Anh Hùng Độc Nhất Của Em
Chương 1-2
Giáp tết, số lượng khách đến khách sạn chúng tôi chỉ để ăn cơm tăng nhanh vùn vụt. Là tết nên ai nấy đều thoải mái hơn, vì thế trong thời gian này, số khách say rượu đặc biệt nhiều. Hơn 12h đêm, một đám ma men quàng vai bá cổ đi ra từ trong đại sảnh, hò hét chạy thẳng ra đường cái. Những lúc thế này dễ xin tiền tip hơn nhiều, mở cửa giúp họ hoặc gọi taxi cho họ, có khách còn gọi tôi là em trai!
Một hôm, có một vị khách quá chén, tài xế riêng tới đón hắn, tôi chỉ giúp dìu hắn lên xe, thuận miệng nhắc hắn cẩn thận kẻo va đầu vào cửa xe, vậy mà vị khách hàng túm chặt lấy áo tôi, rút ví từ túi quần ra, bên trong toàn những tờ 100 đồng, nhét vào tay tôi: “Nhất bái cao đường!” , lại rút tờ nữa: “Nhị bái thiên địa!”, lại rút tờ nữa: “Vĩnh kết đồng tâm!” Hắn nhét tiền vào tay tôi, mơ mơ màng màng trợn mắt nhìn tôi: “Gọi đại ca đi!”
“Đại ca.” Tôi không mảy may do dự.
Đại ca hôn lên má tôi một cái, không một lý do, hoàn toàn bất ngờ: “Em trai yêu quý. Yêu quá đi mất. Yêu em nhiều. Hẹn mai gặp lại.”
Đại ca cho tôi ba trăm đồng cứ thế bỏ đi.
Sau đó tôi không gặp lại hắn nữa.
Nửa đêm hôm mùng năm, sau khi tiễn rất nhiều khách say xỉn ra về, tôi và Vương Ngưu Lang phát hiện cách khách sạn không xa có một vị khách say rượu bị lạc đường.
Chúng tôi ước chừng khoảng cách từ chỗ vị khách kia đến chỗ mình. Khách sạn có quy định, trong phạm vi 50m từ cửa khách sạn, nếu thấy khách có vấn đề gì, chúng tôi phải tới hỏi han; nhưng ngoài phạm vi 50m, dù khách có vứt tiền ngoài đường, chúng tôi cũng không được rời vị trí đi nhặt.
Vị khách hôm đó đứng ở vị trí cách chúng tôi hơn 50m, ôm lấy thân cây ói mửa. Tôi và Vương Ngưu Lang đứng quan sát từ xa.
Nôn xong, khách đứng dậy, bắt đầu cởi thắt lưng, cởi xong, y xách quần tè vào thân cây. Xong việc, khách rùng mình một cái rồi bắt đầu mò mẫm, ôm chặt lấy thân cây. Lát sau, vị khách ngất ngưởng bỏ đi.
Sau khi vị khách biến mất khỏi tầm mắt, Vương Ngưu Lang nhếch miệng cười. Lão ngoảnh lại nhìn vào sảnh, thấy quản lý không có ở quầy lễ tân, lão quay lại nói với tôi: Đi theo anh.
Chúng tôi chạy đến gốc cây mà khách vừa đi tiểu. Cả hai mỉm cười.
Anh trai kia đeo thắt lưng của mình vào thân cây!
Chúng tôi nhìn thắt lưng trên thân cây, mỉm cười vừa hiểu vừa không. Dưới gốc cây là một bãi nước tiểu đang bốc hơi.
Vương Ngưu Lang cởi thắt lưng xuống, nhìn ngắm hồi lâu: “Dunhill.”
Vương Ngưu Lang đưa chiếc thắt lưng cho tôi: “Chú giữ lại mà dùng, hàng hiệu cơ đấy.”
Tôi từ chối, “Sư phụ, anh phát hiện ra mà.”
Vương Ngưu Lang tỏ vẻ giận lắm, “Tôi không cần, tôi còn có cái tốt hơn.”
Vương Ngưu Lang cởi áo khoác ngoài ra rồi kéo áo len lên cao để lộ ra một chiếc thắt lưng. Trên thắt lưng có logo sáng lấp lánh.
“Thấy chưa? Montblanc – nhãn hiệu quý tộc đấy. Chỉ có ông chủ của mấy xí nghiệp gia đình nho nhỏ ở quê mới dùng thôi.”
Sau khi trở lại đứng ở cửa khách sạn, Vương Ngưu Lang kể cho tôi nghe về nguồn gốc của chiếc thắt lưng “quý tộc” này. Mùa hè năm ngoái, hồi đó tôi vẫn chưa vào làm ở đây, một phu nhân Hong Kong ra cửa khách sạn hỏi Vương Ngưu Lang gần đây có hiệu thuốc nào không, cổ họng bà ta rất khó chịu, muốn đi mua ít thuốc. Vương Ngưu Lang liền khuyên bà ta trở lại đại sảnh nghỉ ngơi, để anh ta đi mua giúp, dưới cái nắng gay gắt giữa trưa của Bắc Kinh, lão chạy đi mua dầu sơn trà bối mẫu Tứ Xuyên cho bà phu nhân kia. Sau đó, trước khi rời khỏi khách sạn, bà phu nhân đã mua chiếc thắt lưng này tại cửa hàng bán đồ lưu niệm tầng 1 khách sạn rồi tặng cho Vương Ngưu Lang, còn để lại số điện thoại cho Vương Ngưu Lang, dặn lão lúc nào đến Hong Kong hãy đến tìm bà ta.
“Đấy là lần anh đây gần đạt tới thành công nhất.” Vương Ngưu Lang nói.
Vương Ngưu Lang kể cho tôi nghe chuyện về thần tượng của lão, đó là một nhân vật truyền kỳ trong giới nhân viên đón khách ở Trung Quốc, họ Lý. Nghe nói là người thật việc thật. Hồi Lý truyền kỳ trẻ tuổi, hắn ta làm nhân viên đón khách ở khách sạn, chức vụ dù thấp nhưng lại có ánh mắt rất cao. Lý truyền kỳ chú ý đến tất cả những vị khách nữ trung tuổi một mình ra vào khách sạn, hỏi han ân cần đến từng chi tiết nhỏ rồi thẳng thắn đặt vấn đề. Cuối cùng hắn ta lọt vào tầm mắt của một bà già giàu có người Mỹ, sau đó bà ta đưa hắn ta về Mỹ. Sau khi qua đời, bà lão đã để lại cho Lý truyền kỳ một khối tài sản đồ sộ. Khối tài sản đó nhiều đến nỗi Lý truyền kỳ tiêu không hết, đành phải bỏ vào từ thiện.
Vương Ngưu Lang phấn khích kể cho tôi nghe sự tích làm giàu của Lý truyền kỳ, đến nỗi “mưa xuân” phun đầy lên mặt tôi.
“Thế sao anh tặng cho bà lão kia dầu sơn trà bối mẫu Tứ Xuyên mà không tặng cả những thứ khác nữa?” Tôi tò mò hỏi lão.
“Hồi đó anh hơi nông nổi. Còn trẻ nên chưa biết nhìn xa trông rộng. Anh cân nhắc, tuy bà già này có già thật nhưng vẫn chưa già lắm. Chú nói xem, nếu anh đi theo bà ta, cứ coi như là tiếng sét ái tình đi. Nhỡ ở với nhau mười, hai mươi năm mà bà ta vẫn còn sống sờ sờ thì anh biết phải làm sao? Có khó nghe không cơ chứ? Cứ nghĩ đến đây, anh đã rùng hết cả mình. Nếu không bây giờ anh đã về nước với thân phận nhà giàu Hong Kong, quyên góp tiền cho tất cả những đứa trẻ bị táo bón trên toàn thế giới này rồi.”
“Anh hối hận rồi hả, sư phụ?”
“Chú sờ mạch máu của anh đi, thứ chảy trong này toàn là hối hận thôi đấy.”
Làm việc đến năm thứ ba, Vương Ngưu Lang vẫn giữ nguyên vị trí nhân viên đón khách của mình và cũng không gặp được người phụ nữ giàu có nào trúng tiếng sét ái tình với lão để đưa lão đi cùng. Thêm nữa, bởi lão thường chạy đi chạy lại giúp đỡ những quý bà kia nên cũng được xét vào diện thăng chức, theo kinh nghiệm làm việc đáng lẽ lão nên được thăng chức nhưng vì nhiều lần rời khỏi vị trí làm việc không lý do nên cấp trên đã thăng chức cho tôi thành tổ trưởng. Tuy nhìn bề ngoài, chức vị của tôi có cao hơn lão chút đỉnh nhưng trong lòng tôi vẫn mãi coi lão là sư phụ của mình.
Chính vào năm đó, tôi dọn ra khỏi ký túc xá dành cho nhân viên.
Hai cậu bạn thân ở cùng phòng ký túc với tôi đều đã có bạn gái nên muốn dọn ra ngoài ở, và đã thuê chung một căn hộ. Hai tên tìm nhà ở khu vực Tây Bá Hà, xem nhà xong, chúng nó về nói với tôi đã tìm được một căn cho thuê ở đó, mỗi tháng 500, khuyên tôi nên đến đó xem thử.
Đến xem tận mắt tôi mới hiểu tại sao mỗi tháng chỉ có 500. Căn nhà đó một phòng khách một phòng ngủ. Hai thằng bạn tôi một thằng ngủ phòng khách, một thằng ngủ phòng ngủ. Chúng nó khuyên tôi nên thuê để ngủ ở ngoài ban công. Mỗi tháng 500. Ban công có kê một chiếc giường đơn ngay cạnh cửa sổ, cạnh giường là bức tường được lắp ráp từ các ván gỗ. Nghĩ đến việc phải đi lại trong không gian này, có khi tôi phải đi học múa ba lê cũng nên.
Thế nhưng tôi vẫn thuê ban công đó. Bởi vì ngày đến xem nhà là một ngày trời nắng. Hành lang thông qua bức tường từ ván gỗ, chỉ cần mở cánh cửa bằng gỗ được dựng tạm bợ là lập tức thấy được ánh mặt trời sáng rực chiếu vào ban công. Đã sống quá lâu dưới tầng hầm nên vừa nghĩ đến có thể được ngủ dưới ánh nắng, tôi đã sung sướng đến mềm cả chân. Nhìn từ cửa sổ tầng hai ra ngoài là vườn hoa rộng của khu nhà, gió thổi xào xạc qua lá cây, trong vườn hoa là những bà mẹ dẫn theo con cái đứng túm năm tụm ba nói chuyện. Tiếng cười của lũ trẻ vọng lại từ một nơi không xa cũng chẳng gần, đánh vào cửa kính, nhẹ nhàng mà giòn giã.
Ngày chính thức dọn đến nhà mới cũng là hôm tôi vừa trực ca đêm về. Đi qua khu nhà với những con người đang chuẩn bị đi làm đi học, lên tầng hai, mở cửa, cởi sạch quần áo rồi nằm dài trên giường. Ánh nắng chiếu lên bả vai, đầu gối, ngón chân… tất cả các bộ phận đã cứng đờ sau một đêm của tôi, cả cơ thể tôi ấm lại dưới nắng trời. tôi nghe có tiếng chim hót ngoài cửa sổ, cả tiếng gió thổi nữa, sau đó cả thế giới lặng đi như đã ngừng chuyển động.
Lúc mơ màng sắp chìm vào giấc ngủ thì tôi lại nghĩ đến câu nói của mẹ trong điện thoại: Bắc Kinh rộng lớn như vậy mà con có thể ngủ trên giường là giỏi lắm rồi!
Tôi nghĩ bụng, giường này thoải mái quá. Tôi chẳng bao giờ muốn thức dậy nữa.
Hai người anh em ở cùng tôi đều là nhân viên đón khách, một người là đồng hương với tôi, cũng quê ở Đan Đông, đến đây sớm hơn tôi một năm. Người đồng hương họ Bảo, tên là Bảo Chí Xuân. Bề ngoài sáng sủa khỏe mạnh. Lúc mới đến, nó giới thiệu bản thân với tôi thế này, “Bảo” trong tiếng Mông Cổ dùng để chỉ “Thành Cát Tư Hãn” nên tính ra nó là cháu ruột đời thứ sáu mươi của Thành Cát Tư Hãn, nên nhất quyết bắt chúng tôi phải gọi nó là Vương gia. Lúc ấy, Vương Ngưu Lang đã mắng nó: Vội vội vàng vàng đòi làm cháu người ta, ông nội ruột của mày biết không?
Thể theo nguyện vọng của Bảo Chí Xuân, từ đó trở đi tôi vẫn gọi nó là Vương gia. Bạn gái nó là nhân viên phục vụ trong quán nướng mà chúng tôi thường đến ăn, cũng là một cô gái Đông Bắc. Vương gia chỉ giới thiệu với chúng tôi về tên thật của cô gái đó đúng một lần nên tôi vẫn chưa kịp nhớ, sau đó, Vương gia đã bám lấy người ta, gọi vợ này vợ nọ. Sau khi hai đứa yêu nhau, chúng tôi năng đến quán nướng kia hơn trước, lần nào vợ nó cũng mỉm cười tặng chúng tôi thêm một bát bánh canh, lúc quán không đông khách, cô gái liền ngồi cạnh Vương gia, Vương gia vừa ăn món nướng vừa phát huy tinh thần của người Đông Bắc, bàn luận từ Tùy Đường Diễn Nghĩa đến xu hướng trong giai đoạn sắp tới của “bóng hai màu(1)”. Vợ nó thì không nói gì, chỉ mỉm cười nhìn người yêu bằng ánh mắt thắm thiết.
(1) Bóng hai màu là một tổ chức phát hành xổ số do trung tâm quản lý phát hành xổ số phúc lợi Trung Quốc thành lập.
Người anh em còn lại quê ở Sơn Đông, họ Trần, tên đầy đủ là Trần Tinh Điển. Không biết bố mẹ nó đã nghĩ gì khi đặt tên cho con trai nữa. Anh bạn Sơn Đông quả thực cũng cố gắng sống để trở thành một “kinh điển”(1), nó là người có bằng cấp cao nhất và hiểu biết rộng nhất trong số chúng tôi. Đa số chúng tôi chỉ tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, chỉ có nó là tốt nghiệp đại học chính quy. Hồi trung học, Trần Tinh Điển học khá tốt, đáng ra ít nhất cũng phải đỗ một trường đại học top2 nào đó tại Bắc Kinh nhưng dịp thi đại học đó, phong độ của nó lại giảm sút nên chỉ đỗ một trường thuộc top3 ở quê nhà. Sau khi tốt nghiệp, nó đến Bắc Kinh tìm việc. Ôm tấm bằng không mấy giá trị, nó gặp rất nhiều khó khăn. Một công ty nhỏ có ý tuyển dụng nó nhưng lương tháng chỉ 2000, cơm nước và nhà ở tự túc, thế là Trần Tinh Điển quyết định tạm thời bỏ qua cái tôn nghiêm của một người tri thức, làm nhân viên đón khách, đi đường vòng để tranh thủ tất cả thời gian thi làm nhân viên nhà nước.
(1) Tinh Điển và kinh điển phát âm giống nhau.
Lúc tôi mới đến đây, Trần Tinh Điển không khác gì một kẻ điên, ngày nào mặt mũi cũng trắng toát, miệng thì không ngừng lẩm bẩm, mắt đờ đẫn, khi chào hỏi khách, đến cả “quý ngài” hay “quý cô” nó cũng không phân biệt được. Vương Ngưu Lang rất quan tâm đến nó, cho rằng Trần Tinh Điển cũng giống như bản thân mình, đều là những người trong lòng mang theo ước mơ lớn, thế là lão tận tình giúp đỡ Trần Tinh Điển hết mình trong khả năng có thể, để nó tập trung ôn luyện.
Năm thi nhân viên nhà nước đầu tiên, nó thiếu 13 điểm. Năm thứ hai, tăng lên đột xuất, thiếu đến hơn 200 điểm.
Trong một thời gian tương đối dài, Trần Tinh Điển sụp đổ hoàn toàn. Từ một anh chàng học giỏi nghiêm túc biến thành thanh niên hay cáu giận. Ngày nào cũng hùng hổ lên án cả xã hội này một lượt. Hồi đó chúng tôi rất sợ phải trực cùng ca với Trần Tinh Điển, phải đứng nghe nó chửi mắng suốt tám tiếng đồng hồ, đến cả chúng tôi cũng muốn phất cờ khởi nghĩa.
Một Trần Tinh Điển hay cáu kỉnh như thế cuối cùng cũng được cứu rỗi bởi một cô nàng – chính là cô em nhân viên dọn phòng chỗ chúng tôi. Sau khi hai người yêu nhau, Trần Tinh Điển biến thành Trần t*ng trùng, ngày nào cũng cười toe toét, vẻ đáng khinh bỉ lẫn trong khuôn mặt bình thản của nó. Trong thời kỳ nó lên cơn, mỗi khi chúng tôi bàn bạc đến đâu đó uống vài chén sau khi trực ca xong, mời nó, nó đều lắc đầu không đi, nó nói: lúc đi làm tao là con chó giữ cửa còn sau khi tan ca, tao thậm chí còn không bằng một con chó. Nhưng sau khi dính vào tình yêu, vừa tan ca một cái, nó đã cười đê tiện: “Tao đi ôm ấp người yêu đây.”
Sau khi chúng tôi dọn ra ngoài ở không lâu, Vương gia và vợ nó đường ai nấy đi. Nghe nó con bé kia đã qua lại với một đại ca người Đông Bắc thường ghé quán nướng của tụi nó. Đại ca kia đúng là người Đông Bắc thật, có cả thẻ hội viên ở phòng tắm hơi.
Vì thế trong căn phòng chỉ rộng vỏn vẹn 60m2 này là một đôi yêu nhau và hai người đàn ông độc thân. Vương gia ở phòng khách, mỗi lẫn trực ca chiều xong về nhà, nó đều ủ ê mặt mày, vùi đầu vào uống rượu, ngắm trăng và nhớ đến cô em đã cướp mất trái tim nó. Tinh Điển cùng bạn gái ở phòng ngủ. Được ngăn cách bởi bức tường phòng ngủ đã bị ban công cướp hết mọi nguồn sáng. Trong phòng ngủ có một chiếc giường đôi, một tủ quần áo và một cái bàn là chật cứng.
Cô em dọn phòng khách sạn của Trần Tinh Điển phát huy kỹ năng nghề nghiệp của mình, dùng hết khả năng để sắp xếp cho cái ổ nhỏ bé của hai đứa trông sinh động nhất có thể. Trên giường trải một tấm đệm nước, con gái bình thường không ai dám làm thế. Cô em còn đặt hai chậu xương rồng bà nho nhỏ trên mặt bàn kê cạnh giường. Tôi hỏi cô em: Cái phòng bé như mắt muỗi còn bày đặt mấy thứ rườm rà này làm gì?
Cô em cười ngọt ngào: “Cho có tí ‘thú’ ấy mà.”
“Thế sao không trồng hoa khác đi?”
“Phòng này không có ánh nắng mặt trời, trồng hoa khác chỉ có chết cây thôi. Xương rồng bà là tốt nhất, làm cho không khí trong lành.”
Cách phòng ngủ của hai đứa một bức tường chính là ban công của tôi. Bình thường lúc chúng tôi cùng ở nhà một lúc, đêm khuya tĩnh lặng, không cần nghĩ cũng biết hai đứa kia đang làm gì. Nhưng không hổ là dân có học thức, Tinh Điển vô cùng dịu dàng. Ngoài mấy tiếng kẽo kẹt thỉnh thoảng vang lên từ dát giường thì không có âm thanh nào khiến người ta nóng óc cả. Cũng vì điều này mà tôi thực sự ngưỡng mộ tố chất giáo dục của các thanh niên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc.
Sau khi dọn ra ngoài, cuộc sống dễ chịu hơn nhiều, dù sao cũng được hưởng ánh nắng mặt trời. Nhưng công việc thì lại trở nên đau khổ và u ám hơn rất nhiều. Bởi vì khách sạn chúng tôi có một quản lý sảnh trước mới.
Quản lý sảnh trước mới đến họ Tôn, là một người Quảng Đông, tuổi tác không lớn hơn chúng tôi là bao. Ngày đầu tiên hắn tới, chúng tôi đã thấy ngứa mắt, hai mắt của hắn rất xa nhau, trên miệng là bộ ria mép mỏng, mặt vừa to vừa phẳng lỳ, lại thường tỏ vẻ lạnh lùng. Nhìn từ xa không khác gì con cá nheo thành tinh biến thành hình người.
Cá nheo thành tinh chính thức lên làm quản lý là vào mùa xuân năm 2012. Từ năm đó, Bắc Kinh bắt đầu xuất hiện tình hình sương mù nghiêm trọng, nhưng hồi đó chúng tôi không nghĩ rằng tình hình sương mù này lại trở nên nghiêm trọng hơn vào những năm sau đó. Tôi khi ấy không cảm nhận được thời tiết xấu, bởi vì sau khi cá nheo thành tinh xuất hiện, ngày nào đối với tôi cũng là ngày sương mù hết.
Sau khi cá nheo thành tinh đến, hắn bắt đầu dùng đủ mọi phương pháp làm khổ chúng tôi. Đám nhân viên đón khách chúng tôi kể ra cũng được xem là nhân viên lâu năm. Lúc mới đến, khách sạn tổ chức một đợt tập huấn riêng cho chúng tôi, dạy chúng tôi phải có nét mặt như thế nào, vẻ ngoài ra sao, đồng phục mặc thế nào cho đẹp… Nhưng khi đã làm việc được một thời gian dài, con người không khỏi biến thành khôn lỏi. Để kiếm tiền, những lễ nghi đón khách của chúng tôi tăng đột biến, đã đến nỗi làm tất cả mọi chuyện chỉ vì 10 đồng tiền tip. Nhưng về vấn đề trang phục thì không còn được chú trọng như khi mới đến nữa.
Thể theo yêu cầu của khách sạn, trước mỗi khi bắt đầu ca làm việc, chúng tôi đều phải như một kẻ biến thái, tự sờ từ trên xuống dưới một lượt.
Lúc sờ đầu, chúng tôi phải nói: “Tóc mái không dài đến lông mày, tóc gáy không được chạm vào cổ áo, tóc mai không dài quá tai, thanh niên tốt gọn gàng sạch sẽ.”
Tiếp theo là sờ từ mặt xuống cổ, vừa sờ vừa nói: “Mặt sạch sẽ, hơi thở thơm mát, áo sống thẳng thớm, tinh thần phấn khởi bắt đầu ca làm việc.”
Rồi đặt hai tay trước ngực, sờ thẳng xuống đùi: “Đồng phục phẳng, túi quần không phồng to, li quần thẳng tắp, hoàn hảo 100%.”
Tiếp theo phải dậm chân một cái, vươn hai cánh tay xoay tròn một vòng: “Chuẩn bị vào ca.”
Động tác làm màu cuối cùng là tất cả các nhân viên đón khách lớn tiếng hô lên khẩu hiệu là mục tiêu xa xôi của khách sạn: “To fill the world with light and warmth with hospitatly – Lấp đầy thế giới của chúng ta bằng ánh sáng và sự ấm áp.”
Phần tạp kỹ này là hạng mục mà ngày nào quản lý sảnh trước cũng kiểm tra chúng tôi hồi chúng tôi còn là nhân viên mới. Nhưng quản lý sảnh trước hồi đó là phụ nữ, tính tình rất tốt, nho nhã hiền lành. Ngày nào đám đàn ông chúng tôi cũng làm trò sờ soạng khắp người trước mặt cô ấy, vì thế, cô ấy là người không chịu nổi trước tiên. Chẳng bao lâu sau, tuy quá trình này vẫn viết trên bảng nhiệm vụ hàng ngày nhưng nữ quản lý đã không bắt chúng tôi phải tuân theo nữa, cô ấy đã miễn cho chúng tôi không phải thực hiện nhiệm vụ đáng sợ này trước mặt mọi người.
Nhưng sau khi cá nheo thành tinh đến, hắn lại một lần nữa yêu cầu chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ kiểm tra bản thân trước khi vào ca làm việc. Không chỉ như thế, yêu cầu của hắn đối với quá trình này còn cẩn thận một cách kinh khủng. Ngày đầu tiên hắn đi làm, đã trừ của chúng tôi mười điểm trong bảng điểm sát hạch nhân viên chỉ vì quần tôi có nếp nhăn và tóc của Vương Ngưu Lang quá dài. Điểm trừ mỗi tháng của chúng tôi có hạn, nếu bị trừ hết điểm thì tháng đó sẽ không có tiền thưởng.
Cá nheo thành tinh rõ ràng gây khó dễ cho chúng tôi, còn chúng tôi thì rõ ràng không thể gây khó dễ cho đồng tiền, vì thế mỗi ngày đến ca trực của hắn, chúng tôi đều cẩn thận kiểm tra bản thân mình.
Đồng phục của nhân viên đón khách không được nhăn nhúm. Trong mắt nữ quản lý trước kia, quần áo chúng tôi chỉ cần không được nhăn nhúm như mới lấy từ máy giặt ra là được. Nhưng đối với con cá nheo thành tinh kia, trên quần áo chỉ cần có một nếp gấp bé như cái lông nách cũng không được. Ban công nhỏ mà tôi thuê không có tủ quần áo, lại không thể vứt bừa quần áo dưới đất nên để không bị trừ điểm, tôi đành trước khi đi ngủ thì cởi quần áo ra rồi nâng tấm nệm lên rồi trải quần áo ra dát giường. sau khi thức dậy, tôi lại nâng tấm nệm lên, cẩn thận ôm bộ quần áo ra như ôm vợ. Được tấm nệm đè lên, quần áo của tôi khá phẳng nhưng sau khi mặc lên người thì khắp người đều có mùi gỗ.
Vì sự tồn tại của cá nheo thành tinh mà càng ngày tôi càng chán đi làm. Trước đây không có hắn, dù tự biết đám nhân viên đón khách chúng tôi là hạng nhân viên bét cùng của khách sạn, thuộc loại biết mặt mà không biết tên trong thành phố này. Tuy nhiên khi ấy mọi người vẫn vui trong nỗi khổ, đi làm thì than vãn với nhau, kể chuyện cười, thỉnh thoảng gặp được những vị khách lịch sự, chúng tôi còn có cảm giác như công việc của mình cũng vinh quang lắm.
Vậy mà sau khi cá nheo thành tinh xuất hiện, việc hắn thích làm nhất là chèn ép chúng tôi. Ngày nào cũng bắt chúng tôi kiểm tra bản thân trước khi vào ca làm việc ở cửa khách sạn, bắt chúng tôi hô khẩu hiệu thật to, người đi qua nhìn thấy sẽ cười vào mặt chúng tôi… đó là những chuyện quá bình thường. Điều làm tôi khó chịu nhất là ánh mắt nhạo báng và lạnh lùng của hắn.
Cá nheo thành tinh chưa bao giờ nói những lời tục tằn với chúng tôi mà hắn dùng cách thức văn hoa nhất để biểu đạt sự khinh bỉ của mình dành cho chúng tôi. Hắn sẽ mổ xẻ lòng tự trọng của bạn ra thành nhiều mảnh rồi nhanh chóng giẫm đạp lên chúng.
Thời gian làm việc trở nên rất khó chịu vì thế mỗi ngày, sau khi tan ca, tôi lại vội vã về nhà tìm đến giường của mình, một khi lên giường thì không muốn xuống nữa. Chiếc giường đơn kê cạnh cửa sổ bất giác đã trở thành thứ duy nhất thuộc về tôi trong suốt ba năm ở Bắc Kinh, đó là nơi có thể bảo vệ tôi.
Hàng ngày làm việc có thể bị khách hàng khinh bỉ hoặc bị khiển trách nhưng chỉ cần tan ca và được nằm lên giường, tôi lại thấy dễ chịu, lòng như lắng lại. Tôi có cảm giác mỗi khi đi làm đều là diễn viên đóng thế vai cho người khác, chỉ khi nằm trên giường mới là chính bản thân tôi.
Cửa sổ ngay sát bên giường, lúc có nắng, tôi liền ghé sát vào cửa sổ và thầm nhớ đến chiếc giường mà lúc nhỏ tôi vẫn nằm ở quê. Vào mùa đông, giường ở nhà tôi rất ấm, con người nằm trên đó, gân cốt sẽ được sưởi ấm đến giãn ra. Trên tường có một ô cửa sổ nho nhỏ, con mèo vàng to đùng mà nhà hàng xóm nuôi cứ hay nhảy lên ô cửa sổ đó rồi lừ mắt với tôi. Thỉnh thoảng mẹ tôi nướng bánh bột mì trên bếp, mùi khét bay khắp phòng.
Đôi lúc đang ngủ, trong khi còn mơ mơ màng màng, tôi nhớ ra mai phải xin tiền mẹ. Trường tổ chức đi du xuân ở núi Tam Doanh, tôi muốn mua đồ ăn vặt, lần này đừng hòng lừa bịp tôi bằng một gói hạt dưa. Nghĩ đến phần của con mèo vàng nhà hàng xóm hay đến lườm mình, tôi nhân tiện mua cho nó cái xúc xích. Nghĩ đến đây, mở mắt ra mới phát hiện mình đang nằm trên một ban công ở Bắc Kinh, ngoài cửa sổ không có con mèo vàng mà chỉ có những hộ gia đình đang sống trong khu chung cư, dắt những con chó trông có vẻ đắt tiền. Tôi đã cách người nằm trong cửa sổ chuẩn bị đi du xuân lần cuối cùng ở trường tiểu học hơn hai mươi năm; cách bố mẹ không chịu mua đồ ăn vặt cho tôi trời Nam đất Bắc.
Tôi góp tiền mua một chiếc máy tính cũ đặt ở đầu giường. Máy tính cấu hình cực thấp nhưng vẫn có thể lên mạng đọc sách lậu. Bắt đầu từ lúc đó, tôi hiếm khi xuống giường. Tôi ngủ trên giường, ăn cơm, xem đĩa, lên mạng, thậm chí đi tiểu cũng giải quyết ngay vào chai cạnh giường. Vào ngày nghỉ, tôi có thể ở trên giường suốt một ngày, chẳng khác gì bị mọc rễ trên đó, lên mạng bằng tư thế không bình thường, bát ăn xong dùng làm gạt tàn thuốc lá luôn. Mệt thì hướng tầm mắt nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm người đi lại trong vườn hoa, chó và cả trẻ con nằm trong xe nôi. Bốn phía yên tĩnh như tờ, không có khách hàng nào trợn mắt nói với tôi: Va ly này của tôi đắt lắm đấy, cậu phải cẩn thận, nhẹ tay thôi!
Một hôm, Trần Tinh Điển đứng ở cửa chỗ tôi, im lặng đánh giá người đang nằm trên giường là tôi không khác gì nhìn con hải sâm.
Trần Tinh Điển và cô em của nó ra ngoài ăn cơm, hỏi tôi có muốn đi cùng không?
“Tao không muốn xuống giường, hai đứa đi ăn rồi mang gì về cho tao cũng được.”
“Mang con khỉ, bọn tao đi ăn lẩu.”
“Thế bọn mày ăn thừa thì mang cho tao xiên thịt nhé, lẩu cay đúng không? Tao không ngại đâu.”
Trần Tinh Điển thở dài nhìn tôi chằm chằm, tôi thì đang dùng đũa thử gắp con chuột bị rơi trên nền nhà.
“Bây giờ mày không chỉ suốt ngày ru rú ở nhà mà còn bị bại liệt nữa. Mày đúng là đồ “trạch than”(1)! Trạch than nam.”
(1) Trạch là ru rú ở nhà, than là bị bại liệt.
Tôi rất hài lòng với biệt danh mới mà Trần Tinh Điển vừa đặt cho mình. Hồi đó mới thịnh hành cách nói “trạch nam”, mà tôi còn là “trạch than nam”, còn cao cấp hơn cả trạch nam bình thường.
Sau khi trở thành “trạch than nam”, tôi béo lên gần 5kg. Lúc đi làm thì đứng đờ ra, khi về nhà thì nằm đờ ra, lúc nào cũng ở trong trạng thái im lìm. Ngày nghỉ, tôi giải quyết cả ba bữa trên giường, mỡ kết thành tảng len lỏi trên bụng tôi.
Xem máy tính trong thời gian dài làm tôi cận thêm mấy đi-ốp, bệnh lòa mắt trở nên nghiêm trọng hơn. Sức khỏe cũng không tốt như trước nữa, thỉnh thoảng chạy đi lấy xe cho khách cũng làm tôi thở hổn hển như người bị hen.
Nhưng tôi rất vui vì đã trở thành trạch than nam, vì tôi đã tìm được phương pháp đối diện với thế giới này một cách bình tĩnh nhất. Tôi tự tổng kết ra ba điều kiện để trở thành một trạch than nam:
1. Cơ thể bủn rủn, yếu ớt.
2. Một nửa tinh thần tê liệt.
3. Tâm hồn rơi vào trạng thái “người thực vật”.
Đơn giản là phải từ bỏ ham muốn cơ bản nhất của một con người thì mới đủ tư cách trở thành một trạch than nam như tôi.
o0o
không bao lâu sau, cuộc sống trạch than nam của tôi bước vào một lĩnh vực hoàn hảo hơn nữa. Cũng như vô số thanh niên đáng bị khinh bỉ chỉ biết ru rú ở nhà không chịu ló mặt ra đường, không chịu đối diện với thế giới bên ngoài, tôi, cũng có nữ thần thuộc về mình, đối tượng để bản thân mơ mộng.
Hôm đó cũng như những ngày bình thường khác, tôi nằm trên giường, thẫn thờ nhìn ra cửa sổ. Bầu trời hôm đó xanh vô cùng, xanh đến nỗi chỉ cần chọc một cái là nứt. Lá non đang mọc trên thân cây. Mùa xuân vừa đến, trên con đường bên ngoài vườn hoa đã có những cô gái mặc váy, một cơn gió thổi qua cũng đủ để cặp đùi của các cô gái ấy lộ ra, mỗi người họ đều đi tất chân màu da hoặc màu đen. Do các cô gái qua lại quá nhiều lần nên tôi không kịp xem hết các bắp đùi bị lộ ra.
Khi mà mắt tôi đang được hưởng yến tiệc, thì nhìn thấy đùi của nữ thần. Đó là một cặp đùi được bao bọc trong quần tất đen, đứng ở bên đường. Cặp chân đó thật là đẹp, thẳng tắp, thon thả, hình dáng đôi chân hoàn hảo đến mức khiến người ta phải ngưỡng mộ. Tầm mắt tôi dịch chuyển từ cặp đùi lên trên thì thấy một chiếc chân váy ngắn màu tím, chiều dài của chiếc chân váy thật kỳ diệu, để lộ đường cong thoắt ẩn thoắt hiện nhưng lại không khiến người ta nảy sinh những suy nghĩ xấu xa. Nhìn lên trên nữa thì là bộ đồng phục màu đỏ sẫm, một chiếc khăn lụa được thắt đẹp đẽ trên cổ áo, thoạt nhìn có vẻ giống tiếp viên hàng không. Nhìn lên trên nữa, tôi đứng hình ngay lập tức.
Khuôn mặt của nữ thần không chê vào đâu được.
Tôi không biết cách khen con gái đẹp, nhưng đây không có nghĩa là tôi không có con mắt thẩm mỹ. Ngược lại, là nhân viên đón khách, chúng tôi ngày nào cũng sỗ sàng bình phẩm về những khách hàng nữ thường ra vào khách sạn. Bản thân tôi tuy công lực còn thấp nhưng sư phụ của tôi – Vương Ngưu Lang lại có công phu thâm hậu trong lĩnh vực này. Dù là những nữ minh tinh vào thuê phòng ở chỗ chúng tôi, cho dù trong mắt công chúng, họ sở hữu bề ngoài hoàn hảo đến không chê vào đâu được thì Vương Ngưu Lang vẫn có thể tìm ra khuyết điểm, nào là chê người ta mũi hếch không giữ được tiền bạc…
Vì thế người được tôi đánh giá là có bề ngoài “xinh đẹp” thực ra chính là kiểu “chỉ có thể gặp chứ không thể theo đuổi”. Vậy mà trong giờ phút này, trên con đường bên ngoài cửa sổ nhà mình, tôi đã gặp được một cô gái như thế.
Tôi đờ đẫn nhìn theo nữ thần. Nữ thần đứng im đón gió, gương mặt không cảm xúc, mắt ánh lên vẻ lạnh lùng. Bởi cô ấy đứng tại đây, nên cả con phố đã không còn là phố nữa mà trở thành miếu. Nơi cô ấy đứng là Đại Hùng Bảo Điện, cô ấy chính là Quan Âm Bồ Tát tỏa ra ánh hào quang.
(1) Chíh điện thờ Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nữ thần đứng đó một lúc thì được một chiếc xe ô tô đưa đón nhân viên đưa đi.
Kể từ hôm đó, ngày nào tôi cũng dán vào cửa sổ, lần theo hành tung của nữ thần. Tôi thấy nữ thần lúc đi và cũng thấy cả nữ thần lúc về. Mỗi lần về, cô ấy đều xuống xe từ một vị trí cố định rồi kéo theo va ly, đi vào khu nhà đối diện khu nhà của tôi.
Khu nhà đối diện cách khu nhà tôi một con đường là một khu nhà sang trọng, hoàn toàn trái ngược với khu nhà cũ kỹ mà tôi đang ở. Trước khi nhìn thấy nữ thần, thỉnh thoảng tôi nhìn sang tòa nhà đối diện rồi ngẩn ra, trong lòng thấy không đáng thay cho những người sống ở khu nhà bên kia, bởi vì nếu nhìn ra từ cửa sổ của tôi thì chỉ thấy được bức tường bằng đá hoa, những cửa kính sát đất sáng choang và những dụng cụ gia đình có vẻ rất đắt đỏ thấp thoáng sau cánh cửa kính sát đất kia ở khu nhà đó. Nhìn lâu lại cảm thấy mình và họ đều là người cùng một thế giới và cùng có một ước mơ. Thế nhưng nếu từ khu nhà bên đó nhìn sang khu nhà chúng tôi thì chỉ có thể thấy được những bức tường loang lổ, bẩn thỉu, không biết được sơn màu gì, những ban công thậm chí còn không được lắp kính bảo vệ, vả cả những bộ đồ lót hoa hòe hoa sói.
Khu nhà của tôi và khu nhà của nữ thần, nếu lấy vườn hoa và con đường dưới kia làm vạch ngăn cách thì đúng là hai thế giới khác biệt, tựa như Đông Đức và Tây Đức trong thời kỳ chiến tranh lạnh xưa kia. Điểm khác biệt duy nhất là, người sống trong khu nhà Đông Đức chúng tôi không muốn tháo chạy, và người ở khu nhà Tây Đức cơ bản cũng không muốn cứu vớt chúng tôi.
Vì thế, tuy lúc nào cũng tâm niệm đến nữ thần nhưng đến giờ tôi chưa bao giờ nghĩ có một ngày sẽ phá tan bức tường Berlin để đứng trước mặt cô ấy. Thậm chí cho dù gặp cô ấy trên đường, có thể tôi sẽ kích động đến tiểu cả ra quần nhưng tôi sẽ mặc cái quần ướt sũng đó lặng lẽ lướt qua cô ấy, xấu hổ đến không dám nói ra một câu “Chào em!”
Tuy thoạt nhìn tôi đúng là một kẻ cuồng nhìn trộm hữu danh hữu thực nhưng cuối cùng tôi đã tìm được cho bản thân một sở thích.
Tôi mất rất nhiều công sức chờ đợi nữ thần, thậm chí còn mua một cái kính viễn vọng bội số lớn để trên giường. Chỉ là, phần lớn thời gian, tôi chỉ nhìn thấy ông chủ quán bán bánh bao hấp Hàng Châu ở đối diện, mỗi khi rảnh rỗi, ông ta cứ xoa lên cái bụng to tướng của mình không đang xoa mặt ai đó.
Lúc đi làm, tôi ngày càng thẫn thờ. Khách hàng hay quản lý sảnh trước có mắng mỏ thế nào tôi cũng mặc. Hàng ngày đi làm, một giây đối với tôi dài hơn cả năm, chỉ muốn làm sao tan ca thật nhanh để chạy về cái ban công im ắng của mình, nằm lên giường, ôm lấy kính viễn vọng, mở rèm cửa sổ, lần theo dấu vết của nữ thần, giống như những người yêu thích thiên văn lần theo dấu vết của hành tinh nhỏ trong đêm tối vậy.
Khoảng thời gian này, tôi cảm thấy cuộc đời mình đã hoàn toàn viên mãn, dù không có tiền, không có tương lai, không có lòng tự trọng nhưng tôi được sống trong một môi trường ung dung, rộng mở và không bị ô nhiễm.
Thế nhưng…
Ngày 14 tháng 3 năm 2012, mãi mãi tôi không bao giờ quên được ngày này.
Cuộc sống trạch than hoàn hảo của tôi trong căn nhà xập xệ bị hủy hoại chỉ trong nháy mắt.
Ban đầu định chia chương nhỏ nhưng thôi mình sẽ đăng 1 tuần 1 chương luôn. Cố định vào thứ ba nhé
truyen hot hiện nay
Bình luận
Sắp xếp