1Q84 (Tập 2)
Chương 23: Aomame
[1] Tiếng Anh: Put a tiger in your tank, tên một chiến dịch quảng cáo cho sản phẩm Enco Extra và Esso Extra của hãng xăng dầu Exxon.
Aomame thức dậy lúc sáu giờ sáng. Đó là một buổi sớm trong lành đẹp đẽ. Nàng đun cà phê bằng bình điện, nướng bánh mì, luộc một quả trứng. Trong khi ăn, nàng xem tin tức trên ti vi để cho chắc rằng vẫn chưa có tin gì về cái chết của lãnh tụ Sakigake. Họ không báo cảnh sát, cũng không công bố với thế giới bên ngoài, rõ là đã lén lút đem thi thể đi xử lý rồi. Vậy cũng chẳng sao. Người đã chết thì dù xử lý thế nào cũng vẫn là người chết, không thể sống lại được.
Lúc tám giờ, Aomame tắm dưới vòi sen rồi soi mình trong gương nhà tắm mà chải tóc cẩn thận, thoa một lớp son nhạt gần như không thể nhận ra. Nàng đi tất liền quần, mặc chiếc sơ mi lụa trắng treo trong tủ âm tường, rồi khoác ra ngoài bộ đồ tây thời thượng hiệu Junko Shimada của mình. Nàng lắc lư rồi vặn người mấy cái, để cho cái áo ngực có đệm lót và khung kim loại vừa khớp với người mình hơn, đoạn nghĩ: giá bầu vú to hơn một chút nữa thì tốt. Ý nghĩ ấy ít nhất cũng hiện lên trong đầu nàng bảy vạn hai nghìn lần khi đứng trước gương. Nhưng thế thì sao chứ? Nghĩ cái gì, nghĩ bao nhiêu lần là quyền tự do của mình. Cho dù đã nghĩ bảy vạn hai nghìn lẻ một lần rồi thì đã sao? Chừng nào còn sống trên đời này, mình có quyền muốn nghĩ gì thì nghĩ, nghĩ lúc nào thì nghĩ, nghĩ cách nào thì nghĩ, nghĩ bao nhiêu lần thì nghĩ, người khác nói gì cũng mặc! Sau đó nàng xỏ chân vào đôi giày cao gót Charles Jordan.
Aomame đứng trước tấm gương cao bằng người ở cửa, kiểm tra xem bộ đồ mặc trên người có điểm nào chê trách được không. Nàng hơi nhún vai trước gương, thầm nhủ trông mình hình như hơi giống Faye Dunaway trong phim The Thomas Crowns Affair[1]? Trong phim đó, Faye đóng vai điều tra viên của công ty bảo hiểm, một người phụ nữ giống như con dao lạnh ngắt, bình thản mà gợi tình, rất hợp với bộ đồ tây. Đương nhiên, Aomame trông không giống Faye Dunaway, nhưng về mặt khí chất hai người có gì đó khá tương đồng. Ít nhất thì cũng không hoàn toàn khác. Đó là thứ khí chất đặc biệt mà chỉ có các chuyên gia hàng đầu mới sở hữu được. Huống hồ, thêm vào đó, trong túi đeo chéo của nàng còn giấu một khẩu súng lục tự động cứng và lạnh lẽo.
[2] Một bộ phim sản xuất năm 1968 do Steve McQueen và Faye Dunaway thủ vai chính và được đề cử hai giải Oscar. Ở Việt Nam, bản làm lại năm 1999 của phim này được biết đến dưới tên Triệu phú trộm cắp.
Aomame đeo đôi kính râm Ray-Ban nhỏ lên, đi ra khỏi căn hộ. Nàng băng qua đường, vào trong sân chơi thiếu nhi đối diện với khu nhà, đứng trước cái cầu trượt tối qua Tengo đã ngồi, tái hiện cảnh tượng lúc đó trong óc. Khoảng mười hai tiếng đồng hồ trước, Tengo bằng xương bằng thịt từng ở chỗ này, chỉ cách chỗ mình ở một con đường. Anh ấy lặng lẽ ngồi một mình ở đây, ngước nhìn trăng một lúc lâu, cũng hai mặt trăng mà lúc đó nàng đang ngước lên nhìn.
Đối với Aomame, phải là phép màu hay một điềm báo thì mới có thể gặp lại Tengo theo cách ấy. Có thứ gì đó đã mang Tengo đến trước mặt nàng. Và có vẻ như sự kiện ấy đã gây ra thay đổi rất lớn trong cấu tạo cơ thể nàng. Từ khi thức dậy sáng sớm nay, Aomame luôn có cảm giác toàn thân mình kêu lên răng rắc. Anh ấy xuất hiện ngay trước mắt mình, rồi lại đi mất. Mình không thể nói chuyện với anh ấy, cũng không thể chạm vào anh ấy. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó anh ấy đã thay đổi rất nhiều thứ trong cơ thể mình. Như thể dùng thìa khuấy trộn ca cao, anh ấy đã khuấy trộn tâm trí và xác thịt mình, đến tận các cơ quan nội tạng, tận bên trong tử cung.
Aomame đứng đó đến trọn năm phút, một tay đặt lên tay vịn cầu trượt, khẽ chau mày, đập đập gót nhọn đôi giày cao gót xuống đất. Nàng kiểm tra lại tình trạng tâm trí và xác thịt mình bị khuấy đảo, nhấm nháp cảm giác đó. Cuối cùng, nàng hạ quyết tâm, đi ra phố lớn, gọi một chiếc taxi.
“Đến Yohga trước, sau đó lên đường cao tốc Thủ đô tuyến số ba, dừng trước lối ra ở Ikeriji,” nàng nói với lái xe. Lẽ dĩ nhiên, người lái xe hoàn toàn lúng túng.
“Cô à, rốt cuộc cô muốn đi đâu vậy?” anh ta hỏi, giọng nói ra chiều bỗ bã vô lo.
“Lối ra ở Ikeriji. Tạm thời là vậy.”
“Nếu thế thì từ đây đi thẳng đến Ikeriji gần hơn nhiều. Nếu qua Yohga, sẽ phải vòng cả một quãng đường dài đấy. Vả lại, vào tầm này tuyến số ba đường cao tốc Thủ đô chắc chắn sẽ tắc chật cứng, không nhúc nhích gì được. Chắc chắn đấy, cũng như chắc chắn hôm nay là thứ Tư vậy.”
“Tắc đường cũng không sao. Hôm nay là thứ Năm hay thứ Sáu hay là ngày sinh nhật Thiên Hoàng cũng chẳng liên quan gì. Tôi muốn anh lên đường cao tốc Thủ đô từ Yohga. Thời gian tôi có thừa.”
Tài xế khoảng tầm ba mươi đến ba lăm tuổi, gầy nhom, trắng trẻo, mặt dài và tái, trông giống như một con thú ăn cỏ dè dặt. Cằm dưới anh ta nhô ra phía trước, trông hệt như những bức tượng đá trên đảo Phục Sinh. Anh ta quan sát gương mặt Aomame quan gương chiếu hậu, cố dựa vào nét mặt để xác định người ngồi trên băng sau xe mình là một ả ngốc toàn tập hay chỉ là một người bình thường đang có ẩn tình phức tạp. Nhưng chuyện này không đơn giản với anh ta, đặc biệt là khi chỉ nhìn qua tấm gương chiếu hậu nhỏ xíu.
Aomame rút ví tiền trong túi đeo chéo, lấy ra một tờ mười nghìn yên mới toanh trông như vừa mới in xong, gí vào trước mặt tay tài xế.
“Không cần trả lại. Cũng không cần hóa đơn,” Aomame nói ngắn gọn, “Vì vậy anh không cần nói nhiều, cứ làm như tôi nói là được. Lái xe đến Yohga trước, rồi từ đó lên đường cao tốc Thủ đô, đến Ikeriji. Kể cả tắc đường thì số tiền này chắc cũng đủ rồi.”
“Dĩ nhiên là đủ,” tay tài xế có vẻ vẫn lấy làm ngờ vực, nói. “Cô có công chuyện gì đặc biệt trên đường cao tốc Thủ đô à?”
Aomame phe phẩy tờ giấy bạc mười nghìn yên như một lá cờ đuôi nheo trong gió. “Nếu anh không đi thì để tôi xuống bắt taxi khác. Đi hay không, phiền anh quyết định cho mau.”
Tay tài xế chau mày nhìn tờ tiền trong khoảng mười giây, sau đó quyết định cầm lấy. Sau khi giơ lên phía ánh sáng để xem có chắc là tiền thật không, anh ta bỏ nó vào cái túi da dùng khi làm việc.
“Tôi hiểu rồi. Ta đi thôi, đường cao tốc Thủ đô tuyến số ba. Nhưng nói thật nhé, chỗ đó tắc đường ghê lắm đấy. Vả lại, giữa Yohga và Ikeriji không có lối ra nào đâu, cả nhà vệ sinh công cộng cũng không. Vì vậy, nếu cô muốn đi vệ sinh thì hãy đi luôn bây giờ đi.”
“Không sao đâu. Anh cứ đưa tôi đến đấy đi.”
Tài xế giong xe vòng qua lối rẽ trong khu dân cư, đi lên Đường Vành đai Số tám, hòa vào dòng xe cộ chật ních đi về hướng Yohga. Dọc đường hai người không nói một lời. Tài xế mải nghe tin tức trên radio, còn Aomame thì chìm trong suy nghĩ. Lúc sắp đến đường nối lên đường cao tốc Thủ đô, tài xế vặn nhỏ radio, hỏi Aomame:
“Tôi hỏi thế này có lẽ hơi lắm lời, nhưng cô à, có phải cô làm nghề gì đặc biệt đúng không?”
“Nhân viên điều tra của công ty bảo hiểm,” Aomame không do dự đáp.
“Nhân viên điều tra của công ty bảo hiểm,” tay tài xế cẩn trọng lặp lại cụm từ ấy trong miệng một lần, như đang nếm một món ăn mới.
“Tôi tìm bằng chứng trong các vụ lừa gạt tiền bảo hiểm,” Aomame nói.
“À,” tay lái xe nói với vẻ khâm phục. “Chuyện lừa tiền bảo hiểm có liên quan gì đến tuyến số ba đường cao tốc Thủ đô à?”
“Có đấy.”
“Cứ như là trong bộ phim đó ấy nhỉ?”
“Phim nào?”
“Phim từ lâu rồi. Có Steve McQueen đóng ấy. Ừm, tôi quên mất tên rồi.”
“The Thomas Crowns Affair,” Aomame nói.
“Đúng đúng đúng, chính là nó. Faye Dunaway đóng vai nhân viên điều tra của công ty bảo hiểm. Cô nàng là chuyên gia về bảo hiểm mất trộm. McQueen là một tay nhà giàu, phạm tội để cho vui. Phim nay thật. Tôi xem từ thời học cấp ba và rất thích phần nhạc phim. Rất tuyệt.”
“Michel Legrand.”
Tay tài xế khẽ ngâm nga mấy đoạn nhạc đầu tiên trong ca khúc chủ để, sau đó nhìn vào gương chiếu hậu, quan sát gương mặt Aomame phản chiếu trong đó một lần nữa.
“Cô à, nói gì thì nói, thực tình cô có một cái gì hơi giống Faye Dunaway năm đó đấy.”
“Cám ơn,” Aomame nói, ít nhiều phải tốn chút sức để che đậy nụ cười hiện lên nơi khóe môi.
Quả nhiên, đúng như lời tay tài xế dự đoán, tuyến số ba của đường cao tốc Thủ đô chật cứng xe. Sau khi lên đường cao tốc, xe chưa đi được trăm mét thì đã bắt đầu tắc đường. Tắc một cách hoàn mỹ, cơ hồ khiến người ta muốn chụp lại cho vào bộ sưu tập các hình mẫu tắc đường. Thế nhưng, đây chính là điều Aomame mong muốn. Cùng bộ trang phục đó, cùng con đường đó, cùng một cảnh tắc đường đó. Chỉ tiếc là radio trong xe không phát bản Sinfonietta của Janáček. Chất lượng âm thanh không được chuẩn như chiếc Toyota Crown Royal Saloon kia, đây cũng là một điều đáng tiếc nữa. Nhưng đòi hỏi như vậy thì e hơi quá nhiều.
Chiếc taxi bị kẹp giữa đám xe tải, chầm chậm nhích lên từng chút một. Nó đứng yên tại chỗ một lúc lâu, rồi như sực nhớ ra, lại nhích lên phía trước một chút. Người thanh niên lái chiếc xe tải đông lạnh ở làn xe bên cạnh tranh thủ lúc dừng xe cắm đầu vào quyển tạp chí manga. Đôi vợ chồng trung niên ngồi trong chiếc Toyota Corona Mark II màu kem sữa mặt mũi nhăn nhó nhìn về phía trước, không nói với nhau một câu nào. Có lẽ họ không có gì để nói với nhau. Cũng có thể chính vì đã nói chuyện gì đó nên cục diện mới thành ra như vậy. Aomame dựa người sâu vào trong ghế, trầm tư, còn tay tài xế tiếp tục nghe chương trình radio.
Khó khăn lắm chiếc taxi mới đến được chỗ có dựng tấm bảng “Komazawa”, rồi tiếp tục bò như sên về hướng Sangenjaya. Aomame chốc chốc lại ngẩng lên nhìn phong cảnh bên ngoài cửa sổ. Đây là lần cuối cùng mình nhìn thấy thành phố này. Mình sẽ đến một nơi rất xa. Dù nghĩ thế, nàng chẳng thấy lưu luyến gì thành phố Tokyo. Các tòa nhà dọc theo đường cao tốc đều thậm xấu, lại bị khí thải xe hơi nhuộm một lớp đen mỏng, khắp nơi dựng đầy những bảng quảng cáo lòe loẹt. Cảnh tượng ấy chỉ khiến tâm trạng Aomame thêm nặng nề u uất. Sao người ta cứ phải dựng ra những nơi khiến người ta bực bội thế này? Mình không yêu cầu mỗi ngóc ngách trên thế giới này đều phải đẹp đẽ, nhưng có cần thiết phải làm cho xấu xí như vậy không?
Cuối cùng, một khu vực quen thuộc cũng lọt vào tầm mắt Aomame. Đây chính là nơi nàng bước ra khỏi taxi lần trước. Bác tài trung niên đã chỉ cho Aomame rằng đằng kia có một cầu thang thoát hiểm, dường như khi nói vậy bác ta có ẩn ý gì đó không tiện nói ra. Ở ngay phía trước nàng thấy tấm biển quảng cáo lớn của hãng Esso, một chú hổ đang toét miệng cười, tay cầm ống bơm xăng. Vẫn là tấm biển quảng cáo lần trước.
Hãy để chú hổ bơm xăng cho xe của bạn.
Aomame chợt cảm thấy cổ họng khô khốc. Nàng ho một tiếng, cho tay vào túi đeo chéo lấy một viên kẹo ngậm ho vị chanh ra ngậm, rồi cất hộp kẹo vào túi. Tay vẫn còn đút trong túi, nàng tiện thể nắm chặt báng súng khẩu Heckler & Koch, độ cứng và trọng lượng của nó khiến nàng yên tâm trở lại. Được rồi, Aomame nghĩ. Xe lại nhích lên phía trước thêm một chút.
“Anh làm ơn lái xe sang làn bên trái được không,” Aomame nói với tài xế.
“Nhưng làn bên phải đang đi được cơ mà,” anh ta cãi lại một cách ôn hòa, “Vả lại lối ra Ikeriji ở bên phải, giờ mà chuyển sang làn bên trái thì lát nữa tôi lại phải quành lại.”
Aomame không để ý đến sự phản đối của anh ta. “Không sao. Cứ lái sang làn bên trái đi.”
“Cô đã nhất quyết như vậy thì…” Tay lái xe đành chịu thua.
Anh ta thò tay ra ngoài cửa sổ xe, ra hiệu cho chiếc xe tải đông lạnh phía sau. Sau khi chắc chắn người kia đã nhìn thấy, anh ta liền xoay cửa sổ lên, đánh tay lái lách vào làn xe bên trái. Họ tiến thêm được chừng năm mươi mét nữa thì tất cả xe cộ lại dừng.
“Tôi muốn xuống ở đây, anh mở cửa xe ra đi.”
“Xuống xe?” tay lái xe hết sức kinh ngạc. anh ta chẳng hề động tay kéo chốt cho cửa mở ra. “Ý cô là cô muốn xuống xe ở đây?”
“Đúng. Ngay chỗ này. Tôi có việc ở đây.”
“Nhưng cô à, chúng ta đang ở giữa đường cao tốc Thủ đô, làm vậy quá nguy hiểm. Huống hồ dù cô có xuống xe thì cũng chẳng đi đâu được cả.”
“Đừng lo, ở đằng kia có cầu thang thoát hiểm.”
“Cầu thang thoát hiểm?” tay lái xe lắc đầu. “Có thứ ấy hay không thì tôi không biết. Nhưng nếu công ty biết tôi để khách xuống xe ở chỗ như thế này thì tôi sẽ bị phiền to đấy, lại còn bị công ty quản lý đường cao tốc Thủ đô phạt cho nữa. Cô làm ơn tha cho tôi đi.”
“Nhưng tôi có việc phải làm, bằng mọi giá tôi phải xuống xe ở đây,” Aomame nói, lại lấy trong ví ra một tờ mười nghìn yên nữa, búng búng ngón tay vào mặt tờ giấy rồi đưa cho tài xế. “Xin lỗi đã làm anh phải khó xử. Đây là khoản trả cho rắc rối của anh. Vì vậy làm ơn đừng nói gì nữa, để tôi xuống xe ở đây đi. Phiền anh!”
Tài xế không nhận tờ mười nghìn yên ấy, nhưng anh ta cũng thôi không nói gì nữa, chỉ kéo chốt. Cửa sau bên trái liền tự động mở ra.
“Tôi không cần thêm tiền. Vừa nãy cô đã trả đủ rồi. Nhưng cô phải cẩn thận đấy. Đường cao tốc Thủ đô này không có vai đường, dù đang tắc đường thì đi bộ ở đây cũng rất nguy hiểm.”
“Cám ơn anh,” Aomame nói. Nàng xuống xe, gõ cốc cốc vào cửa kính sát bên ghế lái phụ, bảo tài xế hạ kính xuống, sau đó thò đầu vào trong, nhét tờ mười nghìn yên ấy vào tay anh ta.
“Không sao đâu. Anh cứ nhận đi. Đừng ngại, tôi nhiều tiền đến nỗi chẳng biết tiêu việc gì nữa.”
Tài xế ngơ ngác nhìn tờ giấy bạc rồi lại nhìn mặt Aomame.
Aomame nói tiếp: “Nếu vì tôi mà anh bị cảnh sát hoặc công ty chất vấn, anh cứ nói là tôi rút súng ép anh phải làm vậy. Anh không còn cách nào khác ngoài để tôi ra khỏi xe. Như vậy họ sẽ không làm khó dễ anh được nữa.”
Tài xế dường như không hiểu nàng đang nói gì. Tiền nhiều đến nỗi chẳng biết tiêu việc gì nữa? Rút súng ép buộc? Nhưng anh ta vẫn nhận tờ giấy bạc mười nghìn yên, có lẽ vì sợ rằng nếu từ chối, nàng sẽ còn làm chuyện gì còn khó hiểu hơn nữa.
Giống như lần trước, Aomame đi xuyên qua khoảng trống giữa làn xe bên trái và vách chắn, hướng về phía Shibuya. Còn khoảng năm mươi mét nữa. Mọi người ngồi trong xe chằm chằm nhìn nàng với vẻ dường như không thể tin nổi, nhưng Aomame hoàn toàn không để ý. Nàng ưỡn thẳng lưng, sải chân bước dài về phía trước, như người mẫu trên sàn catwalk ở tuần lễ thời trang Paris. Gió thổi tóc nàng bay bay. Trên làn xe trống trải đối diện, những chiếc xe tải cỡ lớn lao vun vút làm mặt đường rung lên. Tấm biển quảng cáo của hãng Esso mỗi lúc một lớn, cho đến khi rốt cuộc Aomame đến được chỗ dừng xe khẩn cấp quen thuộc.
Cảnh vật xung quanh không thay đổi gì so với lần trước. Có một lan can sắt, bên cạnh có chiếc hộp nhỏ màu vàng, trong đó là điện thoại dùng khi khẩn cấp.
Đây chính là khởi điểm của năm 1Q84, Aomame nghĩ.
Từ khi mình leo cầu thang thoát hiểm này đi xuống đường quốc lộ số 246 ở bên dưới, thế giới của mình đã bị thay đổi. Vì vậy, giờ mình phải thử đi xuống những bậc thang này một lần nữa xem sao. Lần trước leo từ đây xuống là đầu tháng Tư, mình mặc áo khoác màu be. Giờ là đầu tháng Chín, mặc áo khoác thì nóng quá. Nhưng ngoài cái áo khoác ra, quần áo mình đang mặc giống hệt như lúc đó. Đây chính là bộ đồ mình mặc khi giết tên khốn làm việc trong ngành dầu mỏ ở khách sạn Shibuya. Đồ tây hiệu Junko Shimada, giày cao gót Charles Jourdan. Áo sơ mi trắng. Quần tất và áo lót ngực màu trắng có khung kim loại. Mình đã vén mini jupe lên, trèo qua hàng rào sắt và leo cầu thang xuống từ chỗ này.
Mình sẽ làm lại một lần chuyện ấy. Thuần túy chỉ vì hiếu kỳ. Mình chỉ muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra khi mình mặc cùng một bộ đồ đó, làm lại việc đó ở đúng nơi đó. Mình không mong đợi được giải cứu. Chết đối với mình không đáng sợ. Dù có phải chết, mình cũng sẽ làm không do dự. Mình có thể ngậm cười mà chết. Nhưng Aomame không muốn chết mà không biết, hoàn toàn không biết gì về nguyên nhân cũng như kết quả của sự việc. Nàng muốn thử hết sức mình. Nếu không được thì chết cũng chẳng sao. Nhưng mình phải cố gắng đến phút cuối cùng. Đây là phong cách sống của mình.
Aomame vươn người ra khỏi hàng rào sắt, tìm cầu thang thoát hiểm. Nhưng ở đó không có cầu thang thoát hiểm.
Nàng xem đi xem lại, kết quả vẫn giống nhau. Cầu thang thoát hiểm đã biến mất.
Aomame cắn môi, nhăn mặt, làm mặt nàng biến dạng.
Địa điểm không sai. Đúng là chỗ dừng xe khẩn cấp này. Mọi thứ ở xung quanh vẫn hệt như lần trước. Biển quảng cáo của hãng Esso ở ngay trước mắt. Trong thế giới của năm 1984, cầu thang thoát hiểm nằm ở vị trí này. Aomame có thể tìm thấy nó dễ dàng, chính xác như bác tài kỳ lạ ấy đã nói. Nàng đã trèo qua lan can, bước xuống các bậc thang. Nhưng trong thế giới của năm 1Q84, chiếc cầu thang thoát hiểm đó không còn tồn tại.
Lối ra đã bị bịt kín.
Aomame thôi không vặn vẹo gương mặt nữa, cẩn trọng nhìn xung quanh, rồi ngước lên tấm bảng quảng cáo của hãng Esso thêm một lần. Chú hổ cầm vòi bơm xăng, đuôi vểnh cao, nhìn xuống dưới với vẻ ranh ma, sành sỏi, toét miệng cười vui vẻ. Dường như chú ta đang hạnh phúc lắm, trên đời này tuyệt không có chuyện gì làm chú ta thỏa mãn hơn được nữa.
Dĩ nhiên rồi, Aomame nghĩ.
Đúng vậy, ngay từ đầu mình đã biết là như vậy rồi. Trong phòng suite ở khách sạn Okura, trước khi chết dưới tay Aomame, Lãnh Tụ từng nói: tuyệt không có đường nào từ năm 1Q84 trở về năm 1984. Cánh cửa dẫn vào thế giới này chỉ có thể mở về một hướng.
Mặc dầu vậy, Aomame vẫn muốn chính mắt mình xác nhận lại sự thực này. Đây là bản tính của nàng. Và giờ nàng đã xác nhận nó. Vãn tuồng. Chứng cứ hoàn tất. Q.E.D[3]
[3] Viết tắt của cụm từ tiếng Latinh quod erat demonstrandum (điều phải chứng minh).
Aomame dựa vào hàng rào sắt, ngẩng đầu nhìn lên trời. Thời tiết hoàn hảo. Trên nền trời xanh thẳm, có mấy vạt mây nhỏ dài, thẳng tắp trôi lơ lửng. Bầu trời mênh mông vô tận, hồ như không phải bầu trời phía trên một thành phố, nhưng nàng không thấy mặt trăng. Mặt trăng đi đâu rồi? Thôi kệ, mặc xác nó. Mặt trăng là mặt trăng, mình là mình. Mỗi bên đều có cách sống riêng, có lịch trình riêng.
Nếu là Faye Dunaway, lúc này chắc nàng sẽ rút một điếu thuốc lá dài và mảnh, ung dung bật lửa châm thuốc, rồi nheo mắt lại một cách thanh lịch. Nhưng Aomame không hút thuốc, nàng không mang theo thuốc lá, cũng không có bật lửa. Trong chiếc túi nàng đeo chỉ có hộp kẹo ngậm ho vị chanh. Thêm một khẩu súng lục tự động 9mm bằng thép ròng, cùng với chiếc dùi đục nước đá đặc chế đã đâm vào gáy vài gã đàn ông. Cả hai thứ có lẽ đều chết người hơn là thuốc lá.
Aomame nhìn về phía hàng xe đang tắc cứng. Mọi người ngồi trong xe, trố mắt nhìn nàng. Dĩ nhiên, chẳng mấy khi họ có cơ hội tận mắt thấy một thị dân bình thường đi bộ trên đường cao tốc Thủ đô. Nếu đó là một cô gái trẻ tuổi, mặc mini jupe, chân đi giày cao gót nhọn hoắt, mắt đeo kính râm màu xanh mực, miệng nhoẻn cười thì lại càng hiếm thấy hơn nữa. Chỉ có ai mắc bệnh thì mới không nhìn.
Xe tắc ở trên đường chủ yếu là xe tải chở hàng cỡ lớn. Các xe này chở đủ loại hàng hóa từ khắp nơi về Tokyo. Lái xe có lẽ đều cả đêm không ngủ, lúc này lại bị cuốn vào vụ tắc đường buổi sáng ông-trời-định-sẵn này. Họ buồn chán, mệt mỏi, chỉ muốn sớm được tắm rửa, cạo râu, lên giường đánh một giấc. Đó là nguyện vọng duy nhất của họ. Những người này ngây ra nhìn Aomame, như đang quan sát một loài vật lạ. Họ đã quá mệt mỏi, chẳng muốn dính dáng đến bất cứ thứ gì khác nữa.
Kẹt giữa đống xe tải chở hàng có một chiếc Mercedes Benz màu bạc, như một chú linh dương thanh lịch lạc vào giữa bầy tê giác thô tục. Thân xe đẹp đẽ, trông như với vừa trong nhà máy ra, phản chiếu ánh mặt trời mới lên. Lazăng được phối màu rất hợp với thân xe. Đây là xe nhập khẩu, vô lăng bên trái. Cửa kính bên ghế lái hạ xuống, một phụ nữ trung niên ăn mặc hợp mốt đang nhìn chằm chằm về phía Aomame. Kính râm Givenchy. Có thể thấy bàn tay bà ta đặt trên vô lăng. Những cái nhẫn lấp lánh.
Trông người phụ nữ ấy có vẻ tử tế, và dường như đang lo lắng thay cho Aomame. Hiển nhiên, bà ta đang băn khoăn không biết rốt cuộc một cô gái trẻ ăn mặc thanh lịch làm gì trên đường cao tốc. Đã xảy ra chuyện gì? Bà ta xem chừng định cất tiếng gọi Aomame. Nếu nàng nhờ vả, có lẽ bà ta sẽ cho nàng quá giang một đoạn.
Aomame gỡ cặp kính râm Ray-Ban xuống, cho vào túi áo ngực. Nàng nheo mắt lại dưới ánh mặt trời rực rỡ buổi sáng, đưa ngón tay lên day day vết gọng kính hằn trên hai cánh mũi. Nàng đưa đầu lưỡi liếm cặp môi khô khốc, nghe có vị son nhàn nhạt. Sau đó, nàng ngẩng đầu lên nhìn bầu trời trong vắt, rồi lại nhìn xuống dưới chân một lần nữa, để cho chắc.
Nàng mở túi đeo chéo, thong thả rút khẩu Heckler & Koch ra, rồi thả bịch cái túi xuống chân để hai tay được thoải mái. Tay trái nàng mở chốt an toàn, lên đạn. Một loạt động tác được nàng thực hiện nhanh và chuẩn xác. Âm thanh giòn tan văng vẳng xung quanh. Aomame cầm khẩu súng trên tay lắc lắc, kiểm tra lại trọng lượng. Bản thân khẩu súng nặng bốn trăm tám mươi gam, cộng thêm trọng lượng của bảy viên đạn. Không vấn đề, đạn đã lên nòng. Nàng có thể cảm nhận điều đó qua sự khác biệt về trọng lượng.
Trên khóe môi mím chặt thành đường thẳng của Aomame vẫn thấp thoáng một nụ cười. Mọi người chăm chú quan sát các động tác của nàng. Khi thấy nàng rút khẩu súng lục trong cái túi đeo chéo ra, không ai kinh ngạc, hay ít nhất là không ai bộc lộ sự kinh ngạc ra ngoài mặt. Có lẽ họ không tin đó là súng thật. Nhưng mà, đây là súng thật đấy, Aomame nói thầm.
Sau đó, nàng xoay ngược khẩu súng, nhét nòng súng vào miệng mình. Họng súng hướng thẳng vào bộ não, cái mê cung màu xám nơi ý thức đang nương náu.
Không cần nghĩ ngợi, lời cầu nguyện tự động thoát ra khỏi miệng nàng. Vẫn ngậm nòng súng ở trong miệng, nàng nhanh chóng lầm rầm một lượt những lời cầu nguyện ấy. Có lẽ không ai nghe rõ mình đang nói gì. Nhưng chẳng sao. Chỉ cần Thượng đế nghe là được rồi. Hồi nhỏ, Aomame gần như không hiểu nổi những lời khẩn nguyện mình đang lầm rầm trong miệng. Nhưng chuỗi câu từ ấy đã thấm vào tận sâu thẳm linh hồn nàng. Trước mỗi giờ cơm trưa ở trường, nàng nhất định phải cầu nguyện, một mình, lớn tiếng, không để tâm đến những ánh mắt tò mò và tiếng cười chế giễu của người xung quanh. Điều quan trọng là Thương đế đang quan sát ta. Không ai có thể thoát khỏi ánh mắt Người.
Anh Cả đang nhìn ngươi đấy.
Lạy Chúa của chúng con ở trên trời, xin cho danh Người cả sáng, xin cho nước Người trị đến. Xin Người thứ tội chúng con. Xin Người ban phúc cho những tiến bộ nhỏ nhoi của chúng con. Amen.
Người phụ nữ trung nhiên có gương mặt thanh tú đang cầm vô lăng chiếc Mercedes Benz mới tinh vẫn nhìn chăm chăm vào Aomame. Bà ta, cũng như mọi người xung quanh, có vẻ như vẫn chưa nắm được chính xác ý nghĩa của khẩu súng trên tay Aomame. Nếu hiểu được, bà ta chắc chắn sẽ phải nhìn đi chỗ khác, Aomame nghĩ. Nếu chứng kiến cảnh óc mình phọt ra tứ phía, chắc là bà ta sẽ khó lòng nuốt nổi bữa trưa và cả bữa tối hôm nay mất. Aomame nói thầm với bà, Nghe lời tôi đi, làm ơn nhìn sang phía khác. Tôi không phải đang đánh răng mà đang nhét một khẩu súng lục tự động hiệu Heckler & Koch của Đức vào miệng. Tôi cầu nguyện xong rồi. Chắc bà hiểu thế nghĩa là thế nào chứ.
Đây là lời khuyên của tôi. Một lời khuyên quan trọng. Quay mặt đi, đừng nhìn gì cả. Lái chiếc Mercedes Benz màu bạc mới cứng của bà về thẳng nhà, ngôi nhà xinh đẹp nơi chồng con bà đang đợi, và tiếp tục sống cuộc đời yên ổn của bà. Đây không phải thứ mà người như bà nên nhìn. Đây là súng thật, một khẩu súng lục xấu xí, đã nạp bảy viên đạn 9 ly xấu xí. Và, như Anton Chekhov đã nói, một khi đã có súng xuất hiện trong câu chuyện thì ở một cảnh nào đó nó nhất thiết phải nổ. Đó là ý nghĩa của thứ được gọi là “câu chuyện.”
Nhưng người phụ nữ trung niên không chịu dịch ánh mắt đi nơi khác. Aomame bỏ cuộc, khẽ lắc đầu. Xin lỗi, tôi không thể đợi được nữa. Đã đến lúc. Màn diễn phải bắt đầu rồi.
Hãy để chú hổ bơm xăng cho xe của bạn.
“Hô hô…” Người Tí Hon phụ trách bè kêu lên.
“Hô hô…” sáu Người Tí Hon còn lại phụ họa theo.
“Tengo,” Aomame thầm thì, sau đó đặt ngón tay lên cò súng, dồn lực xuống.
Top Truyện Hot Nhất
Truyện hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp