Hàm Cá Mập
Chương 4
Chủ nhật rơi vào ngày hai mươi tháng sáu. Các trường quốc lập còn làm việc một tuần nữa, nhưng các trường tư ở New York đã thả học trò về nghỉ hè. Các gia đình có nhà riêng ở Amity đã bắt đầu đi nghỉ từ đầu tháng năm. Những người đi nghỉ thuê nhà từ mười lăm tháng sáu đến mười lăm tháng chín, đã dỡ đồ đạc ra, dần dần ổn định ở nơi mới và đã bắt đầu cảm thấy như ở nhà mình. Đến giữa trưa bãi tắm dọc đường Scotch và đường Old Mill đã đầy những người là người. Ông bố các gia đình nằm thiu thiu nửa thức nửa ngủ trên các tấm khăn tắm, lấy sức trước ván tennis và đường về lại New York trên tuyến tàu tốc hành "Long Island". Các bà vợ ung dung an tọa trên những chiếc ghế nhôm dài dọc Helen MacInnes, John Cheever và Taylor Caldwell, thỉnh thoảng lại bỏ sách để làm một hớp rượu vécmút. Đám thanh thiếu niên nằm thành những dải sít chật. Không thể xếp đám thanh niên này vào hạng hippi được. Họ không tuôn ra những lời nói đã cũ mòn về hòa bình hay ô nhiễm môi trường, về công bằng hay cần phải nổi loạn. Họ thừa hưởng các đặc quyền đặc lợi cũng như thừa hưởng các gien di truyền vậy; thẩm mỹ của họ, cách nhìn của họ, cũng như màu mắt họ, đã được định sẵn bởi các thế hệ đi trước. Họ không mắc bệnh thiếu vitamin, cũng không thiếu máu. Hàm răng họ, không hiểu tại tự nhiên hay nhờ vào các nha sĩ giỏi giang, thẳng, trắng và đều tăm tắp, thân hình họ dây dây, các bắp thịt rắn chắc - chả là từ năm lên chín họ đã tập đánh bốc, từ năm mười hai tuổi đã học cưỡi ngựa và suốt những năm sau chuyên đánh tennis. Người họ luôn luôn bốc ra mùi thơm, kể cả giữa lúc nóng nực. Các cô gái thì luôn tỏa ra hương thoang thoảng của nước hoa, còn các chàng trai thì đơn thuần là mùi thân thể sạch sẽ. Đám thanh niên vàng ấy tuyệt nhiên không ngốc nghếch hay hư đốn. Nếu có ai đó thử đo hệ số phát triển trí óc bình quân của họ thì hẳn là, xét theo những số liệu tự nhiên của mình, họ có thể được xếp vào tầng lớp trí thức tinh hoa chiếm một phần mười toàn bộ cư dân trái đất. Họ được đào luyện trong các trường, có dạy đủ các ngành khoa học khác nhau, kể cả nghệ thuật giao tiếp với đại diện các dân tộc thiểu số, các lý luận triết học đa dạng, sách lược chiến tranh chính trị, họ được làm quen với các vấn đề kinh tế, các vấn đề ma túy và dục giới. Nói chung họ biết khá nhiều, nhưng lại thích không nhớ đến các kiến thức này. Họ cho rằng (chí ít thì ở họ cũng có cái cảm giác như thế): đối với những gì đang diễn ra trên thế giới, vị tất họ đã có can hệ gì đến. Quả thực không có cái gì khuấy động được cõi lòng của họ: cả những cuộc nổi loạn chủng tộc ở Trenton (bang New Jersey) hay ở Gary (bang Indiana); cả sự kiện là tại hàng loạt nơi dọc sông Missouri đã bị ô nhiễm đến mức mặt nước thỉnh thoảng lại bắt lửa bùng lên; cả sự tham nhũng trong ngành cảnh sát New York; cả mức gia tăng của tội ác ở San Francisco; cả những tố cáo động trời, chẳng hạn trong xúc xích đã phát hiện thấy các ấu trùng giun sán và chất Hexaclorôphin gây bệnh não. Họ tỏ ra thờ ơ ngay cả với cuộc khủng hoảng kinh tế mà toàn bộ nước Mỹ đang trải qua. Các dao động trên thị trường chứng khoán đối với họ chỉ là những trạng huống đáng bực mình để cho các ông bố của họ vin vào mà nhiếc móc họ chuyện tiêu xài phung phí, có thực hay chỉ do bố mẹ họ tưởng tượng ra.
Đấy là những con người trẻ trung đến Amity mỗi mùa hè. Tổ chức biểu tình, to mồm về các loại chủ đề, túm năm tụm ba ký kiến nghị và thường thường cả mùa hè làm việc ở những cơ quan nào đó có những tên viết tắt khó hiểu là những con người khác kia - trong số đó có cả bọn ma cà bông. Nhưng bởi lẽ bọn họ nói chung không chấp nhận Amity, cùng lắm chỉ hòa nhập với cư dân của nó vào ngày lễ lao động mà thôi, cho nên cũng chẳng ai thèm để mắt đến bọn họ cho lắm...
Lũ trẻ con thì chơi bên mép nước, đào hố và ném cát ướt vào nhau, chẳng buồn bận tâm lo nghĩ đến chuyện chúng sẽ là ai và cái gì đợi chúng mai sau.
Một cậu bé quãng lên sáu ném những mảnh đá dẹt xuống nước một hồi lâu - cố cho chúng nảy trên mặt nước, một lúc sau cậu đâm chán. Cậu đi dọc bãi tắm đến chỗ mẹ cậu đang nằm và ngồi xuống bên cạnh.
- Mẹ ơi, nghe con nói này, - cậu vừa nói vừa lấy ngón tay vẽ những hình loằng ngoằng trên cát.
Mẹ cậu quay lại, lấy tay che mắt cho khỏi chói.
- Chuyện gì, con?
- Ở đây con chán lắm rồi.
- Chán rồi à? Sao mà chóng vậy? Mẹ con ta chỉ vừa mới đến đây thôi mà.
- Mới thì mới chứ. Con thấy tẻ. Chả có việc gì làm cả.
- Con nhìn xem bãi tắm tuyệt chưa kìa, con muốn chơi ở đâu thì chơi.
- Vâng, con biết rồi. Nhưng chả có việc gì làm cả. Con thấy tẻ lắm.
- Thế sao con không chơi bóng?
- Có ai mà chơi? Ở đây chẳng có ai cả.
- Sao lại không có ai? Con đã tìm gia đình bác Harris chưa? Thế Tommy Converse đâu?
- Chẳng có ai cả đâu. Họ còn chưa đến. Con thấy tẻ lắm.
- Này, Alex, sao con cứ lải nhải mãi thế nhỉ.
- Con đi tắm có được không?
- Không. Nước lạnh đấy.
- Làm sao mẹ biết?
- Mẹ biết, có thế thôi. Với lại mẹ không thể thả con xuống một mình được.
- Thế mẹ không xuống với con à?
- Xuống tắm ấy ư? Tất nhiên là không rồi.
- Thì mẹ chỉ đứng nhìn thôi cũng được.
- Alex, mẹ đang mệt chết đi đây. Chả lẽ con không biết chơi gì nữa hay sao?
- Thế con bơi trên cái nệm hơi có được không?
- Ở đâu?
- Ở ngay gần bờ thôi mà. Con không tắm đâu, chỉ nằm trên nệm thôi.
Người mẹ ngồi dậy, đeo kính râm vào và nhìn quanh bãi tắm. Cách họ vài chục yát, một người đàn ông đang đứng đỡ một đứa bé trên vai, nước ngang thắt lưng anh ta. Người đàn bà nhìn anh, bất giác lòng chị dấy lên sự tủi thân: lúc này chị không còn có chồng để có thể trút trách nhiệm chơi với con được. Người đàn bà chưa kịp chuyển cái nhìn sang đứa con thì cậu bé đã hiểu chị đang nghĩ gì. Nó nói:
- Giá có bố thì bố đã cho phép con rồi.
- Alex, đã đến lúc con phải hiểu rằng bằng cách ấy con không thể bắt mẹ nhượng bộ được đâu.
Chị lại nhìn quanh bãi tắm. Bãi tắm vắng vẻ, chỉ có vài đôi ở phía xa.
- Thôi được rồi. Đi đi, - chị cất tiếng. - Nhưng đừng có bơi xa qua đấy nhé và cũng đừng có bơi không nệm đấy.
Chị nghiêm nghị nhìn cậu bé, thậm chí còn gỡ kính ra để cậu ta thấy được ánh mắt của chị.
- Vâng, - cậu bé thưa.
Cậu ta đứng lên, vớ lấy cái nệm cao su và lôi nó xuống nước. Sau đó cậu nâng nó lên, và vừa vươn dài tay bám lấy nó, vừa lội trong nước. Khi nước đã lên đến thắt lưng cậu thì cậu nằm lên nệm. Nước xô nhẹ chiếc nệm và làm nó nổi lên cùng với cậu bé. Cậu bé nằm ung dung trên nệm, bắt đầu đều đặn dùng cả hai tay thong thả quạt nước. Chân cậu thò ra khỏi nắp nệm đến mắt cá. Cậu bơi được vài yát, quay ngang và bắt đầu quạt nước dọc theo bờ. Dòng nước yếu nhẹ nhàng đưa cậu ra phía đại dương, nhưng cậu không nhận ra.
Cách bờ năm chục yát đáy biển đột ngột hạ xuống, tuy không thình lình thụt xuống, nhưng cũng vát chéo xuống rất dốc. Nơi bắt đầu võng xuống, có độ sâu mười lăm bộ. Xa tí nữa độ sâu đã đạt đến hai mươi lăm, rồi bốn mươi, sau đó là năm mươi bộ. Ở độ sâu một trăm bộ, đáy trở nên bằng phẳng, nó cứ bằng phẳng như thế độ nửa dặm, sau đó cao lên thành một đoạn nông cách bờ một dặm. Phía ngoài đoạn nông này, đáy biển nhanh chóng hạ xuống tới hai trăm bộ, còn tiếp nữa là những độ sâu thực thụ của đại dương.
Con cá to lớn chầm chậm bơi, đuôi quẫy nhẹ ở độ sâu ba mươi lăm bộ. Nó không nhìn thấy gì, vì những cơ thể thực vật nhỏ li ti làm đục làn nước. Con cá bơi dọc theo bờ. Sau đó nó đổi hướng, hơi nghiêng người và nhoi lên mặt nước theo hình tròn. Trong nước bây giờ sáng sủa hơn, nhưng con cá vẫn không trông thấy gì.
Cậu bé đang nghỉ, tay thả lơ lửng trong nước, cơn sóng dồn đến vỗ vỗ vào hai bàn chân. Cậu nhìn bờ, thông thường người mẹ không cho cậu bơi ra xa như thế. Cậu trông thấy mẹ cậu vẫn nằm trên tấm khăn, còn người đàn ông và đứa con đang chơi đùa trong những lớp sóng gần bờ. Cậu bé không thấy sợ - nước êm lặng, vả lại cậu cũng mới bơi ra cách bờ có bốn chục yát. Thế nhưng cậu vẫn quyết định bơi vào gần hơn, vì nhỡ đâu mẹ cậu trông thấy thì sẽ bắt cậu lên bờ. Cậu trườn khỏi chiếc nệm một chút để chân có thể hoạt động được. Tay cậu khua nước gần như không phát ra tiếng động, nhưng chân cậu thì lại khua loạn xạ làm bắn cả bọt nước lên.
Con cá không nghe thấy âm thanh, nhưng nó xác định được những cơn nước xô mạnh từng hồi do những cú đập chân phát ra. Những tín hiệu hãy còn yếu, nhưng con cá đã nắm bắt được và hướng tới phía đó. Thoạt đầu nó bơi chậm, nhưng sau đó, mỗi chốc tín hiệu càng trở nên rõ rệt hơn, nên nó nhanh chóng tăng tốc độ.
Cậu bé dừng lại trong giây lát để nghỉ lấy sức. Những tín hiệu không phát ra nữa. Con cá bơi chậm lại, đầu quay hết bên này sang bên kia, để cố bắt lại các tín hiệu. Cậu bé nằm hoàn toàn bất động, còn con cá thì bơi phía dưới cậu, ở độ sâu lớn. Sau đó nó lại bắt đầu ngoi lên.
Cậu bé lại bơi. Cậu chỉ đập chân sau hai ba lần quạt nước - hoạt động bằng chân nặng nhọc hơn nhiều so với chèo bằng tay. Những cú đập chân chốc chốc lại lặp lại ấy truyền cho con cá những tín hiệu mới. Nó thu nhận được ngay, bởi vì nó gần như ở ngay phía dưới cậu bé. Con cá lao vọt lên.
Nó bơi gần như thẳng đứng, bởi đã cảm thấy những chuyển động nào đó trên mặt nước. Nó không biết chắc cái vật đang khua khoắng trên đó có ăn được không, nhưng điều đó bây giờ không quan trọng. Con cá chuẩn bị tấn công. Nếu cái vật nó sắp nuốt tiêu hóa được thì đấy tức là đồ ăn, còn nếu không thì nó sẽ ợ ra sau. Ngoác hàm và một lần nữa quật cái đuôi hình lưỡi liềm, con cá lao tới nạn nhân.
Cái cảm giác cuối cùng của cậu bé là một đòn giáng mạnh vào bụng. Hơi thở ứ lại, cậu không kịp kêu gì cả, mà vả chăng có kịp thì cũng không kêu lên cái gì, bởi lẽ cậu đâu có nhìn thấy con cá. Con cá húc chiếc nệm tung lên không. Đầu, tay, vai, gần như toàn bộ khúc thân của cậu bé và phần lớn cái nệm chui tọt vào hàm cá, và quai hàm nó sập lại. Con cá vọt khỏi nước, bay về phía trước rồi đập bụng xuống, hàm nó nghiền thịt, xương, cao su lẫn lộn. Đôi chân cậu bé bị dứt rời khỏi thân, quay chầm chậm và chìm xuống đáy.
Người đàn ông đang chơi với đứa con bên mặt nước kêu lên:
- Ối!
Anh ta không tin vào mắt mình nữa, anh cứ nhìn mãi ra phía chỉ vừa mới đây vẫn còn cậu bé, rồi đưa mắt lên bờ, nhưng một đợt sóng phản hồi mạnh làm anh phải quay mặt ra ngoài khơi, chỉ có điều anh chẳng trông thấy gì ngoài những cơn sóng đã dấy lên và tản thành những vòng tròn.
- Con có nhìn thấy không? - anh ta hỏi to. - Con có nhìn thấy không?
- Cái gì hở bố? - đứa con sợ hãi giương mắt lên nhìn bố.
- Kia kìa! Cá mập, hoặc cá voi, hoặc cái gì đó nữa? Cái gì đó to lắm!
Mẹ cậu bé đang thiu thiu ngủ trên chiếc khăn mở mắt ra và hơi nheo mắt nhìn người đàn ông. Anh ta vừa nói cái gì đó với đứa con của anh vừa chỉ mặt nước, thế là đứa trẻ chạy lên cát tới đống quần áo. Người đàn ông đâm bổ đến chỗ người mẹ của cậu bé. Chị ngồi dậy và mãi vẫn chưa hiểu anh nói gì, nhưng anh cứ chỉ ra mặt nước; và chị lấy tay che mắt rồi nhìn ra đại dương. Chị không trông thấy gì cả và thoạt đầu chẳng ngạc nhiên một tí nào, nhưng bỗng chị sực nhớ ra: "Alex!"
*
Brody đang ăn trưa: gà rán, khoai tây nghiền nhừ và đậu.
- Lại khoai tây nghiền, - anh kêu lên, khi Ellen đặt đĩa trước mặt. - Em làm gì với anh thế?
- Em không muốn anh chết đói. Với lại anh có béo thì trông mới hợp.
Chuông điện thoại vang lên.
- Để em, - Ellen nói. Nhưng Brody đã đứng dậy. Bao giờ chả thế. Ellen thì sắp sửa bước lại máy điện thoại, nhưng người đi đến đó lại là anh. Cũng như khi chị quên một thứ gì đó dưới bếp. Chị nói, chẳng hạn là quên khăn ăn và sẽ đem ngay lên, nhưng cả hai người đều biết rằng anh sẽ đi lấy.
- Thôi, chắc là gọi cho anh đấy, - Brody nói.
Những lời anh nói là không chủ định, anh biết rằng người ta có thể gọi cho chị lắm chứ.
Đó là đồn cảnh sát gọi tới.
- Bixby đang nói đây, thưa thủ trưởng.
- Có việc gì thế, Bixby?
- Thủ trưởng tới đây nhé, thế thì tốt hơn.
- Để làm gì?
- Thủ trưởng ạ, chả là... - Rõ ràng Bixby không muốn trình bày chi tiết. Anh ta nói điều gì đó với người đứng bên cạnh, sau đó lại nói vào máy: - Ở đồn chúng ta có một phụ nữ, thủ trưởng ạ... Chị ta đang điên lên...
- Chuyện gì vậy?
- Đứa con của chị ta. Ở ngoài bãi tắm ấy.
Tim Brody thót lại.
- Đứa bé làm sao?
- Thưa... - Bixby lúng búng, sau đó nói lào thào: - Hôm thứ năm...
- Nghe đây, đồ dấm dớ.. - Brody chực nói nữa những bỗng chững lại ngay. Anh đã hiểu cả. - Tôi sẽ tới bây giờ, - và anh ngắt máy.
Anh thấy nôn nao như đang lên cơn sốt. Sự sợ hãi, ý nghĩ mình có lỗi và cơn giận dữ bất lực - tất cả hòa nhập vào thành một cơn đau nhói. Anh bỗng vỡ lẽ rằng anh đã bị lừa đảo và bị phản bội, và chính bản thân anh cũng thấy mình là kẻ lừa đảo và phản bội. Người ta đã dồn ép anh vào một việc bẩn thỉu. Anh đã trở thành một kẻ bù nhìn bạc nhược. Toàn bộ tội lỗi giờ đổ lên đầu anh, tuy không phải chỉ một mình anh có lỗi. Đó cũng là lỗi của Larry Vaughan và các bạn hàng của ông ta, cho dù thực ra có tồn tại bọn họ hay không. Anh muốn hành động tuân theo bổn phận, nhưng người ta không cho. Anh có còn là một cảnh sát viên nữa không, nếu như anh đã chịu nhún Vaughan? Lẽ ra anh phải đóng cửa các bãi tắm.
Giả sử anh đã đóng cửa các bãi tắm. Con cá chắc đã bỏ đi tới bờ biển mạn East Hampton chẳng hạn và đã tấn công một người nào đó ở đằng ấy. Nhưng anh đã không đóng cửa các bãi tắm, thế nên đứa trẻ mới chết. Rõ như ban ngày. Nguyên nhân và hậu quả. Brody bỗng thấy ghê tởm chính mình. Nhưng đồng thời anh lại thấy thương mình.
- Chuyện gì xảy ra thế? - Ellen hỏi.
- Một đứa trẻ vừa mới chết.
- Chết như thế nào?
- Lại cái con cá mập đáng nguyền rủa ấy.
- Trời! Giá như anh đóng cửa các bãi tắm...
Chị toan nói, nhưng lại im bặt.
- Ừ anh hiểu.
Khi Brody lái xe đến, Harry Meadows đã đợi anh ở bãi để ôtô đằng sau đồn cảnh sát. Ông ta mở cửa trước cửa ôtô và dúi cả thân hình to lớn của mình vào chỗ ngồi cạnh Brody.
- Sắp lắm chuyện đây, - Meadows nói.
- Ừ. Ai ở đằng kia thế, Harry?
- Một anh chàng ở báo "Times", hai người ở "Newsday", một người ở báo tôi. Còn có cả một phụ nữ. Và một người nữa là người khẳng định rằng dường như anh ta đã trông thấy mọi diễn biến.
- Làm sao mà bọn ở "Times" đã đánh hơi được?
- Không may thôi. Anh chàng của báo "Times" có mặt ở bãi tắm. Với anh ta còn có một tay của "Newsday". Cả hai đi nghỉ cuối tuần. Cho nên chuyện xảy ra là họ biết ngay.
- Chuyện xảy ra từ bao giờ?
Meadows nhìn đồng hồ.
- Mười lăm, hai mươi phút trước đây. Không hơn đâu.
- Họ có biết đến cô nàng Watkins không?
- Tôi nghĩ là không. Anh chàng ở báo tôi tất nhiên là có biết, nhưng anh ta khá khôn ngoan để không khua môi múa mép bừa bãi. Những người còn lại thì còn tùy ở việc họ đã nói chuyện với những ai. Vị tất họ đã lần ra. Chẳng qua họ không có thời gian.
- Sớm muộn gì họ cũng lần ra.
- Tôi hiểu, - Meadows nói. - Tôi sẽ bị đặt vào một tình thế khá gay go đây.
- Anh ấy à?! Anh cứ đùa.
- Nghiêm túc đấy, Martin ạ. Nếu có ai đó của báo "Times" đánh hơi được và chuyện này được đăng ở số báo ngày mai cùng với tin về vụ tấn công vừa rồi của cá mập, thì tờ "Leader" sẽ khốn đốn đấy. Tôi đang định sử dụng dịp này cứu lấy danh dự của tờ báo, ngay cả nếu như những người khác không buồn bận tâm đến.
- Anh định sử dụng nó như thế nào, hả Harry? Anh muốn viết gì?
- Hiện giờ tôi chưa rõ. Xin nói với anh là tôi đang ở vào một tình thế khá gay go.
- Thế anh định kết tội ai là kẻ đã mưu toan ỉm vụ này đi? Larry Vaughan chăng?
- Chưa hẳn.
- Tôi chăng?
- Ấy không, không đâu. Việc ai đã ra lệnh ỉm nó đi thì nói chung tôi sẽ không viết. Không có mưu mô thông đồng nào cả. Tôi muốn nói chuyện lại với Carl Santos. Nếu tôi thuyết phục được anh ta nói điều cần nói thì ta sẽ tránh được nhiều phiền toái.
- Nếu viết sự thật ra thì sao?
- Cái gì mới được chứ?
- Nếu viết ra mọi diễn biến thì sao? Rằng tôi đã muốn đóng cửa các bãi tắm và cảnh báo cho mọi người biết có sự nguy hiểm, nhưng các ủy viên tòa thị chính không đồng ý, và bởi vì tôi là thằng hèn, không giữ vững được ý kiến của mình để thực thi công vụ, nên tôi đã bị họ dắt mũi. Viết rằng các ông chủ địa phương đã quyết: không có cơ sở để gây hốt hoảng cho mọi người chỉ vì cái việc ở bờ biển Amity đã xuất hiện một con cá mập thích đớp trẻ con.
- Thôi đi, Martin. Cậu không có lỗi. Không ai có lỗi cả. Chúng ta đã quyết định, đã mạo hiểm và đã thua cuộc. Cả thảy chỉ có thế.
- Kinh thật. Giờ tôi chỉ còn mỗi một cách là đến nói với người mẹ đứa trẻ kia là: chúng tôi rất lấy làm tiếc, nhưng buộc phải hy sinh con trai chị cho trò chơi này như hy sinh quân bài ấy.
Brody ra khỏi xe và bước lại lối cửa sau vào đồn. Meadows đi phía sau. Brody dừng lại.
- Harry này, điều tôi muốn biết là trên thực tế ai đã quyết định như vậy? Anh bị phụ thuộc. Tôi bị phụ thuộc. Theo tôi thì ngay Larry Vaughan cũng không tự quyết định được mọi cái. Tôi cho rằng ông ta cũng phụ thuộc vào ai đó.
- Sao anh lại nghĩ vậy?
- Tôi có một số căn cứ. Anh có biết gì về những bạn hàng kinh doanh của ông ta không?
- Ông ta chẳng có bạn hàng nào cả.
- Điều ấy mới xui tôi suy ngẫm đấy. Thôi được, ta hãy... tạm quên chuyện đó đi. - Brody bước lên các bậc thang, Meadows theo sau. - Anh nên đi lối cửa chính thì hơn, Harry ạ... - Brody nói.
Brody qua cửa sau vào phòng làm việc của mình. Một người phụ nữ đang ngồi bên bàn, tay vò chiếc khăn mùi soa. Chị ta đi chân trần, áo choàng ngắn phủ lên bộ quần áo tắm không cài khuy. Brody lo âu nhìn chị, trong lòng lại trào lên cảm giác có lỗi. Anh không biết chị ta có khóc hay không, vì mắt chị bị che bởi chiếc kính râm to. Một người đàn ông đứng ở phía tường đối diện. Brody hiểu rằng đây chính là người dường như đã chứng kiến mọi diễn biến. Người đàn ông lơ đãng nhìn những tấm bằng khen của các tổ chức xã hội, những bức ảnh có hình Brody chụp với các vị khách tiếng tăm treo trên tường. Vị tất những cái đó có thể gây được nhiều hứng thú đối với một người khách lớn tuổi, nhưng có phải ai cũng trầm trồ chuyện đó vào lúc này với người phụ nữ đang mất trí vì đau khổ kia đâu.
Chưa bao giờ Brody có biệt tài an ủi con người, thế nên anh chỉ tự giới thiệu và lần lượt ra câu hỏi. Người phụ nữ nói rằng chị không trông thấy cá mập nào cả: cậu bé con trai chị vừa mới bơi trên nệm, thế mà bỗng dưng mất hút. "Tất cả những gì tôi trông thấy chỉ là những mảnh nệm". Giọng chị nhỏ nhẹ, đều đều. Người đàn ông thì kể rằng anh ta có trông thấy. Hay là anh ta chỉ trông gà hóa cuốc mà thôi.
- Tóm lại thực tế chưa ai nhìn thấy cá mập, - Brody kết luận, đâu đó tận đáy lòng anh vẫn còn le lói hy vọng.
- Thế thì còn có cái gì vào đây được nữa? - người đàn ông hỏi.
- Thiếu gì cái, - Brody tự dối mình, cũng như dối người. Anh vẫn thầm hy vọng sẽ có một giả thuyết nào đó ít nhiều hợp lý. - Cũng có thể cái nệm bị xì hơi và cậu bé bị chìm.
- Thằng Alex nhà tôi bơi khá lắm, - người phụ nữ bác lại. - À... nó đã bơi...
- Thế còn sóng cồn là nghĩa làm sao? - người đàn ông nói.
- Thằng bé có thể vùng vẫy dưới nước.
- Thế mà nó lại không kêu!
Brody hiểu rằng cái giả thuyết ấy không xuôi tai. Anh nói:
- Thôi được. Dù thế nào đi nữa thì ta cũng sẽ sớm biết nguyên nhân thôi.
- Ông nói thế là ý thế nào ạ? - người đàn ông hỏi.
- Những người chết dưới nước thường bị dạt vào bờ. Còn nếu bị cá mập tấn công thì sẽ rõ ngay thôi. - Người phụ nữ rũ vai xuống, khiến Brody tự rủa mình thiếu tế nhị. - Xin lỗi chị, - anh nói. Người đàn bà lắc đầu và bật lên tiếng khóc.
Brody yêu cầu hai người hãy đợi anh trong phòng làm việc, còn anh bước ra phòng khách phía ngoài. Meadows đang đứng ở cửa, lưng tựa vào tường và bị một thanh niên cao lớn, cân đối, đứng bên cạnh hỏi tới tấp. Phóng viên tờ "Times" đây, Brody nghĩ bụng. Anh thanh niên đi đôi xăng đan, mặc quần bơi và khoác chiếc áo cộc tay có in hình cá sấu trên ngực ở phía bên trái. Biểu trưng ấy gây ngay cho Brody một cảm giác khó chịu đối với người phóng viên.
Thời trẻ, đối với Brody những chiếc áo như thế có vẻ gì đó như là tượng trưng cho sự giàu có và địa vị cao trong xã hội. Tất cả những người đi nghỉ đều mặc những chiếc áo ấy. Brody cứ nằng nặc đòi mẹ mãi, cuối cùng, mẹ anh đã phải mua cho anh "cái áo phông hai đôla với hình con thằn lằn sáu đôla", như lời bà nói. Khi đã mặc chiếc áo ấy rồi anh thấy những người đi nghỉ vẫn thờ ơ bước lướt qua anh như trước kia, chẳng coi anh vào đâu cả, thì anh cũng thấy bị xúc phạm. Anh giật con cá sấu khỏi túi áo, và đem áo ra để lau chiếc máy cắt cỏ - mùa hè anh kiếm thêm bằng việc cắt cỏ. Mới đây Ellen đã mua dăm chiếc áo dài đắt tiền cũng của công ty ấy; vị tất họ đã dám cho phép mình tiêu tiền vào những con cá sấu nọ, chẳng qua Ellen hy vọng rằng điều đó sẽ giúp chị quay trở lại môi trường mà chị vốn xuất thân. Có hôm Brody - bất ngờ ngay cả với chính mình - đã nhiếc Ellen về chuyện mua "cái áo dài mười đôla với con thằn lằn hai mươi đôla".
Hai người đàn ông ngồi trên chiếc ghế dài là phóng viên tờ "Newsday". Một người mặc quần bơi, người kia mặc áo vét và quần thể thao. Tay phóng viên của Meadows - hình như tên là Nat - thì ngồi ghé vào mép bàn và đang tán chuyện với Bixby. Trông thấy Brody, họ ngừng nói.
- Tôi có thể giúp gì được các vị? - Brody hỏi.
Anh thanh niên đang đàm luận với Meadows bước một bước về phía trước và nói:
- Tôi là Bill Whitman của "New York Times".
"Vinh dự biết ngần nào!" - một ý nghĩ thoáng trong đầu Brody.
- Tôi đã ở ngoài bãi tắm.
- Vậy ông đã trông thấy gì ở ngoài đó?
- Tôi cũng đã ở ngoài ấy, - một trong hai ký giả của tờ "Newsday" chen vào - mà chẳng trông thấy gì cả, trừ cái anh chàng hiện giờ đang ngồi trong phòng làm việc của ông. Có lẽ anh ta có trông thấy cái gì đó.
- Vâng, có thể thật, - Brody nói, - chỉ có điều chính anh ta cũng không rõ đó là cái gì.
- Ông định viết gì vào biên bản, - cá mập tấn công chăng? - phóng viên "Times" hỏi.
- Hiện giờ tôi chưa định viết gì cả và cũng muốn khuyên các ông đừng vội làm gì cả cho đến khi nào mọi việc sáng tỏ.
Tay phóng viên "Times" khúc khích cười.
- Thôi xin đủ, thưa thượng cấp. Ngài muốn gọi đó là sự mất tích bí hiểm hay sao? Một cậu bé bị lạc ngoài đại dương?
Brody cố sức kiềm chế để khỏi đáp lại lời khích bác của tay phóng viên nọ.
- Ông nghe này, ông Whitman, - họ ông là Whitman, nếu tôi không nhầm? - Chúng ta chưa có nhân chứng nào nhìn thấy cái gì, ngoài cơn sóng cồn. Người đang ngồi trong phòng làm việc của tôi cam đoan rằng ông ấy đã nhìn thấy một vật thể lớn màu bạc và theo ý kiến của ông ấy thì đó có thể là cá mập. Ông ta nói rằng trong đời chưa bao giờ trông thấy cá mập cả, cho nên lời nói ông ta không thể là kết luận của một chuyên gia được. Chúng ta không thấy có thi thể, không có bằng chứng về việc cậu bé bị cá mập tấn công... Chúng ta chỉ biết rằng cậu bé đã mất tích. Có thể cậu ấy bị chết đuối. Biết đâu cậu ta bị chuột rút hay bị lên cơn lên kiếc gì đó. Mà cũng có thể cậu ta bị một con cá nào đó, một sinh vật nào đó, thậm chí một con người nào đó nếu giả định cho đến cùng, tấn công. Mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhưng hiện giờ chúng ta chưa nhận được...
Tiếng bánh xe xiết trên sỏi ở bãi đỗ xe công cộng trước đồn làm Brody bỏ dở câu nói. Cửa xe kêu sầm một tiếng, và Len Hendricks lao như bay vào đồn. Trên người anh chỉ độc chiếc quần bơi. Thân anh lấm tấm dính những hạt cát xám nhạt, đồng màu với cốc cà phê nhựa. Anh ta dừng lại giữa phòng khách.
- Thưa thủ trưởng...
- Cậu mới tắm về đấy à, Leonard? - Brody, sửng sốt vì hình dạng anh ta, bèn hỏi.
- Lại một vụ tấn công nữa! - Hendricks hổn hển thốt ra.
Tay phóng viên "Times" hoạt bát hẳn lên:
- Thế vụ đầu tiên là từ bao giờ?
- Chúng tôi vừa mới bàn đến nó, Leonard ạ, - Brody nói. - Tôi không muốn một ai đưa ra những kết luận hấp tấp, trước khi chúng ta có thể nắm chắc là chuyện gì đã thực sự xảy ra. Mẹ kiếp, cậu bé có thể chết đuối được lắm chứ.
- Cậu bé? - Hendricks hỏi lại. - Cậu bé nào? Đây là một người đàn ông, một cụ già. Vừa mới cách đây năm phút. Ông cụ xuống nước bơi rồi bỗng kêu rú lên, đầu chúi xuống dưới nước, rồi lại nổi lên, ông cụ kêu tiếp một tiếng gì đó rồi lại biến mất dưới nước. Nước xung quanh xáo động lên và đỏ màu máu. Con cá mập lùi lại rồi lại lao vào nạn nhân, lại lùi lại rồi lại lao vào. Cả đời tôi chưa trông thấy một con cá nào to đến thế, như cái ô tô hòm ấy. Tôi đi xuống nước tới ngang thắt lưng và cố vươn tay tới cụ già, nhưng con cá vẫn cứ xông vào ông già. - Hendricks ngừng nói, mắt chăm chăm nhìn xuống sàn. Anh thở một cách khó khăn, ngắt quãng. - Cuối cùng nó mới chịu rời ra, chắc là nó bỏ đi rồi, tôi cũng không rõ. Tôi lại gần chỗ cụ già thì thấy ông cụ nằm sấp mặt xuống nước. Tôi nắm lấy tay ông cụ kéo lên.
- Rồi sao nữa? - Brody hỏi.
- Cánh tay còn trơ lại trên tay tôi. Hình như con cá đã cắn đứt nó, chỉ còn dính lủng lẳng một tí thôi. - Hendricks ngẩng đầu lên. Mắt anh đỏ lựng vì khủng khiếp và mệt lử.
- Cậu có bị lợm giọng không? - Brody hỏi.
- Không ạ.
- Cậu đã gọi xe cấp cứu chưa?
Hendricks chán nản lắc đầu.
- Xe cấp cứu à? - anh chàng phóng viên tờ "Times" ngạc nhiên. - Thật chẳng khác nào mất bò mới lo làm chuồng.
- Ông im đi, ông lõi đời ạ,.- Brody lên tiếng. - Bixby, gọi điện ngay đến bệnh viện xem nào. Leonard, tôi có thể trông cậy ở cậu được chứ? - Hendricks gật đầu. - Thế thì hãy mặc quần áo vào và đi tìm mấy tấm biển đề chữ "Bãi tắm đóng cửa".
- Ta cũng có những tấm biển ấy cơ ạ?
- Tôi không rõ. Chắc là nằm ở đâu đấy. Có thể trong kho cạnh các tấm biển "Tài sản riêng. Cảnh sát trông nom". Nếu không có thì đành phải làm lấy vài chiếc vậy. Dù thế nào đi nữa, cũng phải đóng cửa cái bãi tắm chết tiệt kia lại.
Sáng thứ hai Brody đến làm việc ngay sau bảy giờ.
- Đem đến chưa? - anh hỏi Hendricks.
- Ở trên bàn thủ trưởng ấy ạ.
- Có gì không? Thôi được, để tôi sẽ xem...
- Thủ trưởng không phải tìm lâu đâu.
Số báo "New York Times" mới đang nằm trên bàn Brody. Trên trang nhất, ở cột cùng bên phải gần như ở tít phía dưới anh đọc thấy đầu đề:
"CÁ MẬP ĂN THỊT NGƯỜI. HAI NẠN NHÂN Ở LONG ISLAND".
Brody chửi tục rồi đọc tiếp:
"WILLIAM F. WHITMAN, ĐẶC PHÁI VIÊN CỦA "NEW YORK TIMES".
Amity, Long Island, 20 - 6. Một cậu bé sáu tuổi và một người đàn ông sáu mươi lăm tuổi hôm nay đã trở thành nạn nhân của cá mập - cả hai vụ đã diễn ra trong vòng một giờ gần bãi tắm của khu nghỉ mát này.
Tuy chưa tìm thấy thân thể của cậu bé Alexander Kintner, các nhà chức trách đã tuyên bố rằng không còn nghi ngờ gì nữa cậu ta đã bị cá mập tấn công. Nhân chứng Thomas Daguerre từ New York đến xác nhận rằng dường như đã trông thấy một cái gì đó to lớn màu bạc nhảy lên khỏi mặt nước, lao đến cậu bé cùng chiếc nệm căng phồng của cậu ta và lại đập mình xuống nước.
Điều tra viên của Amity, Carl Santos thông báo rằng những vết máu phát hiện được trên các mảnh nệm bắt được sau đó, cho phép kết luận rằng cậu bé đã chết vì bị bạo hành.
Không dưới mười lăm người đã chứng kiến ông Morris Cater, sáu mươi lăm tuổi, bị tấn công vào hồi hai giờ trưa cách chỗ cậu bé Kintner bị lâm nạn có một phần tư dặm.
Cater bơi hết sức gần bờ thì bị cá mập bất thình lình tấn công. Ông đã kêu cứu, nhưng mọi nỗ lực của ông đều không đạt kết quả. "Tôi đã bước xuống nước đến ngang thắt lưng và cố kéo ông già lên, - cảnh sát viên Leonard Hendricks lúc đó có mặt ở bãi tắm, kể, - nhưng con cá cứ xông vào ông già mấy lần".
Cater, thương nhân bán buôn các đồ kim hoàn, đã được chở đến bệnh viện Southampton, tại đó cái chết của ông đã được chính thức ghi nhận. Trong hai thập kỷ vừa qua, đây là những trường hợp cá mập tấn công người ở vùng duyên hải miền Đông duy nhất được chính thức xác nhận.
Theo lời tiến sĩ David Dieter, nhà ngư học của Trung tâm nuôi cá New York trên đảo Coney, rất có lý để giả định rằng cả hai vụ tấn công đều do một con cá mập thực hiện, tuy khẳng định điều này hoàn toàn chắc chắn thì rất khó.
Dieter nói: "Vào thời gian này trong năm ở vùng nước ấy rất ít cá mập. Nói chung cá mập hiếm khi bơi vào gần bờ như thế. Và xác suất rằng ở một bãi tắm gần như đồng thời có hai con cá mập tấn công người là hết sức nhỏ".
Sau khi biết rằng một nhân chứng khi mô tả con cá mập tấn công Cater đã ví: "To như chiếc ô tô hòm ấy", Dieter đã tuyên bố rằng có lẽ đó là cá mập lớn Carcharodon carcharias. Chúng nổi tiếng trên thế giới về tính tham lam và hung hãn.
Năm 1916, - ông nói tiếp, - cá mập trắng lớn đã cho sang thế giới bên kia trong một ngày bốn người tắm ở bờ biển New Jersey. Đây là trường hợp thứ hai được ghi nhận tại Hoa Kỳ trong thế kỷ này, khi mà một con cá mập tấn công đồng thời một lúc vài người. Bị cá mập tấn công, Dieter nói, cũng là một tai họa hãn hữu như sét đánh vào nhà. Có nhiều khả năng là cá mập chỉ bơi ngang qua. Ngày hôm đó đẹp trời, người đi tắm đông mà nó thì lại ở gần ngay đó. Tất cả sự việc ấy chỉ là thuần túy ngẫu nhiên".
Amity là một khu nghỉ mùa hè ở ven biển phía Nam Long Island, nằm quãng giữa Bridgehampton và East Hampton dân số khoảng một nghìn người. Vào dịp hè số người ở đây lên đến mười nghìn."
Đọc xong bài báo, Brody đặt tờ báo xuống bàn. Sự ngẫu nhiên, thằng cha Dieter này cho là sự ngẫu nhiên thuần túy. Ông ta sẽ nói sao, nếu như biết cả đến vụ tấn công đầu tiên? Chả lẽ cũng cứ khẳng định phứa rằng đó là sự ngẫu nhiên thuần túy? Hay sẽ gọi đó là thói vô trách nhiệm, không tha thứ được, đến mức tội lỗi? Đã chết mất ba người, mà đáng ra hai người trong số đó hãy còn sống, chỉ cần nếu như anh...
- Anh đã đọc "Times" chưa? - Meadows hỏi. Ông ta đã đứng ở cửa.
- Đọc rồi. Bọn họ chưa biết gì về vụ Watkins cả. Ừ. Kể cũng lạ: chính cậu Len[16] lúc ấy đã buột miệng ra.
- Nhưng anh thế nào cũng phải nhắc đến cô ta.
- Đúng rồi. Tôi buộc phải làm vậy. Đây này, - Meadows chìa ra cho Brody số báo "Leader" của Amity.
Đầu đề chạy suốt tờ báo:
"HAI NGƯỜI ĐÃ TRỞ THÀNH NẠN NHÂN CỦA CON CÁ MẬP TÁC YÊU TÁC QUÁI Ở VEN BIỂN AMITY".
Phía dưới là đầu đề con với khổ chữ nhỏ hơn:
"SỐ NẠN NHÂN CỦA CON CÁ GIẾT NGƯỜI ĐÃ LÊN ĐẾN BA".
- Quả là anh cũng biết đưa tin đấy nhỉ, Harry.
- Hãy đọc đi.
Brody bắt đầu đọc:
"Hôm qua ở Amity hai người đi nghỉ đã trở thành nạn nhân của cá mập ăn thịt người. Họ bị tấn công khi đang nhởn nhơ bơi trong nước lạnh gần đường Scotch.
Alexander Kintner, 6 tuổi, sống với mẹ ở nhà của Richard Packer đã là nạn nhân đầu tiên. Cậu bé bơi trên nệm hơi, và cá mập lao đến cậu ta từ phía dưới. Chưa tìm thấy thi thể của cậu.
Chưa đầy nửa giờ sau, Morris Cater, 65 tuổi, đến nghỉ cuối tuần ở Amity và sống ở khách sạn "Biểu trưng của Abelard" đã bị cá mập tấn công khi đang bơi gần bãi tắm của thị trấn.
Con cá khổng lồ liên tiếp xông vào Cater, và ông đã kêu cứu. Cảnh sát viên Len Hendricks, tình cờ có mặt ở bãi tắm (anh đã quyết định tắm cho thỏa thích lần đầu tiên sau năm năm trời), đã cố gắng đến mức tuyệt vọng để kéo Cater ra, nhưng con cá mập không chịu lui. Khi Cater được lôi lên khỏi nước thì ông đã chết.
Trong vòng năm ngày qua đây là trường hợp thứ ba bị cá mập tấn công ở bờ biển Amity dẫn đến sự thiệt mạng.
Đêm hôm thứ tư trước đó cô Christine Watkins, trọ ở gia đình ông bà Foote (đường Old Mill) đã đi tắm biển và mất tích. Sáng thứ năm cảnh sát trưởng Martin Brody và cảnh sát viên Hendricks đã phát hiện thấy thi thể của cô Watkins. Theo lời tuyên bố của điều tra viên Carl Santos, "nguyên nhân của cái chết là bị cá mập tấn công, không thể có ý kiến nào khác được".
Về câu hỏi tại sao không loan báo trên báo về nguyên nhân cái chết thì Santos không trả lời".
Brody nhìn lướt trên mặt báo rồi hỏi:
- Santos không chịu trả lời thật à?
- Không phải. Anh ta bảo rằng chỉ nói với anh và với tôi thôi, anh ta không cho rằng mình có quyền tuyên bố công khai mọi chuyện. Anh hiểu đấy, tôi không thể hài lòng với câu trả lời kiểu đó được. Vì nếu thế thì người ta sẽ trút tội lên đầu anh và đầu tôi. Tôi đã hy vọng là có thể lái anh ta nói đại loại như là gia đình cô Watkins yêu cầu giữ bí mật về nguyên nhân cái chết. Nhưng anh ta lại không muốn. Điều ấy cũng dễ hiểu thôi.
- Vậy thì lúc ấy anh làm gì?
- Tôi cố gắng liên lạc với Larry Vaughan, nhưng ông ta đã rời thị trấn đi nghỉ cuối tuần rồi. Ông ta mới là người trình bày giả thuyết chính thức tốt hơn ai hết.
- Không tìm thấy ông ta, anh đã làm gì?
- Thì cứ đọc đi.
"Một điều dễ hiểu là cảnh sát Amity và các nhà chức trách địa phương, xuất phát từ lợi ích của những người đang sống trong thị trấn đã quyết định không loan báo sự việc này. "Người ta sẽ phản ứng kịch liệt lắm, nếu biết có cá mập tấn công", - một trong số các ủy viên tòa thị chính đã nói. - Chúng tôi không muốn gieo rắc sự kinh hoàng. Hơn nữa chúng tôi đã được biết ý kiến của một chuyên gia: xác suất lặp lại vụ tấn công là vô cùng nhỏ".
- Cái tay ủy viên tòa thị chính không giữ mồm giữ miệng này là ai thế? - Brody hỏi.
- Là tất cả mà cũng chẳng là ai, - Meadows đáp. - Về thực chất thì tất cả bọn họ đều nói ra điều ấy nhưng tất nhiên ta sẽ không nêu tên họ ra.
- Vậy tại sao các bãi tắm không bị đóng cửa? Có ai nói vấn đề này không?
- Anh nói chứ ai.
- Tôi?
"Trả lời câu hỏi, tại sao các bãi tắm không bị đóng cửa, một khi đã phát hiện ra cá mập ăn thịt người ở ven biển, cảnh sát trưởng Brody nói: "Đại Tây Dương lớn lắm, các loài cá dễ thay đổi chỗ ở. Chúng không nán lại lâu ở chỗ nào ít thức ăn. Chúng ta phải hành động như thế nào bây giờ? Đóng cửa các bãi tắm ở Amity ư? Lúc ấy người ta sẽ kéo đến East Hampton và tắm ở đấy, thế thì cũng nguy hiểm chả kém gì tắm ở Amity cả".
Thế nhưng sau những sự kiện ngày hôm qua, cảnh sát trưởng Brody đã phát lệnh đóng cửa các bãi tắm cho đến khi nào có chỉ thị đặc biệt".
- Trời ơi, Harry, - Brody thốt lên, - anh đổ hết tội lên tôi rồi. Anh trình bày sự việc như thể rằng tôi cứ khăng khăng cái điều mà thực tế tôi không hề khăng khăng tí nào. Rồi làm như là tôi sai và người ta buộc tôi làm cái việc mà chính tôi đã nhất quyết ủng hộ ngay từ đầu. Một trò ảo thuật khá bẩn thỉu.
- Đây không phải là ảo thuật. Tôi cần một người có lời phát biểu chính thức, mà tại vì Vaughan đã đi vắng rồi nên tôi chọn anh vậy. Thì anh đã chẳng đồng ý với quyết định này là gì và như vậy - dù muốn hay không - là anh đã ủng hộ quyết định ấy. Tôi không thấy ý nghĩa của việc đem phơi bày trước thiên hạ toàn bộ những câu chuyện giữa chúng ta với nhau.
- Có lẽ cũng không cần thiết phải làm thế thật. Dù thế này hay thế khác, đó là việc đã rồi. Tôi còn phải đọc cái gì nữa đây?
- Thực tình thì chẳng còn gì phải đọc nữa. Tôi còn dẫn lời của Matt Hooper, cái anh chàng ở Woods Hole ấy. Anh ta bảo: ít có khả năng là cá mập sẽ tấn công người nào nữa lắm. Nhưng anh ta nói không được tự tin như lần trước.
- Anh ta cho rằng gần bờ biển chúng ta chỉ có một con cá mập lượn lờ?
- Ừ anh ta thiên về ý nghĩ là chỉ có một. Và đấy là một con cá lớn.
- Tôi cũng cho là như thế. Tôi muốn nói rằng nó có màu trắng, màu xanh lá cây hay xanh lơ thì đối với tôi cũng thế cả, nhưng tôi nghĩ vẫn chỉ có một con cá mập ấy thôi.
- Tại sao?
- Tôi xin thử giải thích. Trưa hôm qua tôi đã gọi điện cho lực lượng cảnh vệ bờ biển ở Montauk. Tôi hỏi họ xem thời gian gần đây họ có trông thấy cá mập ở gần bờ không. Họ trả lời là không. Suốt cả mùa xuân không thấy có một con nào cả. Điều ấy cũng không có gì lạ vì mùa hè chỉ vừa mới bắt đầu. Họ hứa rằng sẽ cho canô đi dọc bờ và sẽ báo cho tôi biết nếu họ phát hiện được gì. Nhưng rồi tôi vẫn gọi điện lại cho họ. Họ bảo rằng đã tuần tra ở khu vực chúng ta khoảng hai tiếng đồng hồ nhưng không thấy gì khả nghi cả. Nghĩa là, ở đây ít cá mập. Họ còn nói rằng nếu có cá mập bơi vào đây thì đó chủ yếu là cá mập xanh lơ cỡ trung bình - từ năm đến mười bộ - và cá mập cát, thường không động đến người. Từ lời kể của Leonard có thể suy ra là anh ta trông thấy hoàn toàn không phải cá mập xanh lơ cỡ trung bình.
- Hooper nói rằng chúng ta có thể làm như sau: Bây giờ, khi anh đã cho đóng cửa các bãi tắm rồi, chúng ta có thể nhử nó. Chỉ cần ném xuống nước ruột cá và các đồ ngon miệng khác. Nếu con cá bơi gần đấy, anh ta bảo, thì nó sẽ theo vào đây ngay.
- Một ý nghĩ tuyệt vời, chỉ có điều dử nó vào đây còn chưa đủ. Nếu nó ló mặt vào rồi thì sao nào? Khi đó ta sẽ làm gì?
- Sẽ bắt nó.
- Bắt bằng gì? Bằng cái dây câu quăng đã gỉ của tôi ư?
- Không, ta sẽ phóng lao.
- Phóng lao? Harry ơi, đến các canô tuần tiễu tôi cũng không có, chứ đừng nói đến cái tàu có bộ lao xiên cá.
- Ở đây dân chài đông vô kể, có thể thuê thuyền của họ.
- Ừ nhưng tối thiểu một trăm năm mươi đôla một ngày.
- Đúng rồi. Nhưng mà... - có tiếng ồn ở phòng ngoài làm cắt ngang lời Meadows.
Ông ta và Brody nghe tiếng Bixby: "Thưa bà, tôi đã nói với bà rằng ông ấy đang họp". Sau đó một giọng phụ nữ vang lên: "Mặc kệ. Tôi đếch cần biết ông ấy đang làm gì. Thế nào thì thế tôi vẫn cứ vào".
Có ai đó chạy ngoài hành lang. Đầu tiên là một, sau là hai người. Cửa phòng làm việc của Brody mở toang ra, đứng trong khung cửa là người mẹ của Alexander Kintner - tay nắm chặt tờ báo, những giọt lệ đang tuôn trên má bà.
Một khoảnh khắc sau đó Bixby xuất hiện ở cửa. Anh ta nói:
- Xin lỗi thủ trưởng. Tôi đã cố gắng ngăn chị ta lại.
- Không hề gì, Bixby ạ, - Brody trả lời. - Mời chị Kintner vào đây.
Meadows đứng dậy chìa ghế cho chị, nhưng người đàn bà tiến thẳng đến chỗ Brody, lúc này đang đứng sau bàn.
- Tôi có thể giúp gì...
Người phụ nữ lấy tờ báo đập vào mặt anh. Brody không đau, nhưng cú đánh này, và nhất là âm thanh đanh như tiếng súng của nó làm anh bàng hoàng. Tờ báo rơi xuống đất.
- Thế này nghĩa là thế nào? - bà Kintner thét lên. - Thế này là thế nào?
- Chị nói cái gì cơ? - Brody hỏi.
- Nói cái chuyện được đăng ở đây này! Anh đã biết rằng tắm là nguy hiểm, rằng có người đã bị cá mập xé xác, vậy mà còn giấu?
Brody thấy khó xử. Điều chị ta nói là sự thật, tất cả là sự thật, xét theo quan điểm chính thức thì không phủ nhận được, nhưng anh không thể đồng ý với nó, bởi vì đó không phải là toàn bộ sự thật.
- Không hẳn là thế, - anh đáp. - Tôi muốn nói: những điều chị nói là sự thật, nhưng... xin chị, chị Kintner... - Anh thầm cầu mong chị ta tự chủ lại và lắng nghe anh nói.
- Anh đã giết thằng Alex! - chị ta kêu lên như xé ruột. Brody đinh ninh rằng tiếng kêu của chị vang tới tận bãi đỗ ôtô, vang ra ngoài phố, tới trung tâm thị trấn, vang khắp Amity. Anh đinh ninh rằng cả vợ anh, cả con cái anh đều nghe thấy. Và anh nhủ thầm: "Phải chặn chị ta lại, không khéo chị ta còn kêu nữa". Nhưng cái điều duy nhất anh thốt ra được lại là: "Su-ỵ-t!".
- Anh! Anh đã giết nó! - chị ta lại gào lên. Nắm tay ghì chặt, chị nghiêng đầu và rướn cả người về phía trước, mỗi một lời của chị như con dao găm xuyên vào Brody: - Việc này anh không xong với tôi đâu!
- Xin chị, chị Kintner, - Brody hạ giọng thì thào, - hãy bình tĩnh. Hãy để cho tôi giải thích đã. - Anh chạm tay vào vai chị, định ấn chị ngồi xuống ghế, nhưng chị ta nhảy phắt sang một bên.
- Bỏ cái tay bẩn thỉu của anh ra! - chị ta lại kêu lên. - Anh đã biết? Anh đã biết hết cả, nhưng lại không muốn nói gì. Bây giờ thì thằng bé của tôi, thằng bé vàng ngọc của tôi, đứa con của tôi... - Toàn thân chị rung lên vì cơn thịnh nộ, còn trên má những giọt lệ to đang chảy rân rấn. - Anh đã biết? Tại sao anh không thông báo? Tại sao? - Chị vòng tay lên vai, như thể chị lúc này phải khoác chiếc áo trói bó người lại, rồi nhìn thẳng vào mắt Brody. - Tại sao?
- Tại là vì... - Brody bắt đầu một cách khó nhọc. - Câu chuyện này dài dòng lắm. - Anh có cảm tưởng như mình bị thương, rằng anh sắp sửa ngã nhào xuống đất hệt như bị bắn. Anh không biết có thể giải thích được gì cho chị ta, thậm chí không rõ anh có thể cất lên được lấy vài lời hay không.
- Tôi thừa biết là nó dài rồi, - người phụ nữ lại nói. - Ôi, anh là một kẻ khủng khiếp. Anh là một kẻ khủng khiếp, khủng khiếp… Anh…
- Đủ rồi! - Brody kêu lên, vừa sẵng giọng lại vừa cầu khẩn. Người phụ nữ không nói nữa. - Chị Kintner, chị nghe tôi nói này, chị bị nhầm đấy. Mọi sự không phải như thế. Chị cứ hỏi ông Meadows đây mà xem.
Meadows, choáng người bởi cảnh tượng này, chỉ im lặng gật đầu.
- Tất nhiên, ông ta sẽ xác nhận. Tội gì ông ta không xác nhận? Ông ta là bạn anh, có phải không? Có thể ông ta còn ủng hộ anh nữa là khác. - Cơn giận lại bùng lên trong chị ta. - Có lẽ hai người các ông đã thông đồng quyết định tất cả. Như thế chả dễ hơn mà. Vụ này các ông vớ bẫm chứ?
- Vụ nào?
- Các ông đã nhận được tiền vì máu của con trai tôi? Có kẻ đã trả cho các ông để các ông giữ im lặng?
- Trời ơi, chị nói gì vậy! Dĩ nhiên là không có chuyện ấy rồi.
- Thế thì tại sao? Hãy nói cho tôi hay, tại sao các ông im lặng? Tôi sẽ trả tiền cho các ông. Chỉ cần các ông nói cho tôi biết tại sao?
- Chúng tôi không nghĩ rằng việc đó lại có thể xảy ra lần nữa.
Brody ngạc nhiên với cả chính mình là anh biết ăn nói mạch lạc đến thế. Gọi đúng được lý do đích thực.
Người đàn bà im lặng một lúc, để nhận thức ý nghĩa của điều vừa nói. Hình như chị thầm nhắc lại lời Brody.
- Trời ơi! - chị ta thốt lên.
Sức lực như bỗng dưng rời khỏi chị. Chị ngã vật xuống ghế cạnh Meadows rồi khóc òa lên, vừa nức nở nấc lên như động kinh vừa rùng rùng toàn thân.
Meadows cố gắng dỗ chị, nhưng chị không chịu nghe. Brody sai Bixby gọi bác sĩ. Ông bác sĩ bước vào phòng, lắng nghe những lời giải thích của Brody, thử cố nói dăm lời với Kintner, nhưng chị chẳng có phản ứng gì cả, dường như chị chẳng trông thấy, chẳng nghe thấy gì hết. Bác sĩ đã tiêm một liều an thần, và viên cảnh sát đã giúp ông đưa Kintner lên xe - chị ta được chở đến bệnh viện.
Khi họ đã đi khỏi, Brody nhìn đồng hồ.
- Còn chưa đến chín giờ. Chưa bao giờ tôi thèm uống một cái gì đó như bây giờ…
- Nếu anh không phản đối, - Meadows đề nghị, - thì trong phòng làm việc của anh có uýt-xki đấy.
- Không được. Nếu sự việc hôm nay cứ diễn biến như thế này, thì tôi cần có một cái đầu tỉnh táo.
- Xin anh đừng quá bận lòng đến những lời nói của chị ta: một cơn loạn thần kinh điển hình đấy mà.
- Tôi biết rõ rồi, Harry ạ. Bất cứ một bác sĩ nào cũng sẽ nói chị ta ở trong trạng thái tâm thần bất ổn. Nhưng sự việc không phải ở mấy lời nói. Những lời ấy có thể khác, nhưng bản chất thì vẫn thế. Chính tôi đã nghĩ đến chuyện này.
- Đừng nghĩ nữa, Martin. Anh đã biết rồi đấy: đâu phải lỗi tại anh.
- Phải, không phải lỗi tại tôi. Tôi có thể lên án Larry Vaughan. Hoặc là có thể lên án anh. Nhưng hai cái chết ngày hôm qua lẽ ra có thể ngăn ngừa được. Tôi đã có thể ngăn ngừa, nhưng lại không làm điều đó. Đầu đuôi là thế đấy.
Chuông điện thoại réo. Nhưng ở phòng bên người ta đã trả lời, rồi sau đó trên loa đàm thoại vang lên: "Ông Vaughan".
Brody ấn cái nút có đèn sáng, nhấc ống nghe lên và nói:
- Chào anh Larry. Thế nào, nghỉ cuối tuần tốt đẹp chứ?
- Mọi việc đều tốt đẹp cho đến mười một giờ đêm hôm qua, - Vaughan trả lời, - đến cái lúc tôi bật rađiô trong xe trên đường về nhà. Tôi đã toan gọi điện thoại ngay cho anh, nhưng rồi nghĩ rằng không có cú điện thoại của tôi thì anh cũng đã có một ngày vất vả rồi, cho nên tôi mới không khua động anh vào giờ giấc muộn như vậy.
- Cái quyết định ấy của anh thì có lẽ tôi có thể tán thành được.
- Đừng làm tình làm tội nữa, Martin. Chưa cần làm thế tôi cũng đã nôn nao khó chịu rồi.
Brody muốn hỏi: "Thực thế ư, Larry?" Anh những muốn khiến Vaughan phải dằn vặt vì bị lương tâm cắn rứt. Nhưng anh hiểu là việc đó không hoàn toàn công bằng và cũng không dễ thực hiện được cho lắm. Thành thử anh chỉ nói:
- Tôi hiểu.
- Sáng hôm nay tôi đã hủy hai hợp đồng. Mất một khoản tiền lớn. Hợp đồng với những người bề thế. Họ đã ký rồi, tôi bèn bảo họ là tôi có thể đi kiện họ đấy. Họ đáp rằng đấy là việc của tôi, rồi kéo nhau đi ở chỗ khác. Tôi đâm sợ trả lời các hồi chuông điện thoại. Tôi còn hai chục cái nhà nữa chưa có hợp đồng thuê vào tháng tám.
- Tôi cũng muốn an ủi anh điều đó, nhưng sợ là còn tồi tệ hơn thế này nữa kia.
- Anh nói thế nghĩa là thế nào?
- Là các bãi tắm sẽ đóng cửa.
- Anh định đóng cửa trong bao lâu?
- Còn chưa rõ. Để xem cần bao lâu. Năm ngày hoặc hơn.
- Anh có biết rằng ngày Quốc khánh mồng bốn tháng bảy là vào cuối tuần sau không?
- Tất nhiên là biết.
- Hy vọng một mùa hè thuận lợi thế là tan tành rồi, nhưng ta còn có thể cứu vãn được, ít ra là vào tháng tám, nếu ngày lễ này trôi qua êm đẹp.
Brody không hiểu là Vaughan đang nói chuyện nghiêm túc hay không.
- Thế anh đề xuất cái gì, hả Larry?
- Chẳng đề xuất gì cả. Tôi chỉ nói ý nghĩ của mình lên thành lời thôi. Hoặc, nếu muốn nói hơn nữa, là đang cầu nguyện. Vậy là anh định đóng cửa các bãi tắm trong mấy ngày? Hay là, nói chung anh sẽ không đóng cửa? Làm sao anh biết được rằng con cá quỷ quái kia đã bỏ đi hay chưa?
- Tôi không có thời gian để nghĩ đến tất cả chuyện này. Đến việc tại sao nó lại ở đây tôi cũng không biết nữa là. Cho phép tôi hỏi anh một vài chuyện. Chẳng qua vì tò mò mà thôi.
- Cứ hỏi đi.
- Những ai cùng canh ty với anh?
Một đoạn im lặng kéo dài.
- Sao anh lại quan tâm đến chuyện đó? - cuối cùng Vaughan mới cất tiếng. - Cái đó có liên quan gì đến toàn bộ sự việc vừa xảy ra?
- Tôi đã nói: vì tò mò mà.
- Sự tò mò hãy dùng cho công việc của anh, anh Martin. Xin mạn phép để bản thân tôi tự lo công việc của mình.
- Dĩ nhiên rồi, anh Larry. Chớ có bực.
- Vậy là anh định làm gì? Chúng ta không thể khoanh tay ngồi đợi khi nào con cá nó bỏ đi. Chúng ta sẽ chết vì đói mất, nếu chỉ ngồi mà đợi.
- Tôi biết. Tôi với Meadows thực ra vừa mới bàn xem có thể làm gì được. Một chuyên gia về cá, bạn của Harry nói rằng ta có thể thử bắt con cá mập này. Nếu chỉ vài trăm đôla và thuê thuyền của Ben Gardner một hai ngày thì sao? Anh xem xem thế nào? Tôi không rõ bác ta đã bao giờ đánh cá mập chưa, nhưng có lẽ cũng nên thử?
- Ở đây mọi việc đều đáng làm, chỉ cốt sao chúng ta thoát khỏi con vật gớm ghiếc ấy. Cứ làm tới đi. Bảo với bác ta là tôi sẽ kiếm ra tiền.
Brody ngắt máy và quay về phía Meadows:
- Không rõ tại sao tôi lại quan tâm đến chuyện này, nhưng tôi sẵn sàng trả giá đắt để biết thêm về những công chuyện làm ăn của ông Vaughan.
- Để làm gì?
- Ông ta rất giàu. Cá mập có ở đây lâu hay chóng cũng chả ảnh hưởng gì đến ông ta lắm. Tất nhiên, ông ta sẽ chịu thiệt thòi ít nhiều, nhưng ông ta cứ làm ra vẻ như đây là vấn đề sống còn đối với ông ta lắm. Không phải đối với thị trấn, mà đối với bản thân ông ta ấy.
- Hay có lẽ chẳng qua là tại lương tâm ông ta thức dậy?
- Tôi vừa mới nói chuyện qua điện thoại với ông ta nhưng tôi không có cảm tưởng như thế. Cứ tin ở tôi, Harry ạ. Tôi biết thế nào là lương tâm chứ.
*
Cách bờ đông của Long Island mười dặm về phía nam, chiếc tàu đánh cá được thuê đang lững lờ trôi theo dòng. Phía sau đuôi tàu, trên mặt nước, phủ bởi một màng váng mồi, căng dài hai sợi cước kim loại. Trưởng tàu, một người đàn ông cao, gầy gò ngồi trên đài dẫn của tàu và nhìn xuống nước. Hai người đàn ông thuê tàu đang đọc sách báo trong buồng thủy thủ. Một người đọc tiểu thuyết, người kia đọc báo "New York Times".
- Này, bác Quint, - người đàn ông đọc báo gọi to, - bác đã xem bài báo về cá mập ăn thịt người này chưa?
- Xem rồi, - trưởng tàu đáp.
- Bác nghĩ sao, ta có gặp nó không?
- Không.
- Sao bác biết?
- Tôi biết.
- Thế còn nếu ta khởi hành đi tìm nó?
- Chúng ta không khởi hành.
- Tại sao?
- Chúng ta đã rắc mồi khắp ra đây rồi. Ta sẽ ở lại đây.
Người đàn ông lắc đầu, mỉm cười.
- Mẹ kiếp, đi bắt cá mập có phải thú không nào.
- Đây không phải là cái thú, - trưởng tàu nói.
- Amity có xa đây không nhỉ?
- Quá về mạn phía nam một ít.
- Này, nếu như có cá mập ở quanh đâu đây, thì có khi bác cũng đụng phải đấy.
- Chúng ta sẽ gặp cá mập, đích xác là thế rồi. Nhưng không phải hôm nay.