếu thuốc lá, khoan khoái rít và thở khói xanh qua hai lỗ mũi đầy lông. Lão gập cẳng chân phải dưới thân, ngồi xếp bằng thoải mái theo kiểu phương Đông. Bây giờ, lão có thể nói chuyện được rồi.
- Đây có phải là lần đầu tiên tôi tới Crete không ư?
Lão mào đầu (lão lim dim mắt nhìn cửa sổ thành tàu về phía ngọn núi lửa đang khuất xa dần sau lưng chúng tôi). Không, đây không phải lần đầu. Năm 1896 tôi đã thành người lớn hẳn hoi. Ria và tóc tôi đã thật màu đen như mun. Tôi đã có đủ ba mươi hai răng và những khi say, tôi chén các món nguội khai vị trước rồi mới đả đến món ăn chính. Phải, tôi cứ hưởng thụ hoài hoài. Nhưng bỗng nhiên, ma quỷ nhúng tay can thiệp vào thế sự. Một cuộc cách mạng mới nổ ra trên đảo Crete.
"Dạo ấy, tôi là một gã bán rong. Tôi đi từ làng này sang làng khác ở Macedonia, bán đồ kim chỉ. Tôi không nhận tiền mà thường đổi lấy phó-mát, len, bơ, thỏ và ngô, sau đó bán tất cả những thứ đó, lãi gấp đôi. Đến làng nào vào chập tối, tôi cũng biết kiếm ra nơi ngủ đỗ. Làng nào chả có một nàng góa có trái tim dễ xúc động, cầu Chúa phù hộ cho họ? Tôi cho nàng một cuộn chỉ, hay một cái lược, hay một chiếc khăn quàng - cố nhiên là khăn đen, vì đức ông chồng quá cố mà, thế là tôi ngủ với nàng. Tôi chả tốn là mấy!
"Không sếp ạ, tôi chả tốn kém bao nhiêu vào những vui thú đã được hưởng. Song như tôi vừa nói, ma quỷ đã dây vào chuyện đời và Crete lại cầm vũ khí. Chao, tôi những muốn nói, cho lửa hỏa ngục thiêu cháy vận mệnh cái đảo Crete chết băm chết vằm này đi, nó không bao giờ để ta yên chăng? Tôi dẹp kim chỉ gương lược lại, cầm súng và lên đường, nhập bọn với quân phiến loạn ở Crete."
Zorba ngừng lại. Lúc này, tàu chúng tôi đang men theo cái dải cong của một vịnh có bờ cát bình lặng. Sóng ở đây không xô ào mà trải ra nhẹ nhàng, chỉ để lại một vệt bọt mỏng ven bờ. Mây đã tan, mặt trời lấp lánh và những đường viền lô xô của đảo Crete trở nên thanh bình.
Zorba quay lại nhìn tôi, giễu cợt:
- Và bây giờ, tôi chắc sếp đang nghĩ rằng tôi sắp kể cho sếp nghe tôi đã chặt đầu bao nhiêu tên Thổ Nhĩ Kỳ và ngâm rượu bao nhiêu cái tai của chúng - tục lệ ở Crete là thế mà. Này, tôi sẽ không kể đâu! Tôi không thích thế, tôi xấu hổ. Cái cơn điên khùng nào ốp vào ta vậy? Giờ đây tôi điềm đạm hơn chút ít và tôi tự vấn: cái cơn điên khùng nào đã ốp vào ta, khiến ta bổ nhào vào một kẻ chẳng làm gì mình hết mà cắn xé, cắt mũi, cắt tai, mổ bụng moi ruột hắn... trong khi không ngừng cầu Thượng đế toàn năng phù trợ? Phải chăng thế có nghĩa là ta muốn Thượng đế cắt mũi, xẻo tai và phanh thây mọi người?
Nhưng hồi đó, sếp thấy đấy, tôi còn đầy một bầu nhiệt huyết! Làm sao tôi có thể dừng lại mà xem xét mọi thứ nguyên cớ, lý do này nọ? Muốn suy xét sự việc cho đúng đắn, công bằng, phải chờ đến lúc về già, rụng hết răng và bình tĩnh lại. Khi anh là một lão khọm chẳng còn một cái răng, anh có thể dễ dàng nói: "Mẹ kiếp, các chú nhỏ, đừng có cắn!" . Nhưng khi anh còn nguyên ba mươi hai cái răng thì... Con người khi trẻ, là một con thú man rợ, phải, sếp ạ, một con dã thú ăn thịt người!
Lão lắc đầu.
- Ờ, hắn cũng ăn cả cừu, lợn, gà nữa, song nếu chưa ăn thịt người thì hắn chưa thỏa mãn cái bụng.
Vừa giụi mẩu thuốc lá vào chiếc đĩa đựng tách cà phê, lão vừa nói thêm:
- Phải, hắn chưa thỏa mãn cái bụng. Thế đấy, con người đạo mạo có ý kiến gì về điều đó, hả?