Thật ra, thiếu phủ có hai chức quan rất đặc biệt. Một là thủy hành đô úy chuyên đôn đốc tạo khí giới, chế tạo thuyền; chức quan còn lại chính là chư dã đô úy chuyên giám sát, chế tạo binh giới, giáp trụ, cùng các loại thiết khí. Thủy hành đô úy hiện tại chỉ có hư danh, do thiếu phủ Lưu Diệp đảm nhiệm. Nhưng chư dã đô úy lại thật sự có thực vụ ở nha môn, vừa lệ thuộc thiếu phủ, lại vừa chịu sự quản lý của phủ Tư không.
Tuy nhiên, chung quy mà nói, chư dã phủ vẫn nằm dưới sự quản lý của thiếu phủ, hay ít nhất trên danh nghĩa vẫn phải nghe theo sự quản lý của thiếu phủ Lưu Diệp.
Chư dã phủ vì đặc thù công việc mà không được xây dựng ở Hoàng thành, được đặt riêng ở phía tây Hứa Đô, phía cổng Tú Xuân. Chư dã phủ rộng chừng bốn vạn mét vuông, cánh cổng lớn rất cao, hai bên đều có tượng đá bằng thú vàng cổ xưa.
Đi vào bên trong, tất cả các loại công việc của chư dã phủ đều được xử lý ở tiền đình.
Vào sâu thêm một chút, ở chính giữa Chư dã phủ là một tòa trung đường, mặt trước đặt một cái bàn Công Thâu, và một pho tượng bậc thầy Âu Dã Tử.
Lưu Diệp bình thường vốn không quản đến Chư dã giám, mà sau khi Chư dã giám được phong làm phủ, gã lại càng ít tới đây. Tuy nhiên, hôm nay, Lưu Diệp muốn tới tra một vài tư liệu. Bản thân gã cũng là một bậc thầy về cơ quan, bình thường tư liệu về các cơ quan đều được cất giấu ở trong thư quán trong Chư dã phủ. Chính vì thế, mặc dù ở nhà Lưu Diệp cũng có một tàng thư rất lớn, nhưng khi cần tìm các tư liệu chuyên sâu, gã đều phải tới Chư dã phủ.
Công việc của Chư dã phủ rất hỗn tạp.
Luyện kim loại cho cả nước và các loại khí giới quan trọng cần thiết đều phải được thông qua Chư dã phủ, rồi sau đó mới truyền xuống dưới.