Tào Bằng ngồi trong phòng, tai nghe tiếng trống ngoài phố mà trong lòng đang suy nghĩ mông lung.
- Công tử, công tử?
- A, Sử lão đại, thật xin lỗi, ban nãy ta đang nghĩ tới một việc, vì thế…. Nào tới đây, chúng ta cùng uống rượu.
Sử A đã thay quần áo sạch sẽ, ngồi xuống ghế.
Đỗ Kỳ theo hầu bên cạnh, nhưng phần lớn gã chỉ lắng nghe chứ không nói gì.
- Công tử, hình như có tâm sự?
Tào Bằng ngấp một ngụm rượu, gật đầu nói:
- Ta đang nghĩ, đứa trẻ đó liệu có vì ngày hôm nay mà không gượng dậy nổi không, nếu như thế thì thật đáng tiếc.
Sử A nói:
- Ý công tử nói... tên Chu Bất Nghi kia sao?
- Đúng thế, cảm giác hình như hơi quá đáng.
Không biết tại sao Tào Bằng trở về nhà nhưng trong đầu luôn hiện ra bộ dạng hồn bay phách lạc của Chu Bất Nghi, lòng hắn có chút cảm thông, lại có phần thương xót, tuy nhiên cảm giác xâm chiếm nhiều hơn vẫn là sự giận dữ. Ghét nhất là đám người trốn phía sau ngấm ngầm giở trò hại người.
Nếu Chu Bất Nghi là người trưởng thành, có lẽ Tào Bằng sẽ không có nhiều cảm nghĩ như thế.
Thế nhưng….
Mười ba tuổi y đã tới Hứa Đô, liên tục khiêu khích gây chuyện.
Cho dù có ngày y làm nên chuyện nhưng những người đó sẽ giữ lại tính mạng y chứ? Dường như y đã phải gánh chịu sự thù địch của sỹ lâm thiên hạ trên đôi vai non nớt của một đứa trẻ mới mười ba tuổi. Nếu như những người đó thành công thì kết cục của Châu Bá Nghi cũng có thể đoán ra được.
Để làm dịu lại cơn phẫn nộ của sỹ lâm hoặc nói để che dấu bản thân mình, Chu Bất Nghi chắc chắn phải chết không nghi ngờ gì nữa.
Dù sao, những người mà y phải đối diện đâu có ai biết điều đâu?
Tào Bằng cười chua xót, nói với Sử A:
- Mặc dù Chu Bất Nghi rất đáng giận nhưng suy cho cùng vẫn chỉ là đứa trẻ. Những người mà ta căm giận, thực ra…
Hắn không nói rõ thực ra là cái gì.
Tuy nhiên bằng kinh nghiệm của Sử A cộng với trí tuệ của Đỗ Kỳ thì có thể đoán ra được manh mối.
- Công tử có tấm lòng nhân hậu, nếu đổi lại là ta, chắc chắn sẽ không cảm thương y.