1Q84 (Tập 3)
Chương 4: Ushikawa
[1] Nguyên lý áp dụng trong triết học và khoa học do nhà triết học William xứ Occam (còn gọi là Okham) đề ra, với nội dung là trong các lý thuyết dùng để diễn dịch một thực kiện, lý thuyết càng đơn giản càng có khả năng đúng đắn.
Người phụ nữ lớn tuổi sống trong ngôi biệt thự ở Azabu có thể dính líu đến vụ ám sát lãnh tụ của Sakitage dưới một hình thức nào đó, Ushikawa không sao tiếp nhận được ý nghĩ này. Y đã điều tra hết thảy mọi thứ về người đàn bà ấy. Bà là một nhân vật có địa vị xã hội, tiếng tăm lừng lẫy, nên điều tra cũng không mất mấy công. Ông chồng là nhân vật lớn của giới công thương nghiệp thời hậu chiến, có cả ảnh hưởng trong giới chính trị. Lĩnh cực chủ yếu là bất động sản và đầu tư, đồng thởi cũng đặt chân vào lĩnh vực xung quanh như trung tâm bán lẻ cỡ lớn và ngành vận tải.
Khoảng giữa thập niên năm mươi của thế kỷ 20, sau khi chồng qua đời, bà kế thừa sự nghiệp gia đình. Bà rất có tài kinh doanh, đặc biệt là năng lực dự cảm nguy cơ. Nửa sau thập niên sáu mươi, bà đã nhạy bén phát giác ra lĩnh vực kinh doanh của công ty quá rộng lớn, bèn tranh thủ thời cơ giá cổ phiếu lên cao, lập kế hoạch bán đi cổ phần của mấy ngành nghề, dần dần thu nhỏ quy mô tổ chức, dồn sức củng cố thực lực của các ngành nghề còn lại. Nhờ thế, khi cơn khủng hoảng dầu mỏ xảy đến không lâu sau đó, công ty mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn với tổn thất nhỏ nhất, tích lũy được một khoản vốn lớn. Bà hiểu rõ làm thế nào để chuyển hóa nguy cơ của người khác thành thời cơ vàng cho bản thân mình.
Hiện nay bà đã rút lui khỏi công việc kinh doanh, và sắp qua tuổi bảy mươi lăm. Bà có của cải dư dật, cho phép bà sống nhàn nhã trong toàn biệt thự rộng rãi, không bị bất cứ ai quấy rầy. Bà sinh ra trong gia đình giàu có, kết hôn với một nhà tư bản, sau khi chồng qua đời lại càng thêm giàu có. Một người phụ nữ như vậy sao có thể nào toan tính mưu sát người khác đây?
Nhưng Ushikawa vẫn quyết định điều tra sâu thêm một bước về người phụ nữ quý phái lớn tuổi này. Một mặt vì y không tìm được đầu mối nào khác ra hồn, mặt khác vì “trung tâm bảo trợ” mà bà đang điều hành có vài điểm khiến y chú ý. Cung cấp miễn phí chốn nương thân cho những phụ nữ nạn nhân của bạo hành gia đình, hành vi này thì không có gì là bất bình thường. Đó là một cống hiến có ích và vững chắc cho xã hội. Bà có nguồn lực tài chính dồi dào, những người đàn bà rơi vào cảnh ngộ ấy ắt hẳn biết ơn bà sâu sắc. Vấn đề là khu nhà ấy được canh phòng quá đỗi thâm nghiêm. Cổng và khóa sắt kiên cố, chó béc giê Đức, lại có tới mấy máy quay giám sát. Ushikawa không thể không cảm thấy ở đây có gì đó hơi quá mức.
Trước tiên, y xác minh lại quyền sở hữu tài sản của mảnh đất và căn nhà nơi bà chủ đang ở. Đây là thông tin công khai, chỉ cần đến toàn thị chính là có thể biết rõ. Đất đai và nhà cửa đều đứng tên cá nhân bà. Không dùng để thế chấp. Đơn thuần và rành mạch. Vì là tài sản cá nhân, tiền thuế tài sản cố định hằng năm tương đối cao. Nhưng với bà, mỗi năm phải nộp một khoản tiền như thế xem ra chẳng thấm tháp gì. Sau này, tiền thuế di sản chắc chắn cũng là một khoản lớn, nhưng bà hầu như chẳng quan tâm. Tình huống này rất hiếm gặp ở các gia đình giàu có như vậy. Theo như Ushikawa biết, chẳng ai căm ghét việc nộp thuế hơn những kẻ lắm tiền.
Sau khi chồng chết, bà sống lẻ loi một mình trong tòa biệt thự rộng rãi ấy. Nói là sống một mình, song thật ra cũng có mấy người giúp việc ở đó. Bà có hai đứa con, con trai trưởng kế thừa gia nghiệp, đẻ được ba đứa cháu trai. Con gái lớn đi lấy chồng, đã ốm chết từ mười lăm năm trước, không có con cái.
Thông tin ở mức độ này thì không khó tìm. Nhưng khi tiến thêm một bước, muốn thâm nhập tìm hiểu thân thế cá nhân của bà, Ushikawa đột nhiên đụng phải tường. Mọi con đường đi tới phía trước đều bị bịt kín. Tường cao ngất, cửa lắp mấy lần khóa. Điều duy nhất Ushikawa tìm hiểu được là người phụ nữ này hoàn toàn không có ý định để bí mật riêng tư của mình lộ ra trước con mắt tò mò của công chúng. Có vẻ bà đã bỏ ra tương đối nhiều công của vì chuyện này. Bà không trả lời bất cứ câu hỏi nào, không phát ngôn bất cứ điều gì. Dù đã lùng sục tư liệu đến thế nào chăng nữa, y cùng không sao tìm được ảnh của bà.
Trong niên giám điện thoại của quận Minato có đăng ký tên bà. Ushikawa thử gọi vào số ấy. Tác phong của y làm chuyện gì cũng đều thử tiếp cận chính diện một lần. Chuông vừa đổ một tiếng, liền có một người đàn ông nghe máy. Ushikawa dùng tên giả, xưng tên một công ty chứng khoán nào đấy, rồi nói: “Tôi xin được hỏi ý kiến bà chủ về ngân sách đầu tư hiện tại.”
Bên kia đáp: “Bà chủ không nghe điện thoại. Mọi việc đều do tôi xử lý.” Giọng nói đầy vẻ công vụ, nghe cứ như lắp ráp bằng máy móc. Ushikawa liền nói: “Theo quy định của công ty, những nội dung này chỉ có thể nói với chính khách hàng, không thể cho người khác biết. Nếu đã vậy, chúng tôi xin phép gửi tài liệu tới theo đường bưu điện, có thể mất mấy ngày.” Bên kia trả lời, “Phiền anh vậy.” rồi tắt máy.
Không nói chuyện được với bà chủ, Ushikawa cũng chẳng nản lòng. Vốn dĩ y cũng không trông đợi làm được đến mức ấy. Y chỉ muốn biết, để bảo vệ bí mật riêng tư, rốt cuộc bà cảnh giác đến mức nào. Mức độ cảnh giác cực cao. Biệt thự của bà dường như được những mấy người bảo vệ nghiêm ngặt. Y cảm thấy rõ điều này qua giọng điệu của người đàn ông trả lời điện thoại kia… chắc là thư ký của bà chủ. Danh bạ điện thoại có tên của bà, nhưng số người có thể trực tiếp nói chuyện với bà rất ít ỏi. Tất cả những người khác đều bị đối xử giống như lũ kiến đang kiếm cách chui vào lọ đường, thảy đều bị xua đuổi không hề khách khí.
Ushikawa giả làm người đi tìm nhà cho thuê, ghé vào các công ty môi giới bất động sản ở gần đó, khéo léo hỏi dò tình hình của căn nhà được dùng làm nhà bảo trợ kia. Tuyệt đại đa số các công ty môi giới thậm chí còn không biết ở địa chỉ ấy có một khu nhà như thế. Ở Tokyo, khu vực này được coi là khu nhà ở cao cấp, nên các đại lý này chỉ thụ lý các sản nghiệp giá cao, chẳng ai có hứng thú gì với một căn nhà hai tầng bằng gỗ. Với lại, bọn họ chỉ cần liếc qua tướng mạo và cách ăn mặc của Ushikawa là liền mặc xác y ở đó. Một con chó què chân, bị mắc mưa ướt sũng, toàn thân ghẻ lở, đứt đuôi, cà thọt đi vào qua khe cửa có khi còn được họ đối đãi hòa nhã hơn.
Ushikawa tưởng như đã tuyệt vọng đến nơi thì chợt có một công ty môi giới bất động sản nhỏ xem chừng đã kinh doanh ở khu vực này từ rất lâu thu hút sự chú ý của y. Ông già sắc mặt vàng vọt ở văn phòng ấy thốt lên, “Ồ, chú nói cái chỗ đó đấy à,” rồi chủ động bắt chuyện với y. Người này có vẻ ngoài khô quắt, trông như xác ướt loại hai, nhưng tỏ tường mọi sự ở khu này, và lại đang mong ngóng có người đến để nói chuyện.
“Căn nhà ấy thuộc quyền sở hữu của bà vợ ông Ogata đấy, phải rồi, hồi trước có để cho thuê. Tại sao bà Ogata lại có một căn nhà như thế thì tôi cũng chẳng biết. Họ không phải loại người sống bằng tiền thuê nhà. Chắc để làm chỗ ở cho kẻ ăn người ở trong nhà. Nay thì không hiểu như thế nào nữa, hình như là để cho đám phụ nữ bị bạo hành gia đình tạm trú, kiểu như một dạng chùa Đoạn Duyên[2] ấy. Dù gì thì cũng không phải là chỗ kiếm chác của đám môi giới nhà đất.”
[2] Chỉ Shõkozan Tõkei-ji, còn gọi là Kakekomi-dera hay Enkiri-dera, một ngôi chùa ở thành phố Kamakura, Nhật Bản, thành lập từ năm 1285 và nổi tiếng là nơi trú ẩn cho những người phụ nữ bị chồng bạo hành.
“Chậc chậc, chùa Đoạn Duyên?” Ushikawa nói, đoạn mời ông già một điếu Seven Stars. Ông già nhận điếu thuốc, để Ushikawa bật lửa châm thuốc cho mình, rít một hơi dài ra chiều thơm ngon lắm. Được người hút ngon lành thế này, e là ngay cả điếu thuốc cũng cảm thấy thỏa lòng ấy chứ, Ushikawa thầm nhủ.
“Đúng đó, đám đàn bà con gái bị chồng tẩn, mặt mũi sưng vù phải trốn ra ngoài thảy đều nương áu ở đó. Tất nhiên rồi, không mất một xu thuê phòng.”
“Kiểu như cống hiến cho xã hội?” Ushikawa nói.
“Đúng rồi, chính thế đấy. Có một căn nhà nhỏ để trống không dùng đến, họ mang ra giúp những người gặp khó khăn. Dù gì thì cũng là nhà giàu tiền nhiều như nước cơ mà, hơi đâu mà lo chuyện được mất, muốn làm gì cứ thoải mái mà làm. Đâu có giống đám dân thường như tôi với chú.”
“Nhưng mà sao bà Ogata lại làm mấy chuyện này? Liệu có nguyên nhân gì không nhỉ?”
“Ai mà biết được chứ. Đằng nào thì người ta là nhà giàu cơ mà, chắc là do sở thích thôi.”
“Kể cả sở thích, chủ động giúp đỡ những người gặp khó khăn chẳng phải là việc tốt sao?” Ushikawa cười toe toét nói. “Có những người tiền nhiều quá tiêu chẳng hết, nhưng không phải ai cũng đều chủ động làm như thế cá đâu.”
“Chuyện này bảo là tốt thì đúng là tốt. Có điều, hồi xưa tôi cũng hay tẩn vợ, nên không xứng nói những lời tốt đẹp kiểu ấy.” Ông nói xong liền ngoác cái miệng móm răng ra cười khùng khục, làm như thường xuyên đánh vợ là một niềm vui đáng để ghi lại trong đời vậy.
“Giờ có bao nhiêu người ở trong ấy nhỉ?” Ushikawa hỏi.
“Ngày nào tôi chẳng đi bộ buổi sáng qua trước cổng, nhưng nhìn từ bên ngoài chẳng thấy gì sất. Nhưng mà, hình như lúc nào cũng có mấy người ở trong đó thì phải. Đàn ông đánh vợ trên đời này hình như nhiều lắm.”
“Những kẻ gây hại luôn đông hơn nhiều so với những người có ích cho đời.”
Ông già lại ngoác miệng cười, nói: “Chú nói cấm có sai. Trên đời này, so với những người làm việc tốt, những kẻ làm trò vớ vẩn đông hơn nhiều lắm.”
Ông già này hình như rất ưa thích Ushikawa, khiến y không khỏi thấy bất an trong dạ.
“Bà chủ ấy là người như thế nào nhỉ?” Ushikawa làm bộ hờ hững hỏi.
“Bà Ogata ấy à? Tôi cũng chẳng rõ lắm đâu.” Ông già nhíu hai hàng lông mày lại, trông như hồn cây biến thành tinh, rồi đáp. “Bà chủ này sống lặng lẽ lắm. Tôi làm cái nghề này ở đây bao nhiêu năm mà cũng chỉ thỉnh thoảng mới trông thấy bà ấy một lần từ đằng xa thôi. Mỗi khi ra ngoài đều ngồi trên xe có tài xế riêng, đồ đạc đều do người giúp việc đi mua. Có một tay đàn ông hình như là thư ký của bà ấy, hầu như mọi công việc đều do thằng cha đó phụ trách. Người ta vừa có văn hóa lại vừa nhiều tiền, chẳng hơi đâu đi nói chuyện với mấy thằng thấp kém như bọn mình đâu.” Ông già nhăn mày lại, và từ giữa vùng nếp nhăn hiện ra một cái nháy mắt ra hiệu với Ushikawa.
Cái quần thể “mấy thằng thấp kém như bọn mình” xem ra cấu thành từ bộ phận trung tâm gồm có hai người: ông già mặt mũi vàng vọt này và Ushikawa.
Ushikawa hỏi: “Bà Ogata mở cái ‘Trung tâm bảo trợ cho phụ nữ bị xâm hại bạo hành’ này từ lúc nào thế?”
“Ừm, chuyện này tôi cũng không chắc lắm. Mấy cái chuyện chùa Đoạn Duyên đoạn diếc gì đó tôi cũng chỉ nghe người khác nói lại thôi. À, cách đây bốn năm căn nhà nhỏ ấy mới bắt đầu có người ra vào nhiều. Không phải bốn năm thì năm năm, khoảng ấy.” Ông già cầm ly trà lên, làm một ngụm trà lạnh, “từ hồi đó cổng được lắp mới, bảo vệ cũng được tăng cường. Nói gì thì nói, là chỗ ẩn náu mà, nếu ai cũng vào được thì những người trong ấy chẳng sống yên thân nổi đâu.”
Ngay sau đó, ông già như thể đột nhiên trở về với hiện thực, đánh giá Ushikawa bằng ánh mắt dò xét. “Vậy là, chú muốn tìm một căn nhà giá thuê hợp lý phỏng?”
“Đúng rồi.”
“Chú đi chỗ khác mà tìm đi. Khu này là khu nhà ở đắt đỏ nhất đấy, kể cả có nhà cho thuê thì cũng là nhắm vào đám người nước ngoài làm việc ở Đại sứ quán thôi. Hồi trước, ở đây cũng có khá nhiều người bình thường không giàu có gì cho lắm, thật ra hồi đầu bọn tôi toàn làm ăn với họ. Nhưng giờ thì lấy đâu ra loại nhà như thế nữa. Thế nên tôi đang tính có khi đóng cửa cái văn phòng này luôn cho xong. Giá đất ở Tokyo cứ không ngừng tăng như điên ấy, các công ty môi giới nhỏ lẻ như chúng tôi đây có cố thế nào cũng không len vào được nữa rồi. Nếu cậu không phải loại lắm tiền đếch biết tiêu vào đâu nữa thì tốt nhất nên đi chỗ khác xem.”
“Tôi xin nghe bác,” Ushikawa đáp. “Chẳng giấu gì bác, tôi đây chẳng có đồng tiền rỗi nào đâu. Để đi chỗ khác tìm xem sao.”
Ông già phun ra một hơi khói kèm theo tiếng thở dài. “Có điều, khi nào bà Ogata qua đời, khu nhà ấy sớm muộn gì cũng mất thôi. Con trai bà ta là một tay rất giỏi làm ăn, ở khu vực đất đai vào hạng nhất này, mảnh đất lại lớn như thế, sao có thể bỏ không đó được chứ? Chắc chắn là sẽ phá dở để xây căn hộ siêu cao cấp rồi. Không khéo ngay từ bây giờ đã đang thiết kế rồi ấy chứ.”
“Nếu thế thì không khí im ắng sang trọng ở đây sẽ chẳng còn nữa rồi.”
“Lại còn không à, rồi chú sẽ chẳng nhận ra đâu.”
“À lại nhắc đến con trai bà ấy, anh ta làm gì vậy?”
“Về cơ bản cũng trong ngành bất động sản. Tính ra thì cũng là đồng nghiệp của tôi đó. Nhưng nói thì nói thế thôi, chuyện làm ăn hai bên khác nhau một trời một vực. Một bên là Rolls-Royce, một bên là xe đạp. Bên kia thì vận dụng tư bản, khiến việc làm ăn đã lớn lại càng lớn hơn gấp bội. Thủ đoạn ấy phải nói là cao minh thật, vắt sạch mỡ không còn một giọt. Còn chúng tôi ở đây thì tí cặn dầu cũng chẳng đến lượt. Thói đời kiểu gì vậy chứ!”
“Vừa nãy tôi đi một vòng ngó nghiêng, chao ôi, thật khiến người ta phải thán phục. Đúng là một khu biệt thự hoa lệ nhất hạng.”
“Còn gì nữa, ở khu này cũng là biệt thự đẹp số một số hai đấy. Cứ nghĩ những cây liễu đẹp đẽ ấy bị chặt sạch sẽ là lại thấy sót hết cả ruột.” Ông già vừa nói vừa lắc lắc cái đầu như thể bi thương lắm lắm, “hy vọng bà Ogata có thể sống lâu thêm vài năm.”
“Đúng thế,” Ushikawa tán đồng.
Ushikawa thử liên lạc với Phòng tư vấn nạn nhân bạo hành gia đình kia. Đáng kinh ngạc là, họ dùng đúng cái tên này đăng ký số trên danh bạ điện thoại. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động dựa vào vài luật sư tình nguyện. Trung tâm bảo trợ của bà Ogata hợp tác với tổ chức này. Ushikawa dùng danh nghĩa cơ quan của mình - Hội Chấn hưng Văn học Nghệ thuật Tân Nhật Bản - để xin gặp mặt trực tiếp. Y ngầm ám chỉ mình có thể tài trợ kinh phí hoạt động; thế là hẹn được ngày gặp mặt.
Ushikawa đưa ra danh thiếp của mình (giống như cái đưa cho Tengo), giải thích rằng một trong những mục đích của Hội Chấn hưng là hằng năm chọn ra một tổ chức phi lợi nhuận ưu tú có cống hiến nổi bật để cấp tiền tài trợ. “Phòng tư vấn phụ nữ nạn nhân bạo hành gia đình” đã được đưa vào danh sách tuyển chọn. Tuy y không thể công khai tên họ của nhà tài trợ, nhưng việc sử dụng tiền tài trợ là hoàn toàn tự do; họ chỉ cần giao nộp một bản báo cáo đơn giản vào cuối năm.
Vị luật sư trẻ tuổi tiếp chuyện Ushikawa đưa mắt đánh giá y một lượt, dường như không có ấn tượng tốt đẹp cho lắm. Bộ dạng của Ushikawa không thể làm người gặp mặt y lần đầu có thiện cảm và tin cậy. Tuy nhiên, họ thường xuyên thiếu kinh phí hoạt động, bất cứ sự giúp đỡ nào cũng được hoan nghênh. Vì vậy, dẫu có chút ngờ vực, anh ta vẫn chấp nhận đề nghị của Ushikawa.
“Tôi muốn tìm hiểu thêm về nội dung hoạt động của các vị,” Ushikawa nói. Luật sư bèn nói rõ về quá trình thành lập tổ chức của mình. Ushikawa cảm thấy chủ đề này thật nhàm chán, nhưng lại làm bộ như rất hứng thú lắng nghe. Thi thoảng y lại chọn thời điểm phụ họa vào một hai câu, gật mạnh đầu khen hay, bộ dạng rất tập trung. Câu qua câu lại, tay luật sư cũng dần dần cởi mở hơn với Ushikawa, cảm thấy có lẽ y không đến nỗi đáng ngờ như vẻ bề ngoài. Ushikawa vốn là một kẻ lắng nghe được huấn luyện bài bản, cái vẻ vô cùng thành thực của y lúc lắng nghe nói chuyện bao giờ cũng có thể làm giảm bớt sự ngờ vực của người đối diện.
Y nắm bắt cơ hội, khéo léo âm thầm dẫn hướng chủ đề câu chuyện sang phía “trung tâm bảo trợ.” Y hỏi: khi những phụ nữ đáng thương chạy trốn bạo hành gia đình ấy không tìm được chỗ nương thân thì bọn họ đi đâu đây? Vẻ mặt y hiện ra cảm thông tự đáy lòng, chừng như đang lo lắng cho những người phụ nữ tựa như chiếc lá chao đảo giữa cuồng phong bão tố.
“Để đề phòng tình huống đó, chúng tôi đã chuẩn bị mấy trung tâm bảo trợ,” vị luật sư trẻ tuổi đáp.
“Trung tâm bảo trợ mà anh nói là…”
“Nơi ẩn náu tạm thời. Tuy không nhiều, nhưng dẫu sao cũng có mấy chỗ như thế, do các nhà hảo tâm cung cấp. Trong đó, có người còn dành ra nguyên cả một căn nhà nhỏ.”
“Nguyên cả một căn nhà!” Ushikawa nói với giọng khâm phục không thôi. “Trên đời này đúng là có người hảo tâm như thế cơ à!”
“Đúng vậy. Sau khi hoạt động của chúng tôi được đăng báo, liền có người liên lạc với chúng tôi, tỏ ý sẵn sàng hợp tác theo hình thức nào đó. Không có những người ấy giúp đỡ thì tổ chức này không thể tiếp tục hoạt động được, vì chúng tôi hầu như hoàn toàn phải cậy nhờ vào những người hảo tâm mà.”
“Hoạt động của các vị vô cùng có ý nghĩa,” Ushikawa nói.
Trên gương mặt vị luật sự nở một nụ cười hoàn toàn không còn vẻ đề phòng nữa. Ushikawa lại thêm một lần cảm nhận sâu sắc, chẳng ai dễ gạt hơn những người tin rằng mình đang phục vụ cho sự nghiệp chính nghĩa.
“Giờ có mấy phụ nữ đang sống trong căn nhà đó thế?”
“Tùy lúc, nhưng hiện giờ thì chắc khoảng bốn năm người gì đó,” vị luật sư trả lời.
“Nhà hảo tâm cung cấp căn nhà kia, làm thế nào mà vị ấy bước vào tham gia hoạt động này vậy?” Ushikawa nói. “Tôi nghĩ chắc là phải có cơ duyên nào đó.”
Luật sư nghiêng đầu. “Tôi cũng không rõ lắm. Chỉ là trước đó hình như bà ấy đã một mình thực hiện công việc tương tự rồi. Tóm lại, tất nhiên là chúng tôi rất cảm kích mà tiếp nhận lòng tốt của bà ấy. Nếu đối phương không giải thích, chúng tôi cũng không hỏi dò bằng được lý do làm gì.”
“Đương nhiên rồi,” Ushikawa gật gù. “Nói vậy thì, địa chỉ của trung tâm bảo trợ e là cũng phải bảo mật nhỉ?”
“Đúng. Cần phải đảm bảo an toàn cho các phụ nữ ấy, thêm nữa nhiều nhà hảo tâm cũng không muốn công khai danh tính. Dù gì thì chuyện này cũng dính dáng đến hành vi bạo lực mà.”
Sau đó họ nói chuyện thêm một hồi nữa, nhưng Ushikawa không hỏi dò được thêm thông tin gì có ích qua miệng vị luật sư. Y đã làm rõ được những sự thật sau đây: “Phòng tư vấn phụ nữ nạn nhân bạo hành gia đình” chính thức hoạt động từ bốn năm trước, không lâu sau thì có một “nhà hảo tâm” liên lạc với họ, đề nghị cung cấp một căn nhà nhỏ để làm nơi ẩn náu. Báo chí đã giới thiệu hoạt động của bọn họ, “nhà hảo tâm” này đọc trên báo rồi tìm đến bọn họ. Điều kiện hợp tác là tuyệt đối không được công khai danh tính. Tuy nhiên, lần từ ngọn nguồn mà phán đoán, không phải nghi ngờ gì nữa, “nhà hảo tâm” này chính là bà chủ ở Azabu, trung tâm bảo trợ chính là căn nhà nhỏ bằng gỗ thuộc sở hữu của bà.
“Cảm ơn. Xin lỗi vì đã chiếm dụng thời gian của anh.” Ushikawa chân thành cám ơn người luật sư trẻ có đầy đủ khí chất của một nhà lý tưởng ấy, “xem chừng các vị đang làm một công việc thực chất mà có ích. Tôi sẽ thuật lại những gì anh nói trong lần họp ban trị sự tiếp theo. Chắc sẽ nhanh chóng có hồi âm cho anh. Chúc hoạt động của các vị phát triển tốt hơn nữa.”
Tiếp đó, Ushikawa bắt tay điều tra về cái chết của con gái bà chủ nhà. Cô kết hôn với một quan chức thuộc hàng tinh anh trong Bộ Giao thông Vận tải, vào thời điểm qua đời, cô chỉ mới ba mươi sáu tuổi. Nguyên nhân tử vong không rõ ràng. Không lâu sau khi vợ chết, người chồng rời khỏi Bộ Giao thông Vận tải. Những việc có thể xác minh dừng lại ở đó. Không biết lý do tại sao người chồng lại đột nhiên từ chức, cũng không biết từ sau đó trở đi đường đời của anh ta như thế nào. Chuyện anh ta từ chức có lẽ liên quan đến cái chết của người vợ, cũng có thể không. Bộ Giao thông Vận tải chẳng phải là loại cơ quan hào hứng với việc công khai tin nội bộ cho lớp thị dân bình thường. Thế nhưng, Ushikawa lại có một khứu giác nhạy bén. Ở đây có điểm gì đó không được tự nhiên. Người kia vì mất vợ mà quá đỗi buồn đau, bởi vậy mà từ bỏ sự nghiệp, từ chức, lánh đời, nói kiểu ấy thì dù thế nào Ushikawa cũng chẳng tin.
Theo như Ushikawa tìm hiểu, phụ nữ mới ba mươi sáu tuổi đã bệnh chết không hề nhiều. Dĩ nhiên không phải không có. Cho dù bao nhiêu tuổi, môi trường sống tốt đến chừng nào chăng nữa, con người ta vẫn có khả năng đột nhiên mắc bệnh mà chết. Ung thư, u não, viêm phúc mạc, viêm phổi cấp tính. Cơ thể con người yếu nhược, không thể chống đỡ nổi. Song xét về tỷ lệ, với những người phụ nữ có cuộc sống giàu sang qua đời năm ba mươi sáu tuổi, thì khả năng chết vì tai nạn hoặc tự sát cao hơn là tử vong tự nhiên.
Trước tiên hãy đặt ra một giả thiết, Ushikawa ngẫm ngợi. Cứ theo phép “Lưỡi dao cạo của Occam” trứ danh: Hãy cố tìm cách giải thích càng đơn giản càng tốt. Gạt đi mọi nhân tố vô dụng, hợp nhất tất cả các mạch logic thành một mạch duy nhất để quan sát sự vật.
Hãy coi như con gái bà chủ không chết vì bệnh tật, mà là tự sát. Ushikawa xoa hai bàn tay vào nhau, trầm ngâm suy nghĩ. Che giấu một vụ tự sát bằng một cái chết vì bệnh tật, đó không phải chuyện gì khó khăn, đặt biệt là với những người có thực lực tài chính hùng hậu và sức ảnh hưởng lớn. Tiếp tục suy diễn thêm bước nữa, giả thiết cô con gái gặp phải bạo hành gia đình, tuyệt vọng với đời, vì thế nên tự kết liễu tính mạng mình. Không phải là không có khả năng ấy. Ai cũng biết trên đời này, trong cái đám người được gọi là tầng lớp tinh hoa, có một số kẻ có những tính cách thô bỉ không ai chịu nổi hoặc là những xu hướng tối tăm biến thái, tuồng như họ tự gánh lấy phần đen tối của xã hội nhiều hơn sức họ có thể mang.
Giá sử đúng là có chuyện ấy, người làm mẹ như bà chủ nhà sẽ làm gì? Liệu bà có cho rằng đây là số mệnh an bài, không còn cách nào khác, rồi cứ thế để yên? Không, dứt khoát không có chuyện này. Chắc chắn bà sẽ trả thù kẻ gây ra cái chết cho con gái mình. Giờ Ushikawa đã hiểu bà chủ nhà là người như thế nào. Bà là một phụ nữ thông minh, gan dạ, hiểu biết, một khi đã hạ quyết tâm thì sẽ không để lỡ thời cơ thực hiện quyết tâm ấy. Bà sẵn sàng vận dụng tiền của và ảnh hưởng của mình để trả thù kẻ làm tổn thương và hủy hoại, cuối cùng, thậm chí lấy đi sinh mạng của người mà bà yêu thương.
Ushikawa không biết thực tế bà đã trả thù tay chồng của con gái mình như thế nào. Tung tích của người này đã hoàn toàn tan biến vào không khí. Ushikawa không tin rằng bà đã lấy mạng gã đó. Bà là người cẩn trọng, bình tĩnh, nhìn xa trông rộng, hẳn sẽ không làm gì lộ liễu như thế. Song nhất định bà đã áp dụng một phương thức nào đó rất mạnh mẽ. Vả lại, dù bà đã làm gì đi chăng nữa, khó lòng tưởng tượng bà sẽ để lại dấu vết.
Tới đây, các suy luận về đại thể đều hợp tình hợp lý, tuy không có chứng cứ cụ thể, Tất cả chẳng qua chỉ là các giả thiết dựa trên giả thiết. Thế nhưng, nếu áp theo những giả thiết này, đa số nghi vấn về cơ bản đều có thể dễ dàng giải thích. Ushikawa liếm môi, xoa hai tay vào nhau kêu sột soạt. Thế nhưng, những chuyện từ đó trở đi lại có hơi mơ hồ. Bà chủ đã lập ra trung tâm bảo trợ, để cho lòng mong muốn báo thù của bà thăng cấp lên thành một thứ hữu ích hơn, tích cực hơn. Rồi thì, ở câu lạc bộ thể thao bà hay đến tập, bà làm quen với một nữ huấn luyện viên họ Aomame, và không biết vì duyên cớ gì mà giữa hai người nảy sinh một giao ước tâm linh mật thiết. Vậy là, sau khi chuẩn bị hết sức chu đáo, bà đưa Aomame đến phòng suit của khách sạn Okura, để tiễn lãnh tụ của Sakitage về cõi chết. Không rõ dùng cách gì để giết. Có lẽ Aomame sở trường một phương thức giết người đặc biệt nào đó. Kết quả là, mặc dù được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hai vệ sĩ trung thành mẫn cán, Lãnh Tụ vẫn bị sát hại.
Đến bước này, tuy không khỏi có phần khiên cưỡng, nhưng mạch giả thiết vẫn có thể duy trì được. Tuy nhiên, giữa Lãnh Tụ của Sakigate và “Phòng tư vấn phụ nữ nạn nhân bạo hành gia đình” có mối liên hệ như thế nào thì Ushikawa mù tịt. Đến điểm này dòng suy nghĩ của y bị chặn đứng, mạch giả thiết bị một lưỡi dao cạo sắt bén cắt lìa.
Trước mắt, giáo đoàn yêu cầu Ushikawa trả lời hai nghi vấn. Một: Người mưu đồ sát hại Lãnh Tụ là ai? Và hai: Hiện nay Aomame đang ở đâu?
Người điều tra Aomae trước khi diễn ra sự việc chính là Ushikawa. Và y đã kết luận cô hoàn toàn trong sạch. Dù nhìn từ góc độ nào cũng không tìm được điểm gì đáng nghi ngờ ở cô. Nhưng sau khi cô đi, Lãnh Tụ tắt thở. Aomame cũng biến mất, như làn khói bị gió thổi tan đi. Ắt hẳn giáo đoàn đã cực kỳ bất mãn với Ushikawa, cho rằng cuộc điều tra của y còn xa mới được gọi là tới nơi tới chốn.
Thực ra, y đã tiến hành điều tra hết sức cẩn thận không khác gì những lần trước. Đúng như lời y nói với Đầu Trọc, về công việc y tuyệt đối không phải loại cẩu thả lười nhác. Không kiểm tra danh sách cuộc gọi trong điện thoại đúng là một sơ hở, nhưng trừ phi trong tình huống cực kỳ đáng ngờ, còn bình thường y không dùng đến biện pháp này. Mà, theo điều tra của y, Aomame không hề có điểm nào khiến người khác nghi ngờ.
Nói tóm lại, Ushikawa không thể để bọn họ cứ khó chịu với mình mãi được. Bọn họ chi tiền rất sộp, nhưng lại là một đám người nguy hiểm. Chỉ riêng việc Ushikawa biết chuyện thi thể của Lãnh Tụ đã được bí mật xử lý cũng đủ để y trở thành nhân vật nguy hiểm đối với bọn họ rồi. Y phải tìm được cách gì đó rõ ràng cụ thể để cho bọn họ biết mình là người hữu dụng, đáng để giữ lại trên đời.
Không có chứng cứ cụ thể nào chứng tỏ bà chủ ở nhà Azabu có dây vào âm mưu sát hại Lãnh Tụ. Trước mắt, đây chỉ là thuần túy suy đoán. Thế nhưng, trong căn biệt thự
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp