Kiếm Lai

Chương 366: Nguy hiểm khắp nơi




Vẫn là cô gái họ Phàn, thoạt nhìn ăn mặc trang nhã, nhưng nếu nhìn kỹ sẽ phát hiện quần áo có thêu hình mây nước, dưới ánh trăng trên trời và ánh đèn trên đường chiếu rọi như ẩn như hiện. Phú chói mắt, quý ung dung, chẳng qua là như vậy. Lúc này có lẽ cô đang mang một lớp da mặt, chỉ có năm sáu phần thần thái của dung nhan lúc trước, không đến mức khiến con đường này vang động.

Thấy cô vẫn nhìn mình chằm chằm, Trần Bình An để chén đũa xuống, lên tiếng hỏi:

- Cô tìm ta có chuyện à?

Phàn Hoàn Nhĩ đột nhiên đưa tay dụi trán, nhìn xung quanh, chân mày nhíu chặt.

Bàn gần đó có thực khách xảy ra tranh chấp với người khác, la hét cả đường nghe, vỗ bàn trừng mắt, hùng hổ chỉ vào mũi đối phương mắng chửi, giọng nói kinh thành nước Nam Uyển đặc sệt, vừa khó nghe vừa lộn xộn:

- Cả nhà ngươi đều là tú bà kỹ nữ, quá tam ba bận, ngươi còn dám ăn không nói có, ông đây sẽ mở kỹ viện ở nhà ngươi.

Phàn Hoàn Nhĩ khẽ dụi huyệt thái dương, khôi phục vẻ mặt bình thường, dùng phương pháp ngưng âm thành sợi của võ phu giang hồ, trong mắt tràn đầy tò mò và khao khát, hỏi dò:

- Vị công tử này, ngài có phải là... trích tiên nhân (tiên mắc đọa xuống trần)?

Trần Bình An bật cười:

- Ta chỉ là một người xứ khác, tới nước Nam Uyển du lịch, không phải là trích tiên nhân gì đó mà cô nương nói.

Phàn Hoàn Nhĩ hơi nuối tiếc, xin lỗi:

- Đã làm phiền rồi, mong công tử thứ lỗi.

Trần Bình An xua tay:

- Không sao.

Phàn Hoàn Nhĩ do dự một thoáng, vẫn nhắc nhở:

- Gần đây kinh thành nước Nam Uyển không an bình lắm. Công tử là rồng phượng trong đám người, rất dễ bị người khác chú ý, hi vọng công tử cẩn thận hơn.

Trần Bình An chắp tay ôm quyền:

- Cảm ơn Phàn cô nương.

Phàn Hoàn Nhĩ cũng không phải người dài dòng, lập tức rời khỏi con đường ăn khuya rộn ràng này. Một số tên lưu manh vô lại muốn thừa cơ hội chấm m.út, nhưng mỗi lần bọn chúng ra tay, cô luôn khéo léo tránh thoát, giống như một con cá bơi lội giữa rong bèo hòn đá.

Trần Bình An cảm thấy nghi hoặc. Theo như cách nói của ông lão họ Thôi, thiên phú của võ nhân tốt hay xấu, phải xem có thể từ quyền thế cấp thấp nuôi dưỡng ra quyền ý cao minh nhất hay không. Đây là một trong số nguyên nhân lúc trước ông ta lựa chọn Trần Bình An. Có điều ông ta vốn sĩ diện, không muốn thừa nhận “Hám Sơn Phổ” thực ra có rất nhiều điểm phù hợp. Trần Bình An cũng không muốn vạch trần.

Cô gái kỳ lạ này hai lần tìm tới mình, theo như lời của lão già họ Đinh, Nha Nhi và Trâm Hoa Lang Chu Sĩ lúc trước, quá nửa chính là Phàn Hoàn Nhĩ danh động thiên hạ kia. Nếu đặt ở quê hương Đông Bảo Bình Châu, địa vị xem như ngang với Hạ Tiểu Lương. Cô rõ ràng đã có chút “gần đạo”, vì sao một thân tu vi võ đạo giống như bị tảng đá lớn vạn cân đè ép, chậm chạp không thể tiến lên?

Khí thế trên người có thể ẩn giấu, có thể bỏ đi tô vẽ, trở về trạng thái mộc mạc ban đầu. Nhưng ở chung lâu rồi, nội tại thần ý sẽ không lừa gạt được người khác. Mỗi lần hô hấp nhanh chậm, phong thái khi giơ tay nhấc chân, thông thường đều sẽ tiết lộ thiên cơ. Lúc trước Đinh lão giáo chủ nhìn như tùy ý bước vào đại điện chùa Bạch Hà, Trần Bình An lập tức phát giác được trời đất khác thường.

Trần Bình An là người từ động tiên Ly Châu đi ra, đã gặp qua không ít nhân vật trên đỉnh núi. Người có thể khiến hắn cảm thấy “rất lợi hại”, dĩ nhiên là không đơn giản. Người dạy quyền ở lầu trúc núi Lạc Phách, từng là một vị võ phu cảnh giới thứ mười đỉnh cao. Người dạy kiếm trên đảo Quế Hoa, dù sao cũng là một vị Kim Đan lâu năm.

Sau khi bóng dáng Phàn Hoàn Nhĩ biến mất, Trần Bình An ngẫm nghĩ, cũng rời khỏi nơi sầm uất này.

Kinh thành nước Nam Uyển chia làm tám mươi mốt phường lớn lớn nhỏ nhỏ, cấu trúc đại khái tương tự với rất nhiều vương triều phiên quốc mà Trần Bình An đã đi qua. Tòa thành này được khen là gương sáng thiên hạ, bắc quý nam nghèo đông võ tây văn. Chùa Bạch Hà nằm ở tây thành, phần nhiều là dinh thự của quan văn trung tầng và thương nhân giàu có, khắp nơi có thể thấy những suy nghĩ sáng tạo.

Lúc này Trần Bình An đi trên một chiếc cầu vòm đá. Đêm khuya vắng người, hắn nhẹ nhàng nhảy lên lan can, nhìn con sông nhỏ chảy róc rách dưới chân. Bên dưới có một pho tượng thú trấn thủy, hình dáng như giao long, cũng không hiếm thấy.

Rất nhiều thành trì phồn hoa ở Đông Bảo Bình Châu, trên lan can và cột, hoặc là cánh cửa vòm mái, đều có điêu khắc loại thú trấn thủy này, dùng để trấn áp yêu tinh quỷ quái trong nước. Nhưng Trần Bình An phát giác con thú trấn thủy cổ xưa này không có một chút linh khí nào, chỉ giống như một vật trang trí.

- --------

Lúc Trần Bình An nhìn nước ngẩn người, tiên tử Phàn Hoàn Nhĩ xuất thân từ nhà Kính Tâm lại gặp phải thái tử Ngụy Diễn, người vốn nên trở về hoàng cung nước Nam Uyển. Người này tuy là con cháu hoàng tộc, nhưng lại là một cao thủ trẻ tuổi giấu tài.

Ân sư truyền dạy võ đạo cho hắn là một tông sư thế hệ trước, từ ngoài biên ải phía bắc lưu vong đến nước Nam Uyển. Đúng như Ngụy Diễn nói, trong thiên hạ hiện nay, ông ta là một trong số những người bám sát thập đại cao thủ nhất.

Vị tông sư này có thù không đội trời chung với Thùy Hoa môn, một trong ma giáo tam môn. Cho nên Ngụy Diễn cũng được phái Hồ Sơn và nhà Kính Tâm nhận định là người trong chính đạo, hơn nữa có hi vọng trở thành nhân vật lãnh tụ giang hồ đời sau. Thậm chí nhà Kính Tâm còn có ý nâng đỡ hắn thành quân chủ nước Nam Uyển đời tiếp theo.

Còn Nha Nhi thuộc ma giáo kia lại âm thầm nâng đỡ hoàng đệ của Ngụy Diễn là Ngụy Sùng. Hai bên ngươi lừa ta gạt, mưu hại lẫn nhau, tranh sủng trước mặt lão hoàng đế nước Nam Uyển, đã đấu đá năm sáu năm rồi.

Phàn Hoàn Nhĩ và Ngụy Diễn tản bộ trong bóng đêm yên tĩnh. Ngụy Diễn nhẹ giọng nói:

- Phàn tiên tử, cô muốn gặp người kia, thực ra không cần giấu ta. Hắn có thể trốn ở đại điện chùa Bạch Hà, từ đầu đến cuối chúng ta vẫn không phát giác được, chắc chắn không phải mãng phu (kẻ lỗ m.ãng) giang hồ bình thường. Lỡ may hắn là người trong ma giáo, cô xảy ra chuyện thì phải làm sao?

Phàn Hoàn Nhĩ không muốn khiến vị hoàng đế tương lai nước Nam Uyển này có khúc mắc, bèn mỉm cười nói:

- Điện hạ, ngài cảm thấy ta và ngài, còn có ma giáo Nha Nhi không biết tên họ thật sự kia, Trâm Hoa Lang Chu Sĩ của cung Xuân Triều, cộng thêm sáu cao thủ tuổi tác xấp xỉ khác, trong mười người chúng ta, võ đạo của ai cao nhất?

Trong lòng Ngụy Diễn đã sớm suy nghĩ về chuyện này. Ngoại trừ có một sư phụ tốt, hắn còn là thái tử một nước, cơ sở tình báo trải khắp thiên hạ. Cho dù chưa từng đi qua giang hồ, hắn cũng đã sớm thuộc nằm lòng những chuyện bí mật trên giang hồ.

Thế là hắn không cần suy nghĩ, rủ rỉ nói:

- Ai đứng đầu thì không biết, nhưng ba người đầu tiên thì đã sớm có nhận định. Một khi đường hẹp gặp nhau, chiến đấu sinh tử, ai sống ai chết, phải xem người nào biết cách tranh đoạt đại thế trong xa xăm hơn. Thiên thời địa lợi nhân hòa, ai chiếm được nhiều hơn thì sẽ chiến thắng.

Nói đến đây, Ngụy Diễn liếc nhìn sau lưng Phàn Hoàn Nhĩ. Tối nay ra ngoài Phàn Hoàn Nhĩ cũng không mang theo binh khí. Hắn cười nói:

- Phàn tiên tử tinh thông nhà Kính Tâm, phái Hồ Sơn và Bạch Viên Bối kiếm thuật thất truyền đã lâu, sở học của thánh nhân ba nhà hợp lại, đương nhiên có thể xếp vào ba hạng đầu. Sư phụ ta từng khen ngợi tiên tử: “Có kiếm ở sau lưng hay không, là hai Phàn Hoàn Nhĩ khác nhau”.

Phàn Hoàn Nhĩ cười nói:

- Điện hạ khen lầm rồi.

Một tay Ngụy Diễn đặt sau người, tay còn lại dùng ngón gõ nhẹ vào đai ngọc bên hông:

- Ma giáo Nha Nhi kia, năm xưa mới vào kinh thành, tự cao tự đại, lại dám chạy đi tìm Chủng quốc sư, còn chịu một quyền của Chủng quốc sư. Có thể bị thương mà không chết, thế nhân đều cảm thấy cô ta may mắn. Nhưng phụ hoàng đã nói với ta, quốc sư từng bảo: “Tiểu cô nương kia thiên phú võ học rất cao, có thể gọi là Lục Phảng trong giới nữ”.

- Người cuối cùng chắc là Phùng Thanh Bạch lai lịch bất minh kia, mười năm qua xuất thế ngang trời. Thân thế và sư môn của hắn, tất cả đều không tra được bất cứ dấu vết nào. Hắn thích du lịch bốn phương, không ngừng khiêu chiến các lộ cao thủ tông sư. Nhìn đối thủ mà hắn lựa chọn, sẽ phát hiện hắn từ một tay ngang tài nghệ không tinh, trong mười năm ngắn ngủi lại trở thành cao thủ hạng nhất đương thời.

Nói xong những lời này, Ngụy Diễn quay đầu hỏi:

- Phàn tiên tử, trong bảy người còn lại, có người ẩn giấu sâu hơn không?

Hai tay Phàn Hoàn Nhĩ đặt sau người, đi trên một chiếc cầu nhỏ yên tĩnh vắng. Cô đến gần lan can, vỗ lên đầu sư tử đá nhỏ điêu khắc trên đó, lắc đầu nói:

- Cho dù có, ít nhất ta và nhà Kính Tâm cũng không biết.

Ngụy Diễn tươi cười ấm áp, không ngờ Phàn tiên tử cũng có lúc dí dỏm như vậy. Hắn nhìn cặp mắt long lanh kia, nhất thời có phần si mê. Hắn dừng lại một chút, sau đó đột nhiên bước nhanh hơn, sánh vai đi cùng Phàn Hoàn Nhĩ. Hắn muốn đưa tay nắm lấy cánh tay trắng ngần thon thả của cô, đáng tiếc lại không có can đảm như vậy.

Phàn Hoàn Nhĩ dừng bước, nghiêng người qua, ngước mắt nhìn về phía xa, vẻ mặt ưu sầu, chậm rãi nói:

- Sở dĩ nhắc đến chuyện này, là vì có một chuyện lạ mà ta vẫn không nghĩ ra.

Ngụy Diễn tò mò nói:

- Nói thử xem.

Phàn Hoàn Nhĩ dụi dụi ấn đường. Ngụy Diễn lo lắng nói:

- Sao vậy, có phải kiếm khách áo bào trắng kia đã sử dụng thủ pháp âm hiểm gì không?

Phàn Hoàn Nhĩ cười lắc đầu:

- Điện hạ, ngài có từng nghe sư phụ nhắc đến “trích tiên nhân” hay không?

Ngụy Diễn cười nói:

- Sư phụ ta là một mãng phu giang hồ, chưa từng nhắc đến chuyện này. Lão nhân gia rất ghét văn nhân thi sĩ, lúc ta còn trẻ, chỉ cần nói chuyện hơi nho nhã một chút sẽ bị ăn đòn. Cho nên ta chỉ có thể lĩnh hội phong thái của trích tiên nhân từ trong văn thơ mà thôi.

Ngụy Diễn đã không có đầu mối, Phàn Hoàn Nhĩ cũng không muốn nói thêm về chuyện này, liền thay đổi đề tài. Ánh mắt của cô sâu xa, lẩm bẩm nói:

- Điện hạ, ngài đã từng có một loại cảm giác, khi chúng ta trải qua một chuyện, hoặc là đi qua một nơi, gặp qua một người, luôn cảm thấy có phần quen thuộc hay không?

Ngụy Diễn gật đầu:

- Có chứ, tại sao lại không.

Hắn cảm thấy hứng thú:

- Chẳng lẽ Phàn tiên tử cũng tin vào thuyết pháp Phật gia chuyển thế?

Phàn Hoàn Nhĩ lắc đầu.

- --------

Trên núi Cổ Ngưu bên ngoài kinh thành, tối nay có bảy tám người tụ tập. Trong đó có Du Chân Ý phái Hồ Sơn dung mạo như đứa trẻ, vẻ mặt nghiêm túc nhìn về đường nét kinh thành phía xa trong màn đêm.

Gã đàn ông nhếch nhác cả người đầy mùi rượu, ngay cả bội kiếm cũng đưa cho phu nhân quán rượu, tên là Lục Phảng.

Quốc sư Chủng Thu của nước Nam Uyển là một người đàn ông gầy gò nói năng thận trọng, khí chất nho nhã, rất khó tưởng tượng hắn lại là nắm tay đệ nhất thiên hạ kia.

Giọng nói của Du Chân Ý cũng non nớt trong trẻo giống như dung mạo, chậm rãi nói:

- Ngoại trừ bốn người đã định là Đinh lão ma, Chu Phì của cung Xuân Triều, du hiệp Phùng Thanh Bạch, Đồng Thanh Thanh của nhà Kính Tâm, e rằng chúng ta phải giết thêm một người nữa.

Lục Phảng tự giễu nói:

- Không phải là ta đấy chứ?

Chủng Thu lạnh lùng liếc nhìn hắn. Lục Phảng liền mở rộng tay, bất đắc dĩ nói:

- Đùa một chút cũng không được à?

Ngoại trừ ba người trong tứ đại tông sư này, trên đỉnh núi còn có một số nhân vật tuyệt đối không nên xuất hiện ở đây. Nhưng không một ngoại lệ, bọn họ đều là một trong số thập đại cao thủ có tên trên bảng, hoặc là tông sư võ học giống như sư phụ của Ngụy Diễn. Núi Cổ Ngưu tối nay, cùng với kinh thành nước Nam Uyển sắp tới, đã định sẵn sẽ không phân chính tà.

Du Chân Ý nhìn chăm chú vào một nơi ở kinh thành, nhẹ giọng nói:

- Lục Phảng, ngươi và bằng hữu của ngươi trước tiên giải quyết bất ngờ lớn nhất kia. Còn như là hợp sức giết người hay một mình giết người, ta mặc kệ, nhưng chỉ cho phép thành công, không được phép thất bại. Trong vòng ba ngày mang chiếc đầu của tên kia đến đây, tất cả đồ vật trên người hắn vẫn theo quy tắc cũ, thuộc về kẻ giết người.

Lục Phảng sờ sờ sau ót, thở dài một tiếng.

Nơi xa có người cười âm trầm, nóng lòng muốn thử.

- --------

Trần Bình An không trở về nhà, giống như cô hồn dã quỷ một mình đi dạo kinh thành ban đêm. Trong đó hắn lẻn vào lầu sách của một gia đình trí thức, tiện tay lật xem sách, trước khi trời sáng lại lặng lẽ rời đi. Sau đó lại dự thính những phu tử kia dạy học ở Quốc Tử giám kinh thành. Cho đến giữa trưa mặt trời lên cao, hắn mới trở về ngõ Trạng Nguyên, cố ý tránh né ngôi nhà có liên quan đến Đinh lão giáo chủ và Trâm Hoa Lang Chu Sĩ.

Ngõ Trạng Nguyên có mấy tiệm sách chật chội nhỏ hẹp, ngoại trừ bán sách cũng tiện thể bán một ít bút mực giấy nghiên thô ráp sơ sài, không thể gọi là đồ trang nhã trên bàn. May mà giá cả không cao, dù sao người mua ở đây đều là một số thư sinh nghèo vào kinh đi thi. Trần Bình An mua mấy quyển du ký núi sông lời văn đơn giản ở một cửa tiệm, sắp tới chắc chắn sẽ không lật xem, chỉ là muốn núi Lạc Phách có nhiều sách hơn mà thôi.

Chờ Trần Bình An trở lại con ngõ nhà trọ, thằng bé thanh tú kia cũng vừa lúc tan học trở về, hai người cùng đi trong ngõ. Đứa trẻ giống như có nỗi khổ khó nói, kìm nén cả buổi cũng không thể thốt ra khỏi miệng. Trần Bình An giả vờ như không thấy, trở về nhà.

Cơm tối là ăn chung một bàn với cả nhà đứa trẻ. Dựa theo thỏa thuận trước đó, gia đình này sẽ thêm một đôi chén đũa cho Trần Bình An, mỗi ngày thu thêm ba mươi đồng tiền. Bà lão thề thốt nói bữa ăn nhất định sẽ có thịt cá. Trên thực tế Trần Bình An thường đi ra ngoài, bỏ lỡ giờ ăn, hoặc là cả một thời gian không thấy bóng người. Chuyện này khiến bà lão rất cao hứng.

Hôm nay trên bàn không có chất béo gì. Bà lão cười xin lỗi, nói:

- Sao hôm nay Trần công tử không nói trước một tiếng, mới dễ chuẩn bị đồ ăn.

Trần Bình An cười nói:

- Có thể ăn no là được rồi.

Bà lão lại hỏi ngày mai thế nào. Sau khi nghe Trần Bình An nói ngày mai phải ra ngoài, bà ta lại thở vắn than dài, oán trách Trần Bình An quá bận rộn, ngay cả ăn một bữa cơm nhà cũng khó như vậy. Thực ra tài nấu nướng của con dâu bà ta cũng không tệ, không dám nói tốt đến đâu, nhưng chắc chắn là ăn được.

Phu nhân vẫn luôn cúi đầu và cơm, ngay cả đồ ăn cũng không dám gắp nhiều, lúc này khẽ ngẩng đầu cười chất phác. Bà bà lại khen ngợi mình, đúng là chưa từng thấy.

Trần Bình An ăn cơm xong, xách một cái ghế nhỏ, đi đến góc đường nơi ông nội của đứa bé kia thường đánh cờ với người khác. Mặt đường hiếm hoi được lát đá xanh, những người nhiều đời cự ngụ ở nơi này thường tới đây ngồi, nhìn người đến người đi, tán gẫu chuyện nhà với hàng xóm láng giềng, có thể giải sầu. Nếu có con cháu nhà giàu cưỡi ngựa chạy nhanh qua, hoặc là một cô gái lầu xanh có chút danh tiếng khoan thai đi qua, đều có thể khiến cả con đường sáng lên.

Trần Bình An ngồi cách bàn đánh cờ không xa, bên đó có một đám đông đang vây quanh. Hắn đột nhiên phát hiện, đứa trẻ kia cũng xách một cái ghế đến ngồi bên cạnh mình.

Trước đó hắn đã để thanh “Trường Khí” kia ở trong phòng, dù sao đi hóng mát còn đeo một thanh kiếm thì hơi kỳ cục. Hồ lô nuôi kiếm mang theo bên cạnh, nhưng lại để phi kiếm Mười Lăm biết nghe lời hơn ở lại trong viện, tránh bị người khác trộm đồ. Hôm nay kinh thành nước Nam Uyển không được an bình, rồng nằm hổ phục, có lẽ phải nhanh chóng lên đường rồi.

Phát giác được sự ngập ngừng của đứa trẻ, Trần Bình An cười hỏi:

- Có tâm sự à?

Đứa trẻ đã đến trường nên cũng biết một chút lễ nghi đơn giản, cúi đầu nói:

- Xin lỗi, Trần công tử.

Trần Bình An nhẹ giọng nói:

- Sao lại xin lỗi?

Đứa trẻ ngồi trên ghế đẩu thấp bé, hai tay nắm chặt đặt lên đầu gối, không dám nhìn Trần Bình An:

- Nhân lúc Trần công tử không có nhà, mẹ em thường đi lục lọi đồ đạc của Trần công tử.

Trần Bình An hơi sững sốt. Vốn tưởng rằng bà lão nói năng cay nghiệt kia thường đến phòng hắn “tán gẫu”, không ngờ lại là phu nhân nhìn có vẻ thành thật kia.

Tâm tình đứa trẻ càng nặng nề:

- Sau đó Trần công tử rời đi lâu rồi, mẹ liền lén lấy sách của Trần công tử đưa cho em. Em không kìm được đã mở ra xemn lén, em biết như vậy là không tốt.

Trần Bình An vốn định nói một câu hời hợt “không sao”, nhưng rất nhanh lại nuốt vào bụng, đổi giọng nói:

- Đúng là không tốt.

Lúc trước đi dạo ở kinh thành, vào một ngày hội làng huyên náo, hắn nhìn thấy một đôi mẹ con giàu sang khí phái, sau người có một nhóm tùy tùng ánh mắt sáng ngời âm thầm đi theo. Đứa trẻ năm sáu tuổi nhìn thấy một chị gái xinh đẹp đang lựa chọn đồ vật bên quầy hàng, liền chạy tới kéo tay áo của thiếu nữ kia. Nó dĩ nhiên cũng không có ác ý, chỉ là muốn thu hút sự chú ý của người lớn mà thôi.

Thiếu nữ kia đầu tiên cũng không để bụng. Có điều đứa trẻ xuất thân quyền quý, thấy chị gái này không để ý tới mình liền hơi nổi nóng, dùng sức kéo mạnh hơn. Thiếu nữ kia bị quấy rầy đến mức không kiên nhẫn, cũng biết tri thức lễ nghĩa, không tính toán với đứa bé chưa hiểu chuyện, liền ngẩng đầu nhìn mẹ của nó cách đó không xa. Người mẹ liền gọi đứa trẻ trở lại, không để nó tiếp tục quấy rối.

Nếu cảnh tượng này dừng ở đây, Trần Bình An cũng chỉ xem qua rồi thôi. Nhưng vị phu nhân khí chất hoa lệ kia lại nói một câu, khiến Trần Bình An vẫn luôn băn khoăn, lại không nghĩ ra mấu chốt ở đâu.

Phu nhân dĩ nhiên là xuất thân từ gia đình giàu có, dạy đứa con của mình: “Con xem chị gái đã tức giận rồi, đừng bướng bỉnh nữa.”

Thoạt nhìn không có vấn đề. Thần thái của phu nhân vẫn xứng với hai chữ “ung dung”, ánh mắt nhìn con trai của mình hiền lành cưng chiều, thái độ với thiếu nữ kia cũng không hề xấu. Cho đến giờ phút này, Trần Bình An và đứa bé thuận miệng tán gẫu, hắn mới nghĩ rõ nguyên do. So với tai họa thảm thiết của lão tiền bối Tống Vũ Thiêu nước Sơ Thủy, chuyện này cũng tương tự nhưng lại có một chút khác biệt.

Phu nhân dạy con như vậy là sai. Chẳng lẽ nếu thiếu nữ bên cạnh quầy hàng kia không tức giận, đứa trẻ sẽ có thể hành động như vậy sao?

So với chuyện bi thảm của Tống Vũ Thiêu tiền bối, loại “chuyện nhỏ không can hệ” ở nơi quê mùa này, dường như không xem là nặng. Nếu thật sự nói dông dài, nhất định sẽ khiến người ta hiềm nghi không hợp tình lý. Không chừng phu nhân còn cảm thấy mình có lý thì không cần nhường nhịn, được đằng chân lân đằng đầu, thật xem gia tộc của mình dễ ức hiếp sao? Thậm chí thiếu nữ kia cũng chưa chắc sẽ cảm kích.

Trần Bình An lấy thẻ trúc ra, nhìn hai đầu trái phải, ánh mắt không ngừng di động ở giữa. Trên đó đã khắc rất nhiều vết tích. Hai ngón trỏ của hắn chống vào hai đầu thẻ trúc giống như một cây thước đo, giữ nó trên không, quay đầu cười nói với đứa trẻ đang thấp thỏm bất an kia:

- Mẹ em làm như vậy chắc chắn là sai, em biết sai mà không sửa thì không đúng. Nhưng sau khi biết được chuyện này, còn phải hiểu chuyện trên thế gian vốn phân ra lớn nhỏ. Người sống trên đời ngoại trừ đúng sai phải trái, còn phải xét đến nhân tình.

- Chẳng hạn như vì sao mẹ em lại làm như thế? Còn không phải là muốn em đọc nhiều sách, sau này trở thành học trò, tú tài, cử nhân lão gia, thậm chí là thi đậu tiến sĩ. Mẹ em là người chịu thương chịu khó, làm như vậy chẳng lẽ là vì muốn rạng rỡ tổ tông, muốn mình được ăn ngon mặc đẹp sao? Chắc hẳn không phải, chỉ đơn thuần là muốn sau này em được sống tốt, đúng không?

- Vì sao mẹ em lại làm chuyện sai, nếu em hiểu được thì sẽ không suy nghĩ nhiều nữa. Cái sai của bà ấy và cái tốt đối với em, trong lòng em đã hiểu rõ, kế tiếp phải đến phiên em rồi. Em đã đọc sách, học được đạo lý thánh hiền trong sách, hiểu được lễ nghĩa. Vậy nếu thời gian quay ngược, cho em thêm một cơ hội, em sẽ làm gì?

Đứa trẻ vẫn luôn dụng tâm lắng nghe, bởi vì Trần Bình An nói đạo lý rất đơn giản, nó lại thông minh nên nghe hiểu được. Sau đó nó nghiêm túc suy nghĩ, nói:

- Em nên âm thầm trả lại sách mà mẹ đã trộm cho Trần công tử, sau đó quang minh chính đại mượn sách của anh, như vậy đúng không?

Trần Bình An gật đầu:

- Ta chỉ dám nói đối với ta là đúng. Còn nếu đổi thành người khác, có thể em sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn.

Đứa trẻ nhảy nhót nói:

- Trần công tử, vậy anh sẽ không trách cứ mẹ em đúng không?

Trần Bình An xoa xoa cái đầu nhỏ kia:

- Có một số sai lầm có thể bù đắp, em cứ làm như vậy đi.

Đứa trẻ gật đầu:

- Cho nên thầy giáo dạy chúng em, biết sai thì sửa, chính là chuyện tốt.

Trần Bình An đánh nhau sống chết với người khác cũng không nói được mấy câu, hôm nay lại nói với một đứa trẻ nhiều như vậy, ngay cả chính hắn cũng cảm thấy ngạc nhiên. Có điều tâm cảnh lại yên tĩnh hơn mấy phần, cảm thấy cho dù lập tức đi thế luyện kiếm cũng không có vấn đề gì.

Hắn cất thẻ trúc kia vào trong tay áo, dứt khoát nói thêm mấy câu:

- Mỗi ngày nhất định phải ăn cơm, là để sống tiếp. Dưới tiền đề không lo cơm áo, đọc sách giảng lý không nhất định là để làm thánh hiền, mà là để cho mình sống được tốt hơn một chút. Đương nhiên chưa chắc đã thật sự tốt hơn, nhưng kinh điển dạy bảo của các thánh nhân Nho gia, cùng với những lời vàng ngọc của các đời quân tử hiền nhân, ít nhất đã cho chúng ta một khả năng “không sai” nhất. Nói cho chúng ta biết hóa ra có thể sống như vậy, khiến người ta yên tâm thoải mái.

Đứa trẻ mơ hồ nói:

- Trần công tử, những lời này em lại nghe không hiểu lắm.

Trần Bình An cười nói:

- Có rất nhiều chuyện thực ra ta cũng chưa suy nghĩ thấu triệt. Giống như xây một căn nhà, chỉ mới có mấy cây cột, không thể che gió che mưa. Cho nên em không cần xem là thật, có hiểu hay không cũng không sao. Sau này có vấn đề gì không nghĩ ra, có thể đi hỏi thầy giáo dạy học.

Đứa trẻ tươi cười đứng dậy, xách ghế đẩu nhỏ, vái Trần Bình An một cái, sau đó nói phải về nhà chép sách viết chữ. Thầy giáo dạy học rất nghiêm khắc, nếu lười biếng sẽ bị trách phạt.

Trần Bình An cười phất tay nói:

- Đi đi.

Chờ đứa trẻ rời khỏi, hắn không xoay người lại, đột nhiên nói:

- Vứt hòn đá trong tay đi.

Sau người vang lên một giọng nói non nớt, ồ một tiếng, tiếp đó là tiếng đá rơi xuống đất, dường như đá còn không nhỏ.

Một cô bé gầy gò phủi phủi tay, nghênh ngang đi tới bên cạnh Trần Bình An, ngồi xuống quay đầu hỏi:

- Cho ta mượn ghế ngồi một lát nhé?

Trần Bình An ngoảnh mặt làm ngơ, lấy hồ lô nuôi kiếm xuống bắt đầu uống rượu.

Cô bé lại hỏi:

- Ngươi có tiền như vậy, có thể cho ta một ít không? Vừa rồi không phải ngươi đã nói, mỗi ngày đều phải ăn cơm mới có thể sống sao.

Trần Bình An không nhìn cô bé, hỏi ngược lại:

- Ngươi làm sao tìm được chỗ này của ta?

Hai người trò chuyện giống như ông nói gà bà nói vịt. Cô bé nói một cách đáng thương:

- Ta biết ngươi không thiếu tiền, cho ta mấy lượng bạc cũng sẽ không tiếc. Còn ta có thể mua rất nhiều bánh khô và bánh bao thịt. Đến mùa đông rồi, mỗi năm kinh thành đều có rất nhiều lão ăn mày chết cóng. Chút y phục rách nát trên người bọn họ, ta muốn lột xuống cũng phải tốn rất nhiều sức. Ngươi nhìn xem, bộ đồ trên người ta bây giờ chính là nhờ vậy mà có. Nếu ta có tiền rồi, nhất định sẽ có thể chịu đựng qua được.

Trần Bình An vẫn không nhìn cô bé:

- Bộ đồ này trên người ngươi là nhờ vậy mà có. Còn bộ lần trước mặc thì sao, là quần áo tiểu cô nương kia lén lấy ra tặng cho ngươi đúng không? Hôm nay sao lại không mặc nữa, là vì muốn đến gặp ta?

Cô bé nhìn như ngây thơ, hoàn toàn không hiểu hàm ý của Trần Bình An, hồn nhiên cười nói:

- Đang là mùa hè, quần áo rách rưới một chút lại mát mẻ hơn. Bộ đồ mà con bé kia tặng cho ta, bình thường ta đều không nỡ mặc, đến mùa đông lại lấy ra, mặc lên người rất ấm áp.

Trần Bình An đột nhiên đứng lên, nhìn hai đầu trái phải cuối con đường, lại nói với cô bé đang ngồi kia:

- Đi tới nép sát vào chân tường, tiếp theo bất kể xảy ra chuyện gì đều không được lên tiếng.

Cô bé là một kẻ tâm tư linh hoạt, mỗi giây phút đều lén quan sát Trần Bình An, cho nên đã sớm nhìn theo ánh mắt của Trần Bình An mấy cái. Sau đó cô lầu bầu, oán trách đứng dậy, muốn chạy đến bên tường lánh nạn. Đột nhiên lại nghe người kia nói:

- Xách ghế đẩu lên.

Cô bé không vui nói:

- Dựa vào đâu mà xách giúp ngươi, ngươi là cha rơi thất lạc nhiều năm của ta à?

Trần Bình An dứt khoát nói:

- Mười đồng tiền.

- Được rồi, cha!

Gương mặt đen nhẻm của cô bé lập tức tươi cười, xách ghế đẩu nhỏ bỏ chạy. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.