Quái Khách Muôn Mặt
Chương 19: Anh hùng nghĩa hiệp không có giống nòi
- Sao chị biết chuyện riêng của em như thế?
Vân Tuệ chớp mấy cái hỏi tiếp :
- Chị hỏi em có đúng như thế không đã!
Lúc ấy Phong Lan tuy hơi xấu hổ, nhưng nàng vẫn u oán gật đầu, rồi ngẩng mặt lên nhìn Vân Tuệ, hai mắt tỏ vẻ van lơn cầu khẩn.
Vân Tuệ nhìn nàng cũng chẳng nói chẳng rằng trong lòng nàng đang có mấy sự xung đột nhau. Nàng không biết có nên nói rõ sự thực cho Phong Lan nghe không?
Long Uyên ngồi cách đó hai trượng chàng hai trượng và đang cúi đầu nhìn suối chảy trong lòng của chàng còn hồi hộp hơn dòng suối. Nhưng chàng không dám để lộ mặt vì sợ hãi nàng trông thấy mà sinh nghi.
Phong Lan với Vân Tuệ nhìn nhau giây lát, trong lòng càng hổ thẹn thêm, đôi mắt của nàng không dám nhìn đôi mắt xanh của Vân Tuệ. Nhưng nàng vẫn cười khì một tiếng và nói :
- Chị...
Thấy Phong Lan xấu hổ như vậy, Vân Tuệ không nỡ làm cho nàng ta xấu hổ thêm vội nắm lấy cổ tay nàng và nói :
- Em! Người mà em đang kiếm, em có biết y đi đâu không? Quý hồ có bằng lòng đi theo chị, chị sẽ cam đoan tìm thấy người đó cho em.
Phong Lan muốn hỏi rõ, nhưng lòng tự ái với sự xấu hổ lại không cho phép nên lời nói của nàng đã tới cổ họng rồi phải nuốt chửng và nghĩ thầm: “Nàng nói như vậy đủ biết nàng thế nào cũng có liên can với Long đại ca, nếu ta càng hỏi thêm khác nào ta đã cho nàng biết rõ tâm sự của ta và bị nàng chê cười không?”
Vì thế nàng lại nghĩ tiếp: “Đằng nào ta cũng chưa biết Long đại ca ở đâu, đi theo nàng vừa có bạn vừa hy vọng tìm thấy. Dại gì không đi theo nhỉ?”
Tuy nàng nghĩ như thế, nhưng vẫn ngượng không dám nhận lời ngay và thối thác là hỏi qua ý kiến của bà mình đã, rồi nàng vội đi tới cạnh Võ Di bà bà ngay.
Vừa rồi Long Uyên đã nghe thấy Vân Tuệ nói gì rồi trong lòng giật mình kinh hãi vì lời nói của nàng tuy chưa chỉ rõ nhưng đem sự thật đối chiếu chẳng rõ ràng mồn một là gì?
Phong Lan vừa chạy đến gần Võ Di bà bà thì chàng chạy lại khẽ trách Vân Tuệ rằng :
- Chị làm cái trò khỉ gì thế?
Vân Tuệ cười khanh khách tiếng cười của nàng ta khá lớn và đáp :
- Tôi và Lan muội cùng đi du ngoạn Hoàng Sơn với chúng ta chẳng hay hiền đệ có bằng lòng?
Võ Di bà bà với Phong Lan nghe thấy tiếng nói của nàng vội quay đầu lại.
Long Uyên thấy vậy tức giận thầm, nhưng vẫn gượng cười đáp :
- Tất nhiên là tôi phải bằng lòng chứ!
Tuy miệng chàng nói như vậy, nhưng hai mắt liếc nhìn Vân Tuệ có vẻ hậm hực.
Vân Tuệ thấy vậy mới biết chàng đã nhất tâm yêu mình chứ không muốn gây phiền phức vào người nên nàng khoái chí vô cùng liền cười khanh khách.
Long Uyên thấy nàng cười thắc mắc thêm và nhận thấy Vân Tuệ không có vẻ gì ghen tuông và hình như lại có ý giúp mình được lấy thêm Phong Lan nữa.
Chàng không dám hỏi lại, nhưng đã quyết định một thái độ là không hỏi không nghe về vấn đề ấy nữa mà chỉ hỏi Vân Tuệ rằng :
- Thôi được chúng ta đi ngay chứ?
Vân Tuệ thấy đã muộn rồi, liền tán thành và hỏi ý kiến Võ Di bà bà.
Thế rồi bốn người cùng đi với nhau. Vân Tuệ cột hai bọc quần áo của mình với Long Uyên vào sau yên ngựa của Phong Lan. Võ Di bà bà thấy đôi tình nhân Long Uyên với Vân Tuệ cử chỉ rất đàng hoàng, thái độ ung dung và nghiêm trang nên bà ta có cảm tình với người con gái ngoại quốc ấy và cũng muốn cháu mình lấy luôn chàng thanh niên ấy.
Bốn người tiến thẳng xuống miền Nam, suốt dọc đường Phong Lan với Vân Tuệ thì thầm to nhỏ với nhau, còn Võ Di bà bà thì đi với Long Uyên, thừa dịp may đó bà ta hỏi thăm chàng hoài.
Xưa nay Long Uyên đối với ai cũng rất thành thực và rất cung kính cho nên bà ta hỏi gì chàng cũng cung kính trả lời hết.
Thế là Võ Di bà bà tuy chưa biết võ công chàng như thế nào, nhưng thấy tài ba uyên bác của chàng như vậy khiến bà ta khâm phục vô cùng rồi.
Trưa ngày hôm đó bốn người đi tới Thương Đầu liền vào đấy nghỉ chân.
Thương Đầu cách sông Cửu Giang không xa ở đó có một con sông nhánh có thể đi thẳng tới Trường Sa và Sào Hồ, vì Sào Hồ có thuồng luồng xuất hiện nên con sông này đã một tháng nay không có thuyền nào ghé lại cả. Bây giờ người ta nghe nói con thuồng luồng đã chết, nên trên sông thuyền bè đi lại tấp nập như xưa.
Long Uyên bốn người kiếm một hàng cơm sạch sẽ vào ăn. Tiếp theo đó có một bọn đại hán với một nhà buôn nữa bước vào.
Long Uyên đột nhiên trông thấy bốn đại hán cao lớn, vạm vỡ, mình vận võ trang, phía sau có đeo khí giới sáng quắc, nên đưa mắt lên nhìn chúng một lượt.
Ngờ đâu chàng ngẫu nhiên phát hiện người nhà buôn đi vào sau cùng, chính là Vương Kính Thật mà mình đã nhờ y cứu giúp nạn nhân ở thị trấn Hạ Các. Từ khi chàng giao túi châu báu cho Kính Thật chàng chưa hề hỏi han gì hết và cũng không để ý tới chuyện ấy. Nhưng bây giờ chàng trông thấy y liền bụng bảo dạ rằng :
- Không biết ông chủ họ Vương này có theo kế hoạch của ta mà cứu tế nạn nhân không?
Nghĩ đoạn, chàng đã thấy Kính Thật đột nhiên bỏ bốn đại hán kia mà đi phía mình.
Long Uyên giật mình kinh hãi tưởng y đã nhận ra mình liền giờ tay lên rờ má một cái, mới sực nghĩ ra mình đã tẩy trang rồi.
Lúc đó Phong Lan đã đứng dậy, tuy hãy còn rầu rĩ, nhưng nàng vẫn tủm tỉm cười và chưa kịp lên tiếng nói thì Kính Thật đã chào và hỏi :
- Phong cô nương mạnh giỏi đấy chứ? Sao không thấy Long đại hiệp tới?
Phong Lan cau mày lại đáp :
- Ông chủ họ Vương khỏi phải lễ phép như thế, Long thiếu hiệp đang có việc cần phải đi nơi khác. Chẳng hay ông chủ có việc gì muốn dặn bảo?
Nói xong, nàng giới thiệu Kính Thật cho Võ Di bà bà và các người.
Long Uyên giả bộ không quen biết y, hàn huyên vài câu rồi mời y ngồi xuống cái ghế ở cạnh lò.
Võ Di bà bà đã biết chuyện Long Uyên khẳng khái tặng tiền bạc để cứu người nghèo rồi. Nhưng muốn biết chàng bỏ tiền bạc ra cứu như thế nào. Hai người đều khách khứa nhường chỗ cho người lạ mặt kia ngồi xuống.
Kính Thật xin lỗi mọi người trước rồi mới dám ngồi xuống và nói :
- Long thiếu hiệp quả thực là người hiệp nghĩa có một không hai ở trên đời, tiểu nhân cám ơn ông ta nhiều lắm. Gần nửa tháng nay tiểu nhân chạy đông chạy tây cũng vì đem bán những châu báu của thiếu hiệp trao cho, rồi mua lương thực đem đi chẩn tế những nạn nhân ở Sào Hồ.
Tiếp theo đó y liền kể phương pháp xử lý của mình như thế nào cho mọi người nghe.
Thì ra Long Uyên đã sành mắt biết giao phó cho một người rất thật thà và làm rất được việc Kính Thật tuy là một người buôn bán nhưng có lòng nghĩa hiệp.
Y được Long Uyên trao cho túi châu báu đó rồi, ngày hôm sau lấy hai ba món ra để trả món nợ của mình trước, rồi mua hết cả lương thực của mấy hàng chạp phô ở thị trấn Hạ Các trước. Y lại mượn thêm người rồi theo phương pháp trước mà chẩn tế cho những nạn nhân ở quanh đó, còn y thì đem nốt túi châu báu kia đi ngay đến huyện Hợp Phì để bán.
Nhưng túi châu báu của Long Uyên trị giá trên trăm vạn lạng bạc cái nào cũng giá trên vạn lạng hết. Hợp Phì là một tỉnh nhưng không một nhà mua châu báu nào đủ tiền mua nổi số châu báu ấy cả.
Bất đắc dĩ Kính Thật chỉ bán một số ít đáng giá trị mười mấy vạn lạng bạc và mua mấy nghìn cân gạo mướn người chở về Sào Hồ.
Còn dư tiền thì y lại những thị trấn quanh đó mua thêm mười mấy nhà bán gạo nhờ người thật thà đáng tin cậy để trông nom việc cứu tế.
Còn y thì quyết định đem châu báu đi Kim Lăng để bán, trải qua mấy vụ mua bán lớn và chẩn tế. Kính Thật đã biến thành một tài chủ có tiếng ở Sào Hồ và cũng là một nhà đại từ thiện không ai không biết tới.
Y cảm thấy hổ thẹn vì tiền bạc này là của Long Uyên tặng cho chứ có phải là của mình đâu. Bây giờ mình lại được hưởng cái danh hiệu đó mà trái lại Long thiếu hiệp đi đâu không biết và y lại nghĩ tới quần hùng của hắc bạch hai đạo ở quanh Sào Hồ vẫn chưa giải tán hết. Nếu tin này mà đồn vào tai những bọn lục lâm thế nào chúng cũng thèm thuồng dòm ngó và định tâm cướp bóc ngay.
Vì thế y không dám cho ai biết đến thân phận của mình, mà chỉ lẳng lặng mướn bốn vị tiêu sư của Tứ Kiếm tiêu cục, một tiêu cục lớn nhất ở huyện Hợp Phì để bảo tiêu cho mình. Rồi y cùng mấy tiêu sư dùng đường thủy để đi Kim Lăng.
Hôm nay vừa đi qua đây không ngờ lại gặp Phong Lan với Long Uyên mấy người.
Võ Di bà bà nghe thấy Kính Thật nói xong liền thở dài và lên tiếng :
- Ông chủ họ Vương thật thà quá, thực là hiếm có, theo sự ước đoán của già này ông chủ phen này đi Kim Lăng thế nào cũng gặp nhiều trắc trở, vì khi già này ở Sào Hồ đã phong thanh nghe ông chủ mang theo nhiều vật báu đi mua lương thực phát chẩn rồi. Cử chỉ này đối với người hiệp nghĩa thì ai cũng cảm thấy ông chủ là người trung nghĩa đáng kính. Nhưng đối với giới lục lâm, chúng chuyên môn làm nghề không vốn thì chúng coi ông chủ như con cừu mập, khi nào chúng lại chịu buông tha. Sở dĩ mấy ngày hôm nay ông chủ được yên lành là vì quần hùng hãy còn đang tụ tập gần đây nên chúng chưa dám làm gì đó thôi. Còn từ nay trở đi thì già này chưa dám chắc ông chủ sẽ được yên ổn như trước.
Kính Thật nghe nói cả kinh thất sắc vội hỏi :
- Nếu đúng như lời lão tiền bối nói, tuy tiểu nhân không tiếc gì cái thân kiến bọ này, nhưng chỉ sợ mất việc giao phó của Long thiếu hiệp và chỉ khổ cho nạn nhân ở gần Sào Hồ này thôi.
Phong Lan nghe nói cũng lo âu vô cùng vội xen lời hỏi :
- Thưa bà chúng ta có nên can thiệp...
Long Uyên rất hổ thẹn với Kính Thật vì chàng chỉ tưởng quý hồ có tiền là có thể làm được mọi việc liền. Nhưng chàng nghĩ tới câu “chữ tài liền với chữ tai” cho nên chàng chỉ để lại châu báu cho Kính Thật mà quên hẳn trao tài báu cho một người không biết võ nghệ thì chẳng khác gì gây tai họa diệt thân cho người ấy.
Long Uyên không đợi chờ Phong Lan nói dứt, đã thay đổi thái độ mà cướp lời để an ủi Kính Thật rằng :
- Ông chủ họ Vương cứ yên tâm, tục ngữ có câu ở hiền gặp lành, ông chủ có lòng hiệp nghĩa như vậy thì dù bọn giặc có cố cướp bóc mưu hại cũng không làm gì nổi ông đâu.
Chàng nói hàm hồ mấy người có mặt tại đó có một mình Vân Tuệ biết rõ chàng ngấm ngầm bảo vệ cho Kính Thật thôi.
Võ Di bà bà không hiểu ý nghĩa sâu sắc đó, nghe nói chỉ lườm chàng một cái và trong lòng chê trách chàng và cho chàng chỉ là một người thư sinh thôi, chứ không biết thực tế gì hết. Vì vậy bà ta thở dài một tiếng và nói tiếp :
- Người tuổi trẻ có biết đâu việc đời nham hiểm xảo trá như thế nào.
Bây giờ tuy là lúc thanh bình thật, nhưng lục lâm hắc đạo vẫn nhiều như nêm. Ngày thường vì mỗi người có một đất đai riêng, người nào người nấy thâu thuế các lương dân và nhà nông trong phạm vi của mình, nên mới không có chuyện gì xảy ra cả. Nhưng bây giờ ông chủ họ Vương mang nhiều châu báu như vậy, theo sự ước đoán của già thì bọn giặc không những sẽ bắt ông nộp thuế mà đã chịu yên cho ông đâu.
Kính Thật nghe nói càng kinh hãi thầm ấp úng mãi nói không sao nên nói lên được nửa lời. Võ Di bà bà lại nói tiếp :
- Nhưng lão thân đã gặp ông chủ, chẳng lẽ lại làm ngơ không giúp ông chủ một tay hay sao?
Kính Thật suốt đời chỉ biết buôn bán thôi nên không hiểu gì đến lịch sử của giang hồ và cũng không biết Võ Di bà bà là ai hết. Cho nên y vẫn kinh hoảng hoài.
Võ Di bà bà thấy vậy vội cất tiếng hỏi tiếp :
- Ông chủ họ Vương hãy mời bốn vị tiêu sư lại đây nói chuyện với già này.
Kính Thật vâng lời. Một lát sau sau Kính Thật đưa bốn tiêu sư lại, một người trong bọn mặt to tai lớn tuổi chừng bốn mươi, hai mắt lóng lánh có thần, hai Thái dương huyệt gò cao bước đi vững chãi, trông có vẻ là một người võ nghệ rất cao siêu.
Y đi tới gần chắp tay chào Võ Di bà bà rồi nói :
- Tại hạ Phương Trực Dân được tiếp kiến Bà bà ở đây thật vinh hạnh vô cùng, không hiểu Bà bà có việc chi chỉ giáo thế?
Thì ra Phương trực Dân là tổng tiêu đầu của Tứ Kiếm tiêu cục biệt hiệu là Đơn Kiếm Trấn Biển Nam, y người gốc Hợp Phì, nhà giàu có tính tình hào phóng hay giao du với các giang hồ dị nhân, là người của phái Hoa Sơn, hồi còn nhỏ y theo Kim Diện Bồ Tát chủ trì của chùa Quang Tế ở núi Cửu Hoa học võ, khi học thành tài về cùng ba người em kết nghĩa là Bát Quái Kiếm Vương Tam Lý, Đại La Kiếm Trương Đát, Giang Bắc Nhất Kiếm Tây Môn Dương lập Tứ Kiếm tiêu cục.
Mười mấy năm nay Tứ Kiếm tiêu cục lên bắc xuống nam vì chưa nhận được một món tiêu hàng nào lớn nào cả, nên cũng chưa bị lần nào nguy hiểm.
Lần này Kính Thật thấy Tứ Kiếm tiêu cục nhà cửa đồ sộ đoán chắc là nhà giàu có lắm mới nhận làm bảo tiêu. Trực Dân tuy nhận được món hàng này nhưng còn hồi hợp nhiều hơn Kính Thật nhiều. Vì vậy Tứ Kiếm mới cùng đi bảo tiêu một lúc là thế. Người trong bảo tiêu bao giờ đôi mắt cũng phải tinh thông và đôi mắt cũng phải sáng suốt nhận xét người. Nên tuy Trực Dân chưa đi dự đại hội ở núi Bạch Thạch, nhưng y đã nghe lời nói có mấy cao thủ trẻ tuổi xuất hiện và giết con thuồng luồng, lấy được vật báu của nó đi rồi.
Nên khi vào trong quán cơm này, bốn tiêu sư ấy đã lưu ý rồi tuy họ chưa gặp Phong Lan các người bao giờ, nhưng nghe mấy người chuyện trò và trông hình dáng của các người cũng đoán biết được phần nào.
Kính Thật sang nói chuyện cho anh em y hay, Trực Dân liền tỉnh ngộ ngay và y ngắm nhìn bà cụ liền đoan chắc bà ta thế nào cũng là Võ Di bà bà người nổi tiếng nhất trong giang hồ hiện thời.
Ai mà chả thích người ta tôn kính và khen ngợi. Võ Di bà bà tuy già nua như vậy cũng không sao tránh khỏi được thói quen ấy, bà ta nghe thấy Trực Dân nói như vậy hớn hở đáp :
- Phương tiêu đầu chớ nên khách khứa như vậy mau mời các vị sang đây nói chuyện.
Phương Trực Dân khiêm tốn một hồi rồi gọi ba người em kết nghĩa tới giới thiệu cho mọi người biết và chào Võ Di bà bà xong mới dám ngồi xuống.
Võ Di bà bà liền hỏi anh em Trực Dân trong tiêu cục có nhận được tin gì không và có biết nhân vật nào theo dõi mình không?
Trực Dân ngẫm nghĩ giây lát rồi đáp :
- Không dám giấu diếm lão tiền bối, phen này tại hạ được ông chủ họ Vương giao trách nhiệm nặng nề, nên trước khi lên đường đã giao cho người đi dò la tin tức nên tới giờ tại hạ vẫn chưa nhận được một tin tức gì xác thực cả. Nhưng theo sự xét đoán của tại hạ thì Cô Sơn trại ở Sào Hồ vị trại chủ Vương Chính Nghiêm đột nhiên chết, trong trại như rắn không đầu nên không ai dám ra ngoài kiếm ăn cả, hơn nữa bây giờ chúng tôi đã ra ngoài Sào Hồ rồi nên chúng không đuổi theo nữa đâu. Còn ở Trường Sa chỉ có Dương Thế Kiệt và Dương Thế Hùng, trại của hai anh em hắn thiết lập ở hai bên bờ sông, nhưng võ nghệ của tại hạ xuất thân ở Cửu Hoa Sơn rất gần Nhị Lương Sơn, vì vậy có quen biết anh em họ cho nên đối với những quãng đường này tại hạ cũng không lấy gì làm sợ lắm. Nhưng chỉ sợ quần hùng của hắc đạo từ núi Bạch Thạch trở về sơn tri, lúc đi qua nhỡ chúng hay biết ra tay cướp giật đấy thôi. Nếu quả có như thế anh em tại hạ không dám cam đoan là bảo vệ được vẹn toàn.
Phong Lan im hơi lặng tiếng đã lâu, bây giờ bỗng xen lời vào :
- Phương tiêu đầu cứ yên tâm, từ đây xuống miền Nam vừa thuận đường cho bốn người chúng ta, và tiền tài châu báu này lại dùng để cứu giúp dân nghèo, nếu có tên giặc nào mù quáng dám mưu mô cướp món tiêu hàng này, tất nhiên không khi nào lại chịu để yên cho chúng.
Bọn Trực Dân bốn người nghe nàng nói như vậy, yên dạ vô cùng, liền đứng dậy chắp tay vái chào cám ơn, Trực Dân lại nói tiếp :
- Tại hạ bốn người nếu được Bà bà với cô nương trợ giúp cho thế nào cũng được bình yên đi tới đích. Sau này...
Võ Di bà bà vội xua tay, không chịu để y nói tiếp, mà vội đứng dậy đỡ lời :
- Chúng ta đều là người trong võ lâm với nhau, Phương tiêu đầu hà tất phải khách khứa như thế? Chúng tôi đi trước vậy chúng ta tạm biệt ở nơi đây.
Nói xong bà ta đi ra ngoài trước.
Kính Thật ngồi cạnh đó, trông thấy Tứ Kiếm tôn kính bà như vậy biết bà ta thế nào cũng là một dị nhân, nên y yên tâm vô cùng. Y thấy mọi người định đi, vội chạy lên trả tiền, rồi quay lại cạnh Phong Lan thành thực nói :
- Sau này cô nương có gặp Long thiếu hiệp, xin chuyển lời hộ tiểu nhân, bảo tiểu nhân rất mong nhớ thiếu hiệp, và mời thiếu hiệp có rảnh đến tiểu điếm xem qua mới phải, như vậy tiểu nhân mới yên tâm. Tiểu nhân xin thay mặt mấy nghìn dân chúng Sào Hồ cám ơn thiếu hiệp.
Phong Lan nghe nói thở dài và nghĩ thầm: “Người muốn kiếm y ư? Chính ta cũng đang kiếm y đấy”.
Tuy vậy, miệng nàng vẫn ậm ờ nhận lời, rồi theo mấy người Võ Di bà bà đi luôn.
Từ lúc gặp Kính Thật đến giờ, Long Uyên không nói nửa lời, lúc này đứng dậy ra đi, khi đi qua Kính Thật, chàng không sao nhịn được liền ngừng chân nói với y rằng :
- Ông chủ Vương, trời lúc nào cũng phù hộ người hảo tâm. Ông chủ cứ chịu khó làm tiếp đi.
Nói xong, chàng không chịu đợi y trả lời, đã cùng Vân Tuệ đi luôn.
Kính Thật nghe chàng nói xong, y đã nhận ra đôi mắt và tiếng nói quen thuộc lắm, y ngây người ra, lớn tiếng kêu gọi :
- Long thiếu hiệp.
Y quay đầu lại nhìn thấy các khách hàng đang ăn tại đó đều tỏ vẻ hiếu kỳ chăm chú nhìn mình, còn có người lẩm bẩm thì thầm bàn tán, nhưng không thấy hình bóng của người ân nhân mình đâu cả.
Y thở dài một tiếng quay trở về chỗ ngồi, chúc phúc thầm cho ân nhân đồng thời y còn mong trong khi đi đường sẽ gặp lại ân nhân một lần.
Nói về Long Uyên vừa rồi đã dùng lời lẽ nhắc nhở Kính Thật xong chàng hối hận là không nên tiết lộ hành tung của mình cho Kính Thật biết.
Không phải là chàng sợ việc, mà sợ Kính Thật biết rõ mình sau này có gặp lại ở trước mặt Phong Lan y tiết lộ lai lịch của mình ra có phải là nguy tai không?
Nhưng lời đã trót nói ra không sao lấy lại được, chàng cùng Vân Tuệ đuổi theo Võ Di bà bà với Phong Lan.
Võ Di bà bà bàn tính với Phong Lan rồi nên vừa thấy Vân Tuệ, Long Uyên hai người đuổi tới liền đề nghị đi đường thủy.
Long Uyên với Vân Tuệ biết ý của bà ta định đi thuyền để theo sau thuyền của Kính Thật mà ngấm ngầm bảo vệ nên hai người không phản đối ý kiến đó.
Bốn người bán ngựa rồi thuê một chiếc thuyền và chờ thuyền của Kính Thật nhổ neo đi trước, bốn người mới ra lệnh cho người thuyền chài nhổ neo để theo dõi thuyền của Kính Thật.
Thuyền của bốn người có hai khoang ba người đàn bà ở vào khoang trước một mình Long Uyên ở khoang sau. Lúc thuyền bắt đầu đi Long Uyên không muốn để cho Kính Thật phát giác tung tích của mình chỉ ở trong khoang đứng gió nhìn phong cảnh ở trên bờ thôi, chớ không dám ra ngoài đằng mũi hay đằng lái.
Vân Tuệ cách biệt chàng mấy tháng bây giờ mới tái ngộ chỉ muốn vào khoang trong gần gũi với chàng để tâm sự.
Phong Lan biết hai người là một cặp tình nhân, một mặt nàng biết điều không muốn phá bĩnh hai người, mặt khác nàng có người yêu là Long đại ca rồi, nên không muốn chuyện trò với một đàn ông khác.
Vì thế Long Uyên đứng cạnh cửa sổ thấy Vân Tuệ tới gần đã khẽ oán trách nàng.
Chàng với Vân Tuệ khẽ chuyện trò với nhau, nhưng thấy Phong Lan đã lôi kéo con thú trong khoang ra lừa không ra lừa ngựa không ra ngựa để lên bờ, Vân Tuệ ngắm nhìn nàng ta rồi lại nhìn Long Uyên như hờn như giận nói tiếp :
- Hiền đệ chỉ được cái giả thật khéo lắm, Lan muội muội mỹ nhân xinh đẹp như thế này, mà hiền đệ không động lòng yêu tí nào, biết đâu trong bụng hiền đệ chả đang nhớ nhung nàng.
Long Uyên nghe Vân Tuệ nói như thế, giơ tay lên định thề và cải, nhưng Vân Tuệ đã kéo tay xuống tủm tỉm cười và nói tiếp :
- Thôi tôi biết tính của hiền đệ rồi, nhưng con nhãi này si tình lắm, còn đệ thì lại tuyệt tình không tiếc người ta tí nào.
Long Uyên thấy Vân Tuệ nói như thế nhưng mặt rất tươi tỉnh và đáng yêu chàng càng thắc mắc thêm không biết nàng nói thật hay là nói đùa để thử, nhưng chàng không hổ thẹn với lương tâm, nên bất cứ nàng nghĩ ngợi ra sao, chàng nghĩ ngợi ra sao, chàng chỉ biết nắm chặt lấy bàn tay Vân Tuệ hai mắt nhìn nàng tha thiết hỏi :
- Chị chỉ biết giúp người thôi nhưng chị nên rõ lòng tôi si mê như thế nào.
Vân Tuệ giật mình đánh thót một cái, hai má đỏ bừng cố ý nhắm nghiền hai mắt lại u oán lắc đầu tỏ vẻ không biết.
Long Uyên thấy vậy, càng nhịn không nổi nắm tay nàng khẽ kéo một cái.
Tuy Vân Tuệ là một vị cân quắc anh thư, công lực cao tuyệt, như lúc này hình như nàng không còn một tí hơi sức nào hết, bị Long Uyên kéo một cái, nàng loạng choạng mấy bước rồi té ngay vào lòng chàng.
Long Uyên ôm chặt lấy nàng, mũi ngửi thấy mùi thơm ở trong người của nàng tỏa ra, cảm thấy khoái chí vô cùng và quên bẵng hiện giờ mình đang ở đâu.
Vân Tuệ tựa vào ngực chàng, mắt lim dim như say rượu. Sự mong ước bấy lâu nay bây giờ mới được toại nguyện, tuy chỉ âu yếm giây lát thôi, nhưng nàng cũng cảm thấy thích thú.
Giây lát sau Long Uyên cúi đầu rỉ tai nàng khẽ nói với nàng tuy quá nhỏ nhưng Vân Tuệ nghe thấy hết và khoan khoái trong lòng là khác, nàng cũng thỏ thẻ tỏ bày tâm sự bấy lâu nay của mình cho chàng nghe.
Đến lúc này Long Uyên mới hoàn toàn biết rõ những nỗi khổ của Vân Tuệ môi mắt chàng cảm động và vui vẻ, một lúc chàng ngẩng đầu lên nhìn nàng.
Bốn mắt nhìn nhau, rồi nàng ứa mắt ra và nhỏ xuống hai má của chàng.
Đó là chàng mừng rỡ quá khóc chứ không phải là chàng đau lòng quá mà như vậy, Long Uyên không hiểu vội kinh hãi hỏi :
- Vân Tuệ sao thế?
Vân Tuệ thấy chàng có vẻ hoảng sợ, cười một tiếng an ủi :
- Hiền đệ, tôi mừng quá mới ứa nước mắt chứ không việc gì đâu.
Nói tới đó thấy chàng ngẩn người ra nhìn mình, hỏi :
- Tiểu đệ làm gì thế? Không nhận ra tôi hay sao?
- Chị Tuệ, chị quả là mỹ nhân đẹp nhất thiên hạ. Nếu tôi có phúc lúc nào cũng được gần gũi chị như vậy có phải là sung sướng biết bao không?
Vân Tuệ cười khì một tiếng, hổ thẹn quá cứ cúi gầm mặt xuống và nói tiếp :
- Không chịu đâu, hiền đệ đừng có cười tôi như thế.
Long Uyên khoái chí vô cùng, liền cười khanh khách.
Vân Tuệ cả kinh sợ tiếng cười của hai người kinh động đến Võ Di bà bà và Phong Lan nên nàng vội giơ tay ra bịt lấy miệng chàng và ra hiệu cho chàng đừng có cười to nữa, rồi nàng nói tiếp :
- Hiền đệ khoái chi hóa điên rồi đấy.
Long Uyên tinh nghịch há mồm cắn đầu ngón tay của nàng, nàng vội rút tay lại khẽ đánh một cái trả thù.
Long Uyên cố ý thè lưỡi ra một cái, rồi đáp :
- Đến ngày hôm nay, tôi mới nhận thấy câu “ngắm sắc đẹp, cũng thấy no” của cổ nhân, thật không sai tí nào.
Vân Tuệ càng khoái chí thêm và cũng hổ thẹn nữa vội đáp :
- Không biết xấu hổ, ai dạy hiền đệ nói câu này thế?
Long Uyên càng ngắm càng thấy nàng ta đẹp khôn tả và mùi thơm ở người nàng tỏa ra khiến chàng ngây ngất chịu không nổi, vội cúi đầu xuống hôn nàng.
Trống ngực của hai người đều đập thật mạnh, nên cả hai cũng nghe thấy tiếng trống ngực của nhau, Vân Tuệ nửa muốn kháng cự, nửa lại muốn để yên cho chàng hôn, sau cùng nàng đành nhắm mắt làm như không trông thấy gì hết.
Ngờ đâu khi miệng Long Uyên đụng vào môi của nàng, như một luồng điện dồn sang vậy.
Nàng cảm thấy khoan khoái hết sức và người cũng mềm nhũn như không còn hơi nào cả, rồi giơ tay ra ôm chặt lấy người chàng để ngực chàng đè vào ngực mình, như vậy ngực mới đập mạnh hơn, và đây là lần đầu tiên nàng cảm thấy mình hạnh phúc say sưa, rung cảm nhất trong đời.
Một lát sau, Vân Tuệ thở hổn hển, nàng trông thấy đối mắt chàng lóng lánh nhìn nàng cười khì một tiếng rồi đẩy chàng ra, dùng tay bêu xấu và khẽ nói rằng :
- Uyên đệ hay lắm, hà hiếp tôi.
Long Uyên giật mình kinh hãi, lại tưởng nàng giận thật, vừa hoảng sợ vừa hổ thẹn, khuôn mặt chàng đỏ bừng. Nàng thấy vậy không nhẫn tâm vội kéo chàng lại gần và an ủi rằng :
- Tôi nói đùa đấy, chưa chi hiền đệ đã ngẩn người ra như vậy rồi.
Long Uyên mới yên tâm ngồi xuống nắm lấy tay nàng đáp :
- Nếu là nói đùa thì không sao, nhưng chị đã làm tôi hoảng sợ một phen.
Vân Tuệ lại nói tiếp :
- Mới vắng mặt có mấy tháng, không hiểu hiền đệ đã học được ai mà lại biết làm những cử chỉ như vừa rồi và ăn nói rất giảo hoạt nữa, có phải thằng nhỏ họ Hổ nó dạy hiền đệ không?
Long Uyên ngạc nhiên hỏi lại :
- Chị Tuệ sao chị lại mắng người bạn tốt của đệ như thế, y...
Vân Tuệ cười nhạt một tiếng rồi nói tiếp :
- Người như thế mà hiền đệ còn nhận làm bạn ư, tôi còn đang định trách hiền đệ có mắt mà không ngươi, kết bạn với những tên khốn nạn ấy. Hiền đệ có biết không, tên khốn nạn ấy không những rất hẹp lượng và đầu óc lại xảo trá khôn lường.
Nói tới đó, nàng bèn kể chuyện mắt thấy tai nghe của mình ở Sào Hồ như thế nào cho Long Uyên hay, và nàng thấy Hổ Hùng ngông cuồng ích kỷ, nên mới lấy trộm bộ da con thuồng luồng và lên tiếng cảnh cáo, sau cùng nàng còn kể chuyện Hổ Hùng định hiếp dâm Phong Lan như thế nào cho chàng nghe nữa.
Long Uyên nghe Vân Tuệ vừa kể xong, vừa kinh hãi vừa tức giận, ân hận nói :
- Không ngờ Hổ Hùng lại là người có thú tính giảo hoạt đến như thế, bây giờ nghe thấy chị nói đệ mới biết đã uổng công tử tế với y.
Vân Tuệ thấy vậy không những không trách chàng thêm mà còn khuyên rằng :
- Việc đã qua rồi hiền đệ đừng bận lòng làm chi quý hồ từ giờ trở đi kết bạn phải cẩn thận một chút mới được.
Nói tới đó nàng sực nghĩ đến Phong Lan si mê Long Uyên như thế nào, bây giờ mình đã yên trí là Long Uyên không quên mối tình của mình, vậy mình không nhượng bộ thế nào Phong Lan cũng ôm hận suốt đời không sai. Vì vậy mà nàng một mặt mừng thầm thấy mình đã thắng thế đồng thời nàng lại thương hại cho Phong Lan, hơn nữa nàng đã nghĩ lại rồi, vì Long Uyên phải thừa hưởng dòng dõi của chín gia đình, trách nhiệm phải nặng và lớn lao, chàng thế nào cũng được chín vị lão tiền bối ở trong nhà thương yêu, như vậy không biết các vị bề trên có đồng ý để cho Long Uyên lấy một mình mình không, một con người ngoại quốc, nếu ta phản đối các vị tiền bối trong gia đình thì hiền đệ sẽ khó xử. Còn nếu để các vị trưởng bối chọn lấy thì không biết những người ấy có cảm tình với mình không?
Vì mấy nguyên nhân ấy, lúc mới gặp Phong Lan nàng đã có một khái niệm, sau lại thấy Phong Lan quý mình như vậy và mê Long Linh Vân đến thế, nàng lại càng muốn giúp cho nàng ta thêm.
Người đàn bà nào chả ích kỷ, nhưng bây giờ Vân Tuệ đã nghĩ ra được một cách thử Phong Lan, và nàng thấy địa vị mình đã ổn định, cho nên nàng không còn lo ngại gì nữa, vì thế nàng lại lên tiếng nói tiếp :
- Thấy Lan muội say mê thằng nhỏ xấu xí đến như vậy, nhưng không biết mê thật hay mê giả, Uyên đệ để tôi sang thử xem sao.
Long Uyên nghe nói có vẻ ngượng nghịu, vội nói :
- Hà tất chị Tuệ phải làm như thế, chúng ta đang yêu nhau sung sướng biết bao, sao bỗng dưng chị lại kéo nàng ta vào làm chi?
Vân Tuệ giả bộ hờn giận đáp :
- Việc này không việc gì đến hiền đệ, tôi đã có dụng ý rồi, nhưng hiền đệ cứ yên tâm, sau này hiền đệ có lợi chứ không hại đâu...
Long Uyên không tiện hỏi thêm, nhưng chàng vẫn cau mày lại hỏi nàng thử bằng cách nào. Vân Tuệ không nói rõ cách thử như thế nào cho chàng hay trước, Long Uyên hỏi thế nào nàng ta cũng không chịu nói, chàng liền nũng nịu nói tiếp :
- Chị không chịu nói thì thôi, tôi không biết đâu nhé.
- Hiền đệ chả là chủ một gia đình là gì, nên cái gì cũng phải hỏi hiền đệ chứ, dù tôi có lớn hơn hiền đệ thật, nhưng tôi cũng không dám vượt qua giới hạn của tôi.
Long Uyên thấy nàng nói như vậy khoái chí vô cùng, vôi giơ tay ra ôm chặt lấy nàng hôn. Vân Tuệ chỉ hơi kháng cự một chút thôi nhưng nàng đã nằm yên để chàng âu yếm.
Hai người chuyện trò cho mãi đến chiều hôm đó.
Võ Di bà bà với Phong Lan trông thấy Vân Tuệ đi vào khoang thuyền ở phía sau và còn khép cửa khoang lại hai bà cháu đành phải ra mũi thuyền để xem cảnh sông đồng thời rình rập xem có thuyền nào theo dõi mình không?
Võ Di bà bà là người rộng kiến thức hai mắt lại sắc bén không bao lâu bà ta thấy ba chiếc thuyền rất khả nghi. Ba chiếc thuyền ấy không có khoang và cũng không có mui, mỗi chiếc có hai ba người ngồi, người nào người nấy đều ăn mặc lối ngư phủ tay cầm lưới, tay cầm đinh ba làm như những người thuyền chài đang đánh cá vậy. Nhưng hành vi của chúng tránh sao khỏi được đôi mắt giàu kinh nghiệm của Võ Di bà bà, vì ba chiếc thuyền nhỏ ấy đã đánh cá thì phải đậu một nơi chứ, sao lại cứ đi theo xuống miền Nam hoài như vậy, hơn nữa người trên thuyền ấy thân hình ai cũng vạm vỡ, đôi mắt sắc bén thoáng trông cũng biết võ công của họ không cao thâm nhưng ít nhất mỗi người đã luyện qua vài năm võ công rồi.
Võ Di bà bà đã phát hiện ba chiếc thuyền nhỏ liên cười nhạt một tiếng không coi chúng vào đâu hết, rồi quay đầu lại nói chuyện với Phong Lan.
Phong Lan long bong suốt ngày quay đầu là thấy đôi tình nhân ở trong khoang âu yếm nhau, nghĩ đến chuyện mình nàng lại thấy càng đau lòng thêm, cho nên tuy nàng nói chuyện với Võ Di bà bà nhưng trong lòng chỉ muốn kiếm ai đánh một trận mới hả dạ thôi.
Nửa ngày sau, thuyền đi rất bình yên, nước sông lại không có sóng, cho tới khi trời sẩm tối, thì vừa tới thị trấn Du Khê mọi người liền cho thuyền đậu ở nơi đó.
Cho tới khi người thuyền chài gọi ra ăn cơm, Long Uyên với Vân Tuệ mới mở cửa ra, đi ăn cơm với bà cháu Phong Lan.
Cơm nước xong, Võ Di bà bà khẽ dặn Long Uyên rằng :
- Có lẽ đêm nay có giặc định cướp thuyền trước nhưng theo ý già này thì bọn này chỉ là giặc cỏ thôi. Long công tử cứ việc ngủ ngon, già với Lan nhi cũng đủ đối phó với bọn chúng rồi.
Long Uyên vâng vâng dạ dạ, mọi người chuyện trò giây lát rồi chàng đi vào khoang sau để nghỉ luôn.
Vân Tuệ với Phong Lan dắt tay nhau ra mũi thuyền chuyện trò, đột nhiên Phong Lan nghĩ ra một chuyện gì, bỗng kêu “ủa”, rồi nói :
- Xin lỗi chị nhé, em mãi nói chuyện với chị, quên mất một vị, có nên mời...
Vân Tuệ cười khì và trả lời rằng :
- Con nhỏ này lôi thôi lắm.
Phong Lan làm điệu xấu trêu Vân Tuệ và nói tiếp :
- Ối chà, chị tưởng em mù quáng hay sao mà không trông thấy, vậy thử hỏi cả trưa hôm nay chị gần gũi với ai thế?
Vân Tuệ tủm tỉm cười đáp :
- Em thử đoán xem trưa hôm nay y nói gì với chị nào?
Phong Lan lắc đầu tỏ vẻ không biết, Vân Tuệ nhìn nàng cười vẻ thần bí và nói tiếp :
- Em không biết ư, trưa hôm nay y ở trước mặt chị khen em đẹp như tiên nữ, ai trông thấy cũng phải yêu. Chàng còn nói...
Phong Lan mặt đỏ bừng chẩu môi đáp :
- Chị cứ đem em ra nói đùa như vậy, đừng nói em còn thua chị nghìn bội dù có bằng chị đi nữa, y cũng đâu dám trước mặt chị nói những lời như thế.
Nàng nói không sai vì Vân Tuệ với Long Uyên còn chưa là vợ chồng khi nào chàng ta trước mặt người yêu lại khen một con gái khác như thế không sợ người mình yêu tức giận hay sao, hơn nữa dù có vợ chồng đi chăng nữa, thì lại càng không dám nói như vậy. Nhưng Vân Tuệ vẫn làm ra vẻ thật thà và nói tiếp :
- Nếu em không tin, em cứ hỏi xem, y không những bảo em đẹp mà còn bảo em rất đáng yêu.
Phong Lan vẫn không tin bất đắc dĩ Vân Tuệ lại nói tiếp :
- Em có biết đâu, những người bề trên của y có chín anh em mà chỉ có một mình y là con thôi cho nên mỗi một vị bề trên đều mong có một đứa con dâu, tuy y là người phong lưu anh tuấn nhưng y tự coi mình là quá cao. Vì thế gia trưởng nhà y đã lựa chọn cho y mấy người rồi, nhưng y đều phản đối hết nên các vị gia trưởng đành bảo y tự đi tìm lấy.
Lần đầu tiên Phong Lan nghe thấy có chuyện kỳ lạ như vậy, nàng cứ trợn to đôi mắt lên lắng tai nghe.
Tuy Vân Tuệ biết rõ thân thế của Long Uyên nhưng những chuyện nàng vừa kể là do nàng bịa ra, nàng thấy thái độ của Phong Lan như vậy liền cười thầm, rồi cố ý thở dài một tiếng và nói tiếp :
- Không dám giấu diếm với hiền muội, tuy chị với y đã đính hôn rồi nhưng chị vẫn không ngăn cản y đi kiếm một người vợ khác, hơn nữa chị là người rất rộng lượng và thấy y là một nhân vật anh tuấn hiếm có trên thế gian này, nếu mình cứ độc chiếm thì sau này mình sẽ bị trời khiển trách cũng nên.
Phong Lan không đồng ý lời nói của Vân Tuệ, tuy vậy nàng cũng không phủ nhận vì Long Uyên đẹp thật, nhưng nói về phần đức thì không ai bằng được Long đại ca xấu xí của nàng. Vân Tuệ thấy nàng ta không bày tỏ ý kiến gì hết, lại nói tiếp :
- Em cũng là đàn bà, tất nhiên em cũng phải hiểu tâm sự của chị, chị không phải là người không biết ghen, nhưng chị nghĩ đến những người không quen với mình mà ở chung, thì chi bằng mình tìm một người bạn với mình có hơn không.
Vân Tuệ nói đến đây, thấy Phong Lan tin lời nói của mình rồi, nàng bỗng tỏ vẽ rầu rĩ u oán thở dài một tiếng.
Phong Lan muốn an ủi nàng, nhưng không biết dùng lời lẽ gì để an ủi nàng cả.
Sự thật thì cũng không nghĩ ra lời để an ủi Vân Tuệ thì đúng hơn, vì phần là người ngoại cuộc, phần là một cô bé chưa chồng, làm sao mà can thiệp vào việc hôn nhân của người ta được. Nhưng không phải là không có cách, nàng lại ngơ ngác thấy Vân Tuệ nói tiếp :
- Nếu em bằng lòng, chúng ta sẽ kết làm tri kỷ, chị cũng không coi em là người ngoài nữa đồng thời chị còn có một việc này muốn bàn với em nữa.
Phong Lan rất ngạc nhiên nhìn nàng một cái, Vân Tuệ liền rỉ tai nàng khẽ nói :
- Chị thiết nghĩ y với chị đều yêu em như vậy, nếu em vui lòng lấy y, thì không những y như lượm được vậy báu mà chị cũng mừng rỡ hết sức.
Phong Lan mặt đỏ bừng ngẩng đầu lên nghiêm nghị đáp :
- Được chị thương em như vậy em rất làm cảm động, nhưng em có nỗi khổ tâm riêng, đành phải phụ lòng tốt của chị.
Vân Tuệ nghe thấy nàng nói như thế khen ngợi thầm nhưng giả bộ không hay lại làm bộ ngạc nhiên hỏi :
- Có phải em có người yêu rồi không?
Phong Lan hai má đỏ bừng cúi đầu không nói năng gì hết.
Vân Tuệ lại hỏi thêm vài lần nữa nàng mới từ từ gật đầu.
VânTuệ cười thầm cố ý làm như mới vỡ lẽ như vậy nói tiếp :
- Có phải là Long Linh Vân đó không? Y xấu xí như vậy xứng sao được với em đẹp như tiên nữ thế này?
Phong Lan thấy Vân Tuệ khinh rẻ người yêu của mình có vẻ không vui vội đáp :
- Y xấu xí thật nhưng lòng tốt không ai sánh bằng, tiểu muội tuy hãy còn nhỏ, nhưng tiểu muội không yêu những người đẹp trai.
- Mỗi người có một chí hướng, em đã quyết tâm thì chị cũng không ép buộc nữa, chị chúc cho em toại nguyện thôi.
Phong Lan bỗng nghĩ đến Long đại ca không biết bây giờ chàng ở đâu, nàng rầu rĩ vô cùng, nhìn lên trời một hồi ứa nước mắt ra liền.
Đêm hôm đó Võ Di bà bà ngồi trên một cái ghế lớn vận công điều tức và bắt buộc Phong Lan với Vân Tuệ phải lên giường đi ngủ, hai người mỗi người có tâm sự riêng, làm sao mà ngủ được, nhưng không dám ngồi dậy, sợ Võ Di bà bà hay nên chỉ nằm trố mắt nhìn lên mui thuyền thôi.
Lúc canh ba, bốn bề đều im lặng, Võ Di bà bà đang ngồi yên trên chiếc ghế đột nhiên mở mắt ra nhìn thấy phía xa trong bóng tối hình như có thấp thoáng hai ngọn đèn. Bà ta lắng tai nghe động tĩnh hồi lâu, rồi bỗng nhanh như điện chớp bà ta phi thẳng lên trên bờ.
Vân Tuệ với Phong Lan thấy Võ Di bà bà đã nhảy lên trên bờ, liền ngồi dậy nhìn nhau cười và cùng rủ nhau nhảy lên trên bờ đuổi theo Võ Di bà bà.
Hai người đã đi tới nơi liền ẩn núp vào trong bụi cây, nhìn xuống dưới sông, thấy mặt sông thênh thang, lúc ấy Võ Di bà bà đang núp sau một tảng đá cách chừng ba trượng, Võ Di bà bà ẩn núp xong, liền quay lại ra hiệu cho hai nàng bảo cứ ẩn núp ở đấy, rồi giơ tay chỉ về phía sông, bảo hai nàng chú ý.
Như vậy đủ thấy bà ta đã biết rõ hai nàng theo sau rồi, Vân Tuệ kinh hãi thầm.
Mắt của Vân Tuệ sắc bén, nàng đã trông thấy phía đằng xa có ba chiếc thuyền đang bơi tới nhanh khôn tả và không có tiếng động gì hết. Nàng kinh hãi thầm, không phải kinh hãi vì thấy những người trên thuyền có võ công cao siêu mà kinh hãi vì tai của Võ Di bà bà sao lại thính như vậy.
Vì từ khi chỗ đậu thuyền cho tới đây, ít nhất cũng cách chừng năm dặm mà sao Võ Di bà bà lại nghe thấy tiếng động? Như vậy đủ thấy tai của Võ Di bà bà đặc biệt như thế nào.
Lúc ấy ba thuyền nọ đã tiến tới gần thuyền của Kính Thật đang đậu ở gần đó. Võ Di bà bà cau mày lại tiến thẳng vào trong bụi lau ven sông Vân Tuệ và Phong Lan cũng không chịu lép vế liền theo sau bà ta ngay.
Võ Di bà bà đi tới gần thuyền của Kính Thật rồi nhẹ nhàng lên trên cây cao.
Vân Tuệ và Phong Lan hai người cũng bắt chước bà ta ẩn núp trên một cây khác. Bỗng người trong chiếc thuyền kia, tưởng mình tới cướp thuyền của Kính Thật như vậy rất là kín đáo không có một người nào hay biết hết, chúng lẳng lặng đi gần thuyền của Kính Thật, một tên trong bọn ra hiệu một cái rồi tất cả đồng nhảy lên trên thuyền.
Ngờ đâu, chúng vừa nhảy lên trên thuyền một cái, ở trên cột buồm đã có tiếng cười sang sảng như tiếng thanh la vỡ. Tiếng cười ấy không những nghe rất đinh tai mà lại kêu khôn tả, nhất là lúc đêm khuya thanh vắng đột nhiên có tiếng cười này, không khác gì trời quang mây tạnh mà có tiếng sấm động khiến những người nghe mất cả hồn vía.
Người ở trong thuyền nghe tiếng cười giật mình kinh hãi, đã có người tay cầm khí giới nhảy ra quát hỏi :
- Ai đó?
Chín đại hán ở trong ba chiếc thuyền nhỏ cũng rút khí giới ra cùng tiến lên.
Võ Di bà bà cùng núp ở trên bờ cùng Vân Tuệ với Phong Lan đột nhiên nghe thấy tiếng cười kỳ lạ cũng giật mình đánh thót một cái.
Nhất là Võ Di bà bà lại càng kinh ngạc thêm vì từ lúc chập tối cho tới canh ba lúc nào bà ta cũng để ý lắng nghe, nhưng không hiểu người núp trên cột buồm này đã tới hồi nào mà bà ta không hay biết vậy đủ thấy khinh công của người này đã luyện tới mức thượng thừa rồi, bà ta lừng lẫy giang hồ hơn ba mươi năm trời chỉ thua có một mình Cô Độc Khách một kiếm thôi, mà bây giờ bà ta lại thấy có người có khinh công lợi hại như vậy, nên Võ Di bà bà không những kích động lạ thường, mà hổ thẹn là khác nhưng bà ta vẫn cứ lẳng lặng núp trên cây còn để xem họ đối phó với bọn kia ra sao?
Người đứng ở trên cột buồm thấy bọn giặc đã nhảy vào trong khoang thuyền liền nín cười và quát tháo :
- Đứng lại!
Tiếng quát ấy vừa dứt, trên đỉnh cột buồm đã có một cái bóng người đâm bổ xuống, khi đầu của người đó chỉ còn cách mặt đất có ba thước, chỉ thấy y múa tay múa chân loạn xạ một hồi, không hiểu y dùng thân pháp gì mà đã lộn được người trở lại, hai chân nhẹ nhàng đứng trên thành thuyền. Lúc ấy người ta mới hay y là một người ăn mày mặc áo xanh.
Lão ăn mày ấy mặt tròn trĩnh, mày dài mắt to, mũi sư tử rộng, tuổi trạc năm mươi vẻ mặt hòa nhã.
Lúc ấy người trong thuyền nhỏ đã nhảy cả lên quanh thuyền lớn kia. Người nào cũng mặc võ phục mặt bịt khăn đen, tay cầm khí giới, tên nào tên nấy đều rất hăng hái, nhưng lúc này chúng bỗng trông thấy trên đỉnh cột buồm có một người ăn mày già đột nhiên nhảy xuống, nên chúng cả kinh đều lui về phía sau nữa bước, mặt lộ vẻ hoảng sợ.
Ba người núp ở trên bờ đã trông thấy rõ người đó. Phong Lan kinh hãi kêu “ủa” một tiếng trước và khẽ nói với Vân Tuệ rằng :
- Sao Phả Cái cũng đến đây thế?
Vân Tuệ ra hiệu bảo nàng đừng lên tiếng rồi cứ chăm chú nhìn vào người Phả Cái, mặt lộ vẻ tươi cười và hình như nàng đã biết một chuyện gì vậy.
Phả Cái thấy mọi người đều sợ mình, liền trợn ngược mắt lên giận dữ dùng giọng mũi kêu “hừ” một tiếng rồi nói :
- Đêm khuya khoắt, các vị giáng lâm tệ thuyền mà không dám để cho người ta trông thấy rõ mặt của mình, chẳng hay có việc gì thế?
Bọn người kia biết Tiếu Diện Phả Cái đã khét tiếng giang hồ từ ba mươi năm về trước, sở trường nhất là môn Đàn Chỉ thần công.
Tính nết của Phả Cái rất chính trực, coi kẻ ác như thù, nên y là sát tinh số một của hắc đạo.
Đã hơn mười năm rồi y chưa hề ló mặt ra ngoài chốn giang hồ, ai cũng tưởng y đã chết rồi ngờ đâu trong cuộc đại hội đấu võ để tranh cướp lấy vật báu của con thuồng luồng trên núi Bạch Thạch lại thấy y xuất hiện tuy chưa giở tài ba nhưng mặt mũi hình dáng không hề thay đổi, đủ thấy võ công của y chỉ có tiến bộ thêm chứ không vì tuổi tác mà suy giảm chút nào!
Lúc này mọi người đột nhiên thấy Phả Cái xuất hiện ở trên thuyền hiển nhiên lão hiệp đã biết rõ mưu mô của bọn người bịt mặt kia nên cố ý nhảy ra cản trở.
Bọn người bịt mặt biết việc làm của chúng thế nào cũng đổ bể nhưng chúng cũng biết tính nết của Phả Cái, khi nào Phả Cái định giết người cười rất tươi như vậy không sao khuyên ngăn nổi y, trái lại mặt của ông ta lộ vẻ tức giận hay lầm lì thì không khi nào y ra tay giết người đâu! Vì thế bọn người bịt mặt thấy Phả Cái bỗng lịm nét cười chúng đã yên tâm được phần nào và chúng đoán chắc thế nào cũng có cơ hội để cho chúng thương lượng nên một tay cầm bút Văn Xương trong bọn bước lên một bước chắp tay chào rồi cười ha hả nói :
- Anh em tại hạ không biết lão tiền bối đi thuyền này nên mới mạo muội mà đến quấy nhiễu anh em chúng tôi tự biết có lỗi xin lão tiền bối thứ tha cho.
Nói xong, y tiến lên hai bước, đến chỗ cách Phả Cái chỉ còn ba bước thôi, y lại nói tiếp :
- Nhưng tại hạ với quần hùng miền Bắc nghe nói có một mớ châu báu do chiếc thuyền này chở xuống phía nam, anh em tại hạ sợ có cớ sự thất thố hay bị lục lâm của người miền Nam cướp bóc nên mới vội đi tới đây khuyên nhủ chủ nhân vài câu...
Phả Cái rất ung dung đứng ở giữa, hai mắt lim dim nhưng mặt vẫn không có vẻ tươi cười gì cả.
Người cầm bút Văn Xương thấy vậy mừng thầm cứ đảo ngược đôi ngươi nghĩ kế hoài.
Tám đại hán đứng xung quanh thấy Phả Cái với người đồng bọn của chúng đứng đối diện mà không hề cử động chút nào, chúng từ từ tiến vào giữa.
Vân Tuệ với Phong Lan thấy vậy đều lo âu thầm cho Phả Cái, vì hai nàng thấy bọn người kia có vẻ không sợ hãi gì tên tuổi của Phả Cái, trái lại chúng còn có ý xông lại vây đánh là khác.
Tên cầm bút Văn Xương một mặt muốn che lấp hành vi độc ác của mình một mặt ngấm ngầm dò xét xem sự phản ứng của Phả Cái ra sao? Nhưng y để ý thấy ông ta không nói cũng không cử động nên không hiểu ông ta đang có ý định gì? Nhưng món châu báu giá trị hàng lượng vạn bạc kia đang ở trước mắt đây, nếu vì sợ một mình Phả Cái mà bỏ chạy thì không những y không cam tâm và đồng thời y cảm thấy rút lui như thế thật là mất hết sỉ diện.
Y thấy người của y đã sửa soạn xong, liền đổi giọng hỏi tiếp :
- Nếu lão tiền bối ở đây bảo vệ mớ vật báu này, tại hạ dám chắc người của miền Nam không ai dám đến cướp giật đâu! Anh em tại hạ hộ tống tới đây coi như là đã làm tròn nhiệm vụ rồi, nếu lão tiền bối không còn điều gì dạy bảo nữa thì cho phép anh em tiểu bối cáo từ nhé!
Phả Cái cũng không trả lời và cũng không mở mắt ra nhìn, chỉ dùng giọng mũi kêu “hừ” một tiếng tỏ vẻ chấp thuận thôi, người nọ thấy vậy trong bụng chửi thầm hai tay giơ lên làm như vái lạy mồm thì đột nhiên quát lớn :
- Đi!
Y quát xong, không những không đi mà lại thừa cơ múa đôi bút Văn Xương xông lại tấn công chớp nhoáng vào hai tử huyệt ở trước ngực Phả Cái.
Cùng một lúc đó những người bao vây quanh đó cũng múa khí giới xông lại tấn công tới tấp.
Vân Tuệ có dụng tâm riêng và Phong Lan thì phẫn uất nhịn không nổi nên cả hai thấy tình thế như vậy không hẹn mà nên đã song song quát một tiếng rồi cùng nhảy xuống dưới thuyền tức thì.
Nếu theo lý mà nói thì bọn người kia công lực cao siêu như vậy lại đứng gần như thế mà cùng xông lại tấn công một lúc dù Phả Cái có là tiên trong lúc không phòng bị thương nặng chứ chẳng không.
Ngờ đâu Phả Cái rất khôn ngoan, bề ngoài trông ông ta không phòng bị gì cả nhưng sự thực ông ta đã ngấm ngầm vận công lực đề phòng từ lâu rồi. Cho nên khi bọn giặc vừa múa động đao kiếm xông vào tấn công, Vân Tuệ, Phong Lan vừa tung mình nhảy lên thì Phả Cái đã trợn to đôi mắt cười nhạt một tiếng rồi thì quát tháo :
- Quân chó má này khả ố thực!
Quát xong ông ta giở song chưởng lên vừa gạt vừa chộp vào thân hình của ông ta quay mấy vòng đã mất tích liền!
Chín người bịt mặt cả kinh thất sắc vội thu khí giới lại giơ lên bảo vệ đầu và mặt. Nhưng ngờ đâu chỉ trong nháy mắt hai đại hán đứng ở trước và ở phía bên trái của Phả Cái không những đã mất miếng khăn đen bịt mặt mà còn bị Phả Cái điểm trùng ngay vào yếu huyệt đứng đờ người ra không sao cử động được.
Thế là bảy người kia đều kinh hãi đến toát mồ hôi ngơ ngác nhìn xung quanh, nhưng chúng tìm mãi vẫn không trông thấy hình bóng của Phả Cái đâu cả, mà trên bờ thì đã có hai hình bóng mảnh khảnh vừa quát tháo vừa nhảy xổ tới.
Bảy người kia như chim vừa thoát khỏi bẫy, trông thấy bóng người thấp thoáng chúng chưa rõ người đó là ai, chúng cùng quát tháo và múa đao kiếm loạn xạ tức thì.
Nhưng đao kiếm của chúng tuy sắc bén thật mà không làm ảnh hưởng gì họ và chỉ thấy bóng người thấp thoáng và nghe tiếng kêu “lốp bốp”. Lúc ấy chúng mới thấy đau mới biết tên nào tên nấy đã bị người ta tát cho một cái thật mạnh. Khăn bịt mặt rớt xuống đất và răng trong miệng cũng rụng theo.
Lúc ấy trên mặt thuyền tiếng kêu la thảm khốc xen lẫn với tiếng “lốp bốp” không ngớt, tiếp theo đó lại có những tiếng kêu “lõm bõm”.
Thì ra ngoài hai người bị Phả Cái điểm trúng yếu huyệt còn bảy tên nọ đều bị đánh té xuống nước.