Alexis Zorba - Con Người Hoan Lạc

Chương 15


Chương trước Chương tiếp

Hôm ấy, có một luồng gió nam dữ dội nóng bỏng, thổi từ những sa mạc châu Phi qua Địa Trung Hải tới những đám cát mịn xoáy lộn và quay cuồng trên không, thốc vào cuống họng và phổi. Răng xào xạo, mắt cay xè, cửa ra vào và cửa sổ đều phải đóng chặt nếu muốn bảo đảm không phải ăn một miếng bánh mì rắc đầy cát.

Không khí ngột ngạt. Trong những ngày khó thở này, thời kỳ cây dâng nhựa, bản thân tôi cũng chìm ngập trong nỗi rạo rực của buổi xuân về. Một thoáng mệt mỏi, một cảm giác ngứa ran như kiến bò khắp người, một căng thẳng về cảm xúc trong lồng ngực, một ước muốn - hay một hồi ức - về một hạnh phúc đơn giản và lớn lao. Tôi đi bên con đường núi đầy sỏi. Một cơn hứng đột ngột thúc tôi đi thăm khu đô thị Mino mới chồi lên khỏi mặt đất sau ba, bốn ngàn năm bị vùi lấp và một lần nữa lại đang sưởi ấm dưới mặt trời đảo Crete thân yêu. Tôi nghĩ có lẽ sau khi cuốc bộ ba, bốn tiếng đồng hồ, sự mệt mỏi sẽ làm dịu nỗi bồi hồi do mùa xuân mang lại. Những phiến đá xám trơ trụi, một vẻ trần truồng rực sáng, trái núi xù xì và hoang vắng mà tôi yêu. Một con cú, mắt tròn vàng hoe bị chói sáng, đậu trên một mỏm đá, nhìn trân trân, trang nghiêm, đẹp và đầy bí ẩn. Tôi bước nhẹ nhàng, nhưng tai nó rất thính, nó hốt hoảng, lặng lẽ bay lên giữa những lớp đá và biến mất. Không khí đượm mùi cỏ xạ hương. Những bông hoa kim tước đầu tiên mơn mởn vàng đã ló ra giữa đám gai. Khi tôi nhìn thấy cái đô thị nhỏ đổ nát, tôi đứng ngây ra sững sờ. Chắc đã vào quãng trưa, ánh nắng rọi thẳng đứng, tưới đẫm sáng từng lớp đá. Ở những đô thị cổ đổ nát, đây là một thời điểm nguy hiểm trong ngày, vì không gian đầy tiếng la thét và huyên náo của những vong hồn. Một cành cây răng rắc, một con thằn lằn vụt chạy, một đám mây trôi ngang trên đầu đổ bóng xuống, là đủ khiến ta kinh hoàng. Một tấc đất ta giẫm chân lên là một nấm mồ và ta nghe thấy những người chết rền rĩ. Mắt tôi quen dần với ánh sáng chói chang. Giờ đây giữa đổ nát tôi có thể thấy dấu vết của bàn tay con người: hai đường phố rộng lát đá bóng loáng. Bên trái, bên phải, ngoằn ngoèo những ngõ hẹp. Ở giữa là một agora ( [47] ) tròn hoặc nơi tụ họp công cộng, và sát cạnh đó, ra vẻ chiếu cố với một tinh thần hoàn toàn dân chủ, người ta đã đặt cung vua với những hàng cột song đôi, những cầu thang đá thênh thang và rất nhiều tòa nhà phụ. Ở trung tâm đô thị, bàn chân người đã giẫm mòn đá nhiều nhất và hẳn đây là nơi đã dựng Nội Điện thờ Đại Nữ Thần: tượng nàng còn đó với đôi vú đồ sộ cách xa nhau và hai cánh tay cuốn lại thành rắn.

Khắp nơi san sát những cửa hàng nhỏ, hiệu ép dầu, lò rèn, xưởng mộc và xưởng đồ gốm. Một tổ kiến xây chắc chắn và thông minh ở một chỗ khuất, nay trống rỗng vì kiến đã kéo đi khỏi từ mấy ngàn năm trước... Ở một chỗ, một thợ thủ công đã khắc một cái bình trong đá vân, nhưng không đủ thì giờ hoàn thành. Mấy nghìn năm sau, người ta lại tìm thấy chiếc đục rơi khỏi tay nghệ nhân, nằm cạnh tác phẩm nghệ thuật bỏ dở.

Những câu hỏi hão, ngớ ngẩn muôn thuở, tại sao? Để làm gì? Lại đến đầu độc tâm hồn ta. Chiếc bình dở dang, ở đó vụt tắt cảm hứng sung sướng và đầy tự tin của người nghệ sĩ, khiến lòng ta tràn đầy chua xót.

Chợt một gã mục đồng nhỏ bé, da rám nắng, một chiếc khăn tay viền tua chít quanh mái tóc loăn xoăn, đứng bật dậy trên một phiến đá cạnh cung điện đổ nát, phô hai đầu gối đen thui.

- Này, người anh em! Gã gọi to.

Tôi đang muốn được một mình nên giả vờ không nghe tiếng. Nhưng gã chăn cừu cất tiếng cười giễu cợt.

- Ha ha! Giả điếc hả? Có điếu thuốc lá nào không? tôi xin điếu! Ở cái xó quạnh vắng này, tôi chán đời quá. Gã kéo dài những tiếng cuối, nghe khổ sở đến nỗi tôi đâm ái ngại.

Tôi không có thuốc lá nên tôi biếu tiền gã. Nhưng gã chăn cừu bực mình.

- Tiền thì ném cho quỷ! Gã nói to. Tôi làm gì với tiền mới được chứ? Tôi đã bảo tôi chán ngấy mọi thứ rồi. Tôi chỉ cần một điếu thuốc lá.

- Tôi không có thuốc lá, tôi tuyệt vọng nói. Không có điếu nào...

- Không có thuốc lá ư? Gã cáu tiết đập cây gậy mục đồng xuống đất. Không có thuốc lá! Hừ, thế trong túi ông có gì mà phồng lên thế?

- Một cuốn sách, một chiếc mùi soa, giấy, bút chì, dao díp, tôi đáp lần lượt lôi từng thứ trong túi ra. Chú có thích con dao díp này không?

- Tôi cũng có một con. Tôi có đủ thứ cần thiết: bánh mì, phó-mát, ô-liu, dao, dùi và da để đóng ủng, nước uống trong chai, đủ thứ... trừ một điếu thuốc lá! Thế là cứ như tôi chẳng có gì sất! Còn ông thì tìm gì trong cái đống đổ nát này mới được chứ?

- Tôi nghiên cứu thời cổ đại.

- Ông làm thế thì ích lợi gì?

- Chẳng ích lợi gì.

- Chẳng ích lợi gì. Tôi cũng thế. Ở đây, tất cả là chết chóc mà chúng ta thì đang sống. Ông nên đi mau đi thì hơn. Cầu chúa phù hộ cho ông.

- Tôi đi đây, tôi ngoan ngoãn đáp.

Tôi đi trở lại con đường nhỏ, lòng có phần lo âu. Tôi ngoái nhìn một lát và thấy gã mục đồng cám cảnh cô liêu vẫn đứng trên phiến đá. Mái tóc quăn, xổ ra dưới chiếc khăn tay màu đen, phất phơ trong ngọn gió nam. Ánh sáng chan hòa trên người gã, từ đầu đến chân. Tôi cảm thấy như đang nhìn pho tượng một thanh niên bằng đồng hun. Gã đặt cây gậy ngang vai, miệng huýt sáo.

Tôi rẽ theo một con đường mòn khác, đi xuống bờ biển. Thi thoảng, những luồng gió ấm chở tới tôi hương thơm từ những khu vườn gần đấy. Đất ngát hương, biển róc rách cười, bầu trời xanh ánh lên như thép. Mùa đông làm teo tâm trí và thể xác con người, nhưng đây rồi hơi ấm đã đến làm phồng căng lồng ngực. Đang đi, tôi bỗng nghe thấy những tiếng quác quác trên không. Tôi ngước mắt lên và trông thấy một cảnh tượng tuyệt vời bao giờ cũng làm tôi xúc động sâu sắc kể từ thời thơ ấu: một đàn sếu dàn thành đội hình chiến đấu bay ngang trời, trở về sau thời gian trú đông ở một miền ấm áp, và như huyền thoại tương truyền, mang theo những con én trên cánh và trong những hõm sâu nơi thân thể khẳng khiu của chúng.

Nhịp điệu tuần hoàn không bao giờ sai của các mùa, bánh xe quay triền miên của sự sống, bốn mặt của trái đất được mặt trời lần lượt chiếu sáng, dòng đời trôi chảy - tất cả những cái đó lại một lần nữa khiến lòng tôi trĩu nặng một cảm giác nghèn nghẹn. Một lần nữa, cùng với tiếng đàn sếu bay ngang, lại vang lên trong tôi lời báo trước ghê gớm rằng ai cũng chỉ có một cuộc đời và không còn cuộc đời nào khác, rằng tất cả những gì có thể hưởng thụ cần được hưởng thụ ngay trên cõi trần này. Trong thời gian vô tận, chúng ta sẽ không còn dịp may nào khác nữa. Nghe lời báo trước phũ phàng ấy - đồng thời cũng đầy thương cảm - tâm trí ắt sẽ quyết định khắc phục sự yếu đuối, ti tiện, lười nhác cùng những hy vọng hão huyền của mình mà dồn hết sức níu chặt lấy từng giây đang biền biệt bay đi mãi mãi.

Những tấm gương lớn vụt đến trong đầu và ta thấy rõ ta là một linh hồn đọa lạc, cuộc đời ta đang bị phung phí vào những lạc thú hèn kém, những đau đớn vụn vặt và những chuyện phiếm. "Xấu hổ! Xấu hổ!" ta kêu lên và cắn môi.

Đàn sếu đã bay qua vòm trời và biến mất về phía bắc, nhưng trong đầu tôi, chúng vẫn tiếp tục bay từ thái dương bên này sang thái dương bên kia, vẫn kêu quang quác.

Tôi đến bờ biển. Tôi rảo bước dọc theo mép nước. Đi một mình ven biển thật chẳng yên tâm chút nào! Mỗi con sóng, mỗi cánh chim đều gọi ta, nhắc ta nhớ đến bổn phận. Khi có người đi cùng, ta cười nói và không nghe thấy sóng biển và chim trời nói gì. Tất nhiên, có thể là chúng chẳng nói gì. Chúng nhìn bọn ta đi qua trò chuyện râm ran và chúng ngừng tiếng.

Tôi nằm dài trên sỏi và nhắm mắt lại. "Vậy thì linh hồn là cái gì?" Tôi tự hỏi. "Và mối liên hệ thầm kín giữa linh hồn với biển, mây với hương thơm là như thế nào? Bản thân linh hồn dường như cũng là biển, mây và hương thơm . . . "

Tôi đứng dậy và lại bắt đầu bước như thể đã đi đến một quyết định. Quyết định như thế nào? Tôi cũng không biết.

Đột nhiên, tôi nghe thấy một giọng nói đằng sau lưng.

- Thưa ông, nhờ ân sủng Chúa, ông đi đâu vậy? Ông đến nữ tu viện?

Tôi quay lại. Một ông già bè bè chắc nịch tráng kiện với một chiếc khăn tay chít quanh mái tóc bạc, đang vẫy tay và mỉm cười với tôi. Một bà già đi sau ông và sau bà là cô con gái họ, một thiếu nữ da ngăm ngăm, cặp mắt dữ tợn, đầu chít một chiếc khăn trắng.

- Đến nữ tu viện? Ông già hỏi lại lần thứ hai. Và đột nhiên, tôi ý thức ra rằng mình đã quyết đi về hướng ấy. Từ mấy tháng nay, tôi đã muốn đến cái tu viện nhỏ dành cho các nữ tu sĩ xây bên bờ biển, nhưng chưa lần nào đi được. Chiều nay, thân thể tôi bất chợt quyết định cho tôi.

- Vâng, tôi đáp. Tôi đến nữ tu viện để nghe hát mừng Đức Mẹ Đồng Trinh.

- Cầu Đức Mẹ ban phước cho ông.

Ông rảo bước theo kịp tôi.

- Có phải họ gọi ông là Công ty than không?

- Đúng thế.

- Ô, thế thì cầu Đức Mẹ Đồng Trinh ban cho ông nhiều lộc! Ông đã làm bao điều ích lợi cho làng, đem lại kế sinh nhai cho bao người bố nghèo phải nuôi cả gia đình. Cầu Chúa ban phước lành cho ông!

Và một vài phút sau, ông già tinh quái, hẳn biết chúng tôi đang gặp khó khăn, nói thêm mấy lời an ủi sau đây:

- Và dù không thu được lời lãi gì thì cũng chẳng đáng lo phiền, con ạ. Con sẽ không thua thiệt đâu. Linh hồn con sẽ lên thẳng Thiên đàng.

- Đó chính là điều con mong ước, nội ạ.

- Lão chẳng được học hành bao giờ, nhưng một hôm, ở nhà thờ, lão đã được nghe Chúa Cứu Thế phán một điều. Điều đó in vào trong đầu lão không bao giờ quên được. Người dạy: "Hãy bán tất cả những gì con sở hữu để đạt được Hạt Ngọc Trai vĩ đại". Hạt Ngọc Trai vĩ đại đó là gì? Là sự cứu rỗi linh hồn. Con đang vững bước trên con đường đạt tới Hạt Ngọc Trai vĩ đại đấy, con ạ.

Hạt Ngọc Trai vĩ đại! Đã bao lần nó lấp lánh trong tâm trí tôi như một giọt lệ lớn!

Chúng tôi bước tiếp, hai người đàn ông đi trước, hai người đàn bà chắp tay theo sau. Thi thoảng, chúng tôi nêu một nhận xét hoa ô-liu có đậu được lâu trên cây không? Liệu trời có mưa cho lúa mạch căng nhựa không? Hẳn cả hai chúng tôi đều đói vì chúng tôi luôn luôn lái câu chuyện sang đề tài thức ăn.

- Nội thích món gì nhất, nội?

- Tất cả, con ạ. Khen món này ngon, chê món kia dở là một tội trọng.

- Tại sao? Chẳng lẽ chúng ta không có quyền lựa chọn?

- Dĩ nhiên là không.

- Tại sao lại không?

- Bởi vì có nhiều người còn đói khát.

Tôi lặng thinh, xấu hổ. Tâm tôi chưa bao giờ đạt tới độ cảm thương và cao quý nhường ấy.

Chuông tu viện reo vang, vui vẻ và nghịch ngợm như tiếng đàn bà cười.

Ông già làm dấu thánh giá.

- Cầu Đức Mẹ Đồng Trinh Khổ Nạn cứu giúp chúng tôi! Lão thì thầm. Mẹ bị dao chém vào cổ, chảy máu. Vào cái thời bọn cướp biển . . .

Và lão già bắt đầu thêu dệt những khổ đau của Đức Mẹ Đồng Trinh như thể đó là chuyện một người đàn bà có thật, một thiếu phụ bị hành hạ, nước mắt lã chã, bế con đi tị nạn từ phương Đông và bị bọn vô đạo dùng dao đâm. - Mỗi năm một lần, máu nóng thật chảy ra từ vết thương của Mẹ, ông già nói tiếp. Lão nhớ cách đây lâu lắm rồi - từ hồi ria lão chưa mọc kia - vào ngày lễ Đức Mẹ Đồng Trinh, dân chúng từ tất cả các làng trên núi kéo xuống cúng bái Người. Đó là ngày mười lăm tháng Tám. Cánh đàn ông chúng tôi ngủ ngoài sân, đàn bà ngủ trong nhà. Trong giấc ngủ, lão nghe thấy Mẹ Đồng Trinh kêu la, lão vội vàng trở dậy, chạy đến tượng Mẹ và đặt tay lên cổ Mẹ. Con có biết lão thấy gì không? Các ngón tay lão đỏ lòm máu . . .

Ông già làm dấu và quay lại nhìn hai người đàn bà. - Đi nhanh lên nào, các mụ! Gần đền nơi rồi! lão kêu. Rồi hạ giọng.

- Dạo ấy, lão chưa lấy vợ. Lão quỳ trước Đức Mẹ và quyết định từ bỏ thế giới đầy dối trá này, đi tu... Lão cười.

- Tại sao nội lại cười?

- Thế chưa đủ làm con cười sao? Chính ngày hôm ấy, trong lễ hội, ác quỷ cải trang thành một phụ nữ đứng ngay trước mặt lão. Đó là mụ!

Không quay đầu, ông hất ngược ngón tay cái chỉ bà già đằng sau ông đang lặng lẽ đi theo chúng tôi. - Bây giờ thì mụ không bõ nhìn, ông nói; mới nghĩ đến chuyện đụng vào người mụ đã tởm rồi. Nhưng hồi đó mụ quả là ngon lành, gợi tình, với sức sống quẫy động như một con cá. Người ta thường gọi mụ là "Người đẹp mi dài" và mụ xứng đáng với cái tên ấy, con mẹ lẳng lơ! Nhưng bây giờ thì... lạy Chúa độ hồn tôi, đâu rồi những hàng mi dài ấy! Biến đi với quỷ rồi! Chẳng còn lấy sợi nào ?

Giữa lúc ấy, ngay sau lưng chúng tôi, bà già gừ một tiếng nghẹt lại như một con chó cáu kỉnh bị xích. Nhưng bà không nói gì.

- Tu viện kia rồi, ông già nói.

Sát bờ biển, kẹp giữa hai khối đá lớn, là nhà tu kín trắng lấp lánh. Ở giữa, vòm mái giáo đường vừa mới quét vôi trắng, nhỏ và tròn như một bầu vú đàn bà. Quanh giáo đường, khoảng năm, sáu phòng nhỏ cửa màu xanh lơ, ba cây bách lớn trong sân và dọc theo tường, mấy cây lê gai lực lưỡng đang độ đơm hoa.

Chúng tôi bước nhanh hơn. Tiếng hát du dương vẳng xuống từ khung cửa mở của thánh đường, không khí nồng mặn ngát mùi cánh kiến trắng. Cửa chính giữa khung vòm mở rộng, dẫn vào mảnh sân sạch, thơm rải sỏi đen và trắng. Dọc những bức tường bên phải và bên trái là những dãy chậu trồng kinh giới ô, hương thảo và húng quế.

Thanh tĩnh xiết bao! Dịu dàng xiết bao! Mặt trời đang lặn và những bức tường quét vôi trắng chuyển sang màu hồng.

Ngôi giáo đường nhỏ, bên trong ấm áp và hơi tối, nồng mùi sáp. Thiện nam tín nữ đi đi lại lại trong mù mịt khói hương và năm, sáu nữ tu sĩ mình bó chặt trong áo dài đen, đang cất giọng ngọt ngào, lanh lảnh hát: "Ôi Chúa Toàn năng..." Họ luôn luôn quỳ trong khi hát và tiếng áo dài xột xoạt của họ nghe như chim vỗ cánh bay. Từ nhiều năm qua, tôi không nghe tụng ca Đức Mẹ Mary Đồng Trinh. Trong thời thanh niên nổi loạn, tôi thường đi qua mọi nhà thờ, với niềm phẫn nộ và khinh miệt trong lòng. Cùng với thời gian trôi, tôi bớt dữ dằn đi. Thực tế, thỉnh thoảng tôi còn đi dự những lễ hội tôn giáo nữa - Giáng sinh, Phục sinh, những tuần chay - và tôi sung sướng thấy đứa trẻ trong tôi sống lại. Nhiệt tình thần bí trong buổi thiếu thời của tôi đã thoái hóa thành một khoái cảm thẩm mỹ. Những người man rợ tin rằng một nhạc cụ, khi không được dùng cho những nghi thức tôn giáo, sẽ mất sức mạnh thần thánh và bắt đầu phát ra những âm thanh du dương thánh thót. Cũng như vậy, tôn giáo đã xuống cấp trong tôi: nó đã trở thành nghệ thuật. Tôi vào một góc, dựa lên thành ghế bóng loáng ở chỗ hát kinh mà những bàn tay tín đồ đã mài nhẵn như ngà, và ngây ngất lắng nghe những bản tụng ca Byzance vọng về từ quá khứ xa xăm: "Xin chào những đỉnh cao tâm trí con người không thể đạt tới ! Xin chào những chiều sâu mắt thiên thần không nhìn thấu! Xin chào tân giai nhân trinh bạch, ôi đóa hồng không bao giờ phai". Một lần nữa, các nữ tu sĩ lại quỳ xuống, đầu cúi gục và áo xột xoạt như cánh chim.

Nhiều phút trôi qua - những thiên thần cánh ngát mùi an tức hương, tay cầm hoa loa kèn và miệng hát ngợi ca nhan sắc Đức Mẹ Mary. Mặt trời lặn, để chúng tôi lại trong ánh hoàng hôn tơ nhung, xanh biếc. Tôi không nhớ chúng tôi đã ra sân như thế nào, nhưng tôi thấy có mình tôi ở đó với Mẹ Nhất già và hai nữ tu sĩ trẻ dưới cây bách lớn nhất. Một thiếu nữ mới vào tu mang đến mời tôi một thìa mứt, nước mát và cà phê, và chúng tôi bắt đầu bình thản trò chuyện.

Chúng tôi nói về những phép lạ do Đức Mẹ Mary Đồng Trinh thực hiện, về than bùn linhít, về đàn gà mái bắt đầu đẻ trứng vì đã sang xuân, về bà xơ Endoxia bị chứng động kinh luôn luôn ngã trên sàn nhà thờ, giãy giụa như con cá, sùi bọt mép và xé quần xé áo. - Xơ ấy năm nay ba mươi lăm. Mẹ Nhất thở dài nói thêm. Một cái tuổi bất hạnh - rất khó khăn! Cầu Đức Mẹ Mary Khổ Nạn cứu giúp và chữa cho xơ ấy! Trong vòng mươi, mười lăm năm, xơ ấy sẽ khỏi.

- Mươi, mười lăm năm, tôi thất kinh lẩm bẩm.

- Mươi, mười lăm năm thì nghĩa lý gì? Mẹ Nhất nghiêm nghị nói. Hãy nghĩ đến vĩnh cửu.

Tôi không trả lời. Tôi biết vĩnh cửu là mỗi phút giây đang trôi qua. Tôi hôn tay Mẹ Nhất - một bàn tay trắng muốt, mũm mĩm sực mùi trầm hương - rồi cáo từ.

Đêm đã xuống. Hai ba con quạ vội vã bay về tổ; cú mèo đang ra khỏi những hốc cây để săn mồi. Ốc sên, sâu bọ, chuột đồng từ đất chui lên để làm mồi cho cú. Cái con rắn huyền bí tự nhai nghiến đuôi mình quây tôi vào vòng của nó: trái đất sinh nở rồi ăn sống nuốt tươi con cái của chính mình, tiếp tục đẻ thêm và lại nuốt tươi lớp con cái mới.

Tôi nhìn quanh. Trời đã tối mịt. Dân làng đã về hết, không ai có thể thấy tôi. Tôi hoàn toàn một mình. Tôi cởi giày và nhúng chân xuống nước biển. Tôi lăn mình trên cát. Tôi cảm thấy một thôi thúc muốn tiếp xúc với đá, nước và không khí bằng tấm thân trần của mình. Mẹ Nhất đã làm tôi tức điên với cái "vĩnh cửu" của bà và tôi cảm thấy cái từ đó chụp xuống tôi như một sợi dây thòng lọng quăng bắt ngựa hoang. Tôi nhảy bật lên để tránh. Tôi muốn áp thân thể trần truồng của mình thật chặt vào đất và biển để cảm thấy chắc chắn rằng những vật phù du thân yêu này là có thật.

"Ngươi hiện hữu và chỉ mình ngươi thôi!" Tôi kêu lên trong tận cùng bản ngã. "Ôi Trái Đất! Tôi là đứa con sinh sau rốt của người, tôi ngậm vú người, tôi bú và sẽ không chịu nhả ra. Người không để tôi sống quá một phút, song cái phút đó đã trở thành cái vú cho tôi bú! Tôi rùng mình như cảm thấy mình đang có nguy cơ bị ném vào làm mồi cho cái từ ăn thịt người "vĩnh cửu" kia. Tôi nhớ lại trước kia - bao giờ nhỉ? Mới cách đây một năm thôi - tôi đã náo nức suy nghĩ về nó, dang tay nhắm mắt muốn lao mình vào nó.

Hồi tôi học lớp một trường Nhà nước, có một truyện trong sách tập đọc dùng cho phần hai chương trình vỡ lòng. Truyện rằng:

Có một đứa bé ngã xuống giếng. Dưới đó, nó thấy một thành phố kỳ diệu với những vườn hoa, một con hồ toàn mật ong nguyên chất, một trái núi bằng bánh ngọt và đồ chơi đủ màu sắc. Khi tôi đánh vần, dường như mỗi âm tiết lại đưa tôi đi sâu thêm vào cái thành phố thần tiên đó. Một buổi trưa, đi học về, tôi chạy vào vườn, bổ tới bờ giếng dưới giàn nho và đứng mê mẩn nhìn xuống mặt nước tối đen phẳng lì. Thoáng chốc, tôi tưởng như nhìn thấy thành phố kỳ diệu, nhà cửa và phố xá, trẻ con và giàn nho trĩu quả. Tôi không cưỡng được nữa. Tôi chúi đầu xuống, vươn tay ra và đạp chân xuống đất để đẩy mình qua thành giếng. Nhưng vừa lúc ấy, mẹ tôi để ý thấy tôi. Bà thét lên, lao vút ra và kịp thời túm được thắt lưng tôi kéo lại...

Vậy là hồi nhỏ, tôi đã suýt ngã xuống giếng. Khi lớn lên, thiếu chút nữa, tôi ngã vào từ "vĩnh cửu", cũng như vào một số từ khác nữa - "ái tình", "hy vọng", "đất nước", "Thượng đế". Cứ mỗi lần dẹp được một từ, bỏ nó lại sau lưng, tôi có cảm giác như mình vừa thoát một nguy hiểm và tiến thêm được một chút. Nhưng không, tôi chỉ thay đổi từ và gọi thế là giải thoát. Và hai năm qua, tôi đã treo mình lủng lẳng ở miệng vực từ "Đức Phật". Nhưng nay, tôi cảm thấy chắc chắn rằng - cảm ơn Zorba - Đức Phật sẽ là cái giếng cuối cùng, cái từ vực thẳm cuối cùng và sau đó, tôi sẽ mãi mãi được giải thoát. Mãi mãi? Đó là điều lần nào ta cũng nói.

Tôi chồm dậy. Tôi sung sướng từ đầu đến chân. Tôi cởi quần áo và lao ùm xuống biển; những con sóng hân hoan đùa giỡn với tôi và tôi đùa giỡn với chúng. Cuối cùng mệt nhoài, tôi lên bờ, để gió đêm làm khô người và lại sải cẳng bước những bước dài thoải mái, cảm thấy mình đã thoát một nguy hiểm lớn và càng bám chặt hơn vào bầu vú của Mẹ Đất Vĩ Đại.


Bình luận
Sắp xếp
    Loading...