Đoàn người Đỗ Duy đã xuất phát được mười ngày, đi qua tỉnh Norin, thuận đường ghé thăm tổng đốc Bohan. Yến tiệc tất niên lần này Bohan không được Thần Hoàng Tử triệu trở về đế đô. Căn cứ theo lời hắn nói, trước khi đại hoàng tử chính biến còn chưa bị thất bại, mỗi kỳ cuối năm hắn đều được triệu trở về đế đô để tiếp nhận khen thưởng. Nhưng từ sau cuộc chính biến thất bại năm ngoái của đại hoàng tử, Bohan chưa hề trở về đế đô lần nào. Rõ ràng là tín hiệu hắn bị thất sủng vì hắn chính là quan viên bên phái hệ của đại hoàng tử.
Nhưng Bohan dường như đã hiểu rõ mấy chuyện này, không hề có chút kích động thái quá nào, ngược lại còn nhờ Đỗ Duy mang theo chút lễ vật về đế đô thăm hỏi người nhà. Căn cứ theo tục lệ của Đế Quốc, phàm là tổng đốc một phương như Bohan, một nhân vật quan trọng thống lãnh quân chính như vậy, khi nhậm chức thì gia quyến đều để lại đế đô. Ý tứ trong đó cũng không cần phải nói rõ ra.
Sau khi đoàn xe ngựa đi được mười ngày ra khỏi tỉnh Norin thì tiến vào miền Trung của Đế Quốc. Thuận theo đường lớn đi một mạch từ hướng đông tới hướng nam là có thể đến được bến cảng đầu nguồn của Đại Vận Hà. Lên thuyền nơi này xuôi thuận theo dòng là đến thẳng đế đô.
Mặc dù đi trên đất liền thì nhanh hơn, nhưng dù sao ngồi thuyền lại thoải mái hơn một chút. Hơn nữa ở bến cảng đã sớm có một chiếc thuyền lớn của Đỗ Duy chờ sẵn rồi.
Minh Phàm cảng là bến tàu đầu tiên ở thượng nguồn Đại Vận Hà, cũng là điểm tận cùng phía tây của Đại Vận Hà. Khai quật Đại Vận Hà đến nơi này thì kết thúc. Đi xa hơn về phía tây chính là các con sông và nhánh sông hiểm trở.
Minh Phàm cảng là trạm vận chuyển đường sông cuối cùng về hướng tây của Đại Vận Hà. Mỗi kỳ cuối năm đều là lúc náo nhiệt nhất... Thậm chí mức độ náo nhiệt còn hơn cả lễ hội mùa hè quan trọng bậc nhất của người Roland.
Vô số thương đoàn, thương đội lui tới nơi này. Thương đội miền Tây muốn kịp trở về nhà trước kỳ cuối năm, còn thương đội miền Đông thì lại muốn thừa dịp này đem hàng hóa bán chạy nhất mùa đông, vận chuyển đến vùng Tây Bắc.
Mỗi năm đến lúc này, vận chuyển giao thông trên sông thật bận rộn, các đội thuyền đều đông nghẹt.
Nước sông từ trong lục địa khi đổ tới Minh Phàm cảng thì mạnh vô cùng. Mấy ngày nay tàu bè cập đầy bến, nhưng tất cả các thương thuyền đều thông báo đã hoàn toàn đầy chỗ, khiến cho rất nhiều thương đội đang chờ chỗ chẳng còn cách nào khác đành phải ở lại tiểu trấn tại bến tàu.
Đây là chuyện bất đắc dĩ. Dù sao vận chuyển đường sông so với đường bộ thì tiện nghi hơn rất nhiều. Chi phí vận chuyển đường bộ so với đường sông mắc hơn gấp bốn lần. Hàng hóa của một đoàn xe ngựa cũng chỉ cần một chiếc thuyền lớn là có thể vận chuyển theo đường sông.
Đoàn người Đỗ Duy đến tối thì tới được Minh Phàm cảng. Nhờ vào sự phồn thịnh của bến cảng này mà tiểu trấn cạnh bến cảng cũng được hưởng lợi lộc rất nhiều. Nơi này đã biến thành một thị trấn vô cùng náo nhiệt. Vì có sự giao lưu giữa các thương đội Đông Tây mang theo đủ loại hàng hóa hiếm lạ khiến cho tiểu trấn có rất nhiều cửa tiệm, thậm chí còn có mấy tiệm bán hàng gốm sứ cao cấp - đối với một trấn mà nhân khẩu chưa tới hai vạn, đây là điều hiếm thấy.