Kiếm Lai

Chương 307: Từ mũi bắc tới mũi nam




Sau khi tiết Mang chủng qua đi, hơn hai mươi vạn dặm đường rồng đi đã gần kết thúc, chiếc thuyền này sắp đến đầu cuối phía nam.

Trần Bình An đã đi thế hai mươi vạn lần, tiếp theo luyện quyền cũng không gắng sức như trước, có phần lỏng lẻo tùy tiện. Đêm đó không mua được rượu, hôm sau vào ban ngày hắn đến nhà ăn mua ba vò rượu, chứa đầy hồ lô nuôi kiếm. Giá cả rất đắt, mùi vị tạm được, nhưng không thể so với rượu ngon của Kiếm Thủy sơn trang.

Sau đó Trần Bình An gỡ hai lá bùa màu xanh dán trên vách tường. Một là bùa tĩnh tâm an bình, có thể giúp hắn tập trung tinh thần ở một mức độ nhất định, tránh bị bên ngoài quấy nhiễu. Những am lớn của Đạo giáo dưới núi, mỗi lần lập đàn cúng bái cũng thường dán bùa này.

Còn lại là bùa gột bẩn rửa bụi. Vào mùa hè nóng bức, quan to quyền quý và danh sĩ luận đàm của vương triều thế tục, đều sẽ đến đạo quán xin bùa này của các chân nhân. Nó chẳng những có thể tỏa ra linh khí nhàn nhạt, còn có thể hấp thu gió dữ và đủ loại vết bẩn, khiến phòng ốc trở nên sạch sẽ.

Hai lá bùa này mặc dù chỉ là loại nhập môn trong “Đan Thư Chân Tích”, cấp bậc rất thấp, nhưng đã giúp Trần Bình An rất nhiều, nếu không chủ thuyền chắc sẽ liều mạng với hắn. Hai tháng luyện quyền ngày đêm, mồ hôi như mưa, về sau ai dám ở trong căn phòng tầng hai này nữa?

Hai lá bùa đều là giấy đỏ dùng một lần, hôm nay linh khí đã ảm đạm, gần như không khác gì giấy thường. Trần Bình An đã quen cẩn thận, không muốn lộ ra dấu vết, cũng không muốn ném xuống đường sông, bèn cất vào trong vật một tấc. Dù sao bọn chúng đều là công thần giúp hắn luyện quyền hai mươi vạn lần, không thể qua cầu rút ván, giữ lại làm kỷ niệm cũng tốt.

Hôm nay Trần Bình An đã xác định đại khái, xấp bùa mà Lý Hi Thánh tặng cho mình, nhất là loại chất liệu vàng óng và trang sách cổ, nhất định có giá trị liên thành, phải quý trọng mới được. Đạo lý rất đơn giản, một lá bùa bảo tháp trấn yêu vàng óng, đã có thể nhẹ nhàng trấn áp quan văn võ nhập ma ở điện thành hoàng quận Yên Chi.

Trước khi xuống thuyền, Trần Bình An đã thu dọn phòng sạch sẽ. Hắn đeo hành lý, trả lại thẻ bài bằng gỗ cho nhà thuyền, sau đó cùng mọi người lần lượt xuống thuyền.

Trước người không xa có nam nữ đang trò chuyện, giọng nói của cô gái rất quen tai. Trần Bình An khẽ nhìn lướt qua, thấy đó là một phu nhân trẻ tuổi khóe miệng có nốt ruồi. Phu nhân này ở lầu trên của mình, gần đây thường hay r.ên rỉ, có lẽ đã chịu không ít đau khổ. Hắn đoán phu nhân và trượng phu nhất định là chân tình thực ý, nếu không cũng sẽ không nhường nhịn chịu đựng như vậy.

Trong quá trình xuống thuyền, Trần Bình An đã nghe được không ít chuyện. Chẳng hạn như lần trước ở hồ Thái Dịch nơi bến thuyền Cao Du, có người bắt được một cặp yêu tinh hoa cỏ song sinh hiếm thấy. Chỉ một yêu hoa cũng đã giá trị mười mấy đồng tiền tiểu tuyết, một khi có đôi có cặp, bên mua không lấy ra năm sáu chục đồng thì đừng mơ bỏ vào trong túi.

Trong hành trình hai tháng đường thủy này, đám người câu cá chỉ câu được mấy con rồng sông dài hai ngón tay, cũng không có kỳ ngộ đặc biệt gì.

Chuyến thuyền này đi rồi lại dừng. Cuối cùng lúc xuống thuyền, đám tùy tùng của luyện khí sĩ giàu có, trên người đã đeo đầy bọc lớn bọc nhỏ. Lúc đi đường bọn họ cực kỳ cẩn thận, tránh để va chạm làm hư đồ. Phần lớn đồ vật đều quý giá, trong đó có một số thứ xa xỉ, có lẽ còn đắt hơn mạng người.

Bến thuyền nơi này rất rộng, vẫn là cảnh tượng náo nhiệt cửa tiệm san sát, nhưng đồ vật mà thương gia rao bán đã biến thành đặc sản địa phương của quốc gia phụ cận.

Trong lúc rãnh rỗi Trần Bình An đã đi dạo qua từng cửa tiệm, phát hiện rất nhiều yêu tinh kỳ lạ. Phần lớn là yêu quái cây cỏ hoạt bát đáng yêu, có người tí hon hình dáng như trẻ con, cũng có ông lão bà lão tóc trắng, lớn nhỏ không đều, nhưng lớn nhất cũng chỉ cao bằng ngón tay. Bọn họ bị nhốt trong lồng trúc xanh, hoặc là đứng trên một nghiên mực. Còn có cô gái nhỏ mọc cánh, ngồi sau một guồng quay tơ vùi đầu dệt vải, đủ thứ thú vị.

Nhân cơ hội một số khách mặc cả với cửa tiệm, Trần Bình An biết được những người tí hon khiến người ta yêu thích này, giá cả được quyết định bởi mức độ quý hiếm. Rẻ thì chỉ cần một đồng tiền tiểu tuyết, còn đắt thì bán đến ba bốn chục đồng.

Cuối cùng hắn đưa ra một kết luận, hình như càng đi về phía nam, loại yêu tinh này càng bình thường dễ thấy hơn.

Trần Bình An đi dạo một vòng qua các cửa tiệm và sạp hàng, nhưng không mua gì. Lần này không phải hắn keo kiệt, mà là hắn suy nghĩ sau khi đưa kiếm xong, từ núi Đảo Huyền và Kiếm Khí trường thành trở về Đại Ly phía bắc, trên đường đi lại mua cũng không muộn.

Rời khỏi hang động, Trần Bình An có cảm giác như lại thấy ánh mặt trời. Hắn phát hiện chữ viết khắc đá của danh nhân nơi cửa hang, còn dày đặc hơn bến thuyền nước Sơ Thủy ở đầu cuối phía bắc. Bọn chúng dường như đang tranh giành vị trí, tận dụng triệt để chỗ trống, có một số chữ viết còn giống như bực bội với hàng xóm.

Trần Bình An lần lượt xem qua chữ viết nơi cửa hang. Đương nhiên đều là chữ tốt, ý vị mỗi người mỗi vẻ, nhưng trong lòng vẫn cảm thấy không thể sánh bằng chữ của thiếu niên Thôi Sàm.

Ngoài bến thuyền là một khe núi, con đường bằng phẳng rộng rãi, cửa tiệm hai bên còn phú quý xa hoa hơn thương gia ở bến thuyền. Trên đường người đến người đi, thái bình thịnh thế, phồn hoa huyên náo, ngay cả chó nằm ven đường cũng có vẻ thong dong nhàn nhã.

Lọt vào tầm mắt đầu tiên là một ngôi lầu nhỏ ba tầng bên tay trái, mái hiên nhô cao, đan xen chặt chẽ, treo tấm biển chữ vàng “bến thuyền Ý Nữ”. Hôm nay Trần Bình An đã quen cửa quen đường, biết đây là địa điểm đón thuyền đến thành Lão Long. Hắn đi vào bên trong, hỏi thăm bàn phục vụ, biết được chiếc thuyền sớm nhất trưa hôm nay sẽ đến. Khoang thuyền thượng đẳng có giá hai mươi đồng tiền tiểu tuyết, còn khoang thuyền trung đẳng là mười đồng.

Trần Bình An hỏi thăm giá cả khoang thuyền hạ đẳng. Người đàn ông kia giả vờ cười giải thích, chiếc thuyền của Dương Chi đường đi đến thành Lão Long, rẻ nhất là khoang thuyền trung đẳng, cũng không có hạ đẳng.

Xung quanh đại sảnh đều là ánh mắt và nụ cười chế nhạo. Trần Bình An lại không cảm thấy mất mặt, lấy ra hai mươi đồng tiền tiểu tuyết mua ngọc bội lên thuyền. Hai mặt ngọc bội có khắc “Dương Chi đường” và “phòng mười một thượng đẳng”. Hắn nhìn thấy chữ “mười một”, liền nhớ tới con dấu để lại lầu trúc núi Lạc Phách, cảm thấy đây là một điềm lành.

Trần Bình An cười ha hả đi ra ngoài, tính thời gian một chút, sau đó bắt đầu dạo bộ. Hắn dự định mua hai bộ quần áo, giày thì không cần mua, nhiều năm như vậy đã quen mang giày cỏ, hơn nữa trong vật một tấc còn có hai đôi giày cỏ mới tinh.

Cửa tiệm trên đường mặc dù rất khí phái, nhưng đồ vật buôn bán lại na ná như bến thuyền đường rồng đi, đó là yêu tinh hoa cỏ, giá cả lại rẻ hơn một chút. Trần Bình An nhìn đám người tí hon dáng vẻ vui tươi này không thấy chán, nhưng hắn chỉ nhìn chứ không bỏ tiền, cho nên không được chào đón lắm.

Trần Bình An tiếp tục đi rồi dừng, sau đó tìm được một cửa tiệm rất khí phái. Hắn đứng ngoài cửa, hơi sững sờ, bởi vì cửa lớn có đặt một tấm bình phong cao ngang thân người. Trên bình phong là một cô gái lưng đeo trường kiếm, hông đeo hồ lô màu vàng tím, đứng bên vách đá quan sát biển mây cuồn cuộn, quần áo phất phơ, bồng bềnh xuất trần. Chắc là tương tự với tranh cuộn núi sông trên thuyền cá côn kia, dùng pháp thuật trên núi in thành.

Có mấy người đứng trước bình phong chỉ chỉ trỏ trỏ, kể về mấy trăm năm ân thù giữa vườn Phong Lôi và núi Chính Dương, lời nói giống như cười trên nỗi đau của người khác.

Có người nói năm xưa Tô đại tiên tử này phong thái trác tuyệt biết bao, vượt ngoài trần thế. Bình sinh chỉ có một lần mặc quần áo không thuộc sư môn, đó là lúc kề vai chiến đấu với tổ sư gia của tiệm này. Sau khi trảm yêu trừ ma, cũng không cần thù lao, lần đầu tiên mặc bộ quần áo này. Mười mấy năm trước, quần áo kiểu dáng này có thể nói là thịnh hành đại giang nam bắc Bảo Bình châu, dù là nữ tu trên núi hay thiên kim hào phiệt đều đổ xô đi mua.

Một cô gái trẻ cười nhạo nói:

- Hôm nay cửa tiệm còn không muốn bỏ tấm bình phong này, đúng là một trò cười. Không biết bây giờ Tô Giá tận mắt nhìn thấy, có xấu hổ đến mức đào lỗ chui xuống hay không.

Có một luyện khí sĩ trẻ tuổi đã nhịn rất lâu, cuối cùng sầm mặt tức giận, lên tiếng bênh vực cho tiên tử mà mình ngưỡng mộ:

- Cảnh ngộ của Tô tiên tử có sa sút, cũng vẫn là người trong thần tiên thật sự, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Các ngươi bớt nói lời châm chọc đi, nếu Tô tiên tử thật sự đứng ở đây, các ngươi có dám đánh rắm một cái không?

Một gã đàn ông trung niên cợt nhả nói:

- Trước khi Tô Giá bị đệ tử thân truyền Hoàng Hà của Lý Đoàn Cảnh vườn Phong Lôi đánh vỡ tâm cảnh, ta liếm giày cho tiên tử này cũng được. Đáng tiếc hôm nay, không phải ta khoác lác, nếu Tô Giá đứng trước mặt ta, ta cũng dám đưa tay bóp mặt sờ eo cô ta. Chậc chậc, không biết cảm giác thế nào...

Tu sĩ trẻ tuổi đỏ mặt lên, giận đến cả người run rẩy:

- Sao lại có kẻ khốn nạn ác độc như ngươi!

Gã đàn ông kia cười ha hả nói:

- Sao lại có à? Đáp án rất đơn giản, ngươi hỏi cha mẹ của ta đi.

Tu sĩ trẻ tuổi nắm chặt hai tay, cặp mắt bốc lửa, nhìn chằm chằm vào tên khốn kia.

Gã đàn ông trung niên tấm tắc nói:

- Thế nào, muốn đánh chết ta à? Tới đi, đánh chết người ở đây, chẳng những hung thủ bị vào tù, còn phải truy cứu trách nhiệm sư môn. Tới tới tới, nếu hôm nay ngươi không đánh chết ta, vậy thằng nhóc ngươi không thật sự ngưỡng mộ Tô Giá rồi. Nếu ngươi không đánh chết ta, lát nữa ta sẽ đi sờ Tô Giá tiên tử trên bình phong, còn phải sờ từ đầu tới chân.

Gã ta nghiêng đầu, vẻ mặt cười cợt bỉ ổi. Tu sĩ trẻ tuổi chán nản xoay người rời đi.

Gã đàn ông kia cười lớn, chế nhạo:

- Đồ nhóc con nhát gan còn chưa mọc đủ lông, cũng dám đấu đá với đại gia ta. Đừng đi, ta muốn sờ rồi. Ấy, gương mặt này trơn mềm, thật là xinh đẹp. Còn Tô đại tiên tử cái gì, một cô ả kiếm tâm tan vỡ, không chừng lần sau các ngươi gặp mặt là trong lầu xanh rồi...

Tu sĩ trẻ tuổi bước nhanh rời đi, không muốn nghe những lời dơ bẩn khiến người ta căm giận này nữa.

Trần Bình An đi thẳng vào trong tiệm, không để ý tới tranh cãi giữa hai bên, tốn ba mươi lượng bạc mua hai bộ quần áo bình thường nhất. Thực ra cửa tiệm này rất có lai lịch, buôn bán rất lớn ở phía nam Bảo Bình châu. Mặc dù nơi này chỉ là một trong mấy trăm chi nhánh, nhưng ngay cả một người ngoài nghề như Trần Bình An, chỉ nhìn sơ qua bộ pháp bào trấn tiệm, cũng biết nó không kém gì bộ giáp thần tiên hứng sương của Sở Hào.

Sau khi Trần Bình An rời khỏi tiệm, gã đàn ông kia vẫn chưa đi. Quần chúng bên cạnh hắn đã đổi thành một nhóm khác, có nam có nữ, đứng trước tấm bình phong. Nam tử phần nhiều lộ vẻ tiếc nuối, còn nữ nhân lại cười nhạt bất mãn, không khí rất tế nhị.

Gã đàn ông lưu manh kia lại bắt đầu nói xấu sau lưng, khiến mấy cô gái rất hả giận. Mặc dù biết rõ gã này không phải thứ tốt lành gì, nhưng sau khi nghe nói hắn là ông chủ của tiệm tạp hóa bên cạnh, vẫn đề nghị mấy đồng bạn nam qua đó xem thử. Mấy nam tử kia nào chịu nghe theo, chỉ muốn dùng một quyền đánh nát mặt gã đàn ông đối diện mà thôi.

Gã đàn ông trung niên kia đúng là nhân phẩm tệ hại, nhưng ánh mắt làm ăn lại không kém, ra sức chế giễu Tô tiên tử núi Chính Dương, càng nói càng quá quắt. Mấy cô gái kia cũng thông minh cơ trí, ngoài miệng không phụ họa với đối phương, ngược lại còn hời hợt “phản bác” mấy câu.

Gã đàn ông kia hiểu ngầm trong lòng, càng nước bọt tung tóe, khiến mấy cô gái tâm tình rất tốt. Bọn họ dùng khóe mắt quan sát đồng bạn nam bên cạnh, giống như đang sảng khoái nói: “Tô Giá mà các ngươi vừa thấy đã yêu, si mê không ngớt, hôm nay sa sút đến mức này, các ngươi còn ngưỡng mộ được không?”

Gã đàn ông kia khoa tay múa chân, lúc nói đến hăng say, còn dứt khoát đi tới bên cạnh bình phong. Hắn vươn một bàn tay ra khẽ vung vẫy, cách bình phong một khoảng nhỏ, làm bộ tát mấy cái vào hình vẽ Tô Giá sống động như thật, đồng thời chửi mát.

Trần Bình An nhớ tới cảnh tượng năm xưa ở trấn nhỏ, kiếm tu vườn Phong Lôi Lưu Bá Kiều nhắc đến Tô Giá. Lần đó người ngoài tiến vào động tiên Ly Châu tìm kiếm cơ duyên, chỉ có Lưu Bá Kiều đi theo bên cạnh cô gái họ Trần Dĩnh Âm và công tử họ Trần quận Long Vĩ, mới khiến Trần Bình An cảm thấy thần tiên trên núi cũng có người không tệ.

Điểm mà Lưu Bá Kiều khiến Trần Bình An động dung nhất, không phải là khí khái hào hùng nam tử hán, tuyên bố “một ngày nào đó, Lưu Bá Kiều ta sẽ khiến Tô Giá cam tâm tình nguyện gả cho ta”. Vừa lúc trái ngược, khi có người hỏi hắn “nếu thật sự có một ngày, Tô tiên tử mà ngươi luôn nhung nhớ, bỏ qua thiên kiến môn phái để thích ngươi, ngươi sẽ làm gì”, Lưu Bá Kiều lại ngỡ ngàng, thì thầm một câu “cô ấy làm sao thích ta được”.

Nghĩ tới Lưu Bá Kiều, Trần Bình An bất giác lại nghĩ đến mình.

Hắn hít thở sâu một hơi, đi tới chỗ bình phong, nhìn gã đàn ông trung niên buôn bán ở bên cạnh. Gã đàn ông kia đang định dẫn mấy cô gái đến tiệm mình mua đồ, đột nhiên lại xuất hiện một kẻ không có mắt, liền không kiên nhẫn nói:

- Nhìn cái gì thế?

Trần Bình An nói:

- Nhìn ngươi.

Gã đàn ông kia trừng mắt nói:

- Ngươi có giỏi thì nhìn tiếp xem?

Trần Bình An gật đầu, tiếp tục nhìn chằm chằm vào đối phương, chậm rãi nói:

- Được.

Ngay cả những cô gái trẻ trên núi có thành kiến rất lớn với Tô Giá cũng phải phì cười, thiếu niên đeo kiếm này đúng là rất biết pha trò.

Sư môn của bọn họ cách núi Chính Dương không xa, cho nên thường xuyên gặp mặt người của núi Chính Dương. Trên dưới sư môn, từ tổ sư gia đến đệ tử ngoại môn, đều có cảm giác ngưỡng mộ với núi Chính Dương. Còn đàn ông trong sư môn, bất kể già trẻ, trước kia đều ái mộ Tô Giá tiên tử, đến mức không cho phép người khác nói xấu một câu. Chỉ là hôm nay Tô Giá đã rơi xuống bụi trần, bọn họ mới thu liễm một chút.

Gã đàn ông trung niên thẹn quá hóa giận nói:

- Ngươi muốn tìm chết?

Trần Bình An lắc đầu.

Gã đàn ông kia nghiêm mặt nói:

- Vậy ngươi đứng ở đó như khúc gỗ làm gì? Có biết ông đây bao đời buôn bán, quen biết lão thần tiên còn nhiều hơn số người mà ngươi từng thấy không?

Thiếu niên đeo kiếm đột nhiên thốt ra một câu:

- Lưu Bá Kiều vườn Phong Lôi thích Tô Giá.

Gã đàn ông kia ngạc nhiên, khí thế chợt giảm, nửa tin nửa ngờ.

Trần Bình An lại nói:

- Ta biết Lưu Bá Kiều.

Gã đàn ông kia liếc nhìn hộp kiếm sau người thiếu niên, nuốt một ngụm nước bọt.

Trần Bình An nói:

- Nếu có một ngày ta gặp được Lưu Bá Kiều, sẽ nói với hắn chuyện hôm nay.

Gã đàn ông kia ngoài mạnh trong yếu nói:

- Ngươi dọa ai thế, ngươi cũng có thể quen biết Lưu Bá Kiều vườn Phong Lôi? Ta còn biết tông chủ Thần Cáo tông, lão tổ núi Chân Vũ đây, nhưng bọn họ biết ta sao?

Trần Bình An nói:

- Ta không rõ bọn họ có biết ngươi hay không, nhưng ta rất khẳng định, Lưu Bá Kiều biết ta.

Gã đàn ông kia phất tay nói:

- Cút cút cút, đừng ở chỗ này ăn nói lung tung, cản trở ông đây làm ăn. Phân chó ven đường cũng tự biết đi rồi, đúng là xui xẻo.

Trần Bình An hỏi:

- Bến thuyền chắc là có phi kiếm truyền tin đúng không?

Thấy không ai trả lời, hắn lẩm bẩm nói:

- Bỏ đi, để ta tự tìm.

Gã đàn ông kia đã bắt đầu chột dạ, cố gắng không để ý tới thiếu niên kỳ quái nói năng chắc nịch này, dẫn theo đám nam nữ trên núi đầy hứng thú đến tiệm của mình, để bọn họ dùng ánh mắt lựa chọn đồ vật.

Trần Bình An thật sự đi tìm trạm dịch trên một ngọn núi, tốn mười đồng tiền tiểu tuyết, viết một lá thư cho Lưu Bá Kiều vườn Phong Lôi, kể lại đại khái chuyện xảy ra hôm nay. Còn như sau khi nhận được, Lưu Bá Kiều sẽ xem thường vứt sang một bên, hay là nổi trận lôi đình ngự kiếm giết tới đây, Trần Bình An cũng không quan tâm.

Có một số việc, không làm thì trong lòng hắn không thoải mái. Nhưng có một số việc, cho dù không thoải mái cũng chỉ có thể nhẫn nhịn, chẳng hạn như chuyện thuyền cá côn vô duyên vô cớ rơi vỡ.

Trần Bình An viết thư xong, nói tên người nhận thư và địa chỉ sơn môn. Vẻ mặt của những người trong trạm dịch đều hơi kỳ lạ, nói chuyện với hắn dường như cũng ôn hòa hơn mấy phần. Còn có người đặc biệt tiễn Trần Bình An ra khỏi trạm dịch, thậm chí hỏi thăm có cần người dẫn đường đến bến thuyền hay không. Trần Bình An cười bảo không cần, một mình rời đi.

Sau khi rời khỏi trạm dịch, tâm tình của hắn tốt hơn một chút. Bởi vì hắn phát hiện, Lưu Bá Kiều vốn khiêm tốn ở động tiên Ly Châu, còn xưng huynh gọi đệ với mình, hóa ra ở bên ngoài lại rất lợi hại. Ngay cả một trạm dịch phi kiếm ở đây, cũng nghe nói đến danh tiếng của Lưu Bá Kiều hắn.

Bến thuyền Dương Chi đường nằm giữa không trung trên một vách núi cao vút. Có người đã đục vách núi thành một đường núi hiểm trở ngoằn ngoèo dẫn lên trên. Trần Bình An đi trên đường, nhìn thấy rất nhiều thuyền lơ lửng giữa trời bên ngoài vách đá, bên dưới thuyền có mây trắng trôi nổi. Hình dáng tương tự với thuyền của nước Sơ Thủy, nhưng có thể ngự gió đi lại, cũng là chuyện lạ.

Trần Bình An đứng ở đường núi bên cạnh bến thuyền Dương Chi đường, chờ đợi lên thuyền. Nơi này mở ra một hang núi rất lớn, nhưng chỉ có vài sạp hàng rong lác đác. Hắn yên lặng ngồi trên một cái ghế dài làm bằng gốc cây già, gặm bánh khô, uống rượu mới mua, chậm rãi nuốt xuống.

Vào giữa trưa, một chiếc thuyền của Dương Chi đường từ trong biển mây vững vàng lướt xuống, cập bến đúng giờ. Trần Bình An và mọi người lần lượt lên thuyền. Lần này ngồi thuyền xuôi nam chạy thẳng đến thành Lão Long, chỉ cần khoảng hai mươi lăm ngày, bởi vì tốc độ của thuyền vượt biển Dương Chi đường nhanh hơn nhiều so với thuyền trên sông ở đường rồng đi, hơn nữa giữa đường không hề dừng lại.

Thuyền chỉ có hai tầng. Trần Bình An ở tầng trệt, căn phòng khá rộng nhưng không có ban công ngắm cảnh. Thuyền bay lên, xuyên qua một tầng biển mây. Hắn đẩy cửa sổ ra, tầm mắt rộng rãi, trên đầu là vầng mặt trời lơ lửng, ánh sáng vạn trượng, biển mây quay cuồng giống như từng dãy núi màu vàng kéo dài.

Trần Bình An lại vẽ hai lá bùa tĩnh tâm an bình và gột bẩn rửa bụi, sau đó tiếp tục đóng cửa luyện quyền. Trong hành trình có đêm mưa dông ánh chớp đan xen, có ánh bình minh rực rỡ của mặt trời mới mọc phía đông, cũng có trời quang vạn dặm không mây.

Lần này sáu bước đi thế của Trần Bình An từ nhanh chuyển thành chậm, thỉnh thoảng hắn cũng đẩy cửa sổ ra, nhìn cảnh tượng bên ngoài luyện tập thủ ấn đứng thế.

Khi hành trình qua được hơn nửa, một ngày kia có một kiếm tiên ngự gió bay đến. Khi đó thuyền vừa lúc xuyên ra khỏi biển mây dày đặc, kiếm tiên trẻ tuổi kia theo sát phía sau, tốc độ nhanh đến mức khiến một số luyện khí sĩ năm cảnh giới trung cũng phải há hốc mồm.

Người nọ ngự kiếm xuyên qua biển mây, đuổi theo con thuyền, thanh thế kinh người. Biển mây phía sau bị mở ra một con đường rộng rãi, thật lâu vẫn không thể hoàn toàn khép lại.

Hắn đột nhiên dừng lại phía trước thuyền, nhẹ nhàng nhảy xuống phi kiếm, vừa khéo rơi vào mũi thuyền. Hắn tiêu sái thu kiếm vào vỏ, lập tức có cao nhân Dương Chi đường đi tới nghênh đón. Còn như có mạo phạm Dương Chi đường hay không, cùng với phá hư quy củ không cho lên thuyền giữa chừng, vị trưởng lão Dương Chi đường kia cũng chẳng hề nhắc đến.

Sau đó chứng minh hành động này của ông lão rất sáng suốt, bởi vì kiếm tu trẻ tuổi kia mặc dù đã phá hư quy tắc của thuyền, nhưng cũng không phải loại người ngang ngược. Hắn chỉ cười híp mắt báo danh hiệu của mình, còn chủ động trả hai mươi đồng tiền tiểu tuyết.

Vườn Phong Lôi, Lưu Bá Kiều. Như sấm bên tai, cả hai đều vậy.

Lão vườn chủ Lý Đoàn Cảnh, được xưng người đứng đầu cảnh giới thứ mười Bảo Bình châu, ông ta đã dùng sức một người đè ép núi Chính Dương mấy trăm năm.

Trong trận đại chiến lúc trước, Lý Đoàn Cảnh tiện tay dùng một kiếm phá vỡ đại trận cấm chế của núi Chân Vũ, đó là hành động vĩ đại mà người người tận mắt nhìn thấy. Huống hồ đệ tử thân truyền Hoàng Hà của Lý Đoàn Cảnh xuất thế ngang trời, lộ ra thiên tư kiếm đạo không thua gì ông ta lúc còn trẻ, đánh cho Tô Giá núi Chính Dương không có sức đánh trả. Nhất là tư thế vô địch của Hoàng Hà, đứng bên cạnh Tô Giá ngã xuống đất, dùng mũi chân giẫm lên cái hồ lô nuôi kiếm màu vàng tím kia, cảnh tượng đó khiến người ta khắc sâu trong lòng.

Mà sau khi Hoàng Hà tiếp nhận chức vị vườn chủ vườn Phong Lôi, Lưu Bá Kiều cũng ung dung đột phá cảnh giới. Hơn nữa còn thăng tiến rất nhanh, nghe nói thiếu chút nữa đã liên tục đột phá hai cảnh giới.

Lưu Bá Kiều không để ông lão đi theo, một mình tìm đến phòng mười một ở tầng trệt, nhẹ nhàng gõ cửa.

Trước đó Trần Bình An đang chuyên tâm luyện quyền, mặc dù cảm nhận được khí tức sóng gợn xao động biển mây kia, hắn vẫn không dừng lại. Tiên nhân trên trời tiêu dao ngự kiếm, đi sát qua thuyền trên biển mây, đây là chuyện thường xảy ra. Cho nên dù phát giác được tiếng bước chân ngoài hành lang, hắn cũng không liên tưởng đến người ngự kiếm kia.

Trần Bình An mở cửa, nhìn thấy gương mặt quen thuộc tươi cười gian xảo, cảm thấy rất bất ngờ.

Lưu Bá Kiều bước vào phòng, chờ Trần Bình An đóng cửa lại. Hắn ngồi xuống giường, phát hiện hai lá bùa kia liền trêu chọc:

- Trần Bình An, hôm nay ngươi là người có tiền rồi.

Chính vì người tới là Lưu Bá Kiều, Trần Bình An mới không thu hồi bùa chú. Nghe lời trêu đùa của đối phương, hắn chỉ cười trừ, dựa lưng vào bệ cửa sổ, để lại giường chiếu cho tên kiếm tu vườn Phong Lôi này.

Hai tay Lưu Bá Kiều chống lên giường:

- Ngươi không biết đoạn đường này ta đuổi theo vất vả thế nào đâu. Sau khi nhận được thư ngươi gởi từ bến thuyền Ý Nữ, ta lập tức đi tới bến thuyền...

Trần Bình An hỏi:

- Không giết người chứ?

Lưu Bá Kiều trợn trắng mắt:

- Giết người cái gì. Tên kia vừa nghe nói ta là Lưu Bá Kiều, lập tức quỳ xuống dập đầu. Trên đường ta đã suy nghĩ sẽ cho hắn mấy bạt tai, nhưng lại không có cơ hội ra tay. Đành phải đi sang cửa tiệm bên cạnh mua tấm bình phong kia, cất vào vật một tấc. Sau đó ta dò la tìm hiểu ngọn nguồn, khó khăn lắm mới xác định ngươi ở trên chiếc thuyền Dương Chi đường này, cho nên lập tức đuổi theo.

Trần Bình An nghi hoặc hỏi:

- Tìm ta có chuyện à?

Lưu Bá Kiều hỏi ngược lại:

- Phải có chuyện mới được tìm ngươi sao?

Trần Bình An gật đầu nói:

- Không phải chứ? Không có chuyện mà ngươi cũng đuổi theo xa như vậy?

Lưu Bá Kiều mất hứng nói:

- Con người ngươi thật nhàm chán, chẳng khác gì lúc ở động tiên Ly Châu.

Trần Bình An ngẫm nghĩ, vẫn không hỏi thăm chuyện của Tô Giá núi Chính Dương. Lần đó trên núi Chân Vũ, ba trận chém giết máu tươi đầm đìa, Lưu Bá Kiều ở bên cạnh quan sát, Trần Bình An đoán rằng trong lòng hắn sẽ không dễ chịu, cho nên cũng không xát muối vào vết thương.

Hắn vốn còn muốn hỏi Lưu Bá Kiều đến kinh thành Đại Ly có lấy được thanh phù kiếm kia hay không, nhưng ngẫm lại, chuyện bí mật liên quan đến đại đạo, vẫn không nên hỏi thì tốt hơn. Cuối cùng hắn đành phải hỏi một vấn đề nhàm chán nhất:

- Ngươi thật sự không sao chứ?

Lưu Bá Kiều bất đắc dĩ nói:

- Không sao. Khi đó ta từ kinh thành Đại Ly tay trắng trở về, phát hiện động tiên Ly Châu đã rơi xuống đất, nhưng không thể gặp được ngươi. Nghe nói ngươi đã đi đến thư viện Đại Tùy xa xôi. Sau đó vườn Phong Lôi chúng ta và... tóm lại ta cũng không có thời gian rảnh. Ngươi đừng cho rằng ta chỉ ăn không ngồi rồi cả ngày, thực ra trước đây không lâu ta vừa mới phá quan ra ngoài, sau khi ổn định cảnh giới thì rất buồn chán. Vừa lúc nhận được phi kiếm truyền tin của ngươi, nghĩ thầm dù sao cũng nên gặp mặt, xác định quan hệ huynh đệ...

Trần Bình An không chịu nổi sự nhiệt tình này của Lưu Bá Kiều, cho nên không trả lời.

Ánh mắt Lưu Bá Kiều u oán, ngón tay xếp thành hình hoa lan, nhấn nhấn vào Trần Bình An, giọng nói thẹn thùng như nữ nhân:

- Sao công tử lại tuyệt tình như vậy? Lúc trước ở quê nhà công tử, trước hoa dưới trăng, non xanh nước biếc, kết bạn đi xa...

Mũi chân Trần Bình An nhún một cái, đặt mông ngồi lên bệ cửa sổ, khoanh hai tay trước ngực, mặt không cảm xúc. Giống như đang nói ngươi cứ tiếp tục hành động buồn nôn, ta muốn xem thử ai có thể kiên trì đến cuối cùng.

Lưu Bá Kiều bại trận trước, thở vắn than dài nói:

- Ta biết chuyến này đến thăm, thằng nhóc ngươi vẫn là bộ dạng chán chết như vậy. Trần Bình An, ngươi có biết không, hiện giờ muôn vàn kiếm tu của Bảo Bình châu, có ai không kinh hãi thiên phú của Lưu Bá Kiều ta, có ai không xem ta là nhân tuyển năm cảnh giới cao chắc như đinh đóng cột?

Trần Bình An cười nói:

- Ta cũng mới biết. Ở chỗ trạm dịch, sau khi nghe nói ta viết thư cho ngươi, bọn họ lập tức khách sáo hơn nhiều. Còn có người tiễn ta đến cửa lớn, hỏi ta có cần tìm người dẫn đường hay không. Bọn họ rất nhiệt tình, giống như ta là đại nhân vật lợi hại gì đó, đúng là lần đầu tiên, ha ha.

Thấy Trần Bình An tươi cười vui vẻ, Lưu Bá Kiều lại ngơ ngẩn xuất thần. Chuyện này có gì đáng cao hứng? Chỉ vì Lưu Bá Kiều danh tiếng lớn, khiến Trần Bình An ngươi được thơm lây một chút sao?

Khi Trần Bình An giơ ngón cái với Lưu Bá Kiều, kiếm tu vườn Phong Lôi thiên phú tốt đến mức ngay cả Lý Đoàn Cảnh cũng phải lau mắt nhìn, cuối cùng đã hiểu được nguyên nhân. Bằng hữu lợi hại thì Trần Bình An hắn sẽ vui vẻ.

Thực ra nguyên nhân này rất đơn giản, chỉ là thế đạo phức tạp, người thông minh quá nhiều, nhất là đã quen giao tiếp với người trên núi, thường sẽ không nghĩ ra những chuyện đơn giản nhất.

Thiếu chút nữa liên tục đột phá hai cảnh giới, Lưu Bá Kiều cũng không hề mừng rỡ, nhưng lúc này ở cùng thiếu niên ngồi trên bệ cửa sổ, hắn lại cười rất vui vẻ.

Hắn không nhịn được tự hỏi mình, nếu bằng hữu của ngươi sống tốt hơn ngươi, tốt hơn rất nhiều, đến mức khiến cho ngươi không theo kịp, cả đời cũng không đuổi kịp, vậy trong lòng ngươi có khó chịu không?

Đáp án khiến Lưu Bá Kiều rất hài lòng, thế là hắn cảm thấy mình và Trần Bình An chắc chắn là huynh đệ rồi.

Lưu Bá Kiều không tiếp tục ở lại. Sau khi hắn đột phá cảnh giới, đã bị tân vườn chủ Hoàng Hà cưỡng ép gán cho một chức vụ tông môn, còn có một đống công việc cần phải xử lý. Tuy nói là xử lý, nhưng thực ra là ném cho đám lão già chuyên làm việc này đi giải quyết.

Lưu Bá Kiều đứng lên, cười hỏi:

- Đi ra bên ngoài, có thiếu tiền không? Trên người ta có mang theo mấy chục đồng tiền tiểu thử, cho ngươi mượn trước nhé?

Mấy chục đồng tiền tiểu thử... nói giống như mấy chục lượng bạc vậy, đúng là một địa chủ.

Trần Bình An nhảy xuống bệ cửa sổ, lắc đầu nói:

- Không cần.

Lưu Bá Kiều nghiêm túc nói:

- Vậy ta đi về trước. Nhớ lấy, lần sau trở lại động tiên Ly Châu, ngươi nhất định phải đến vườn Phong Lôi tìm ta, nếu không ta...

Lưu Bá Kiều lại xếp ngón tay thành hình hoa lan:

- Nhất định sẽ bị kẻ phụ lòng ngươi làm thương tâm chết.

Trần Bình An nghiêm túc nói:

- Ngươi còn nói chuyện như vậy, có đánh chết ta cũng không đi vườn Phong Lôi.

Lưu Bá Kiều thoải mái cười lớn, nhưng giữa chân mày lại có vẻ tiều tụy không thể nói rõ. Hắn cáo từ rời đi, lúc đến cửa lại nhớ tới một chuyện, bèn quay đầu nói:

- Ta có một bằng hữu rất thân ở thành Lão Long, đáng để ngươi tin cậy. Nếu ngươi có chuyện, không kịp dùng phi kiếm truyền tin cho vườn Phong Lôi, có thể yên tâm đi tìm hắn. Hắn tên là Tôn Gia Thụ, là kẻ giàu có thứ hai ở thành Lão Long. Trong thư ta từng nhắc đến ngươi với hắn, cho nên ngươi chỉ cần báo tên, hắn nhất định sẽ gặp ngươi. Hơn nữa tên này chắc chắn rất hợp tính với ngươi.

Trần Bình An dứt khoát nói:

- Được.

- Đừng tiễn ta, quá khách sáo thì lại có vẻ xa lạ, sau này hai ta còn nhiều cơ hội gặp mặt.

Lưu Bá Kiều rời khỏi phòng, thấy tên kia thật sự không tiễn, không nhịn được cười mắng một câu.

Sau khi đóng cửa lại, hắn cũng không trực tiếp ngự kiếm rời đi. Ở đầu cuối hành lang có một luyện khí sĩ già đang đứng, đó là người phụ trách chiếc thuyền này của Dương Chi đường. Lưu Bá Kiều hớn hở chạy chầm chậm tới trước, trò chuyện với ông lão một hồi, sau đó mới lướt vào biển mây, ngự kiếm đi về phía bắc.

Một ngày trước khi đến thành Lão Long, Trần Bình An gặp phải cảnh tượng cá chuồn nhảy khỏi biển bay lên cực kỳ hiếm thấy. Mấy triệu con cá chuồn mọc cánh năm màu, dạo chơi qua lại trong biển mây cuồn cuộn.

Vì chuyện này mà thuyền của Dương Chi đường cố ý dừng lại giữa trời, báo cho hành khách sẽ ngừng nửa canh giờ, để mọi người thưởng thức cảnh đẹp. Hơn nữa còn giải thích, sở dĩ có hình ảnh tráng lệ như vậy, là vì loại cá chuồn Nam Hải được gọi là “thải loan” này, đang chúc mừng một con cá chuồn nào đó mọc ra một đôi cánh chim loan, đó là cảnh tượng trăm năm khó gặp.

Có điều Dương Chi đường cũng nhắc nhở mọi người, đừng dự định tìm bắt con cá chuồn đặc biệt kia. Một khi chọc giận bầy cá chuồn thì thuyền sẽ gặp họa, trừ khi có thần tiên hai cảnh giới Kim Đan và Nguyên Anh bảo vệ hộ tống, nếu không thì chỉ có thể bó tay chờ chết.

Đồng thời Dương Chi đường cũng an ủi mọi người, cá chuồn thải loan tính tình ôn hòa, hơn nữa không sợ người, một khi rời khỏi biển rộng bay vào trời cao, thường sẽ thân cận với người. Đến lúc đó thuyền có thể sẽ bị cá chuồn vây quanh, mọi người không cần lo lắng. Cho dù nhân cơ hội bắt mấy con cá chuồn cũng không sao, xem như là một khoản phúc lợi nhỏ Dương Chi đường tặng cho các quý khách.

Ngay cả Trần Bình An cũng rời khỏi phòng, đi tới đuôi thuyền, nhìn những con cá chuồn thải loan tự do tự tại dưới ánh mặt trời chiếu rọi, năm màu lưu chuyển đẹp không tả xiết. Hắn lấy bầu rượu xuống, nằm trên lan can uống rượu.

Quả nhiên bầy cá chuồn thải loan chậm rãi đến gần thuyền, không hẹn mà cùng bay chậm lại. Có một số con nghịch ngợm hiếu kỳ một mình rời khỏi, bay tới bên cạnh khách trên thuyền. Nếu có người vươn tay ra, phần lớn bọn chúng sẽ lập tức bỏ chạy, nhưng cũng có một số bay đến gần hơn, thậm chí còn đậu trong lòng bàn tay.

Thực ra trước đó Trần Bình An đã nghe nói tới chúng, bởi vì tương truyền món pháp bảo y phục của tiên gia lớn nhất nước Thải Y là phái Linh Tê, chính là dệt bằng cánh chim mà cá chuồn thải loan may mắn mọc ra. Mặc bộ y phục đó lên người sẽ có thể vạn pháp bất xâm, thần kỳ nhất là có thể khiến cho phi kiếm của tất cả kiếm tu năm cảnh giới trung, sau khi đến gần người tự động tránh lui.

Trần Bình An cũng đi theo mọi người, vươn tay ra ngoài lan can, nhưng không có một con cá chuồn nào muốn đến gần. Hắn đành phải lúng túng thu tay, ngoại trừ mượn rượu giải sầu thì có thể làm gì đây?

Thuyền tiếp tục xuôi nam, cuối cùng dừng ở bến thuyền thành Lão Long.

Bất tri bất giác, Trần Bình An đã từ mũi bắc đi tới mũi nam Bảo Bình châu.

Một đường đeo kiếm. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.